Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 23, 2013

Truyện ngắn MUÔN NẺO CUỘC ĐỜI - Bùi Khắc Phúc


  
Ông Giám đốc Công an tỉnh chăm chú vào mấy cái giấy tờ Y đem tới, gồm một tấm bằng Đại học Sư phạm, một chứng chỉ Tin học, ngoại ngữ do một cơ sở đào tạo uy tín cấp, vài cái giấy khen, bằng khen là thành tích học tập của Y. Đoạn, ngẩng mặt lên hỏi Y với vẻ ngạc nhiên:

- Cậu vẫn bình thường chứ. Cậu bị ốm hay trước đây có bệnh gì không?

Y hiểu, Y hiểu người rồi đây sẽ giúp Y toại nguyện, vượt qua được nguồn cơn này đang hỏi Y có bị tâm thần hay bệnh lý gì có liên quan đến hệ thần kinh hay không. Y biết lắm. Y cải tạo bộ mặt đưa đám của mình bằng cách trả lời thật dõng dạc, đầy tự tin:

- Vâng, tôi vẫn bình thường. Hoàn toàn bình thường như mọi người bình thường khác, thưa ông.

- Thế  tại sao cậu không đi dạy học mà lại xin đi tù, trong khi cậu có thừa tiêu chuẩn để trở thành một giáo viên giỏi, lại không hề phạm tội gì để đến nỗi phải ngồi tù.

Y bặm chặt hai môi, cố nén nỗi đau trong lòng trả lời ông Giám đốc mà như cắt ruột cứa gan:

- Dạ, thưa, dẫu sao đi tù vẫn dễ hơn là đi dạy học. Vừa được ngồi tù mà lại không mất tiền, còn đi dạy học thì …

Y ngẹn ngào không nói nên lời, lát sau mới bình tĩnh lại  được:

- Hơn nữa đi tù ít ra cũng có việc mà làm, có cơm hẩm canh nhạt mà ăn, còn ở nhà  thì … mà muốn đi dạy học thì…

Y khóc nức lên, lần này thì không kiềm lòng được nữa rồi. Y vốn dĩ là kẻ nhạy cảm với thời cuộc, là người dồi dào xúc cảm.

“Cái khó bó cái khôn”. “Cùng đường sinh ra quẫn trí, quẫn trí thì nhảm nhí thôi.”. “Cái khó ló cái khôn”. “Nước ít cổ lọ lại cao. Cò con gắp sỏi bỏ vào a a.”.

Tình cảnh của Y, thật khó xử trí, đi cũng dở mà ở không xong, thôi thì ta cứ lòng dòng công an.

Y vẫn còn rấm rứt. Nhục! Một gã đàn ông. Một nhà mô phạm! Y đang rã rời, mệt mỏi lắm.

Ông Giám đốc bước lại gần và vỗ vào vai Y:

- Vâng, tôi hiểu nỗi đau của cậu. Rất xin lỗi. Nhưng thế này, thế này, thế này nhé…

*

Y váng vất bước ra khỏi trụ sở công an tỉnh. Về  đến nhà, Y chẳng gọi người nhà ra mở cửa như thường nhật, mà gục đầu vào cánh cổng thúc rầm rầm. Lát sau em gái chạy ra mở khóa cho Y vào nhà. Mặc cho cô em gái xớt xác hỏi đi đâu, ăn cơm chưa, Y lầm lũi bước vào nhà. Con chó xồm thấy Y về, mừng quýnh, chạy lại quấn lấy chân Y. Đương nẫu ruột nẫu gan, Y tương luôn cho nó một đạp vào hông, hú vía, nó chạy tháo thân ra sau nhà.

Y ngã  vậy ra giường. Y nghĩ đến thân phận mình, đến tương lai. Y chợt thấy mình thật đê tiện, tàn ác quá! Y hủng hoẳng với mình. Sao Y lại có thể đang tâm đối xử với con chó như thế, nó có tội tình gì đâu. Hay người ta chó má với Y nên Y phải chó má lại với chó? Sự thể của Y bấy lâu nay cũng chẳng khác gì con chó. Không, con chó còn có việc là giữ nhà và ăn cứt con bé Bi - cháu nội gọi Y bằng chú, còn Y, Y không được như như con chó.

Đang nghĩ về con chó, Y chợt nhớ đến sự việc mới xảy ra hôm đầu tuần. Nó diễn ra thật bất ngờ và chóng vánh đến nỗi bây giờ Y còn ngờ ngợ như không.

Chiều thứ hai đầu tuần, hiệu trưởng Thanh gọi Y lên văn phòng, ông ta thông báo:

- Chiều thứ năm tuần này, tiết thứ tư, tại lớp 10A, cô Hải có việc bận nên xin nghỉ, cậu đến dạy thay vào hai tiết trống đó nhé!

Nghe thế, Y đứng phắt dậy. Trọng lực cơ thể dồn vào hai nắm tay đang ấn mạnh xuống mặt bàn, rướn nửa thân người trên về phía ngài hiệu trưởng, Y chua chát:

- Tôi không phải con chó để các người thừa thãi  thì gọi đến ăn...

- Thôi được, không có gì quan trọng lắm  đâu. Nếu không ưng cái bụng, sáng mai cậu đến đây, chúng ta sẽ hủy hợp đồng, nếu cậu muốn.

Y tru tréo và vùng vằng bước ra khỏi phòng hiệu trưởng.

*

Con phố từ trường về nhà hôm nay sao bỗng dài ra lạ lùng. Hai bên đường những bà già bán quán cóc ủ rũ nhìn xa xăm. Nắng quái vàng rực hắt chéo xiên khoai qua kẽ lá hàng sấu non ven đường. Những hạt nắng lăn lăn trên hè phố như những hạt thủy ngân chạy trên mặt bàn gỗ rộng, chốc đứng yên một chỗ, chốc lại lượn theo nhịp đung đưa của những tán lá trên cao. Xa xa dòng người nhúng nhính trên đường phố đang chảy về phía trước và sau lưng.

Y lẩm bẩm trong miệng: “Mẹ kiếp… Khốn nạn…!”, rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống vỉa hè. Bãi nước lao mạnh xuống đất, vỡ tung tóe, loang lổ vô hình dạng.

Thấy trong người nóng rừng rực. Y khấp khởi tạt vào quán bia ven đường. Gọi một chai uống cho đỡ khát. Hết một chai Y thấy dễ chịu, sảng khoái, đầu Y lúc này như đỉnh núi chơ vơ trước gió. Gọi thêm một chai nữa, cứ thế, cứ thế những cái vỏ chai tranh nhau sấp nửa trên mặt bàn. Y cảm thấy đầu óc chuếnh choáng, mặt Y phừng phừng.

Càng uống thì càng chẳng thấy bớt bực bội tí ti nào cả. Lúc này lổn nhổn trong hơi men cái cảnh tượng lúc nãy, nó cứ chờn vờn trước mắt, trêu tức, giễu cợt Y. Y buồn lắm. Buồn như chó chết con. Buồn như lá mùa thu xỉa xói vào lòng vậy. Lúc này Y không muốn phải nghĩ đến nó nữa. Cứ nghĩ đến là thấy đau lòng, xót xa. Nhưng càng cố quên bẵng đi thì nó lại càng đeo đẳng lấy, nó ngồn ngộn trong lòng. Nó vít cổ xuống rồi hôn lên trán, len lỏi vào trong óc khiến Y phải nghĩ. Vả lại, hình như Y tự thấy mình phải nghĩ về nó, Y không phải là sỏi đá, người ta có thể, Y là một sinh thể người.

Rồi cũng về đến nhà. Y lên giường đánh một giấc cho quên phéng sự đời đi.

- Cố mà tu chí rồi kiếm lấy một chân trong biên chế, con ạ. Mày còn trẻ - mẹ Y vừa nói vừa xới cơm. Chị dâu gắp cho Y khúc cá rồi nói: “Để mai chị hỏi ông Tham coi có giúp để chú được vào biên chế ở miền núi hay không, chứ công việc, lương lậu thế này thì sống làm sao được hả giời…!”

Y thản nhiên không nói gì, đặt bát đứng dậy đi ra để khỏi phải can dự vào cuộc họp bàn thường nhật. Cả nhà vẫn chưa biết Y nghỉ việc.

“Nghề văn, nghề giáo, nghề báo, nghề đài. Bốn nghề cộng lại thành hai nhà nghèo”. Khốn thật!

Ra trường Y chạy đi xin việc như chó phải pháo mà cũng chẳng kiếm được chân giáo viên giáo viếc gì. Họ hách quá đi mất. Y đã phải cõng hồ sơ chạy đến hàng chục sở giáo dục nhưng đều nhận được những cái lắc đầu quầy quậy.

Hừm, đến như miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng chẳng có đất cho Y nữa. À, mà không, có đấy, nếu Y đoản kiếp chạy vạy mãi kiệt sức mà lăn đùng ra chết thối ở đây, thì cũng có được cho Y một mét vuông ở một góc đồi chân núi nào đó; chứ muốn làm “lảo sư” (giáo viên) ở đây thì, người ta sẽ giơ dao quắm lên, vằm vằm về phía Y mà hát rằng: “người ơi… người ở…đừng…về”.

Người ta thường nói, giáo viên đi xin việc thì có hai con đường, một là đi từ trên xuống, hai là đi từ dưới lên. Nhưng, đằng nào thì đằng, để đến đích nhanh gọn, chắc ăn nhất thì đều phải dùng phương tiện là Pô li me. Nếu không là Pô li me thì có mà … “mùa quýt” nhé! Chán thật, giá như biết trước thì trước đây Y cứ nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa mà tương thì bây giờ đâu phải khổ vì cái nhất quen nhì quyền tạm được Pô li.

Họ  hách quá, Y đi đến đâu cũng gặp cái bộ mặt khinh khỉnh của họ. Có thể là thiếu mười mươi ra đấy nhưng vẫn cứ khệnh khạng mà phán rằng: “thừa nhiều quá….”. Cứ thiếu rồi thừa, thừa rồi thiếu, búa lua xua, đau đầu đau lòng!

*

“Cháu chào bác ạ!”. “Vâng, chào cậu!”. “Bình đi dạy về chưa bác?”. “Úi dào, nó đang nằm còng queo ở trong phòng ấy”. “Vâng ạ!”.

- Này, “ông giáo Thứ” ơi. Vứt quách giáo án phấn phiếc đi. Theo thằng này. Cơm no rượu say, gái tơ thơm phức, còn tiền thì…vô sờ tư luôn.

- “Ăn cướp ra hả?”. “Không, ai dại làm thế. Nhưng mà yên tâm đi ông ạ. Không ngồi tù đâu mà sợ”. “Tao mà sợ ngồi tù á? Tao đang muốn ngồi tù đây” - Y dằn giọng. “Thế thì theo thằng này. Mà này, đùa vậy thôi, tao không chết thì mày sống mãi, được chưa!”. “Nhưng mà…”. “Nhưng sao?”. “Không thể được, tao…”. “Đã bảo làm ăn lương thiện thì sợ chó gì thằng nào!”. “Nhưng làm gì, mày?”. “Được rồi, việc này không nói trước được, nhưng mà, khả thi đấy…”. “Tao cần thời gian suy nghĩ”. “Được rồi, tuần sau tao quay lại, nhổ neo đây!”.

Trung về  rồi, Y trằn trọc mãi, hết đứng lại ngồi, hết  đi lại nằm, cứ ngày này qua ngày khác. Y nghĩ lung lắm. Cuối cùng, Y chặc lưỡi: “nước chảy bèo trôi”. Rồi Y vất vưởng đi ra bưu điện. “… tám ba năm hai sáu tám”. Y sốt sắng khi đầu dây bên kia cầm máy: “Ô kê, mai mày đến chỗ tao.”.

- Công việc của mày là, khi hàng về, mày có nhiệm vụ kiểm tra, thống kê, cất giữ và chỉ đạo việc phân phối…

- Nhưng hàng lậu thế này, tao sợ.

- Yên tâm đi ông bạn ạ. Tao không chết thì mày sống mãi. Cơ hồ nào xảy ra thì chỉ mất ít vốn thôi, vẫn bình an vô sự.

- Tao không hiểu.

- Ấu trĩ quá đi mất “ông giáo Thứ” ơi. Có nghĩa là, nếu như bị phát hiện thì bọn cửu vạn chuyển hàng qua biên giới thông qua đường núi sẽ vứt hàng lại và tháo vào rừng, còn bọn xe ôm chờ chuyển hàng ở dưới chân núi sẽ cao chạy xa bay.

- Nhưng này, tao nói trước, chỉ hàng điện tử, dân dụng thôi nhé. Còn ma túy và tiền giả thì…

- Được rồi. Ăn phải cứt mới chơi vào những thứ ấy!

Mấy phi vụ trót lọt, có nhiều tiền, Y bắt đầu dấn thân vào các cuộc ăn chơi trác táng. Y thấy đời mình lên tiên. Y nhủ thầm: “giá biết trước thì khỏi phí công lân la quanh quẩn bên cái nghề dạy học. Gớm, vào được thì lương ba cọc ba đồng, ăn cơm chúa múa tối ngày; đang đi tìm thì khổ trăm đường, cứ nhìn bộ mặt của bọn tuyển dụng là lộn ruột lên rồi. Chúng nó chỉ…”.

Bất chợt một tệp tờ Pô li me từ tay Trung đặt trước mặt Y: “Đây là tiền bồi dưỡng của mày. Được việc lắm, có tí chữ đi buôn có khác”. Sau mấy câu chuyện tầm phào, Trung rủ tai Y: “Sắp tới bọn tao có kế hoạch mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức làm ăn. Mày phải giúp bọn tao, và cũng là một nấc thang mới mà mày cần phải vươn lên. Tao là tao tin tưởng mày nhất đấy. Sẽ có nhiều tiền, thật nhiều tiền…”. “Nhưng tao phải làm gì?”. “Công việc của mày vẫn chẳng có gì khác, nhưng chuyển địa điểm về nông thôn. Hàng sắp tới là một loại hàng đặc biệt”. “Hàng gì?”. “Thuốc phiện!”. “Hả…!”. “Bình tĩnh đi mày, còn có tao đây, tao không chết thì mày sống mãi. Nghe tao, ngày nay bọn choai choai nghiền thứ này lắm. Rất dễ làm ăn. Mày về nông thôn sẽ an toàn hơn ở đây. Đây là thứ siêu lợi nhuận, chỉ cần trót lọt một thương vụ là mày sống đỉnh đương cả một đời”. “Nhưng tao…”. “Tao hiểu, mày là một ông giáo, nhưng mày nên nhớ, mày là một ông giáo đại bại. Không có tiền, mãi mãi mày chỉ là một ông giáo trong suy nghĩ của mày thôi. Nếu thích, làm một vụ hốt bạc tỉ rồi đem tiền đó mà đi xin làm ông Thứ cũng chưa muộn.”. Trung cầm tệp tiền vỗ vỗ vào lòng bàn tay Y, nhìn Y cười nhe nhởn: “Chỉ có cái này, cái này mới là chân chính, là lương tâm của thời đại thôi, mày ạ. Nó cùng với con chó mà mày nuôi từ nhỏ sẽ là hai người bạn tốt trong đời mày đấy!”. “Nhưng tao, tao không thể, các em học sinh…”. “Tỉnh ngủ đi nhà đại chủ nghĩa nhân đạo ơi. Quy luật của cơ chế thị trường sẽ không cho mày còn là mày nữa đâu. Thời nay người ta không nghĩ như mày nữa. Mấy giờ rồi mà người ta còn nghĩ như thế? Đó là lối nghĩ một thời ăn lông ở lỗ.”. Trung giật phắt tờ lịch của ngày hiện tại trên tường, vò nát rồi quẳng vào sọt rác, đoạn nhếch mép thở gắt ra một hơi: “Đấy, ông cứ trông thầy Quang dạy mình hồi cấp 2 đấy, nhà ông ở cùng khu phố với nhà tôi đấy. Hai vợ chồng mấy chục năm dạy học, thỉnh thoảng có dạy thêm dạy nếm đồng ra đồng vào đấy mà có ăn nhằm gì. Vẫn cái nhà lụp xụp ông cha để lại, cái xe đạp cà tàng từ hồi bọn mình còn tồng ngồng. Năm ngoái thằng con ra trường, ông bà phải qua nài nỉ ông bà già tôi cho mượn mấy chục chạy việc cho ông con đấy. Đời thật chó, ông thấy có đời nào một thằng mặt búng ra sữa, ra trường về làm ở kiểm lâm huyện, công tác hai năm có đất thành phố nọ, nhà thị xã kia. Về quê hỏi nhà ai to nhất, giàu nhất quê, già trẻ gái trai khôn khờ gì chỉ ráo nhà thằng công an giao thông… Đ má, thằng có chức có quyền thì cậy chức nhờ quyền để kiếm tiền; thằng có tiền có của thì núp dưới đít thằng có chức có quyền để mua quan tiến chức. Cái thằng mình chức không tiền chẳng nhẽ nào ngồi không để làm giàu cho chúng nó. Thôi, tôi về đây, tùy ông vậy, cố mà tỉnh ngủ đi cho thiên hạ nhờ nhá.”.

Đêm hôm đó, Y bấn rấn mãi. Sáng sớm hôm sau Y chuồn thẳng một mạch về quê. Trung đọc mảnh giấy Y để lại:

“Trung! Tao xin lỗi, tao không thể. Tao là một con người…

Là  người bạn gắn bó với nhau từ thuở chăn trâu để chỏm, giờ trưởng thành mỗi người một con đường. Tao có con đường của tao. Tao đang đi về phía chính mình. Còn mày, tao chân thành khuyên, hãy làm lại cuộc đời khi chưa kịp làm gì để phải hối hận. Tao tin mày sẽ lấy lại được mình. Phật nói, bỏ dao xuống thành Phật, mày ạ. Mọi cái đều có giá của nó. Nhược bằng, mày không nghe tao, tao sẽ ngăn chặn bằng mọi cách, lúc đó mày đừng hận tao.”.

- Em à, chị đã đi hỏi ở trên sở rồi. Họ nói em cứ yên tâm, rồi đâu sẽ vào đấy cả thôi. Có bằng cấp và tri thức thì trước sau gì xã hội cũng sẽ dùng mình. Rồi đây họ sẽ cố gắng nghiên cứu để em đi dạy ở một huyện miền núi nào đó. Này, có thể là biên chế hẳn hoi đấy nhá, sướng chưa, nhất chú mày rồi đấy. Nhưng trước mắt em cứ đi dạy hợp đồng cái đã, lương tháng vài ba trăm ngàn nhưng còn hơn nằm nhà.

- Từ từ rồi cháo nó khắc nhừ - anh trai Y nói bâng quơ.

- Vâng - Y thảng thốt trả lời mọi người. Buồn quá, Y vớ một quyển sách trên giá đọc cho vui:

“… Thế kỷ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường

Giữa lửa cháy, có bao giờ sực nghĩ:

Làm thú  vật, làm thánh thần, cũng dễ

Chỉ  làm người, khó biết bao nhiêu!...”.



Bùi Khắc Phúc
GV Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc - Phú Thiện - Gia Lai. 
ĐT: 01674 864 48 - hoangphuc36@gmail.com

No comments: