Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 18, 2015

Châu Thạch - Đọc “Thề Non Nước” của Tản Đà


Nhà thơ Tản Đà


Châu Thạch

Đọc “Thề Non Nước” của Tản Đà 

THỀ NON NƯỚC
Tản Đà

Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi, không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non”
Nước đi chưa lại, non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.

Lời bình:

Với câu thơ mở đầu “Nước non vẹn một lời thề” tác giả đã tóm lược chủ đề của bài thơ là nói đến tính thủy chung. Hai hiện tượng biểu hiện chủ yếu của trời đất được thể hiện trong hình tượng nước và non. Nước và non thường là hình ảnh của tính cao rộng sau trời và biển, tính bền vững, tính keo sơn gắn bó. Ở đây nước và non trong bài thơ không những được nhân cách hóa thành hai nhân vật mà còn hóa thân hai nhân vật nầy có linh hồn cao ngang tầm với chính nó. Tiếp theo câu thứ hai “Nước đi đi mãi không về cùng non” chỉ sự phân ly giữa hai nhân vật vì hoàn cảnh bó buộc. Từ các chữ “vẹn một lời thề” đến các chữ “đi mãi không về” cho ta biết được hai nhân vật nầy vì hoàn cảnh ngang trái nào đó đành phải xa nhau nhưng lời thề hẹn ước vẫn còn giữ vẹn trong lòng. Qua câu ba và bốn “Nhớ lời nguyện nước thề non / Nước đi chưa lại, non còn đứng không” khẳng định giả thuyết nêu trên là đúng. Hai câu thơ ba và bốn cho ta hình dung bầu trời cao rộng, bát ngát của nước và non. Hình ảnh nước đi và non đứng trông theo gợi nhớ đến toàn thể những cuộc chia ly giữa đời người. Dùng hình ảnh nước và non làm nhân vật chính của cuộc chia ly, tác giả gởi được vào đó tất cả sự cao cả trong tính cách chia ly, nó thể hiện cho những mối tình lớn của con người với con người, thể hiện cho mối tình lớn của con người với tổ quốc hoặc thể hiện cho non sông với chủ quyền của dân tộc.

Sáu câu thơ kế tiếp tác giả tả về người trong sự khắc khỏai ngóng trông, những biểu hiện bên ngoài bày tỏ tâm can ngưởi ở lại:

Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha

Trong vế thơ nầy, người ở lại được tác giả tạc trong hai hình ảnh: Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh mình hạc xương mai chỉ vóc dáng hao gầy vì nhớ thương cũng như mái tóc mây vì ưu tư mà trở nên màu sương tuyết. Hình ảnh liên tưởng là hình ảnh thứ hai của rừng mai, của suối, của mây, của tuyết trên ngọn núi kia là những bức tranh sinh động tuyệt hảo hay đó là sự miêu tả một quần thể nước non vừa diễm lệ vừa trữ  tình mang nỗi buồn triền miên bất tận. Đọc đoạn thơ nầy với những hình ảnh của sông,  của núi, của suối, của ghềnh khiến cho những thắng cảnh trong thiên nhiên mơ hồ ẩn hiện trong ta, lòng ta cảm thấy được thích thú thưởng thức một bức tranh sơn thủy hữu tình buồn, đẹp mà tim ta lại co thắt vì nỗi nhớ nhung vừa đầy vơi vừa cao rộng xa vời là tâm tư của con người lồng trong cảnh vật. Đây là một đoạn thơ với những hình ảnh thường dùng trong Đường thi nhưng tiếng thơ lại trong veo, tinh khôi và song suốt như tiếng thơ của dòng thơ mới Tự Lực Văn Đoàn. Nhiều người cho rằng ở đây tác giả dùng “Non” để tượng trưng cho người nữ và câu thơ “Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha” khẳng định thêm cho điều đó vì “vẻ ngọc” thường nói về dung nhan nữ phái.  Cũng có thể,  “Non” chỉ tượng trưng cho người ở lại mà thôi và “vẻ ngọc” thể hiện cho thần thái tươi vui trên khuôn mặt khi nước và non còn đoàn tụ cùng nhau. Chữ “non” thường để thể hiện cho chí lớn, chí nam nhi. Vậy chữ “non” ở đây nếu không dùng cho người nam thì chỉ dùng chung cho người ở lại mà không phân biệt giới tính nào.

 Bốn câu thơ kế tiếp tác giả nhắc lại cụ thể lời thề giữa hai nhân vật Nước và Non:

Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa

“Non cao” thể hiện một mối tình rất lớn. “Tuổi vẫn chưa già” thể hiện một tình yêu luôn tươi thắm, trẻ mãi với thời gian. Câu thơ “Non thời nhớ nước, nước thời quên non” thì chữ “quên” không phải để chỉ sự phản bội của Nước mà để chỉ sự hy sinh của Nước tạm quên tình riêng của mình vì mãi mê đi theo một lý tưởng cao đẹp hơn. Hai câu thơ kế tiếp”Dầu cho sông cạn đá mòn / Còn non còn nước hãy còn thề xưa” chứng tỏ lập luận nêu trên là đúng.

 Nhiều người cho rằng vế chót của bài thơ là một đoạn kết có hậu của “Thề Non Nước” vì nước đã quay về cùng non. Cũng có người cho rằng, đọan cuối của bài thơ  chỉ là lời phủ dụ, lời phân tích của tác giả để an ủi sự đau buồn của nhân vật Non:

Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Còn non còn nước hãy còn thề xưa

Câu thơ “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn” có thể hiểu đây không phải là hình ảnh của sự đoàn tụ đầy niềm vui, bởi vỉ Nước trở về trong thể trạng khác xưa. “ Nước đi ra bể” là nước đã hoàn thành ước vọng, chính nó không còn quay về được nguyên hình. “Lại mưa về nguồn” là nước hóa thân trong dạng khác để quay về . Đây là lời an ủi khích lệ của người ngoại cuộc chỉ làm cho Non nhẹ lòng nhưng chắc chắn không làm cho Non vui lại được như xưa.  Chính câu thơ nầy làm cho “Thề Non Nước” trở nên éo le và buồn vô tận vì sự quay về của nước chỉ hy vọng mong manh trong những đám mây vần vũ, trong lời khuyên nhủ của người đến chia buồn, hoặc hiểu xa hơn nữa, mưa chỉ là linh hồn của nước đã ra đi, nay theo hư không quay về với núi. Sự quay về của nước chỉ có thể hiểu là sự quay về trong tâm tưởng của hai linh hồn hòa hợp cùng nhau, gặp nhau trong sự chung thủy tinh thần hoặc gặp nhau trong sự  thành công của  sự nghiệp lớn mà hai người hiến dâng tình mình cho nó. Chính vế thơ nầy xác minh cho lời “Thề Non Nước” là lời thề của những tâm hồn cao đẹp, hy sinh tình yêu trăm năm cho tình yêu lớn hơn và sự đoàn tụ là ý nghĩa còn nhau mãi mãi trong tinh thần nên đã trở thành “Nghìn năm giao ước kết đôi”. Câu thơ “Nước kia dầu hãy còn đi/Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui” nói rõ thêm sự phân ly giữa Non và Nước để thực hiện cho những điều tốt đẹp hay đúng ra cho đất nước, quê hương. Bài thơ được sáng tác trước, sau đó đưa vào truyện ngắn cùng tên cũng nói lên được phần nào ngụ ý của tác giả trong thơ. Ở câu kết tác giả nhấn mạnh “Còn non còn nước vẫn còn thề xưa” chứ không phải là “Vẫn còn gặp nhau”.  Hiểu như trên lời “Thề Non Nước” thêm lâm ly và cao đẹp. Ở một khía cạnh khác thì bài thơ có ý nghĩa bao trùm, cao xa của giáo lý nhà Phật. Lẽ vô thường có có, không không như dòng nước chảy dưới chân núi là có, chảy đi là không rồi mưa về là có, rồi lại chảy đi là không và cứ thế luân hồi. Chia ly, đoàn tụ rồi lại chia ly ngàn đời vẫn thế, cũng giống như nước trôi đi, nước bốc hơi quay về rồi nước lại trôi đi nhưng nước đã giữ  vẹn lời thề dầu trải qua cam go và dầu nước rơi ở đâu vẫn làm cho non ngàn đời ấm áp, cây cối mọc xanh tươi.

Bài thơ “Thề Non Nước” của Tản Đà sáng tác cách đây gần trăm năm đã làm rung động lòng người qua bao thế hệ:

Đọc thơ ta có thể hòa mình trong bức tranh sơn thủy hữu tình.

Đọc thơ ta cảm xúc với tình yêu keo sơn gắn bó của con người.

Đọc thơ ta cảm phục những con người chia tay ra đi vì sự nghiệp lớn lao, vì lý tưởng cao đẹp.

Đọc thơ làm bùng lên trong ta tình yêu thủy chung giữa nam và nữ, giữa người và gia đình, giữa ta cùng đất nước quê hương.

Đọc thơ  ta còn chiêm nghiệm thêm quy luật hợp tan trong trời đất, qua đó ca ngợi sự thủy chung và niềm tin là hai điều đơm bông kết trái cho hy vọng đạt được ước nguyện sau cùng.


                                                        CHÂU THẠCH

No comments: