Tác giả NGUYỄN BÁ TRÌNH |
Trong
những bài thơ tôi sáng tác, có lẽ bài Mẹ tôi là bài tôi vừa ý nhất. Thật ra ý
tứ chẳng có gì sâu sắc, hình tượng cũng chẳng có gì độc đáo. Mẹ quê thì bao giờ
cũng vây. Khi nói về Mẹ quê thì không thể thiếu các hình tượng như: Vất vả
ngược xuôi, bán mặt cho đất bán cật cho trời, quanh năm chân lấm tay bùn … Cũng
ít có bà mẹ nào cả đời thuộc trọn một bài ca dao để hát ầu ơ ru con như trong
sách vở thường ví von khi nói về mẹ. Tuổi thơ tôi lớn lên chưa từng được nghe
mẹ hát bao giờ. Chưa bao giờ có được cảm giác ngập tràn hạnh phúc khi được mẹ
dẫn đến trường trong ngày khai giảng năm học mới. Thế mà khi đọc đoạn văn nói
về ngày tựu trường của nhà văn Thanh Tịnh, tôi lại có cảm tưởng như chính tôi
đã từng sống qua những giờ phút thiêng liêng đẹp đẽ ấy. Tuổi thơ tôi đọng lại
những ký ức về mẹ thường chen lẫn hình ảnh ghê sợ của ông kẹ hay tên phù thủy
độc ác nào đó. Đấy là những lúc tôi ngang bướng không nghe lời mẹ, hoặc níu kéo
áo mẹ không cho mẹ đi làm. Đôi khi cả những lằn roi rát mông những lúc tôi phạm
lầm lỗi. Do vậy mà khi viết về Mẹ, tôi vẫn viết một cách trung thực.Tôi không
viết lời mẹ hát ru ầu ơ, tôi không viết “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi…” Tôi
viết về những kỷ niệm có hình ảnh ông kẹ do mẹ tôi vẽ ra trong trí tưởng tượng
của tôi với nỗi lo sợ. Tôi viết về nỗi mòn mỏi mong chờ mẹ trở về thật sơm mỗi
khi người đi làm ăn xa. Cũng kỳ lạ, những hình ảnh ấy bây giờ nghĩ lại, nó như
những chiếc đinh nhọn đâm vào trái tim tôi đau buốt để rồi mắc vào đấy hình ảnh
thân thương của người Mẹ. Nhờ thế mà năm tháng dù đã qua đi cùng những biến đổi
lớn lao của cuộc sống, hình ảnh Mẹ vẫn gắn chặt trong trái tim tôi. Tôi nhớ lại
năm tháng của thuở ấy:
Ngày ngày mong mẹ nhìn ra ngõ
Thấy bóng ai qua cũng ngóng theo.
Nên
mỗi khi mẹ bỏ đi làm xa là tôi sợ lắm. Sợ ghê lắm.
Có lần níu áo tôi khóc lăn
Rồi
chính lúc ấy tôi nhác thấy:
Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Lúc đó quả thật tôi không còn dám khóc
nữa.
Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
Nhưng hú hồn, mẹ đã kịp giải thích an
ủi tôi:
Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà.
Mấy ngày sau mẹ tôi lại trở về, vác
trên vai một chiếc bao đệm (bao đan bằng cỏ lác) lấm láp bùn đất, tay mẹ tôi
nhiều chỗ trầy xước máu quyện với bùn khô.
-
Lấy đầu ông kẹ được rồi phải không mẹ? Tôi mừng rỡ hỏi.
Lúc
đó thì mẹ tôi cười và đổ chiếc bao đệm ra.
Có khi là một bao dâu rừng chín đỏ, lúc
thì bao sim chín tím ngát.
Có lần mẹ sắp đổ ra cái gì đó làm tôi
hết hồn vía, chạy không kịp ngoái lại bởi thấy cái bao đệm cứ nhúc nhích. Trong đầu tôi đinh ninh là đầu
ông kẹ. Bất thần khi vừa đổ ra mặt đất,
lập tức nó biến thành những con
vật nhỏ bằng ngón chân cái đen đũi lúc nhúc chạy thẳng vào tấn công tôi. Tôi
thét lên, nhưng mẹ đã kịp chạy đến ẳm tôi vào lòng.
-
Cua đồng có gì mà sợ con! Tôi chưa hết run rẫy trong vòng tay mẹ.
Giá
như mẹ tôi biết hát những câu ca dao để ầu ơ ru tôi thuở tấm bé, hoặc mẹ tôi
biết đôi chút chữ nghĩa để hiểu rằng cái ngày khai trường của con hết sức trọng
đại để hôm đó “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi …” thì có lẽ những vần thơ tôi viết
về Mẹ hôm nay, mỗi lần đọc lại tôi chỉ thấy hay hay mà không làm tôi chảy nước mắt.
Bài
thơ viết về mẹ của tôi là như thế đấy. Nhưng tôi thích, tôi yêu nó. Tôi đóng bài
thơ Mẹ tôi vào với những bài thơ khác do tôi viết, tích lũy
nhiều năm tháng đã thành một tập nhỏ. Bỏ vào chiếc cặp da dùng để đựng giáo án
hồi tôi còn đi dạy, treo lên tường. Thỉnh thoảng lại lấy xuống đọc một mình.
Bao giờ tôi cũng đọc bài Mẹ tôi trước. À, phải nói thêm là vợ tôi thỉnh thoảng
cũng có đem ra đọc. Tuyệt nhiên bạn bè thì tôi không đọc cho ai nghe. Cũng dễ
hiểu, với bạn trẻ thì hiếm người thích thơ. Hiếm có nghĩa là ít chứ không phải
không có. Hơn nữa thơ về mẹ thì họ càng ít quan tâm. Trẻ mà nói về thơ thì phải
là đề tài thơ tình.Thật ra, cho đến bây giờ tôi không hiểu lớp trẻ họ nghĩ về
mẹ như thế nào, kể cả những người con của tôi. Có lẽ do áp lực công việc, do bị
chi phối bởi những nhu cầu cuộc sống, lớp trẻ
cuốn hút vào cơn xoáy làm tiền nên không còn kịp nghĩ về cha mẹ chăng. Người con đi qua
trước mặt mẹ, thấy mẹ dạo nầy gầy hơn,
sức khỏe sút hơn, nhưng không còn kịp nghĩ tiếp những ngày đến đây mình phải
làm gì bù đắp cho mẹ, bởi sau cái giây phút thoáng thấy mẹ gầy yếu, lập tức
trong đầu óc người con đã lấp kín một
thời khóa biểu công việc, chiều nay, sáng mai, chiều mai, tuần nầy, tháng nầy,
phải làm cái nầy, phải làm việc kia, phải … Vậy thì thời gian đâu, tâm trí đâu
để nghĩ về mẹ cho chu đáo, nói chi đến làm thơ về mẹ.Và tôi cũng có lần tự hỏi,
sau nầy, khi mẹ chúng mất đi, lớn lên có con cái rồi liệu chúng có nghĩ về mẹ
mà rơi nước mắt không. Không những chỉ
bọn trẻ mà ngay cả người lớn cũng thế. Tôi có mấy người bạn đã nghỉ hưu. Mỗi
lần gặp nhau chuyện trò thì họ cũng chỉ khoe khoang về sự thành đạt của con cái
như làm nên ra sao, hằng tháng thu nhập bao nhiêu, mới mua thêm mấy ngôi nhà,
mở thêm mấy cửa hiệu … Đồng ý con là niềm vinh hạnh của cha mẹ, nhưng đừng đồng
nhất giá trị của con với đồng tiền thu nhập của bọn chúng. Đấy, tôi muốn nói
thân phận những bài thơ viết về Mẹ trong một thực tế như vậy. Và như thế, rốt
cục bài thơ Mẹ tôi, vẫn nằm im trong chiếc cặp treo trên tường. Độc giả cuối
cùng vẫn là hai vợ chồng tôi, chẳng có ai khác.
Buồn buồn lấy ra một mình ngâm nga: Mẹ mài dao
nhọn cuốn vào khăn /Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ/Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà.
Hồi đó thì tôi không thấy. Nhưng bây
giờ tôi chắc rằng mẹ tôi lúc đó đã chảy nước mắt khi dứt tôi để ra đi, mặc tôi
ngồi im thin thít một mình.
Một
buổi chiều nhân lúc rảnh rang tôi ghé lại hiệu sách mua một vài đồ dùng. Không
bỏ được thói quen xem qua ngăn sách truyện và thơ. Chợt tôi để ý đến tập thơ
mỏng Mùa báo hiếu.
Nhẫm lại, hôm đó ngày Đại lễ Vu Lan đã
qua hơn một tháng. Tập thơ gồm nhiều tác giả do một cơ quan Phật giáo ấn hành.
Lần lượt đọc qua những bài thơ viết về Mẹ. Mẹ anh hùng. Mẹ quê, Mẹ phố thị… mỗi
người Mẹ đều được nhắc đến bởi tấm lòng biết ơn của tác giả. Một cảm giác buồn
buồn khi không tìm thấy hình bóng mẹ mình trong đó. Lật đến trang cuối cùng: Mẹ
tôi. Đọc được hai dòng, tôi sững sờ. Đọc tiếp:
Mỗi lần níu áo tôi khóc lăn
Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà …
Tác
giả cũng là tên của tôi.
Mẹ
tôi có mặt ở đây rồi! Tôi áp cuốn sách vào ngực lòng tràn đầy xúc động. Lạ lùng
lúc đó tôi không hề tự hỏi tại sao bài thơ của tôi lại có mặt trong đó.Và tôi
cảm thấy hình như đó là điều hiển nhiên. Hiển nhiên như thể mẹ tôi phải được
tôn vinh là Người Mẹ Việt nam như những người Mẹ Việt nam đáng tôn vinh khác.
Cho dù mẹ tôi không thuộc một bài ca dao, không đọc được môt chữ, không bao giờ
nhắc nhở tôi chuyện học hành.
Mua cuốn sách về nhà tôi ngồi lục lọi
trí nhớ xem mình đã tặng bài thơ nầy cho ai hoặc ít ra đã đọc một lần cho ai
nghe. Nhưng không. Chắc chắn là không. Hay mình đã in ra nhiều tờ rồi rơi rớt
đâu đó. Cũng không, nhà tôi có máy in. Nếu rơi rớt thì cũng rơi rớt đâu đó
trong phòng của tôi. Hay vợ tôi gởi tặng bạn bè? Hỏi lại cũng không. Bà nghĩ kỹ
xem, tôi hỏi vợ, người thứ hai, thỉnh thoảng vẫn đọc những bài thơ của tôi. Tôi
đã nói không mà, vợ tôi khẳng định. Thôi ông đừng nghĩ ngợi chi, xem như ông đã
có món quà dâng mẹ nhân ngày báo hiếu là quý rồi. Nhưng cũng lạ chứ, bài thơ
đến với cuốn sách bằng cách nào nghĩ không ra.
-
Con đấy ba. Có tiếng người con gái đang phô tô giấy tờ cho khách nói rồi cười ở
phòng ngoài.
-
Con nói sao.Tôi hỏi.
-
Dạ cách đây mấy tháng có một nhà sư đến phô tô một tập thơ nói về Mẹ. Thầy nói
phô tô để xin giấy phép xuất bản vào dịp lễ Vu Lan đến.
- Ba con cũng có một bài thơ về mẹ rất
hay. Con kể với thầy như vậy. Thầy hỏi:
- Ba con đâu?
-
Dạ ba con vào thành phố
-
Con có thể cho thầy đọc bài thơ được không?
Đọc
xong thầy khen hay. Con nói:
-
Nếu thầy muốn in vào tập thơ của thầy thì con xin tặng thầy.
- Muốn
quá đi chứ, nhưng thầy chưa được sự đồng ý của ba con mà.
- Dạ
không sao … Ba con rất muốn tặng cho những ai có tấm lòng với Mẹ.
Tôi hỏi con gái:
- Nhưng sao con biết ba có bài thơ đó?
- Con nghe ba đọc nhiều lần và thấy ba có vẻ
tâm đắc với bài ấy lắm nên con nghĩ chắc nhà sư cũng thích.
Con
gái tôi là giáo viên dạy môn văn, đã có gia đình.
-
Con dạy văn con thấy bài thơ của ba như thế nào?
-
Dạ. Nói thực con thấy ít hay. Bà mẹ như vậy có vẻ khô khan về tình cảm. Chắc
hồi nhỏ ba sợ bà nội lắm phải không ba? Hù dọa và đánh đập con trẻ là cách giáo
dục không tốt đâu ba à. Bây giờ người ta lên án phương pháp giáo dục đó lắm.
-Tất nhiên là giáo viên văn con có quan điểm giáo
dục khoa học và hiện đại. Nhưng con giải thích thế nào với phương pháp giáo dục
hiện đại đó ở các nước tiên tiến, ngay cả Việt Nam cũng vậy về hiện tượng xã
hội đang sản sinh ra một lớp trẻ mà hình ảnh người mẹ trong tâm hồn họ rất nhạt
nhòa.
- Do điều kiện kinh tế và môi trường
sống đấy ba à.
- Có lần ba lý giải như thế nhưng hình
như chưa ổn. Con coi anh giám đốc gì bên cạnh nhà mình dấy. Sáng chủ nhật là
ngày dành riêng cho gia đình. Nhưng con coi có khi nào thấy anh ấy chở mẹ cùng
vợ con đi chơi vào sáng chủ nhật không. Trên chiếc xe con bóng lộn, sáng chủ
nhật nào ba cũng thấy anh ấy chở vợ con, không thì bạn bè đàn đúm. Bà mẹ thì
lặng lẽ ở nhà một mình.Vậy thì do đâu? Bà mẹ anh giám đốc ấy nghe nói trước đây cũng là một giáo viên
trung học. Chắc chắn bà đã từng hát những câu ca dao thật ngọt ngào để ru con
ngủ, từng chuẩn bị chu đáo áo quần sách vở đưa con đến trường trong những ngày khai
giảng. Còn bà nội con thì chỉ biết núi non hiểm trở, thác ghềnh cheo leo, một
câu dân ca cũng không biết. Với bà nội của con, chữ nghĩa để làm gì khi miếng
ăn không đủ no. Đồ chơi trẻ con đâu để dỗ dành khi muốn dứt con ra để đi làm
lụng. Suốt ngày ba chỉ lo sợ ông kẹ giết mất bà nội. Vì vậy mà tình cảm trong
ba dồn hết vào cho bà nội.Thấy bà nội về là ba ôm chùm lấy khóc nức nở mừng bà
nội thoát được khỏi tay tên phù thủy.Và ba đã cảm thấy thật hạnh phúc, đồng
thời cũng ân hận biết chừng nào khi bà nội dịu dàng xoa tay vào vết roi sau mông
ba mà mắt bà nội rưng rưng. Tình yêu thương mẹ sâu đậm bắt nguồn từ những giây
phút đó. Liệu những câu ca dao bóng bẩy trau chuốt có làm nẩy nở tình cảm sâu
đậm như thế không.
Giờ
thì ba càng thấm thía. Tên phù thủy mà bà nội kể với ba thời ấu thơ là có thực.
Đó là sự nghiệt ngã của cuộc sống mà bà nội phải chiến đấu đôi khi bất chấp cả
tính mạng mình để bảo vệ sự sống còn cho
ba.
Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
Không! Mẹ đi bắt ông kẹ mà.
Đọc
xong mấy câu thơ mà qua đó con gái tôi cho là bà nội khô khan tình cảm và có
cách giáo dục sai lầm, tôi thấy cần phải nói thêm với con gái đôi điều:
-
Con à, bà nội không phải là người khô khan tình cảm. Và sự
giáo dục ấy không hề là sai lầm đâu. Mọi
sự giáo dục bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương và sự hy sinh dũng cảm
đều tốt đẹp con ạ.
Tôi trở lại bàn viết lật quyển Mùa báo hiếu đọc
lại bài Mẹ tôi lần nữa. Không biết đây là lần thứ mấy nhưng bây giờ thì bài
thơ, tôi nghĩ không còn là tấm lòng của
riêng tôi, và bà mẹ trong bài thơ cũng
không còn là Mẹ của riêng tôi nữa.
Thuở nhỏ nhà tôi vốn rất nghèo
Mẹ thường lam lũ chốn gieo neo
Ngày ngày
mong mẹ nhìn ra ngõ
Thấy bóng ai qua cũng ngóng theo
Có lần níu áo tôi khóc lăn
Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
- Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà!
Mẹ về bê bết áo
bùn dơ
Tay xách gói gì
ghê thế cơ
-Gói đầu ông kẹ phải không mẹ?
Mẹ cười hé bao: Ơ! Cua đồng
Một lần mẹ về máu
dính tay
Bao gì mẹ vác trĩu
trên vai
- Mẹ đã giết được tên phù thủy?
Mẹ cười mở bao: A ! dâu rừng
Cứ thế ngày ngày
tôi lớn lên
Vô tâm bỏ học mãi
mê chơi
Mẹ bắt nằm xuống
roi vài bận
Đánh con sao mắt mẹ
lưng tròng
Lần cuối mẹ đi con
ở xa
Khăn sô một dãi vắt
ngang chờ
Con về nhận lấy
niềm cay đắng
Khóc mẹ một trời
mây trắng bay
Những mùa lau trắng
vương trên tóc
Con học ở mẹ biết
bao điều
Cuộc chiến cùng với
loài phù thủy
Mình phải làm gì
con hiểu
Mẹ ơi
Nguyễn Bá Trình
Sinh ngày 03-09-1946 tại Lương Điền, Hải Lăng, Quảng Trị.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế khoa Toán.
Hiện nghỉ hưu.
Sinh ngày 03-09-1946 tại Lương Điền, Hải Lăng, Quảng Trị.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế khoa Toán.
Hiện nghỉ hưu.
bichlien101046@yahoo.com.vn
ĐT: 0166 509 4339
No comments:
Post a Comment