Cái trò làm thơ thế mà
hay ra phết, các vị ạ!
Trước kia nghe loáng
thoáng tới chuyện ai đó trong số người mình quen thích làm thơ, là
cả tôi lẫn "basa" đều bỏ ngoài tai, mặc nhiên nghĩ đấy là
chuyện của mấy ông "háp". Thậm chí có lần giở cuốn gia phả
(vẫn đặt trang trọng trên bàn thờ nhà ông anh cả tôi) thấy viết rằng
cụ nội chúng tôi trước đây là nhà nho rất giỏi văn thơ, tôi phải gấp
lại đặt vào chỗ cũ lập tức, vội vàng đến mức không kịp phủi bụi
cho cuốn gia sử vì sợ "basa" ngó đến. Hắn mà đọc thấy thì
rồi mỗi khi có chuyện không vừa lòng, sẽ mát mẻ rằng cả nhà chỉ
có tôi được mang "gien trội"!
Chính vì có basa nhà tôi
cầm trịch như vậy nên chúng tôi sống yên ổn được đến hai mươi năm
chẳng dính dáng gì tới các thứ thẩn thơ, thơ thẩn. Thật đội ơn Phật
bà!
Vậy mà sự đời bỗng bất
ngờ đổi thay, đổi thay cũng lại chính từ basa nhà này, khiến tôi
phải trở thành triết nhân... bất đắc dĩ khi cố suy ngẫm để lí giải:
"Con giun khi đang mải kiếm ăn hoặc buộc phải bò qua chỗ đất khô
nóng, tránh chậu nước xà phòng ai đó vừa đổ toẹt, thì nó duỗi
thẳng ra mà bò trối chết, nhưng lúc no đủ dưới trăng thanh gió mát
chúng cũng tung tăng uốn khúc kém gì lân với rồng... giấy đang múa
trong ngày Trung Thu, có lẽ là thế!"
Chả là hôm đó basa với
dáng đi tung tẩy bước vào nhà (khiến thoạt tiên tôi nghĩ hắn lại bị
tái phát chỗ viêm khớp gối!). Chưa kịp hỏi thì hắn dí tờ giấy vào
mũi tôi:
- Trưởng... trưởng... à,
Sếp Thơ Việt Nam Cờ Lờ Bờ khen bài này lắm nhá!
- Cái gì? Ai?... Cái gì
cơ!?
Thề có con chó đá cụt
một tai rất thiêng ngoài cổng chứng giám! Tôi mà hiểu được một phần
tư những gì basa vừa nói thì phái viên giả mạo của đức... đức Ma...
Ham Mít gì đấy có bắt tôi giấu bom vào bụng đi nổ cảm tử ở giữa
bãi rác, tôi cũng chẳng dám cãi lại.
- Sao mặt nghệt ra thế? - Cái
phì cười của basa làm tôi yên dạ, biết là mình không vướng
"phốt" gì - Chả là em chưa kịp nói với anh - nàng hớn hở
giải thích - Em tham gia cờ-lờ-bờ Thơ của các giáo chức nghỉ hưu từ
tháng trước cơ. Đầu tiên là do nể cụ nguyên giám đốc Sở...
- Cái gì? Thơ! Sao lại dính dáng
đến thơ?!
- Thì là thơ chứ còn cái gì.
Bây giờ ai mà chẳng làm thơ, anh đến CLB mà xem, ối cụ ông cụ bà,
móm hết răng mà vẫn làm thơ tình kia kìa.
Quả thực là tôi không thể nào
tiêu hóa nổi những chuyện basa vừa nói. Hắn cũng nhận thấy thế nên
xà đến bá vai tôi cười như nắc nẻ khiến tôi phải vội vàng ngó quanh,
xem có ai nhìn thấy cặp U60 tình củm với nhau hay không, dẫu biết
rằng ở nhà chỉ có hai vợ chồng già.
- Sao ngày xưa, ngày xưa...
Chưa hỏi hết câu thì basa
đã ngắt lời:
- Ngày xưa khác, bây giờ
khác. Bây giờ đến lúc mình cũng phải nâng tầm rồi. Tẩm thế không
biết!!
- .......
- Ngày xưa có ai làm thơ
không nào, tôi hỏi ông thế? - Thấy họng tôi vẫn đang tắc, basa hạ cố
giải thích - Xưa ai làm thơ thì nghèo kiết xác, con cái nhếch nhác,
vợ gom nhặt rác, khách đến phải chạy đi mượn bát... Nhưng bây giờ,
bây giờ...Thôi ông cứ đi với tôi tới CLB một hôm rồi sẽ thấy ngay.
"Con mẹ này dở chứng
thật rồi", tôi nghĩ bụng và chuẩn bị nổi cạu. Đàn ông bao giờ
chả thế, dẫu luôn giữ chức tiểu đội phó như tôi, nhưng con giun xéo
mãi cũng quằn! Thì ra hắn đi đến cái cờ-lờ-bờ-mù-mờ-thẫn-thờ gì
đó được vài lần đã sắp sửa lên mặt, học cách nói ra vần ra điệu,
về nhà định bắt nạt chồng... Đã thế, đã thế...
- Bây giờ làm thơ toàn là
những người giàu có thôi, ông hiểu chưa. Đại gia, có chức có quyền
mà không biết làm thơ cũng vứt - hắn tiếp tục giải thích nhưng đúng
là đổ thêm dầu vào lửa trong khi tôi đã có đầy đủ lí lẽ để tung
"chưởng" ra.
- Ra thế, Lượm ơi... Có
nghĩa là bây giờ bà chê tôi không biết làm thơ, là đồ vứt đi chứ gì?
Tôi nói cho bà biết nhá, không biết mèo nào vứt mỉu nào...
- Thôi thôi, ai nói thế,
chưa chi đã... - basa dàn hòa, lập tức áp dụng sách lược "lạt
mềm buộc chặt" như mỗi khi sắp có chuyện cãi nhau - Đấy là mấy
cụ cựu giáo chức tham luận ngoài luồng với nhau như thế, ai nói đụng
gì tới ông...
- Tham với chả lộn! Tôi
còn lạ gì mấy lão ấy. Lúc còn đương chức đương quyền thì tham cả
đến mấy con chó con nhà chị Dậu, không có vé nọ vé kia đố bà xin
được cho cái Thi nhà mình vào trường điểm, chính bà phải lo méo mặt
đi còn gì. Bây giờ phải nhường ghế cho người khác rồi thì lại lộn,
có mà lộn hành ra tỏi...
- Thôi, thôi, đã bảo thôi
thôi rồi mà. Em bảo này... - basa nhũn như con chi chi - Anh mà làm thơ chắc chắn còn hay hơn
mấy ông ấy nhiều. Ngày xưa em có xem cuốn nhật kí của anh, thấy có
mấy bài thơ hay lắm, sau rồi vì bận làm ăn con cái nên mới không ngó
ngàng gì nữa. Em nghĩ nhà này chỉ
có anh là mang được gien của ông nội thôi. Giờ chúng mình làm một
tập thơ rồi gửi in đi...
Gien của ông nội! Thế mới
biết một mụ đàn bà bằng ba con ma xó! Tôi lại cứ nghĩ hắn chẳng bao
giờ sờ mó đến những thứ không phải nhiệm vụ của giống vịt nhà đẻ
toàn ra vịt trời. Hắn vẫn đang say sưa với ý định in thơ thiếc gì
đấy nên thấy tôi đã có phần hạ hỏa liền tiếp tục ỏn thót:
- Anh làm đi, đảm bảo thơ
của nhà mình hay hơn của nhà họ...
- Nhà nào? Hay hơn thì
làm sao, được cái gì mà làm?!
- Lão gia ơi, ngồi đây nghe
phu nhân của lão gia nói đã, làm sao cứ sủi lên như bong bóng nồi cám
lợn thế. Nghe xong đi đã rồi hãy phát biểu không được à?...
Đã thế thì tôi sẽ để im
cho hắn nói. Đã có một vại sành kinh nghiệm từ ngày gánh vác chức
phó trong nhà, rằng nhiều khi không cần phải giao ban làm gì, cứ im
ỉm mà làm lại khiến cấp trưởng phải đặc biệt lưu ý, thậm chí phải
thay đổi nghị quyết đã ban hành.
"Luôn luôn lắng nghe,
luôn luôn thấu hiểu" là một sách lược cực kì quan trọng, chẳng
thế mà cái công ty Pờ-nhô-đen-sờn-đen-xì gì đấy lập thành biểu
trương ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ kiên nhẫn lắng nghe một lát là
thấu hiểu ráo mọi chuyện, tất tần tật. Tất nhiên là phải sắp xếp
thông tin theo tư duy của mình, nếu chỉ ghi âm theo trình tự các các,
cạc cạc của họ nhà vịt thì có mà... khà khà!
Nào là ở nước ta hiện
giờ có cả triệu người làm thơ, nào bây giờ một chị Cầm...đồ, một
anh Thi... Lúa cũng có thể in riêng cho mình một vài tập thơ, dễ dàng
hơn in tiền âm phủ, khỏi nói việc muốn có một vài bài thơ trong một
TUYỂN THI gồm hàng lô hàng lốc giả... tác, bập bập, phải gọi là
"tác giả" cơ đấy. Chỉ cần bỏ ra vài ba trăm ngàn là có một
bài của mình trong ấy ngay, sau đấy vào các ngày hội lễ còn nhận
được thiếp in rất đẹp mời tác giả từ miệt vườn xa xôi tự bỏ tiền
ra Miếu... Văn ở đất Thăng Long ngàn năm, nghe, đọc thơ và gấp thành
diều giấy thả lên trời nữa cơ!
Ai muốn gấp bao nhiêu diều
cứ tùy ý nhá, trưng mấy bảng quảng cáo "thơ nhà" vẽ rồng
vẽ... phượng cũng được, sau đấy được phép thu lại đưa lên máy bay mang
về cho em út trong nhà từ Ba cho đến Bảy-Tám-Chín Lúa dán vào cột
từ đường lưu giữ muôn đời. Làm thơ bây giờ sướng hết chỗ nói!
Cũng thấy hay hay. Thì
cũng phải nâng tầm tí chút chứ nhỉ?!
Tôi nghĩ đến chuyện giở
mẹo vặt bằng cách moi các bài thơ tình ngày xưa ở các quyển nhật
kí (ba quyển tất cả, ma xó mới biết có một cuốn thôi, hai cuốn kia
đã khôn hồn gửi ở nhà thằng bạn từ lâu!) ra sửa lại rồi đem thi
thố. Đúng lúc ấy thì ông cậu của basa, một nhà thơ thực thụ tuy chỉ
ở cấp tỉnh, tính rất hài hước, bước vào cười khà khà, thì ra ông
đã đến đứng nghe ngoài cửa từ lâu mà cả tôi và basa bị dính... keo thơ
nên không hay biết.
- Hà hà! Chắc là tay
Giáo Chủ đạo Thơ vừa đến thuyết pháp cho CLB các ngươi chứ gì?
- Giáo Chủ?! - Hai vợ
chồng tôi cùng ngơ ngác, chưa hiểu ông nói gì.
- Hai ngươi thừa biết rằng
bây giờ nhiều người mê mẩn với thơ như cô đồng mê cung văn, trọng TUYỂN
THI như người Hồi giáo kính Kinh Co-ran, thăm Văn Miếu thì ngang bằng
được hành hương về La-mếch! Vậy nên mới có kẻ đi khắp nơi truyền
"ĐẠO THƠ" để được tôn xưng là "GIÁO CHỦ", hiểu chưa?
- Nhưng... nhưng để làm gì
hả cậu? - Basa nhà tôi chưa hiểu.
- Sắp lên lão rồi mà còn
ngốc! - Ông cậu vợ (chỉ hơn cháu ba tuổi) mắng thế - Tao đây này, thơ
được bao nhiêu người biết đến mà muốn in một tập vẫn phải bỏ tiền
túi ra, đứa chó nào ra hiệu sách mua thơ đâu! Nhưng tay "giáo
chủ" của các ngươi năm nào cũng in hàng chục tuyển tập thơ dăm
trăm bài, mỗi tập vài ngàn cuốn rồi bán hết veo với giá cắt cổ cho
tín đồ được "giáo chủ" chọn thơ in. Thế thì để làm gì mà
các ngươi còn phải hỏi à?
- Mỗi một lần in như vậy
"Giáo chủ" đút túi ba bốn trăm triệu đấy - Ông cậu vợ nói
thêm.
- Ra thế, Lượm ơi! - Đến
lượt tôi gãi gáy trong khi basa mồm há ra như con cá bị vứt lên bãi
cát khô.
Nhưng có lẽ vẫn phải tìm
cách nào để NÂNG TẦM tí chút chứ nhỉ? Ai bây giờ mà chẳng phải cố
để được NÂNG TẦM!!
Ngọc Châu
ngocchaunvhp@gmail.com
ngocchaunvhp@gmail.com
No comments:
Post a Comment