Tác giả Trường Hải (Lê Văn Đông) là một nhà giáo xứ Nghệ về
hưu vừa gởi tặng VNQT tập tin chứa một cuốn sách nhỏ nhan đề là SẠN NGƯỜI gồm
trên 15 bài bút đàm, tản văn của anh về những vấn đề xã hội “để các thi hữu,
văn hữu cùng xem, chia sẻ, sủ dụng được bài nào thi càng quý, âu góp thêm tiếng
nói nhỏ nhoi cho cuộc đời, hầu mong nó tốt đẹp hơn.”
VNQT xin cám ơn của
tác giả và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Tháng 8 năm 2011
LỜI TỰA
Tôi gốc gác xuất thân từ nông dân, một vùng quê nghèo xứ
Nghệ. Quê tôi có một thứ “đặc sản” nói ra chẳng vinh dự gì, trái lại còn mang
dấu ấn của một vùng đất nghèo nàn, lam lũ là “nhút Thanh Chương”! Con người quê
tôi mộc mạc, thẳng thắn, không biết làm
duyên, che dấu mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cho dù đi tới đâu vẫn mang đậm chất
Thanh Chương “thẳng ruột ngựa”, “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” của mình.
Tuổi thiếu thời, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi
được cắp sách tới trường, vỡ nghĩa văn chương từ những năm đầu tiên của thập
kỷ 60 của thế kỷ XX. May mắn hơn một số
bạn bè khác, tôi học hết bậc phổ thông năm 1971.
Không biết nên nói là may hay không may: Tôi dính nghiệp văn
chương từ hồi còn học cấp 3, cũng đi thi, cũng tập sáng tác như ai. Sau này tôi
đi theo ngành sư phạm, khoa Ngữ văn. Từ đó làm ông giáo trường huyện cho đến
lúc nghỉ hưu.
Thi thoảng tôi thích cầm bút làm thơ, viết chuyện, viết tiểu
luận phê bình, giới thiệu văn chương. Nhưng rồi chuyên môn nghề giáo quá bận
rộn, ít khi thư thả, ngẫm nghĩ để viết văn, rồi lại thôi. Tôi cứ ước đến một
lúc nào đó thật tự do, không bị ràng buộc hành chính sự vụ mình sẽ viết thoải
mái những điều mình thích, mình nghĩ, mình tích luỹ, chiêm nghiệm trong gấn 60
năm cuộc đời. Cầu được, ước thấy, đến nay tôi được nghỉ hưu sau hơn 33 năm làm
nghề dạy học. Tôi thật sự cảm nhận và thấm thía hai từ “tự do” hoàn toàn.
Tôi không giám so sánh với những người thành đạt mà chỉ lấy họ để làm gương mà phấn đấu. Ông Mạc Can, cả đời làm diễn viên hài kiếm sống, mua vui thiên hạ, đi khắp dưới gầm trời, học trường lớp được ít nhưng học trường đời được nhiều. Khi ngoài 60 tuổi, cầm bút viết văn, Mạc Can trở thành “cây bút trẻ” với vài ba tiểu thuyết được giải chỉ tròn vòng 4, 5 năm lại đây.
Một người bậc chị đồng hương tôi, trong chống Mỹ cứu nước đóng góp tuổi thanh
xuân cho đất nước, hi sinh cả tình yêu đẹp nhất của mình. Hết chiến tranh trở
về đời thường, lam lũ, cô đơn tuổi già, vớt vát hạnh phúc không trọn vẹn. Chị
viết văn theo cảm xúc đời mình, tiếng gọi lương tâm, thế rồi chị trở thành
người nổi tiếng lúc nào không biết khi tác phẩm được in thành sách, chuyển thể
thành kịch bản phim.
Tôi thì nghĩ khác, mình cứ mạo muội ghi lại thành những gì
mình nhớ, mình thích, mình muốn để lưu lại trong cuộc đời mình. Thế thôi!
Đó âu cũng là động cơ, mục đích tôi viết cuốn sách này.
Mùa thu Kỷ Sửu 2009
TRƯỜNG HẢI
“ĐÔ MÔN GIẢI TỔ CHI NIÊN”
(Thơ Nguyễn Công Trứ)
Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” (theo thể ca trù hát nói) của
Nguyễn Công Trứ được ông sáng tác năm ông tròn 70 tuổi (1848) được nghỉ hưu sau
mấy chục năm thoả chí tang bồng của đấng nam nhi. Ông có quyền ăn, có quyền
nói, có quyền ngất ngưởng trong triều, dưới gầm trời, quả là người hiếm từ xưa
đến nay bởi ông có thực tài hơn người, có bản lĩnh, lịch thiệp, cao đạo.
Trong bài thơ có câu “Đô môn giải tổ chi niên” có nghĩa là “năm nay dưới cửa công quyền được trả áo mũ để nghỉ ngơi, an trí”. Đó là một mốc
lớn trong đời người của Nguyễn Công Trứ và cũng của người đời xưa đến nay hết
thời hành sự được tự do hưu trí nghỉ ngơi.
Câu thơ đó ứng với tôi năm 2009 – sau 33 năm trong nghề dạy
học.
Tuổi học trò phổ thông tôi rất thích vẽ. Tự mình mày mò vẽ
tranh phong cảnh; vẽ chân dung các lãnh tụ. Có khi tôi còn táy máy nặn tượng
bằng đất sét hoặc các loại quả thủ công. Năng khiếu thui chột đi vì không được
ai kèm cặp, chỉ bảo và hướng nghiệp cho cả. Cũng thời học phổ thông, tôi võ vẽ
sáng tác thơ ca, hò vè theo phong trào báo tường của trường, của lớp, của địa
phương phát động. Cái hứng thú, cái nghiệp này còn đeo đẳng tôi dài dài cho đến
tận ngày nay.
Tôi làm nghề dạy học cũng là sự ngẫu nhiên, tình cờ, chứ khi làm hồ sơ hướng nghiệp, tôi không làm nguyện vọng vào trường sư phạm. Số là thế này: Tôi thi khối C đăng ký thi vào trường đại học tổng hợp văn Hà Nội, vì tôi thích nghề nghiên cứu, sáng tác.
Năm đó thi đậu vào trường, nhưng chiến tranh chống Mỹ đang ở
giai đoạn ác liệt nhất (1972) nên một số tân sinh viên quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh
được chuyển vào học đại học sư phạm Vinh. Tôi ở trong số đó và nghiễm nhiên học
nghề dạy học.
Năm nay sau tròn 33 năm dạy học tôi xin nghỉ hưu sớm theo
Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ. Thế là đủ, là vừa, tôi không muốn gắng thêm
nữa. Tôi muốn nghỉ ngơi một tý, muốn thực sự tự do làm gì theo mình muốn mà từ
trước đến nay bận bịu hành sự chưa có điều kiện để làm được.
“Của đời, người thế, nước non tiên” mà! Tiền của chừng nào
cho vừa nhưng có tiền của nhiều chưa chắc đã mua được tự do thật sự theo đúng
nghĩa của nó. Trên đe, dưới búa lại còn phải làm gương nữa nên mệt lắm. Vì thế
tôi quyết định “Đô môn giải tổ chi niên” nhằm vào ngày 01/9/2009.
Tôi thích câu thơ của Nguyễn Công Trứ là như vậy đấy!
“MẶC AI TÔM TÉP, MẶC AI Ù”
(Ngạn ngữ)
Câu ngạn ngữ, theo tôi hiểu nôm na là: mặc ai chơi bài tổ
tôm, ù thông tôm thắng lớn thì kệ họ, mình bình thản, chẳng bận tâm làm gì. Hay
ta có thể hiểu một cách khác: mặc người đời bươn chải, xông xáo, mánh lới làm
đủ loại công việc để vinh thân hoặc trục lợi…còn mình tự hài lòng sống bình
thản, thanh tao, không vướng bận gì cả.
Đời người là một cuộc chạy đua với thời gian, với công việc,
với kinh tế và với cả danh dự, địa vị nữa. Tôi cũng không thoát khỏi quy luật
đó trong mấy chục năm hành sự trong cuộc đời này. Kể ra mệt thật!
Nhìn lại thành công cũng có và thất bại cũng có. Thất bại có
khi do mình chưa tài giỏi, có cá tính không chịu sửa chữa cho hợp với “người
đời”; có khi do khách quan đưa lại nhất là khi gặp phải “xếp” kỵ mình, không
hợp mình rồi họ tìm cách ngáng trở mình.
Sự đời là vậy, buồn vui như một tấn trò đời. Tốt nhất là mình biết giữ
mình, chờ cơ hội tìm con đường tĩnh lặng, nhẹ nhàng nhất, chấp nhận sống thanh
tao, đạm bạc, tìm lại chính mình trong khoảng trời tự do. Vì vậy tôi lấy làm
thích khi nhẩm đọc câu “ Mặc ai tôm tép, mặc ai ù”.
Bây giờ tôi thực sự thành người tự do rồi. Mình muốn thức,
muốn ngủ, muốn ăn, muốn viết, muốn đi chơi đều tự quyết cả. Nghĩ mà sợ nhất sự
ràng buộc của những ngày hành sự. Tính phóng khoáng như danh nhân Nguyễn Công
Trứ sinh thời phải kêu rằng “ Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”, “ Được, mất, có,
không, lên voi xuống chó”, mình định được ít, xã hội định đoạt thì nhiều.
Tôi thành người nhởn nhơ rồi.Từ nay không phải lo hồ sơ,
giáo án, thanh tra, kiểm tra nữa rồi. Tiếng trống trường một thời nôn nao kỷ
niệm và thon thót giật mình nay chỉ còn là những dư âm xa xăm.
Thủ tục hành chính của ta hiện nay còn rườm rà lắm, tuy có
cải cách nhưng vẫn hình thức, nhiêu khê,
phiền hà như ai đã chiết tự dí dỏm theo lối tách từ “hành là chính”. Đợt nào
kiểm tra, thanh tra hồ sơ cá nhân là một lần “hỏm mắt thâu đêm lo việc chép”.
Có những loại hồ sơ như hội họp, dự giờ, tự học…phần lớn nhiều người tự sáng
tác hoặc mượn ghi chép theo kiểu “phô tô coppy”, có chỉnh sửa quý danh một ít.
Có nhiều người phải đi nghiêng, vẹo sườn để mang hồ sơ đến nhưng thực chất nội
dung kiểm tra chẳng được bao nhiêu , chẳng thực chất mấy.
Tôi tự hỏi, tự nghĩ sao người ta nặng nề hình thức thế? Sao
người ta không đi vào thẩm định chất lượng giờ dạy trên lớp để đánh giá, xếp
loại chính xác hơn?
Tôi lại nhiễu sự rồi, lại góp ý, can thiệp rồi. Cứ để người ta
trải chiếu, phát bài, ù thông tôm.
Trường Hải
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment