Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 5, 2013

TẢN MẠN VỚI "NGHÊU NGAO VUI THÚ YÊN HÀ" - Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba


                          
  

TẢN MẠN VỚI "NGHÊU NGAO VUI THÚ YÊN HÀ"
                            - Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba




1. Có lẽ học sinh và sinh viên bây giờ rất lạ lẫm với từ  “thú yên hà” hoặc “cuộc yên hà”.  Ngày trước còn ngồi mài đủng quần trên ghế nhà trường, chúng tôi được nghe đến cụm từ này khá nhiều. Tất cả các ai từng học thơ của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ hẳn biết cụ rất thích thú yên hà. Mấy ai có thể quên những câu thơ rất ấn tượng của ông như: 


        - Ngoài vòng cương toả chân cao thấp
        Trong thú yên hà cuộc tỉnh say. (Thú tiêu dao)
        - Mặc xa mã thị thành không dám biết
        Thú yên hà trời đất để riêng ta. (Thoát vòng danh lợi)


        - Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
        Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà. (Cầm, kỳ, thi, tửu)



Trong phạm vi văn bản của bài thơ, ít nhiều đã giúp chúng tôi hiểu được nghĩa chính xác của cụm từ này. Huống hồ thầy giáo lại càng giảng rõ nghĩa hai từ xuất xử trong nhân sinh quan của vị tướng công xuất chúng và cũng là một nhà thơ tài hoa này. Thú yên hà trong trí tưởng non nớt của chúng tôi ngày ấy là cả một nếp sống tao nhã, thanh bần, một khung trời thơ mộng, phóng khoáng và tự do.


2. Tình cờ tôi tra Tự điển Việt Anh của Bùi Phụng (NXB Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp, 1992. Tái bản lần thứ ba) tôi gặp được ở cụm từ yên hà được dịch như sau: 1. mist and fog; seclusion, retirement. 2. opium smoking, thú yên hà: the pleasure of opium smoking” (tr.1136) tức là 1. mù và sương, ẩn dật, xa lánh. 2. hút thuốc phiện, thú yên hà là cái lạc thú của việc hút thuốc phiện. Quả thật tôi hết sức ngỡ ngàng. Ở định nghĩa 1, “yên hà” đã được dịch như thế là tạm ổn rồi. Sao lại nảy ra cái nghĩa thứ hai kì cục như vậy? Hay là vì có thêm từ “thú” đứng trước mà làm nó biến nghĩa?


Tra tiếp một Tự điển Việt Anh khác là cuốn Từ điển Việt Anh của Viện Ngôn Ngữ Học, NXB TP Hồ Chí Minh, 2001, tôi cũng gặp lời dịch y hệt như ở cuốn trước (tr. 854 ).


Vậy tạm kết luận theo hai cuốn tự điển trên thì thú yên hà là cái thú hút thuốc phiện như bốn chữ trên bức hoành “PHI YẾN THU LÂM”chăng? Đây là cách chơi chữ của các cụ nho xưa. Bốn từ trên không có nghĩa là chim én bay trên rừng thu đâu mà chỉ là “Phiện thú lắm” nếu chúng ta đọc nhanh. Bức hoành này được tặng cho một tay trọc phú sính văn chương chữ nghĩa mà lại rấtghiền thuốc phiện.


3. Tôi nhớ lại một giai thoại văn chương về cụ Nguyễn Du. Trong một lần đi sứ tại Trung Quốc, cụ có ghé lại thăm một lò làm đồ sứ ở Cảnh Đức trấn nơi đang làm một số chén dĩa ấm trà và các dụng cụ khác cho vua Nguyễn. Biết cụ là danh nho, các nghệ nhân nơi đây đã nhờ cụ viết mẫu cho hai câu thơ Nôm để sao lại trên các dĩa sứ. Hai câu thơ đó là “Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người thân”.  Các dĩa sứ này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Tôi nhớ không lầm thì có một tạp chí nào đó có chụp lại hình cái dĩa với các câu thơ trên. Hóa ra, nếu các tự điển trên không sai thì ngoài cụ Nguyễn Công Trứ còn có cụ Nguyễn Du là một tay nghiện nặng thuốc phiện và cả triều đình nhà Nguyễn cũng rất khoái cái thú độc hại này. Hay là cụm từ “thú yên hà” có đến hai cách hiểu mà các tự điển trên đã sơ sót chỉ nói đến một nghĩa?


4. Tiếng Anh thì vậy, còn tự điển tiếng Việt thì sao đây? Tôi tiếp tục tìm kiếm thì may thay trong cuốn Từ điển Tiếng Việt cũng của Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Đà Nẳng, 2003 tôi gặp được dòng sau:


yên hà d. (cũ; vch) Cảnh thiên nhiên nơi rừng núi. Vui thú yên hà.


Nói tóm lại, đến ngang đây thì bản thân tôi cũng vẫn còn lúng túng vì biết tin ai. Từ điển rõ ràng là phải chính xác thế nhưng cùng chung một Viện Ngôn Ngữ Học mà hai cuốn từ điển lại cho hai nghĩa khác nhau đến thế. Nhưng nếu theo cách giải thích của cuốn Từ điển Tiếng Việt. tôi cũng cảm thấy chưa thỏa mãn. Cảnh thiên nhiên là cảnh gì đây, cây, núi, sông, gò, mây,... hay nước? Thú yên hà phải chăng chỉ có nơi rừng núi mà thôi? Nơi thôn dã đồng bằng, xa cách thị tứ nhộn nhịp liệu các nhà nho ngày xưa có hưởng thú yên hà được chăng?


5.1 Theo Tự điển Trung Việt của NXB Khoa Học Xã Hội, 1993 (tr.1374) và Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu, NXB TP. HCM (tr.370) từ yên (/ 火因) được viết ghép bởi bộ hỏa () và từ nhân () có ba nghĩa chính như sau: 1.khói do đốt cháy mà ra. 2. hơi nước bốc lên trên mặt sông, 3. thuốc lá. Từ YÊN ta thường gặp trong các từ ghép Hán Việt như yên vụ, yên ba, yên hà, yên hoa, yên trần,....


Một số câu thơ Đường có các cụm từ trên. Với nghĩa 1 là khói từ lửa, ta liên tưởng tới hai câu đối trong phim Kỷ Hiểu Lam, một học sĩ triều Thanh:


Thử mộc thành sài, sơn sơn xuất (Gỗ này làm củi, núi nào cũng có.)
Nhân hỏa vi yên, tịch tịch đa (Có lửa nên có khói, chiều chiều càng nhiều.)


Cái hay của hai câu đối này là cách chiết tự trong chữ Hán.Chữ thử () ghép với chữ mộc () thành chữ sài (); hai chữ sơn () chồng lên nhau thành chữ xuất (); ở vế sau chữ nhân ghép với chữ hỏa thành chữ yên như đã nói ở trên và hai chữ tịch () chồng lên nhau thành chữ đa ().


Với nghĩa 2 là hơi nước là đà trên mặt sông, Thôi Hiệu trong bài thơ Hoàng hạc lâu đã viết: Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Cụ Tản Đà đã dịch một cách tài tình là ‘Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai’.


Còn với nghĩa 3 là thuốc lá, Hồ Chủ tịch đã viết “Tam niên bất ngật tửu xuy yên” tạm dịch là “Đã ba năm nay Bác không uống rượu và hút thuốc lá”.


5.2 Cũng theo Tự điển Trung Việt tr.1284 và tự diển Thiều Chửu trang 742 thì từ hà () được ghép bởi bộ vũ () và từ giả ()* có một nghĩa là ráng. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, ráng là hiện tượng ánh sáng mặt trời lúc mọc hay lặn phản chiếu lên các đám mây, làm cho cả một khoảng bầu trời sáng rực rỡ, nhuộm màu vàng đỏ hay hồng sẫm (tr.820).


Ta có thể gặp từ “hà” này trong câu thơ cổ nổi tiếng của Vương Bột, “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Tạm dịch là ráng chiều cùng bay theo với những con cò đơn lẻ, Làn nước mùa thu cùng một sắc màu với khoảng trời mênh mông.


6. Nói tóm lại, yên hà là cảnh khói nước trên mặt sông cùng với màu ráng trời rực rỡ. Đây là những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ mà những người mãi lăn lộn trong cuộc sống quan trường, kinh doanh nơi phố thị đô hội không hề quan tâm tới. Chỉ có những người đã ra khỏi vòng hệ lụy của cuộc nhân sinh đáng chán kia, xem chốn phồn hoa công danh là tù ngục, bỏ về vui cuộc sống thanh bần lạc đao với thú ruộng vườn mới cảm nhận được cái đẹp đơn sơ, tự nhiên của thiên nhiên quanh ta (không nhất thiết là nơi rừng núi vì chẳng có từ nào ám chỉ cái nghĩa rừng núi ở đây cả) và say sưa với nó. Thú yên hà có thể hiểu là thú ẩn dật, vui sống đời thanh bần lạc đạo, xa lánh lễ nghi hình thức, xiêm áo rềnh ràng, một lạc thú của những người mang tư tưởng Lão Trang khi thấy rằng “Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kì sinh “(Lí Bạch) và tìm về sự ngưỡng mộ thiên nhiên giản dị, tự nhiên không có bàn tay con người can thiệp như một cách chia sẻ tâm tình.


Mãi về sau tôi mới tìm được một cách lí giải cho việc dịch cụm từ trên của hai cuốn tự điển trên. Họa là các tác giả đã nhầm từ “thú yên hà” với “thú yên hoa”chăng? Từ “yên hoa” chỉ những nơi hút thuốc phiện và cả chứa gái. Cả hai thói hư luôn đi kèm với nhau. Chính trong từ này “yên” mới có nghĩa là thuốc phiện tức nha phiến yên còn “hoa” là chỉ các cô kĩ nữ.


Tuy nhiên “yên hoa” còn có nghĩa thứ hai là hoa khói tức là khói nước chờn vờn trên mặt sông nhìn mơ hồ như những đóa hoa. Hình ảnh này đã được miêu tả trong câu thơ “Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu, Yên hoa tam nguyệt há Dương châu (Lí Bạch). Trần trọng San đã dịch là Bạn cũ dời chân Hoàng hạc lâu, Tháng ba hoa khói xuống Dương châu (Thơ Đường, NXB Thanh hóa, 1997, trang 199.)


Xem ra nghĩa của hai cụm từ thú yên hà và thú yên hoa xa nhau. Mong rằng các tác giả tự điển nói trên để tâm xem lại.


* Chữ giả đã lược bỏ bộ nhân đứng.

                                                  NGUYỄN PHÚC VĨNH BA


SƯƠNG LAM GÓP Ý KIẾN VỚI ANH VĨNH BA

Bài viết của anh Vĩnh Ba giải thích hai từ Hán Việt "yên, hà" thật rõ ràng


 Trước hết SL tôi xin cảm ơn  anh VB đã  viết bài này vì qua đó giúp được cho các bạn trẻ hoặc những người không có vốn từ Hán Việt được hiểu biết rành rẽ hơn
SL tôi không  học nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm, thời nhỏ học SP Việt Hán (ĐH CT) nhưng chỉ học hệ GSTH đệ nhứt cấp (vì nhà nghèo phải tranh thủ ra trường sớm để làm việc kiếm tiền) Sau này lại theo chuyên ngành tiếng Trung phổ thông (bạch thoại)chương trình mới chữ giản thể và phiên âm quốc tế theo giáo trình của ĐH Bắc Kinh nên so về kiến thức chữ Hán cổ thì còn kém Nói thật vì quen sử dụng âm tiếng Phổ thông nên có nhiều chữ không đọc ra âm Hán Việt và … không biết tra từ điển theo số nét và bộ thủ chỉ biết tra theo âm tiếng Trung mà thôi..! Cũng phải nói thêm là chữ Trung Quốc (chữ Nho và  tiếng TQ) rất khó học nó đòi hỏi người học phải có một sự kiên nhẫn tuyệt đối và trí nhớ để thuộc lòng toàn bộ chữ … ngoằn nghoèo gồm khoảng hơn 14 ngàn ký tự chưa kể đồng âm khác âm hay nếu viết khác bộ thủ thì trở thành một từ khác nghĩa cũng như phải phân biệt được khi nghe… người Tàu nói , phải nghe theo ngữ cảnh vì trong tiếng Trung có rất nhiều từ đồng âm (còn nhớ mỗi khi qua một kỳ thi tôi phải nghe máy … nói suốt ngày đêm đến nỗi đậu rồi cả hai lỗ tai gần như bị điếc bài vỡ thì  “ gối đầu nằm” khi giựt mình thức dậy phải học thuộc lòng tiếp để khi vào lớp thầy yêu cầu kể một đoạn ngắn nào đó trong một truyện ngắn của Tàu  mà ít nhứt cũng …dài có tới hơn 30 trang!! Đi thi thì “viết một câu truyện ngắn’’ dĩ nhiên phải viết  đúng chữ  !!!  Các bạn nào lấy xong bằng cử nhân tiếng Trung chắc cũng phải vất vả như tôi!!)
Nói dông dài một chút để hiểu rằng giải thích đúng nghĩa của các từ Hán Việt thì không phải là nói càng nói đại mà phải có vốn học và  hiểu biết.
Trở lại đề tài bài viết của anh Vĩnh Ba , SL tôi xin góp thêm vài ý kiến nhỏ như sau
1-*- Yên từ Hán Việt  
  (bộ hỏa + chữ nhân) là danh từ có nghĩa là khói. Khói do vật chất đốt cháy mà ra như xuy yên (thổi khói) Đây là  “ khói đồng quê, khói bếp, khói lam chiều, khói rơm…’’ thường gặp chữ yên trong thơ Vương Duy

                   Đại mạc cô yên trực
                   Trường hà lạc nhật viên

                  (Sa mạc sợi khói thẳng đơn chiếc.

                   Sông dài mặt nước tròn lặn)

 Chữ hà     :  (bộ thủy + khả)  ở đây nghĩa là con sông, khác với chữ hà   霞  ( bộ vũ +  giả)  là ráng chiều)

**Yên 
( bộ vũ)  có nghĩa là hơi nước, sương móc chất hơi từ sông, núi bốc lên như vân yên    (mây mờ),  yên vụ  霧  (mù mịt)
Chữ yên
  
  trong thơ Thôi Hiệu (Hoàng Hạc Lâu)

              Nhật mộ hương quan hà xứ thị
              Yên ba giang thượng sử nhân sầu

 
Mà các bậc tiền bối đã dịch là khói sóng. Khói sóng là từ ngữ (tượng hình) sử dụng trong thơ theo nghĩa khói do nước bốc hơi mà ra.  Ai cũng biết khi nước đun sôi ta sẽ thấy những làn khói tỏa ra từ cái vòi của ấm nước hay từ nồi canh ,nồi nước lèo bốc khói Nhưng thấy khói từ mặt sông bốc lên ít khi được nhìn tận mắt vì ở vùng nhiệt đới khí hậu nóng nước bốc hơi thẳng lên cao thành mây Chỉ ở vùng khí hậu lạnh khi hơi nước bốc lên từ mặt nước sông gặp lạnh chỉ lơ lửng lưng chừng tạo thành đám khói mờ. Tôi sống ở vùng Bắc Mỹ rất thường gặp khói (nước) sông. Ở WA có một con sông lớn  xe chạy trên một cây cầu dài và rất cao mỗi buổi sáng  tôi vẫn thấy hơi khói bốc lên từ mặt sông dày đặc cả vùng sông rộng có khi nằm dưới chân cầu có khi bay lơ lửng lên giữa cầu Có hôm trời quang đản không khí ở các vùng khác và ngoài đường lộ hoàn toàn không có sương mù nhưng khi qua dòng sông này vẫn thấy khói (mà lúc đó lầm tưởng là sa mù). Lần khác khi ở Alaska có hôm buổi chiều nhìn phía khu rừng cây mù mịt khói ở dưới thấp trắng mờ lầm tưởng là khói …cháy rừng  (hiiii khói cháy rừng thì nóng và màu xám đen còn khói này xuất hiện vào mùa lạnh) sau đó mới hiểu ra là khói bốc lên từ dòng sông lớn phía sau khu rừng Khói núi cũng thường thấy khi nó bao phủ lưng chừng núi như những đám sa mù sà xuống thấp


***Yên     chỉ riêng cho thuốc phiện như yên thổ      (nha phiến chưa luyện), đại yên    (khói thuốc phiện), lao yên  (thuốc lào),  hấp yên  吸  (hút thuốc)
2-* Hà từ Hán Việt là sông ( 
   bộ thủy + khả) như sơn hà…
**Hà là ráng ( 
霞  bộ vũ + chữ giả) trong khoảng trời khi có khí mù lại có bóng mặt trời xuyên qua lúc mới mọc hay sắp lặn trên nền trời sẽ có màu sắc sặc sỡ (bình minh, hoàng hôn), chữ hà trong Đằng Vương Các Tự, thơ Vương Bột

                Lạc hà dữ cô vụ tề phi
                Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc


            ( Ráng chiều với cánh vịt trời đơn chiếc cùng bay
             Nước thu trộn lẫn với bầu trời dài một sắc)


3-*Nghĩa của từ ghép yên hà, thú yên hà như trong thơ Nguyễn Công Trứ mà anh Vĩnh Ba dẫn là hai từ yên  (khói ở đồng quê hay khói trên sông) và hà là ráng trời
Là thú vui của người biết thưởng thức hòa mình trong cảnh đẹp thiên nhiên tự do rộng lớn ưu đãi  thú vui điền dã, giản đơn, nhàn nhã  không đua đòi danh lợi vật chất cao sang (ngắm bầu trời ,mây nước…). Nếu nói cho cùng theo nghĩa ghép chữ hiểu hà là sông đi nữa thì cũng là khói …  trên sông chứ không là thú vui (thưởng thức) theo … khói thuốc phiện được (vì chỉ giải nghĩa được từ yên còn hà thì để đâu?)
Thú vui trong khói thuốc (thuốc lá hay bàn đèn) là thú vui vật chất trong một không gian hạn hẹp và có điều kiện  làm sao so sánh thú vui tao nhã phóng khoáng giữa trời đất bao la ,hòa hợp với thiên nhiên kỳ thú, với cảnh sắc tuyệt mỹ của ráng trời hay mơ màng trong khói sóng … Còn nếu nói nhầm thú “ yên hoa ” ( theo nghĩa thú vui ở chốn Bình  Khang ) với '' yên hà " thì hai từ hoa và hà khác xa (trong cách viết và phát âm của Hán Việt  hay chữ Việt)

Hi vọng là sẽ không gặp trường hợp như vị đắng của “ Canh gà Thọ Xương” mà  một giáo viên trẻ đã … nuốt phải  !!!
                                                   SƯƠNG LAM (NHÃ MY)

1 comment:

Unknown said...

Mot bai viet thu vi
, rat hay. doi khi chung ta phai biet lang nghe y kien phan bien (critical thinking) se hoc duoc nhieu dieu bo ich. npvloi, Danang city. 5/2022.