Lê Hứa Huyền Trân
Ngày con gái
còn bé, con gái lúc nào cũng quanh quẩn bên má, mỗi ngày của má là những ngày
nhìn con gái lẫm chẫm đi, đôi khi không hiểu nổi hình hài bé bỏng ngày nào còn
trong bụng, rồi ngày tháng chào đời, rồi tới lúc nằm nôi, những khoảnh khắc ấy
cứ trôi qua và con gái lớn đến được nhường này. Khi con gái bước những bước đi
đầu tiên, con gái vấp ngã, con gái không khóc, nhưng không hiểu sao tự nhiên
thấy má lại con gái khóc òa lên. Trông con gái “ khôn vặt” như thế chẳng hiểu
sao má lại bật cười. Từ ngày con gái còn nhúm tóc trên đầu, má cứ lo con gái má
sau này ít tóc như thế thì lấy chồng sao được, ba cứ chọc, mới tí tuổi đầu đã
tính tới chuyện chồng con.
Lúc con gái vào lớp một, mặc cho con gái chiếc áo trắng mà mất cả tháng trời má lựa qua lựa lại chẳng hiểu sao nước mắt má lại rơi. Ba cứ rầy má lựa áo thôi mà mất cả tháng trời sàng qua sàng lại rồi cũng lấy cái áo như lúc đầu, má rầy lại ba: "Con gái cưng của tui lần đầu tiên đi học”. Con gái cứ tron xoe mắt nhìn hai người cãi nhau rồi vỗ tay bộp bộp, trông con gái lúc ấy vô tâm ghê cơ, tán thưởng chuyện ba má cãi nhau mới chịu. Ngày đầu con gái đến trường, má đẩy con gái về phía cô giáo, con gái thấy bạn bè cùng lứa, con gái vui lắm cơ, sốc lại cái cặp nhỏ xíu, con gái lững thững bước, má buông tay con gái. Nhưng tự nhiên con gái đứng lại, quay lại nhìn má rồi chạy tới ôm chặt cái chân. Hỏi miết con gái không nói, chừng sau mới bập bẹ:
- Má,
má không đi học với con à?
Má phì cười trêu con gái:
-Đi
học là lớn rồi con nhé. Má không theo tới trường được. Ở trường có bè bạn, có
cô giáo, chăm lo cho con gái như má chăm vậy.
Con gái dùng dằng dỗi giận miết nhưng
rồi cũng hùa lại theo chúng bạn. Có chút xa lạ, có chút sờ sợ nhưng
rồi con gái cũng quen. Con gái đi học con gái vui, má có hơi
buồn vì niềm vui ở trường không có má trong đó, nghe con hào hứng kể má có hơi
lẫy. Ba bụm miệng cười chuyện má trẻ con, con gái đưa hai tay bấu chặt đôi bờ
má nhìn sâu vào mắt má rồi lại khóc. Má cuống cuồng:
- Sao
con khóc?
-Con
kể chuyện làm má không vui. Vậy con không kể nữa.
Má ôm con vào lòng. Tự trách má trẻ
con. Con gái lớn dần lên, vẫn còn nài má cắt cho mấy bông hoa đủ màu sắc làm dán vở. Cô giáo bảo mỗi vở dán một bông hoa một màu
khác nhau ở ngoài, vở tiếng Việt màu đỏ, vở mĩ thuật màu tím, vở thủ công màu
vàng… Con gái hào hứng lắm, cứ tranh làm nhưng vẫn vòi má ghi chữ vào vì chữ
con gái không được đẹp. Con gái suốt ngày ngồi tô tô vẽ vẽ, rồi nắn nót viết
chữ vào nhãn vở rồi dán thật kĩ vào vở, con gái thấy vui.
Con gái vào
cấp hai, con gái bước vào tuổi dậy thì, má thấy con gái khác. Con gái bắt đầu
biết e thẹn, biết ngại ngùng, con gái lại hay lén lút giấu má một mảnh thư nào
đó, chắc là của chàng nào đó viết vội. Rồi con gái buồn, con gái bắt đầu biết
khóc nhưng con gái giấu má không cho má biết. Cho tới một ngày con gái lại nói
với má:
- Má
à, con thích một ai đó.
- Một
ai đó là ai con?
- Một
cậu bạn cùng lớp, nhưng cậu ấy từ chối con rồi.
Con gái vục mặt vào lòng má nức nở,
má vỗ về con gái. Mãi tới sau này thỉnh thoảng con gái vẫn hay hỏi:
- Sao
ngày đó má không rầy con khi tí tuổi đầu mà thích?
Má trả lời:
- Vì
đó là cảm xúc đầu tiên của con. Má trân trọng chứ không cấm đoán, cho tới một
lúc nào đó, khi trưởng thành hơn, khi nhớ lại, con hẳn sẽ cảm thấy vui và thấy
mình thật non nớt cho những ngày tháng đó. Miễn là con biết chừng mực và biết
dừng lại con à.
Cảm nắng những ngày còn nhỏ, con gái
cũng mau quên, chẳng mấy chốc má hỏi lại con gái đã quên tuốt. Việc thích một ai đó sẽ trở thành một kỉ niệm trong con chứ con
gái vẫn chưa đủ trưởng thành để lưu giữ. Cho tới ngày con gái bước vào cấp ba,
con gái bắt đầu biết sửa soạn. Má thấy con gái lớp mười một mà trưởng thành
phổng phao quá nhiều anh cũng ngấp nghé để ý, con gái lại ngày càng biết ăn
diện hơn. Má rầy con gái:
-Mắt
gì mà bầm tím, tóc gì mà đủ màu.
Con gái chê má nhà quê không biết thế
nào là tóc high-light, mắt kẻ viền hợp mốt. Rồi con gái ngúng nguẩy con gái đi chơi, má tự nhiên trong lòng mất cả một khoảng
trời nào đó không rõ. Con gái lớn dần, con gái khác, con gái ở ngoài nhiều hơn
ở nhà, ban đầu là những buổi học thêm, những ngày trường học hai buổi cho đến
lúc con gái đi chơi nhiều. Má ít gặp con gái còn hơn những người bạn của con
gái. Má tự buồn vì con gái thấy má nhà quê, không hợp mốt, con gái suốt ngày
rầy má suốt ngày chỉ biết vò võ trong nhà với những cái áo bà ba gấm hay những
bộ quần áo rộng thùng thình chẳng hợp mốt, còn má vẫn cứ rầy lại vì cho rằng
những bồ đồ đó làm má thoải mái. Rồi má bệnh, rồi má ngất đi, khi tỉnh dậy má
thấy con gái đang ngồi cạnh nước mắt lưng tròng, con gái nắm hai tay má thật
chặt:
- Má
ơi, má đừng bệnh nữa, nghĩ tới cảnh má bệnh, rồi chuyện xấu xảy ra con không
chịu được.
Con gái khóc, má cũng khóc, nhưng má
biết nước mắt má có những nụ cười trong đó. Từ đó con năng ở nhà
hơn, cứ như việc má bệnh là cú sốc lớn nhất đời con gái và
con gái lúc nào cũng chăm bẵm má thật kĩ. Má cũng chiều con gái, cũng năng ra
ngoài, cũng năng thay đổi, lúc má bận những bộ cánh ăn diện hơn chút con gái
cười thật tươi, má chợt hiểu thay đổi đôi khi cũng là điều tốt, và điều quan
trọng là ở sâu kín tận đáy lòng con gái má vẫn còn đây, bé bỏng như ngày nào.
Rồi con gái
vào đại học, con gái đi học xa nhà. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với
má khi những khó khăn của con chỉ có thể trao đổi qua những cánh thư hay những
cuộc điện thoại vội vàng bởi lịch học của con trở nên dày đặc và con mệt mỏi
sau những buổi học dài. Một năm có khi con chỉ về một hai lần, nỗi nhớ con gái
má chỉ biết gửi gắm qua những bức hình thương nhớ. Nhưng lên đại học, con gái
trưởng thành sớm, biết đi làm phụ giúp việc học ít lấy tiền mẹ cha, thi thoảng
còn biết gửi đồ về cho em khi thấy món ấy có điều gì thú vị hay em thích. Nhưng
có một điều khiến má buồn, là những nỗi lo của con gái, con gái toàn cắn răng
chịu đựng. Những tháng ngày con gái đi học xa, chưa bao giờ con gái than không
có tiền đóng học hay lắng lo về một mối quan hệ nào đó, chỉ có con gái ngày
càng gầy guộc đi. Tết con gái về, má hay cho con gái ăn uống tẩm bổ thật nhiều,
những lúc ấy con gái mới sà vào lòng má kể hết chuyện này tới chuyện kia cứ như
mấy ngày tết với con gái không thể nào là đủ. Má hiểu: "Dù có trưởng thành con
gái vẫn còn bé nhỏ trong lòng mẹ”.
Con gái đi
làm, con gái nay khác hơn nữa. Không còn lẫm chẫm tập đi rồi lúc nào cũng ngoái
đầu nhìn lại xem má có còn đấy không, có còn nắm tay không, nay con đã tự bước
vào đời bằng chính đôi tay của mình. Con gái có công ăn việc làm ổn định ở một
công ty nước ngoài, mỗi sáng đi làm vẫn vòi mẹ nấu đồ ăn sáng rồi chuẩn bị đồ
công sở thật phẳng phiu. Lại còn nhõng nhẽo hệt như con nít. Con gái lớn rồi
con gái khóc nhiều hơn vì những mối tình, dù là buồn là vui con gái đều nói với
mẹ, nhưng dù là cảm xúc gì con gái cũng khóc, má cứ phì cười sao con gái mít
ướt dữ thế. Má dạy con gái hãy trân trọng những gì đang có và biết cân bằng mọi
thứ thì mới gìn giữ hạnh phúc được. Con gái chín chắn hơn má nghĩ, má vui.
Rồi con gái
đi lấy chồng, má hiểu lần này có lẽ là lần con gái xa má lâu nhất nhưng má lại
vui vì cuối cùng con gái cũng đã tìm được bến đỗ của đời mình. Đám cưới con, cả
hai đều cười, chẳng một giọt nước mắt rơi, con gái lên xe hoa còn nắm tay má
thật chặt.
-Má
ơi, con sẽ về thăm má.
Má vẫy tay chào con, con gái à, con
gái lớn rồi, đã đến lúc con làm người phụ nữ của gia đình, má tin con gái sẽ hạnh phúc, con gái ạ.
Tác
giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội
viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
No comments:
Post a Comment