Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 26, 2017

Ký ức Trường Sơn: NHỮNG NĂM THÁNG QUÂN NGŨ TRÊN ĐẤT BẠN LÀO - Nguyễn Đại Duẫn

Bản Đông


Ký ức Trường Sơn:
NHỮNG NĂM THÁNG QUÂN NGŨ TRÊN ĐẤT BẠN LÀO
Nguyễn Đại Duẫn

Chia tay đồng nghiệp và học sinh; tạm biệt mái trường thân yêu, vai khoác ba lô lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi nhập ngũ Quân đội. Ngày 27-1-1982.

Chiếc xe đò “cũ mèm”, nổ như máy cày đưa chúng tôi vượt qua chặng đường daì. Con đường lô nhô ổ gà, ổ voi, đất đá lởm chởm vòng vèo qua sườn núi. Gió rừng xạc xào tràn vào cửa xe mang theo hơi nóng của bụi đường phả vào mặt khô khốc. Mồ hôi nhớp nháp. Những cây săng lẻ, những rừng le, rừng nứa…đần dần xuất hiện phía trước. Người chỉ huy ngồi cạnh “taì xế” cho biết đã đến đất bạn Lào.

Chúng tôi được đưa về đơn vị huấn luyện tại bản Cha Ki. Cái nóng của mùa khô ở đây thật khó chịu. Con suối cạn cất tiếng róc rách làm tăng thêm nỗi nhớ nhà. Tiếng chim bìm bịp, tiếng tắc kè thảng thốt trong đêm càng nảo nề, thanh vắng. Cầu Cha Ki vừa mới đỗ xong bê tông, đang còn nham nhở. Ván cốp pha, cọc chống ngỗn ngang cạnh những chiếc xe tăng, xe bọc thép nòng gãy dập xuống đất gợi lại cảnh ác liệt chiến trường xưa. Những ngày đầu mới biên chế đơn vị, thật bỡ ngỡ, thiếu thốn trăm bề… Chúng tôi vào rừng chặt gỗ, nứa, cắt tranh…để làm doanh trại. Vất vả chưa quen lao động chân tay.

Mỗi buổi nghỉ , chúng tôi sảng khoái ngụp lặn trên dòng Sê Pôn nước trong xanh, tận hưởng cái mát mẻ của dòng nước lững lờ. Rồi chuyền nhau những lá thư nhà như truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh.
Tham gia huấn luyện hai tháng thì bắn đạn thật. Đồng chí chỉ huy cho biết, nếu bắn ba vòng mười thì đơn vị cho phép mười ngày về thăm nhà. Tôi được hai chín. Vậy là không có hy vọng. Tôi cứ trách mình vì không tham gia luyện tập tốt. Những bài tập trong khóa huấn luyện năm nào ở trường tôi chẳng được học. Bài bắn súng tôi thuộc lòng. Tôi còn dạy cho đồng đội, nào là “áp má, kề vai, nín thở, bóp cò…”.

Tôi được điều về C1- D37- E509- F384, thuộc đơn vị cầu. Đơn vị chúng tôi đóng cách Bản Đông khoảng chừng cây số. Gọi là Bản Đông nhưng dân cư ở đây thưa thớt. So với các bản thì Bản Đông sầm uất hơn vì nơi này có chợ, cửa hàng tạp hóa, có quán café nên ngày đêm rộn ràng , nhộn nhịp. Các cô gái dân bản quanh vùng váy đỏ, váy hồng thổ cẩm rực rỡ đi mua sắm làm cho chúng tôi thấy đỡ nhớ nhà hơn.

Rồi một ngày dân bản đốt rẫy. Lửa bốc ngùn ngụt, lửa tràn qua mõm đồi, lửa thốc vào doanh trại. Cả đơn vị đều đi công trường. Tiếng báo động inh ỏi, tiếng kẽng dóng dã vang lên, lửa bò lên mái nhà…hừng hực hung dữ. Nhà bốc cháy. Đơn vị hối hả tranh nhau với lửa. Người xách ba lô, người xách súng… tiếng hò hét, tiếng dội nước huyên náo cả một góc rừng. Gió thông thốc làm cho “thần lửa” thêm sức mạnh. Cả dãy nhà trong chốc lát chỉ còn lại đống tro tàn. Tôi ướt sũng vì “tham chiến” xông xáo, đồ dùng cá nhân không kịp “tranh với lửa” nên chẳng sót lại thứ gì. Cái chăn thấm nước quẳng lên mái nhà để “đánh thần lửa” cũng chẳng làm nên chiến tích.

Tôi sốt li bì một tuần. Vì yếu, vì đẫm nước, vì bị muỗi đốt. Đồng đội tất bật  làm lại doanh trại. Tiểu đội trưởng bảo tôi gặp “may” đỡ phải lăn lộn với cái nắng, đói…Không thể chịu được, chưa hết sốt, tôi cũng cố “xung phong” đi bứt tranh. Mấy ngày đầu không sao. Đến ngày thứ ba tôi lên cơn sốt không kịp gánh tranh về. Người hầm hập, run bần bật chẳng còn ai để “cứu trợ” vì đồng đội đã về hết. Tôi gồng mình cho cơn sốt qua đi. Tôi khát, mệt, bò đến ruộng dưa của đồng bào để may ra còn gặp ai đó…Vắng vẻ. Tôi vừa đưa tay chuẩn bị hái quả dưa thì có tiếng người: “Ê! Bộ đội xấu lắm, lấy của đồng bào mình mà không xin ”. Tôi ngoảnh lại: “Xăm - bai - đi - phò”!( Chào bố), con bị sốt nên khát quá, chẳng thấy có ai mà xin cả. Hai người đàn ông lực lưỡng, một già một trẻ đen nhẽm đi về phía tôi. Tay sờ trán, miệng kêu lên: “Bộ đội pên - khậy (sốt rét) thật rồi!”. Người trẻ gánh tranh, người già dắt tôi  đi theo sự chỉ dẫn. Về đến đơn vị, mọi người chạy ra đón tôi mừng rỡ. Và không quên Khop chay - phò(Cảm ơn bố). Họ chuẩn bị đi tìm.

Sau đợt hỏa hoạn, mọi nề nếp sinh hoạt cũng trở lại guồng máy. “Ông” Đại đội trưởng tôi nghiêm lắm. Anh em thường gán là “ông hắc xì dầu”. Ông là người Hà Nội gốc, thư sinh nhưng rắn rỏi. Tôi thấy ở ông toát lên tính kế hoạch công việc của người từng trải. Công việc chính của đại đội chúng tôi là làm cầu. Dựa vào kinh nghiệm, ông phân công công việc rạch ròi. Lính dân Nam Hà bố trí cưa gỗ làm cốp pha, dân Thanh Hóa lắp dàn giáo, Quảng Bình, Quảng Trị đóng cốp pha, người Hải Phòng thì làm sắt trụ…Nói chung ông bố trí công việc hợp lý, hợp lý đến mức anh em lính không thể cãi lại được, không có thể ngồi chơi được. Tháng nào đại đội cũng hoàn thành nhiệm vụ và vượt kế hoạch. Hôm nào giao ban về bếp có thêm thịt hộp, cá khô…là anh em biết đại đội được khen.

Rồi một ngày, Tiểu đoàn giải tán, đại đội trực thuộc Trung đoàn. Tôi được điều động về Ban Tham mưu, phụ trách nuôi quân kiêm quản lý bếp ăn của Trung đoàn bộ. Mọi người mừng cho tôi vì sức tôi không thể chống chọi nỗi với bê tông cốt thép. Bởi tôi sinh ra đã ẻo lả, mảnh mai của anh thư sinh gõ đầu trẻ.

Bếp ăn của Trung đoàn bộ chỉ có một “anh”, còn lại là “chị” nuôi. Họ bắt tôi gọi như vậy mặc dầu tuổi xấp xỉ hoặc tôi lớn hơn, nhưng vì tôi là lính “mới tò te”. Không sao. Được làm bạn bếp núc với mấy “ả” là tôi vui lắm rồi. Những người lính khác giới dù sao họ vẫn có những tình cảm  khác biệt, phụ nữ  họ quan tâm chúng tôi. Tôi cứ nhớ mãi cái hôm  đi nhận nhu yếu phẩm cho đơn vị về, một “chị” chạy ra hỏi: “Kin khậu lẹo bò”.  Nghe đến đây tôi nỗi đóa lên…Nhưng cô gải thích là hỏi tôi đã ăn cơm chưa? Tôi thành thật xin lỗi vì vốn tiếng Lào của mình ít ỏi.

Tôi được ưu ái hơn một số bạn cùng đi. Tôi say mê công việc. Tăng gia tích cực, chịu khó chăn nuôi, hái măng mau lẹ…Nói chung  ngoài cân gạo, cấp cá, thịt hộp… cho bếp, cấp nhu yếu phẩm cho đơn vị thì việc gì tôi cũng làm tuốt.

Mùa mưa đã đến. Mưa đến nẫu ruột. Những cơn mưa xối xả, không ngừng. Con suối đầu doanh trại như đang gào xé, quặn lòng những bụi cây đất đá xung quanh bờ. Không biết làm gì, chỉ biết đánh tu-lơ-khơ quẹt nhọ nồi. Tội nghiệp cho mấy em mọc “râu” đầy cằm như Trương Phi. Trời tạnh thì sân bóng chuyền, bóng đá rộn ràng lên.

Mấy búp măng le, măng nứa đội đất ngoi lên. Mùa hái măng. Hôm chủ nhật Tham mưu trưởng cử các Ban xuống phục vụ bếp để nuôi quân đi lấy măng. Tôi dẫn 5 người đi. Hai nam, bốn nữ. Lấy măng phải sang bên kia sông Sê Pôn thì măng mới ngon, mới nhiều. Đến bến, tôi vào nhà dân để mượn thuyền sang sông. Không thấy ai. Tôi nói to: “Phò ơi! dù hươn bò ?”(bố ơi! có nhà không?). Tôi nghĩ, thôi mình cứ “mượn liều”. Thế là sáu anh em lên thuyền. Thuyền độc mộc nhỏ chòng chành không đủ sức chứa. Tôi cũng biết chèo thuyền, nhưng thuyền độc mộc thì chưa lần nào. Dòng sông dạo này mưa nhiều nên chẳng còn “lững lờ” nữa. Đứng trước mấy em tôi cũng muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông. “Không sao đâu”! Tôi động viên mọi người và “lấy hết sức bình sinh”. Con sóng cuộn lên làm ướt quần một cô. Giật mình đứng dậy. Chiếc thuyền lật, mọi người chới với. Mấy đứa trẻ khoảng 15, 16 ngồi trên đọt cây gần đó cười rộ lên. Bỗng có tiếng một ông lão quát: “Nặn!xúc-ca-xởn-tha hán”(Này! Cấp cứu bộ đội). Mấy đứa trẻ nhảy tùm trên cây xuống sông, mấy nam thanh niên trong bản hớt hải bơi ra dìu chúng tôi vào bờ. Mọi người như chuột lột, hai cô bị sặc nước mặt xanh tái. Nghỉ một lúc. Hoàn hồn. Chúng tôi “Khop chay, khop chay” (cảm ơn) rồi dắt nhau về. Đợt đó tôi bị kiểm điểm rút kinh nghiệm toàn trung đoàn. May không sao, nếu có chuyện gì xảy ra phải ân hận suốt đời.

Vậy mà đã năm thứ hai tôi ở đất bạn Lào. Người dân Lào cũng như người Việt, cần cù chịu khó làm ăn. Thời đó dân Lào cũng vất vã lắm, cái ăn, cái mặc luôn thiếu. Người Lào chịu khổ, chịu mưa nắng giỏi, ít đau. Sau lưng chiếc gùi lúc nào cũng nặng trĩu những củi, ngô… Đặc biệt nơi chúng tôi đóng quân, người Lào nói và hiểu biết tiếng Việt tương đối thành thạo. Họ giao tiếp với bộ đội không cần phải phiên dịch. Bộ đội cũng cố bập bẹ tiếng Lào, có khi vừa nói tiếng Lào xen tiếng Việt nghe ngồ ngộ. Bộ đội và đồng bào sống thân thiết, tình cảm. Thĩnh thoảng chúng tôi cũng đi vào bản uống rượu, tán gẫu với thanh niên bản, mua sắm, đổi chác…

Thế rồi tết Lào cũng đến. Hằng năm vào 16 - 4 dương lịch là người Lào bắt đầu ăn tết. Những ngày đó đơn vị cho chúng tôi được về bản tham gia vui tết cùng đồng bào. Tết Lào có nhiều tập tục như: té nước, phóng sinh, buộc chỉ cổ tay…

Tôi nhớ mãi một cái Tết. Tôi là thanh niên tích cực, có nhiều thành tích, biết hát, ngâm thơ nên nằm trong diện “Đại biểu” đi dự tết cùng  Trung đoàn trưởng và  thủ trưởng các Ban. Tôi chọn bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để mặc. Vừa bước xuống xe, các cô gái Lào (có chuẩn bị trước) chạy ra dùng nước té vào xe, vào các Thủ trưởng. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều. Nước được dùng từ hỗn hợp thơm gồm: nước nghệ, bồ kết, hoa, dầu thơm…nên ai bị té nước cũng thấy dễ chịu. Tôi mang quà của đơn vị nên đi sau. Nước hết, các cô gái Lào nhanh nhảu chạy đi lấy. Họ té vào người tôi. Trời! Thứ nước gì mà đùng đục, hôi hôi, tanh tao… nước dùng để té đã hết, mấy cô “sáng ý” đưa nước vo gạo té vào tôi. Người tôi ướt sũng, hôi hám, thật khó chịu. May sao anh thanh niên bản chạy về nhà lấy cho tôi bộ quần áo của họ dùng tạm. Tôi mặc bộ đồ “thập cẩm” thấy ngượng ngùng.

Lễ buộc chỉ cổ tay truyền thống chứng tỏ sự lưu luyến, mến khách được tiến hành, sau đó uống rượu cần, điểm tâm. Trên bàn chẳng có bát đũa gì cả. Tôi hỏi một anh trong đoàn về việc này. Anh bảo: “Ở đây chỉ có ăn bốc thôi!”. Tôi rùng mình, uống một hơi rượu để lấy can đảm. Mọi người đều dùng tay bốc để ăn cả nên tôi cũng quen dần. Tiếp đến là tâm sự giữa Trưởng bản với Bộ đội và kết nghĩa truyền thống.  Sau tiệc rượu cần là Lăm-vông (điệu múa Lào). Đống củi to tướng trước sân nhà Rông được trưởng bản châm lửa đốt. Ngọn lửa hồng rừng rực bốc cháy. Bản  nhạc Lăm-tởi cất lên, tất cả đều hát theo và múa “...Đôi ta biết nhau đây, lòng em theo tiếng khèn, ca lên bài hát Lăm-tơi...”. (các bạn Lào họ cũng biết hát bài này) . Lăm-tỡi là loại lăm phổ biến nhất của Lào. Nhịp điệu của lăm tỡi sôi nổi, dồn dập. Loại lăm này được biểu diễn bởi hai người, một trai và một gái hoặc tập thể theo vòng tròn vừa ca vừa múa theo điệu khèn, nhịp trống . Điệu múa này gọi là phõn kiểu, tức phòn, rất nhịp nhàng, tình tứ.  Lăm-vông với các bài Lăm-tơi vang lên da diết, dìu dặt như muốn giữ chân chúng tôi lại cũng như bài hát Việt “người ơi, người ở đừng về...”. Đến lúc say sưa tôi nắm lấy tay cô gái Lào một cách tình tứ và nhảy. Nhưng cô gái dừng lại nhìn tôi có vẻ giận dỗi rồi bỏ đi vào trong nhà Rông. Tôi chột dạ, đến hỏi trưởng bản. Trưởng bản cho biết là phong tục ở đây không được nắm tay con gái nếu không phải là bạn tình. “Vào xin lỗi nó đi, nếu không nó bắt đền trâu cho nó đấy!”. Tôi nhẹ nhàng như con gái về nhà chồng bên cô gái“Khó thột, khó thột” (xin lỗi). Cô gái biết tôi có lỗi nên tha thứ và tiếp tục nhảy múa. Hú vía! Đền trâu thì chắc sẽ bị trung đoàn kỷ luật thôi!

Năm tháng trôi dần, công việc nối tiếp công việc.
Và ngày ra quân cũng đến, ngày 20-6-1984. Tôi mừng lắm. Mừng vì mình đã hoàn thành nghĩa vụ cao cả của Tổ quốc giao cho. Mừng vì sắp được về bên bố mẹ, gia đình, trở lại với nghiệp dạy học. Vui vì cầm tấm Bằng khen của Bộ quốc phòng để về khoe với bố, khỏi hổ thẹn với ông ( Bố tôi cũng là bộ đội. Ngày tôi lên đường ông đưa cho tôi xem một hộp đựng huân huy chương và chẳng nói gì. Tôi hiểu ý ông). Nhưng cũng thấy buồn, những cảm xúc xa đơn vị, xa bạn bè cứ trào dâng… Ngày ra quân mọi người tiễn tôi trong tình yêu thương đồng đội. Tôi cảm ơn rất nhiều về những tình cảm bao ngày gắn bó, vui buồn bên nhau…

Kỷ niệm những ngày quân ngũ trên đất bạn Lào cứ đi theo tôi suốt năm tháng dạy học. Vậy mà đã 35 năm. Ba mươi lăm năm trôi qua ký ức Trường Sơn đã đi vào từng trang giáo án, từng lời giảng, gieo vào lòng học sinh những tình yêu Đất nước thiết tha. Chắp cánh cho tôi đi vào lời thơ, lời văn trong từng trang báo.

Sau 20 năm, năm 2004 tôi có quay lại Bản Đông trong một dịp tham quan. Bản Đông bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Nhà cao, người đông đúc tấp nập. Có nhà hàng, có quán xá… bán đủ các mặt hàng. Những người dân bạn Lào giờ đã có cuộc sống đầy đủ hơn. Trên gùi của các cô gái là những mảnh vải hoa rực rỡ, những bộ quần áo đắt tiền… chứ không phải là những gùi cũi, gùi bắp như trước. Gặp lại những người bạn Lào niềm nở, thân thương như gặp lại người nhà của mình. Tình cảm hai nước Việt - Lào như ngày càng sâu đậm bền chặt.

Nguyễn Đại Duẫn
CTV Trang thông tin và Bản tin Trường Sơn.
Tiều khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
DĐ: 0977194533.

No comments: