Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, February 17, 2013

Thanh Trắc Nguyễn Văn - THU NGÀ

Tác giả THANH TRẮC NGUYỄN VĂN


        Viết tặng T.N.

Ta về quán gió chân đồi
Tìm mùa trăng lạnh cuối trời vàng sương
Tìm đâu cô giáo Hải Dương?
Dã quì Đà Lạt cứ vương vương buồn.

                   *
Kìa trăng ứa lệ mưa tuôn
Khóc ta tay trắng cạn nguồn nhân duyên
Đồi thông thổn thức chao nghiêng
Hồ Than Thở cũng muộn phiền nhớ em.

*
Thu xưa lá ướt vai mềm
Ai lang thang giữa những đêm trăng ngà?
Làn da trắng, nét mặt hoa
Câu thơ ngày ấy hóa ra dại khờ....

                   *
Thôi thì buông mảnh tình mơ
Tiễn em về với bến bờ em yêu
Còn ta với bóng trăng chiều
Hẹn Trương Chi thả sáo diều tương tư!

                                      Đà Lạt  2012                
                       Thanh Trắc Nguyễn Văn

READ MORE - Thanh Trắc Nguyễn Văn - THU NGÀ

Trần Bình - TANG BỒNG NỢ DUYÊN

Tác giả TRẦN BÌNH


Trăng đà chếch mái hiên cong
Tàn đêm thức với tang bồng nợ duyên
Nặng lòng cái nỗi nhớ quên
Chừng đem rót hết ưu phiền mà xanh

Cớ can chỉ tại lòng anh
Đắm mê buộc với mông mênh lạt mềm
Còn chi để nói đâu em
Những điều né tránh, mà nên lỡ làng…

Hình như đã quá muộn màng
Tôi đi chậm chuyến đò sang bến tình
Hình như là tại em xinh
Mà lay ánh mắt chùng chình buộc tôi

Trái ngang chi rứa ông Trời
Bến mô trong đục cho người đa đoan?

Cũng là một kiếp hồng nhan
Mà em bạc phận…, sao đành hả tôi
Thuyền duyên ngơ ngác nữa vời
Nghẹn ngào khóc giữa chơi vơi bãi bờ…

Tôi ngồi với những câu thơ
Chợt nghe đắng chát dại khờ thi nhân
Một u tình, một vương lân
Một tôi với cả một lần sẻ san…

Em về lạc phía thời gian
Đắng dòng cảm xúc, mờ tan bóng chiều
Ngập ngừng tôi nói lời yêu
Lại ngập ngừng với bao điều trở trăn…

Thế thôi, thôi thế cũng đành
Phận người khép mở, rách lành còn trang
Ta chia nhau chút đa mang
Một thương yêu, một dở dang, một đời…

Thôi thì em, thôi thì tôi
Tang bồng nợ chút duyên bôi lỡ làng…
Luyến lưu thêm sự bẻ bàng
Ta về ôm một bóng trăng lẻ tình!

Ơ hơ ơ ….hơ…
Oái ăm cái nỗi riêng mình!

                            TRẦN BÌNH
Gio Linh

READ MORE - Trần Bình - TANG BỒNG NỢ DUYÊN

TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI ĐẶC SẢN CỦA HAI BÊN BỜ SÔNG Ô LÂU ĐẾN PHÁ TAM GIANG - Nguyễn Văn Hiền


             Trước tiên, ta đi từ làng Tân Điền thuộc xã Hải Sơn, người dân ở đây trồng cây Chè đã từ lâu đời. "Chè Lương Điền” tuy trồng tại đất Lương Điền nhưng lại mang cái tên là "chè Mỹ Chánh", cũng ngang hàng với chè Truồi ở Phú Lộc - Huế, nước rất xanh và đậm đà, sau mỗi bữa ăn xong, uống vào một bát thì không có gì bằng. Người dân ở đây ngày nào cũng có chè để bán nhưng đến mùa thu hoạch rộ thì họ đưa đi chợ Mỹ Chánh, Ưu Điềm và nhiều nơi khác, đặc biệt là gánh đi bán rong cho các làng lân cận vào những ngày mùa thu hoạch lúa. Tờ mờ sáng là họ bắt đầu quang gánh ra đi rao bán từ làng Câu Nhi về tận làng Phú Kinh xã Hải Hoà, bán hết hàng là đi bộ lên, đoạn đường khoảng trên dưới 10km. Hiện nay chè Mỹ Chánh đưa đi khắp nơi, ra đến tận Thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà, Gio Linh, Vĩnh Linh ..., ngày nay thì phương tiện vận chuyển và đi lại thuận lợi hơn nên họ đưa đi bán bằng xe ô tô, xe đạp, xe máy.


Cây nưa
            Làng Lương Điền, còn có tên gọi dân gian là làng Kẻ Lạng, đối diện với làng Phước Tích và Mỹ Xuyên phía nam sông Ô Lâu thuộc tỉnh Thừa Thiên, có loại đặc sản là nưa. Cây nưa Lương Điền trồng theo từng vồng rộng độ khoãng 2,5 đến 3 mét, khi trồng xong họ ủ rơm và các loại lá cây để giữ độ ẩm cho cây. Loài cây nầy, khi thu hoạch, thân cây dài độ 40 đến 60 cm, mua về tước vỏ mỏng bên ngoài, thái ra nấu nhừ cùng với cá tràu, ăn với cơm rất là tuyệt. Củ của nó có rất nhiều đáu (củ nhỏ hơn) đeo quanh, mua về hấp chín, dùng dao gọt vỏ mỏng và ăn với muối ớt rất ngon, có khi ăn trừ bữa. Củ của nó để lâu được, vừa để làm giống cho vụ sau, số còn đem ra chợ bán, mua về nấu hấp ăn với đường cát rất bùi và ngon.

            Đi ra phía nam 1 km có làng Tân Trường xã Hải Trường.  Khoai lang trồng tại vùng đất pha cát của làng nầy có vị rất bùi và ngon, lúc thu hoạch, người dân đưa ra chợ bán, số còn lại trải giữa nhà để dành để ăn  hoặc làm giống cho vụ sau. Loại khoai lang nầy ngoài ăn ra còn chế biến các thức ăn khác như nấu canh, nấu la gu, ăn rất tốt cho sức khoẻ, theo đông y, người ta gọi là nhuận trường.

            Đi về làng Câu Nhi và làng Văn Quỹ có loại sắn,  ở Câu Nhi có sắn “Càng” vì làng này có một vùng đất trồng màu ở men sông Ô Giang, cạnh làng Văn Trị ở Văn quỹ có trưa đồng vườn (trưa là đất để trồng cây ngắn ngày như cây mạ, đậu, mè ...), khi chiếc má (nhổ mạ) cấy ruộng xong là trồng sắn. Vào những năm 1950 đến 1972, dân làng ưu tiên những vùng đất này để trồng sắn lúc thu hoạch, củ không lớn mà nhiều thân củ rất dài, hấp với cơm ăn rất dẽo và thơm, nếu ăn nhiều người thì phải bóc vỏ bỏ vào nồi nấu một lúc độ một tiếng đồng hồ là đưa xuống ăn với muối mè. Những ông bà già không có răng rất  thích ăn loại đặc sản này thì lấy mo nang của cây tre bỏ củ sắn vào, lấy cây gổ dập bẹp để ăn, thấy như vậy là đủ biết củ sắn Càng Câu Nhi và sắn vườn làng Văn Quỹ nó ngon và hấp dẫn đến chừng nào.

            Qua đò Ưu Điềm, đi vào động Thôn Niêm thuộc xã Phong Hoà và Phong Bình, ta bắt gặp  rất nhiều bàu nước gọi là động cát.  Làng Thôn Niêm, thôn Bàu có cây rau Tong, ngoài ra còn  có tên gọi là rau Bưng, rau Xục Xạc mọc dưới nước chảy quanh năm nên thân cây rất sạch, cây mọc tự nhiên, cứ đến mùa là dân làng đua nhau đi nhổ về đem ra chợ bán. Loại rau này ăn rất tốt cho tiêu hoá, mua về rửa sạch trộn thêm một số rau màu khác như rau cải, rau thơm, thân cây ném, rau ngò, lá quế, rau chắp (diếp) cá, dưa giá ...,  mỗi loại một ít, trộn đều, tuỳ theo người ăn để gia công chế biến, nước chắm thường dùng mở heo vằm nhỏ cùng với gia vị như mắm tôm "ruốc biển”,  mỳ chính, ớt bột, tất cả các gia vị nầy nấu như nấu canh nhưng hơi mặn, ăn với rau tong mới vừa và ngon. Ai đã sống ở các làng hai bờ sông Ô Lâu khi đi xa cứ nhớ loại rau đặc sản này. Nhà thơ Lê Đăng Mành ở làng Văn Quỹ đã cảm nhân viết bài thơ về "Rau Tong" như sau.

RAU TONG
Ngút ngàn độộng (1) cát Thôn Niêm
Đưới trằm (2) lấp lánh Mạ (3) tìm Rau Tong
Bồng bềnh rau lướt sóng đông
Rét run triêng gióng (4) Mạ còng lưng sương (5)
Phận nghèo rau cũng cảm thương
Chêm (6) cùng khoai sắn đoạn trường giêng hai
Đời con phiêu bạt trần ai
Cao lương thì kệ (7), nhớ hoài Rau Tong

      (Mùa rau tong đã về, thu Tân Mão - 2011)
LÊ ĐĂNG MÀNH 
CHÚ THÍCH
(1)-Độộng cát: cồn cát, gò cát
(2)-Đưới trằm: dưới bàu, dưới ao, hồ
(3)-Mạ: mẹ
(4)-Triêng gióng: quang gánh
(5)-Sương (động từ): gánh
(6)-Chêm: nêm, nhét thêm, kèm thêm.
(7)-Kệ: bỏ qua, xem như không có



            Chúng ta đi về qua đò ngang qua làng Ưu Điềm về làng Phù Trạch, làng Lương Mai rồi tới làng Phù Lai có tên gọi khác là Phong Lai, ở đây cũng đất pha cát, người dân ở đây trồng cây thuốc lá ngọn, đến mùa thu hoạch, họ phơi khô xâu lại thành từng xấp, cất lại, họ bán thường xuyên quanh năm tại các chợ từ Phò Trạch, Mỹ Chánh về tận Thanh Hương, Đại Lược, Thế Chí. Thương nhân họ mua bán rất dễ tính, vừa bán sĩ vừa bán lẽ, bán theo nhu cầu của người mua, có khi mua chỉ một lá để hút, họ cũng bán rất vui vẻ. Mặt hàng nầy họ đưa đi khắp nơi để bán, về tận các làng quê hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, loại thuốc lá nầy ở Thừa Thiên có làng Mỹ Lợi huyện Phú Lộc, ở Vĩnh Linh - Quảng Trị  có xã Vĩnh Thái, đều được người tiêu dùng rất ưu chuộng, khi hút vào đậm đà, thơm ngon và thàn (tàn thuốc) trắng. Riêng thuốc lá Phù Lai được xếp vào bốn loại hàng đặc sản mà có câu ca dao ở trong vùng rằng.

Nhất thuốc Phù Lai
Nhì khoai Tân Trường
Ba Nưa Kẻ Lạng
Bốn sắn càng Câu Nhi

          Từ làng Rào thuộc xã Phong Bình tỉnh Thừa Thiên đi về độ 4km là làng Thanh Hương chuyên trồng ớt trái. Cứ đến vụ thu hoạch, người dân làng hái quả đưa lên các chợ bán. Họ rất cẩn thận để nguyên cả cuống quả dùng cho dài ngày. Loại ớt nầy chế biến rất nhiều món, ngâm với muối hạt cho vào thẩu gọi là ớt chua, mua tươi về vằm thật nhỏ bỏ váo ít đường và ruốc tươi trộn đều ăn với cơm rất ngon, phần còn lại phơi khô đưa vào cối giả mịn mà ngày nay dùng máy xay nhỏ gọi là ớt bột để gia vị lúc chế biến các món ăn thường ngày. Hiện nay ở làng Thanh Hương,  dân làng trồng ớt quanh năm để bán ra thị trường.




TRỒNG THUỐC LÁ Ở LÀNG PHÙ LAI"PHONG LAI"
           Nói chung, các làng có các mặt hàng trên  trước tiên là do thổ nhưỡng của đất theo từng vùng phù hợp với từng loại cây để trồng cho năng suất và có giá trị kinh tế cao đã được người tiêu dùng công nhận là đặc sãn, nhưng tiếc thay làng Câu Nhi và Văn Quỹ nay không còn trồng sắn trên đất củ nửa và đã mất đi một mặt hàng giá trị mà đã bao đời ông cha ta lưu truyền lại. Các vùng đất trồng sắn ngày xưa nay đã có nước để trồng lúa hai vụ nên các  HTX nông nghiệp cho quy hoạch để bà con trồng lúa. Hiện nay, tất cả các làng quê thuộc hai bên sông Ô Lâu,  ngoài các mặt hàng đặc sản đó ra, người ta trồng rất nhiều rau, củ, quả như mướp đắng, mướp ngọt, bầu, bí đao, bí ngô ... cung cấp cho thị trường với số lượng khá lớn, quanh năm suốt tháng, ngày nào các chợ đều có hàng để bán theo nhu cầu của thị trường ./.
THUỐC LÁ PHƠI KHÔ XÂU THÀNH XẾP ĐỂ ĐƯA ĐI BÁN

GÁNH CHÈ MỸ CHÁNH ĐẾN BÁN TẬN TỪNG NHÀ


ỚT TƯƠI VÀ NGÒ



MẮM TÔM CÒN GỌI LÀ RUỐC BIỂN



RAU TONG  (PHOTO: NHƯ KHOA &VĂN HIỀN)


RAU TONG VÀ NƯỚC RUỐC CHẤM KHI ĐÃ CHẾ BIẾN  XONG

Viết bài: Nguyễn Văn Hiền
Văn Quỹ
READ MORE - TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI ĐẶC SẢN CỦA HAI BÊN BỜ SÔNG Ô LÂU ĐẾN PHÁ TAM GIANG - Nguyễn Văn Hiền

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ: BÀI CA SỐNG MÃI - Nguyễn Hồng Trân

Nhạc sĩ La Hối


             Bài ca “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” của nhạc sĩ La Hối (*) đã tồn tại hơn nửa Thế kỷ rồi mà vẫn còn tươi nguyên âm điệu ngày xuân trên quê hương đất nước. Từ tuổi niên thiếu ở Huế (lúc 7-8 tuổi), tôi và các bạn cùng trường phổ thông hồi ấy (1945) đã hát ca khúc này một cách say sưa, hào hứng, rộn ràng, với tình cảm lai láng theo dòng ca từ trong bài hát rất nồng nàn trẻ trung như hiện lên trong trời đất cảnh mùa xuân tươi đẹp.

Giờ đây, tóc tôi đã bạc phơ, tuổi hạc đã xế chiều, nhưng tâm hồn tôi vẫn thanh xuân và mỗi lần xuân về tôi cứ hát đi hát lại bài đó và thấy mình như ngày xưa tóc còn đen, thấy đời mình như trẻ lại. Vợ chồng và cả nhà các con cháu chúng tôi cùng đồng ca bài ấy một cách vui tươi thích thú.

Trong hai đoạn  đầu của lời ca đã rung động lên nguồn cám hứng khi mùa xuân đến làm rạo rực lòng người chìm đắm cùng vui trong vườn hoa xuân:

Ngày thắm tươi bên  đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa .

Rồi hai đoạn tiếp theo như vẽ lên quang cảnh ngày xuân tươi hòa vui với đất trời cùng lòng người mê đắm reo ca:

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi

Xuân thắm tươi, én tung bay c
ao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi.
 

Tiếp theo ba đoạn cuối, tác giả cứ nhấn mạnh lời ca với giai điệu nồng cháy với cụm từ  luyến láy điệp khúc rộn ràng hân hoan liên tiếp như mùa xuân tưng bừng mãi mãi với lòng người đón chào xuân sang.

Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái
!

Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái

Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca,
Xuân tưng bừng ...

Xin cám ơn nhạc sĩ (Liệt sĩ) La Hối đã để lại cho thế hệ chúng tôi và những thế hệ nối tiếp theo sau một bài ca xuân tuyệt vời. Đồng thời chúng tôi cũng cám ơn những ca sĩ từ trước tới nay đã nhiệt tình đem giọng ca vàng ngọc của mình cống hiến cho bao người dân Việt một giai điệu hòa với lời ca nồng nàn vui tươi khi mùa xuân đến. Đó là những ca sĩ như: Tân Nhân, Tường Vy, Nhã Phương, Đoan Trang, Hồng Ngọc, Cẩm Vân, Diễm Liên, Thanh Thúy, Minh Tuyết, Thu Giang, Anh Tuấn Hò Bích Ngọc, v.v…

Xuất phát từ lòng biết ơn nhạc sĩ và các ca sĩ thể hiện bài “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”, tôi cảm xúc làm mấy câu thơ xin gửi tặng quý vị:

La Hối- “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” vui
Tưng bừng rộn rã tiếng reo cười
Bầu trời trong sáng mừng năm mới
Mặt đất xanh tươi ấm cuộc  đời !...
                            Nguyễn Hồng Trân

Ngày nay, tuy nhạc sĩ La Hối đã không còn nữa nhưng bài hát “Xuân và tuổi trẻ” của ông vẫn mãi mãi vang vọng vui tươi mỗi độ Tết đến xuân về trên đất nước ta. Ngày xuân, nghe bài “Xuân và tuổi trẻ” của La Hối càng làm cho lòng người ấm cúng, thanh thản, tươi vui và cũng là lúc mọi người tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh của mảnh đất Hội An.
                                 
***
Chú thích (*):
       Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, còn có tên gọi là La Khai. Ông sinh năm 1920, tại làng Minh Hương, Hội An. Tổ tiên ông vốn người Quảng Đông, Trung Hoa. Thuở thiếu thời do sống trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nên La Hối đã bộc lộ được khả năng đặc biệt về âm nhạc qua nhiều ca khúc sống động, vui tươi, đặc biệt là những bài hát của thế hệ thanh niên. Hơn thế nữa, ông còn chơi thông thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau, kể cả nhạc cụ mới của phương Tây.
Vào năm 1940, ông được đưa vào Chợ Lớn để học tập. Sau khi tốt nghiệp, ông lại được đưa sang Quảng Tây, Trung Quốc để được đào tạo chuyên sâu. Dến mùa thu năm 1942, ông lại trở về Hội An, Việt Nam. Trong thời gian này, ông tổ chức dạy đàn và thành lập Hội Yêu âm nhạc và tham gia hoạt động cách mạng chống phát xít Nhật. Giai đoạn này nhiều người sáng tác nhạc trẻ ở Hội An cũng như ở Quảng Nam, được ông dìu dắt như La Xuân, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh,…
Lúc bấy giờ giặc Nhật truy bắt gắt gao những người tham gia chống Nhật. Trước tình hình nguy cấp ấy, La Hối phải chạy sang Lào. Nhưng do yêu cầu khẩn thiết đặt ra cho thanh niên Hoa kiều lúc đó, nên ông phải quay trở lại Hội An. Không may tổ chức người Hoa chống Nhật ở Hội An bị lộ, ông và một số đồng chí đã bị rơi vào tay giặc Nhật. Sau khi bị tra khảo dã man, ông cùng 9 đồng chí khác bị thảm sát dưới chân núi Phước Tường, vào ngày 2-4-1945. Năm đó ông vừa tròn 25 tuổi. 26 năm sau khi chiến sự bình yên, hài cốt của ông cùng với các đồng đội đã được đưa về mai táng tại khu Thập mộ liệt sĩ, sát cánh Thanh Minh đình của người Hoa ở Hội An. Hiện nay ông được thờ tại gia đình và tại Trung Hoa Hội quán ở Hội An.
Bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ” của ông đã sáng tác vào giai đoạn Hội yêu âm nhạc ở Hội An tổ chức chống Nhật. Và đây là bài ca cuối cùng trong cuộc đời của La Hối. Nguyên gốc bài hát này do một người bạn học của La Hối là Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hoa, có tên: ‘Thanh niên dữ thanh xuân” nghĩa là Thanh niên và thanh xuân. Sau đó Diệp Truyền Hoa lại đổi tên bài này thành “Thanh niên dữ Xuân thiên” nghĩa là Xuân và tuổi trẻ.
Năm 1946, trong khi cũng đoàn ca múa nhạc Anh Vũ đến Hội An biểu diễn, sau khi nghe bài “Thanh niên và Xuân thiên” của La Hối, nhà thơ, nhà đạo diễn Thế Lữ đã xin phép gia đình và viết lời Việt cho bản nhạc trên (lời Việt mà lâu nay chúng ta đã hát). Không những thế, Thế Lữ còn cho đoàn nhạc công trong đoàn phối nhạc và biên đạo múa biểu diễn bạn nhạc này tại phố cổ Hội An với sự tham gia của nhiều thiếu nữ Hội An lúc bấy giờ. Ngoài ra, để tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa, trẻ tuổi này, nhạc sĩ La Xuân đã viết bản nhạc “Mộng Doãn Chánh” nghĩa là mơ về Doãn Chánh (tức La Hối). Sau này được dịch là “Hội An ngày về”. Dây cũng là một bạn nhạc gây ấn tượng đối với người Hội An, Quảng Nám nói chung, người Hoa ở Hội An nói riêng.
Hiện nay các di cảo của cố nhạc sĩ La Hối được bà con thân tộc họ La ở Hội An trân trọng gìn giữ. Trong đó người giữ được nhiều di cảo và kỷ vật nhất là nhạc sĩ La Gia Quảng, người cháu ruột của cố nhạc sĩ Doãn Chánh.
                 
Nguồn trích từ Tạp chí “KTNN” số 705 (10-3-2010), bài của Tống Quốc Hưng    

READ MORE - XUÂN VÀ TUỔI TRẺ: BÀI CA SỐNG MÃI - Nguyễn Hồng Trân

ĐÂY RỒI BA NHỊP CẦU QUAN! - Phan Kỷ Sửu



Mình lại xuống dốc Tòa bên nhau
Sao mỗi bước cứ ngại ngần em nhỉ?
Kia rồi ba nhịp cầu Quan ngày nào
Chợt trẻ lại như khoảng trời đô thị

Ba nhịp cầu khoác áo mùa xuân
Đôi bờ rạch lại gần nhau rồi đó
Chợt nghe đời mình bỗng dưng bé nhỏ
Chiều tan trường qua phố nắng phai dần

Em dừng lại một bên đường đi bộ
Chảy qua cầu dòng rạch nhỏ trong xanh
Đâu những bóng ghe chài giăng lưới cá
Mái nhà sàn nghiêng sóng nước lung linh?

Mình qua phố Tây Ninh sao lạ lẫm
Vết rêu phong trăm năm cũ xa rồi
Những tầng mới lưng trời nhìn đăm đắm
Phải không em như một giấc mơ thôi!

Mình lại qua cầu Quan đông vui
Như là chợ hoa xuân ven bờ rạch
Nép vào anh, em, một cánh hoa đời
Còn hoa nào hơn giữa nghìn hương, nghìn sắc ?

Ngày xưa cầu đưa ta gặp tình đầu
Giờ lại dẫn ta đi tìm kỷ niệm
Cầu, nhân chứng của bao lần hò hẹn
Mình biết ơn mà biết nói làm sao?

Mình lại lên đốc Tòa bên nhau
Cầu phía sau lưng mà lắng trong tiếng thở
Nếu không có ngày xưa thì có gì để nhớ
Để  muôn đời yêu tha thiết cây cầu !...

                                     Tháng 2-2013
                                   PHAN KỶ SỬU

READ MORE - ĐÂY RỒI BA NHỊP CẦU QUAN! - Phan Kỷ Sửu

NÚI XUÂN - NHỚ ƠI HIẾU THIỆN ... - thơ Vân Trinh


NÚI XUÂN

Núi xuân như gái chớm xuân thì
Tìm lại nao nao mỗi bước đi
Ghé động cũ thương ngày vất vả
Thăm rừng xưa nhớ thuở gian nguy
Mưa bom khó thử lòng trung hiếu
Bão đạn nào lay sức diệu kỳ
Muôn thuở chiến công ngời sử đỏ
Tự hào biết mấy dáng uy nghi.

                                VÂN TRINH


NHỚ ƠI! “HIẾU THIỆN” * NGÀY  NÀO
(Thân tặng Q.H)

Trường yêu ơi! Nhớ, nhớ làm sao!

Ven cổng xanh rêu, những bóng dầu..
“Hiếu Thiện” nhắc hoài mùa phượng cuối
“Quang Trung” gợi mãi phút ban đầu..
Đâu làn tóc bạc nghiêng thềm vắng
Và  áo mây trời rợp ngỏ sâu ?
Có lẽ chỉ dòng lưu bút tím
Còn nguyên ngày cũ chằng phai màu .

                                     VÂN TRINH

__________   

  • "Hiếu Thiện" tên cũ của Trường THPT Quang Trung
READ MORE - NÚI XUÂN - NHỚ ƠI HIẾU THIỆN ... - thơ Vân Trinh