Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 16, 2015

CẢM NHẬN BÀI THƠ "MẸ" - Nguyễn Đình Nguộc



                                  
M Ẹ

Mẹ ơi! Tóc trắng như sương
Bởi bao năm tháng nhớ thương vơi đầy
Nỗi niềm xưa, nỗi niềm nay
Lặn trong đời mẹ dạn dày nắng mưa
Từ bao giờ đến bây giờ
Nước thời gian gội bạc phơ mái đầu
Con đi đâu, con về đâu?
Bàn tay mẹ dắt qua cầu gian nan
Những xuân sang, những đông tàn
Mái nhà của mẹ muôn vàn yên vui
Con đi núi rộng sông dài
Yêu thương bóng mẹ suốt đời mang theo.
                    Tác giả: Nguyễn Thị Vinh


CẢM NHẬN BÀI THƠ "MẸ"

Mỗi chúng ta đều có Mẹ kính yêu. Khi còn thơ trẻ, ta lớn lên trong vòng tay của Mẹ. Khi trưởng thành, mỗi lần về nhà được cất tiếng gọi: Mẹ ơi, ta cảm thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Tình mẫu tử thật thân thiết và thiêng liêng. Có rất nhiều tác phẩm văn học viết về Mẹ. Tôi thật sự xúc động khi đọc bài thơ “ Mẹ ”  của tác giả Nguyễn Thị Vinh trong tập thơ “Vui sống” – Tập thơ của nhiều tác giả Kỷ niệm 20 năm thành lập CLB thơ Trương Định do NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2013.
 Bài  thơ lục bát gồm 12 câu chứa chan tình cảm yêu thương và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của người con đối với Mẹ kính yêu qua những hình ảnh thân thương. Mở đầu bằng những câu thơ đẹp, tràn đầy tình cảm:
“Mẹ ơi! Tóc trắng như sươngBởi bao năm tháng nhớ thương vơi đầy”.
Hình ảnh người mẹ “tóc trắng như sương” đang ngồi trên bộ tràng kỷ  giữa nhà, khuôn dung phúc hậu, đôi mắt hiền từ như một Bà Tiên nhìn âu yếm đàn con, cháu, chắt đứng, ngồi xung quanh trong dịp Mừng thọ đầy hạnh phúc. Mái tóc Mẹ đã trải bao mưa nắng cuộc đời, hai sương một nắng lao động nuôi dưỡng con, cháu ngày nào còn đen óng nay đã bạc màu. Qua hình tượng mái tóc bạc, tác giả không chỉ khắc họa hình ảnh yêu thương của mẹ đi suốt những năm tháng của đời mình mà còn biểu hiện lòng biết ơn công lao của bậc sinh thành. So sánh mái tóc bạc của mẹ “trắng như sương” là hình ảnh siêu thực, không thể nhìn thấy bằng mắt, chỉ có thể cảm được qua tâm tưởng.... Hai tiếng “Mẹ ơi!” được tác giả mở đầu bài thơ là tiếng gọi mẹ thân thương của người con khi về nhà chưa nhìn thấy mẹ. Mỗi khi trở về quê nơi mẹ cha và những người ruột thịt của ta đang sinh sống, tình mẫu tử là tình cảm thương yêu nhất. Người ta mong gặp đầu tiên là mẹ. Có thể thời gian ta xa nhà,  do “nhớ thương” con, cháu vóc mẹ đã hao gầy; mái tóc mẹ đã chuyển sang màu trắng “bởi bao năm tháng nhớ thương vơi đầy”. Nhớ lại niềm vui ngời ngời trong mắt mẹ mỗi khi con cháu về xum họp, ta càng thương mẹ nhiều hơn. Tôi rất tâm đắc câu thơ nằm lòng: “con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Cho dù ta đã lên ông, lên bà nhưng ta vẫn là con của mẹ. Với mẹ, ta vẫn còn khờ dại, cần bàn tay chăm sóc của Người. Khi ta ăn cơm không được ngon miệng, mẹ thở dài. Khi việc làm của ta chưa ổn định, mẹ đứng ngồi không yên. Khi ta chưa lập gia đình, mẹ lo lắng. Chỉ khi ta có con mẹ mới thở phào nhẹ nhõm... Tất cả “nỗi niềm” của mẹ đều vì hạnh phúc của các con! Hai câu thơ:
“Nỗi niềm xưa, nỗi niềm nay/ Lặn trong đời mẹ dạn dày nắng mưa” đã nói lên khá đầy đủ tấm lòng của mẹ. Những hy sinh, vất vả vì gia đình, vì các con đã “lặn trong đời mẹ”.Niềm vui, hạnh phúc của các con vừa là mục đích phấn đấu, vừa là động lực tiếp thêm sức mạnh để mẹ vượt qua mưa nắng cuộc đời. Mẹ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để các con mình được “bằng chúng bằng bạn”, không “thua chị kém em”... “Nỗi niềm xưa, nỗi niềm nay”của mẹ tất cả đều vì tương lai, hạnh phúc của các con mình.
“Từ bao giờ đến bây giờ/ Nước thời gian gội bạc phơ mái đầu”.
Khi còn trẻ, mải bươn trải mưu sinh ta thường ít quan tâm đến mẹ, đôi khi còn làm mẹ phiền lòng. Một ngày nào đó ta bỗng giật mình khi mái tóc mẹ đã có nhiều sợi bạc. Nhìn những nếp nhăn đã dày thêm trên trán, lòng ta tràn ngập sót sa bởi tuổi già của mẹ đang về... Ta bắt đầu quan tâm đến mẹ. Rồi lần đầu mẹ ốm, sức khỏe giảm dần theo năm tháng ta mới cảm thấy hối hận, tự trách mình chưa quan tâm mẹ nhiều hơn. Đến khi mẹ “bạc phơ mái đầu” ta hiểu rằng quỹ thời gian của Người đang  cạn dần. Tuy mức độ khác nhau, cách thể hiện có thể không giống nhau nhưng trong sâu thẳm lòng người, ai cũng thương cha mẹ, đặc biệt là đối với mẹ. Có những điều ta không thể nói với ai, kể cả với cha. Nhưng người duy nhất biết được chỉ có mẹ mà thôi... Rồi một ngày không mong đợi sớm muộn cũng sẽ đến: mẹ ra đi mãi mãi trong niềm đau thương khôn xiết của con cháu và những người thân. Những người có điều kiện phụng dưỡng mẹ khi tuổi già, lúc ốm đau... nỗi đau thương được vơi bớt một phần. Những người không có điều kiện chăm sóc mẹ hoặc có điều gì đó khi ứng sử để mẹ phải phiền lòng thì ân hận mãi khôn nguôi...
“Con đi đâu, con về đâu?/ Bàn tay mẹ dắt qua cầu gian nan”.
Một khi mẹ không còn nữa ta mới cảm thấy hẫng hụt nhiều, đặc biệt đối với các con gái của mẹ. Thật may mắn và hạnh phúc cho những người được ngắm mẹ “tóc trắng như sương”. Nhiều người mồ côi mẹ từ sớm nên sự thiệt thòi không sao bù đắp nổi! “Con đi đâu, con về đâu?” Câu thơ cũng là câu hỏi, chứa đựng bao tình cảm, đọc kỹ ta mới thấy nhiều ý nghĩa. Khi là câu hỏi của mẹ: đó là sự quan tâm, lo lắng của mẹ đối với cuộc sống và tương lai của con. Mỗi khi gặp trở ngại ta có “bàn tay mẹ dắt qua cầu gian nan”. Đôi bàn tay của mẹ nâng giấc, chăm sóc con từ những ngày tấm bé; dắt con tập đi khi chập chững; đưa, đón con những buổi đến trường... Khi trưởng thành lại  dắt con vượt qua mỗi khi gặp khó khăn. Bàn tay mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, đôi khi cả vật chất để con vững tin trong cuộc sống. Khi là câu tự hỏi của con: đó là sự hẫng hụt khi mẹ không còn. Con đi đâu, con về đâu để được gặp mẹ yêu? Ai là người xòe bàn tay dìu dắt con mỗi khi gặp“gian nan”? Kể cả khi rất tự tin trong cuộc sống, nhiều việc ta vẫn cần lời khuyên của mẹ.
“Những xuân sang, những đông tàn/ Mái nhà của mẹ muôn vàn yên vui”.
Tết đến, xuân về và những ngày lễ trọng trong năm hoặc mỗi khi gia đình có công việc, con cháu về đoàn tụ, quây quần trong ngôi nhà của mẹ thật ấm cúng, yên vui. Trước đây, mỗi khi về nhà con cháu quây quần quanh mẹ. Khi mẹ không còn, tấm hình mẹ trên Ban thờ “tóc trắng như sương” ta như thấy mẹ vẫn tươi cười nhìn ta âu yếm. Hình như chân dung mẹ ở đây rất lạ... có hồn hơn các tấm hình của mẹ mà ta có?
Hai câu kết của bài thơ vẫn dịu dàng như lời thì thầm với mẹ, đọc lên thật cảm động trước tình cảm chân thành của người con đối với mẹ kính yêu:
“Con đi núi rộng sông dài/ Yêu thương bóng mẹ suốt đời mang theo”.
Khi nói về công lao của cha mẹ, có câu lục bát không mới nhưng rất nhiều người nhớ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình yêu thương của mẹ không bao giờ cạn bởi nó được khởi nguồn từ trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung của mẹ. Dù có thể đi khắp nơi, sống ở các miền khác nhau nhưng  với những người con hiếu thảo, hình bóng mẹ hiền luôn trong tim họ. “Yêu thương bóng mẹ suốt đời mang theo”. Câu kết của bài thơ đầy tình cảm, chứa chan tình mẫu tử. Hình bóng thân thương của mẹ hiền với bao kỷ niệm ngọt bùi... là tài sản tinh thần vô giá mãi mãi trong ta suốt cuộc đời. Và,  bàn tay của mẹ bao năm chăm sóc, dìu dắt, nâng đỡ ta...  không thể  nào quên mỗi khi  nhớ về mẹ kính yêu.
                                                Hà Nội, mùa lễ Vu Lan 2015
                                                    Ts. Nguyễn Đình Nguộc

No comments: