Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 27, 2012

Võ Văn Luyến - NHỮNG GIỌT SƯƠNG KHÔNG TAN (Nhân đọc tập thơ CÁI RỐN của thi sĩ Nguyễn Văn Đắc)




Thơ là thánh đường của hoa trái tâm hồn. Ở đó, những tín niệm thẳm sâu mang phấn hương xao xuyến bay lên cùng ngọn gió mát lành. Dường như thơ sống trọn vẹn nhất giữa đời thường yêu mến, giữa cơn nhói của tim, giữa hân hoan phiêu huyền nước mây tình tự. Không phải ngẫu nhiên, mỗi khi có cuộc trà dư tửu hậu, có phút sẻ chia ngọt đắng, thơ vụt hiện bên ta hoá giải muôn nỗi buồn vui trần thế. Và những lúc ấy, bất chợt tôi nhớ đến người thơ bồng bềnh sóng tóc như ảnh hình của cơn dư chấn tình yêu sau bao biến thiên hút bóng. Ngoài đời, anh tự nhận mình là người mang giọt sương hành hương về XỨ THƠ hành lễ. Thế mà giọt - sương - chữ khiêm nhường kia đủ để lay thức những nhớ quên giữa âm u tục luỵ.

Có lẽ không ngại giải ngôn mà rằng, anh trả lại cho thơ nguyên khối bản thể sinh tồn hằng cửu: thơ là người. Cái định nghĩa tưởng muôn năm cũ này vận vào thơ Nguyễn Văn Đắc lại cho ta một thức nhận mới. Đó nguồn cội máu thịt không phải xa xôi mà ngay ở “cái rốn” đời người. Chân lý hiện hữu nhãn tiền nhưng trầm ngãi ám ảnh một day dứt:

Có những người khuyết tật bẩm sinh
Họ phải mang một thân thể dị hình
Họ đã thiếu cái họ có thể thiếu
Nhưng họ không thể thiếu cái họ không thể thiếu.
                                                 (Cái rốn)

Trong dòng chảy văn hoá, người đọc dù khiêm tốn sẽ không khó bắt gặp những câu thơ viết về quê hương đi cùng nhật nguyệt nhưng đa phần gắn với ảnh hình trơn nhẵn, gần gũi quen thuộc. Quen thuộc bởi sự sắp đặt của quan niệm và vì thế, ý nghĩa toả phát từ con chữ trở nên yếu dần. Thông thường, trong thơ người ta ít để cho “tư duy lý sự” lấn át. Nói rõ ra là kỵ lối hiển ngôn. Hiển ngôn dễ làm cho cây thơ cong queo, gầy guộc. Nhưng đôi khi người thơ ngộ ra điều kỳ diệu ẩn trong “cái đã biết” lại như một thủ đắc. Đây là một dẫn dụ:

Từ ấy con mang rốn vào đời
Mang theo cả nỗi đau và niềm hạnh phúc
Có hạnh phúc nào lại không bắt đầu từ nỗi đau
Và có nỗi đau thì niềm hạnh phúc mới diệu vợi.
                                                (Cái rốn)           

Hay sự sống tượng hình trong quả trứng thực sự có ý nghĩa khi mỗi cá thể (individu) tự mình thoát khỏi cái “vỏ bọc” chính mình lại được nhìn bằng con mắt thơ hướng đến sự minh triết:

Chỉ một kiểu vỡ có sự sống:
Tự bung ra để hiện hữu một hình hài!
                                              (Quả trứng)
Chính mạch sống ấp iu suối nguồn yêu thương tưới lên cây đời mộng thắm nên một nụ mầm truyền nối cũng đủ làm cho đất trời trẻ lại. Hoá ra “mùa xuân không chịu lùi” trong anh dù khi lên chức ông nội là vì thế:

Tiếng khóc o oe cháu chào đời
Từ nay ông nội há phải chơi!
Thế mà cứ ngỡ ông còn trẻ
Tóc bạc nhuộm xanh quả yêu đời.
                                                (Cảm tác về ngày sinh cháu nội)

Cảm tác về ngày sinh cháu nội là một bài thơ có giọng vui “đáo để”. Sự kiện cháu nội ra đời đã triển chuyển tình cảm các thành viên trong đại gia đình, không gian trỗi nhịp tươi hồng và sự ấm áp được rọi qua kính chiếu yêu thật dễ thương làm sao!

Rồi ra giữa muôn trùng dâu bể, cố hương luôn là cõi đi về. Ở đó, có dòng sông như đời mẹ giúp ta gội những muộn phiền, tiếp sức cho ta băng qua mưa nguồn thác lũ, trún* cho ta ngụm nước ngọt ngào trăng sao lấp lánh  . Và trong chiêm bao ta bắt gặp những con sóng của dòng sông tâm thức miên man vỗ vào thời gian mà rộng dài vô tận. Thế nên dễ hiểu vì sao anh lý giải về dòng sông quê nhà:

Ô Lâu sông của dòng sông
Dòng sông tuổi mẹ mặn nồng tình quê.
                                              (Dòng sông tuổi mẹ)

Từ dòng sông soi bóng tuổi thơ lộng lẫy, người thơ mang niềm kiêu hãnh lãng mạn gối lên sao trời để lắng nghe lời dụ ngôn của dòng sông khởi nguồn ngát hương tình tự:

Ôi đôi mắt em một lần và mãi mãi
Mời ta vào vùng hoa cúc hoang đường
Lửa sao trời và nguồn suối mê hương.
                                             (Gọi tên em bốn mùa)

Lẽ thường, dưới mái trời có ai không mang tình yêu làm giàu khát vọng nhưng người thơ thì suốt đời mắc nợ trần gian. Món nợ mà chỉ có ở những tâm hồn rộng mở cùng trời xanh mây trắng mới hân hoan lấy trái tim tín chấp và lúc này đây, chính con người nhà thơ ở anh đã nâng bỗng nhà doanh nghiệp lên đỉnh sống nhân văn:

Vay sông một chuyến đò đêm
Vay biển ngọn sóng dâng lên ngút ngàn
Vay em một chút ngỡ ngàng
Vay quê hương điệu hò khoan dập dìu.
                                               (Vay)

Giữa minh mang trời đất Lăng Cô ngất ngây cảnh đẹp, nhìn những con sóng bạc đầu sẵn bày trò chơi đuổi bắt mê mải làm anh sống lại thuở ban đầu bên người tình trăm năm:

Lăng Cô ta đến lần đầu
Cô Lăng** ta đã bạc đầu với em
                                            (Lăng Cô êm đềm)

Nhưng rồi nghiệp dĩ của trái tim nhạy cảm về “ánh chớp” phận người, rượu nồng không đủ men say để cất giấu cái “chau mày” ở đâu đó trên dặm dài sắc không nhưng thừa sự xanh trong của đôi mắt quẫy sóng tình yêu, thanh tẩy bụi bặm:

Ta úp mặt dưới biển trời cao rộng
Mở mắt ra rửa bóng bụi trần.
                                           (Ký ức thời gian)

Hồ như những gì lướt qua “đôi mắt” mang ý nghĩ kiếm tìm của thi sĩ, ta thấy hiện lên chân dung thẳm sâu của con người:

Ru bao thân phận cuộc đời
Mỗi thân phận ấy một đời tàu đi.
                                           (Đời tàu)

Đọc thi phẩm Cái Rốn, sẽ thấy một hồn thơ trầm sâu nội cảm, giàu ý nghĩa triết lý nhưng không khoa ngôn lộng ngữ. Thơ anh tạo được đường dẫn từ trái tim đến trái tim bằng sự chân thành thấm đẫm. Những câu thơ lúc cô đúc tụ kết chiêm nghiệm, lúc co duỗi cuốn theo cảm xúc cao trào. Tác giả biết dựng dậy cơn ngái ngủ đời người trên trò chơi bập bênh con chữ bởi sứ mạng thi ca đòi hỏi sự trầm tư trong hồn nhiên, sự cay đắng trong ngọt ngào. Có được như thế, cây thơ mới tươi xanh, toả bóng xuống tâm hồn yêu cuộc sống. Khiêm nhường mà nói, thi sĩ Nguyễn Văn Đắc là người cơ may hứng được những giọt sương không tan trong mắt nhớ con người. Điều đó thật đáng để cho ta trân trọng biết mấy.


                                                Trọng thu Kỷ Sửu, 2009
                                                       VÕ VĂN LUYẾN

-------------------------
Võ Văn Hoa gởi đăng


No comments: