Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, July 9, 2021

HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM - Lê Quang Thái

 

Tàu chạy hơi nước của Pháp cùng thời với tàu của VN,
Ảnh từ thanhnien.vn.

HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở 

VIỆT NAM

  Lê Quang Thái

 

     Kể từ khi Denis Papin sáng chế ra chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới (năm 1707) , mãi cho đến 131 năm sau, nước Đại Nam mới mua được chiếc tàu chạy máy thay thế cho thuyền chèo bằng tay hoặc thuyền buồm nhờ sức gió đẩy.

     Trước mốc thời điểm ấy, vào đầu thế kỷ thứ 19 - kỹ thuật đóng thuyền chèo, thuyền buồm dưới thời Vua Gia Long đã được những du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam như Cnau Furd phải nhìn nhận và đánh giá là tiến triển và đạt tới trình độ tương đối hoàn hão.

     Theo ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ, Cơ quan trung ương theo chỉ đạo việc đóng tàu thuyền là Vũ khố thuộc bộ Công, dưới quyền điêu khiển của một chức quan (Hàm Lang trung). Cơ quan trực tiếp thi công đóng tàu là Sở Vũ khố đốc công thuộc Vũ khố). Đứng đầu Sở Vũ khố đốc công có chức quan Giám đốc hay còn gọi là Đốc công ( ngang hàng viên ngoại Lang). Chức quan này do Bộ binh bổ nhiệm, nhưng thuộc quan và thợ thuyền do bộ Công quản lý. Ngoài ra, Sở Vũ khố đốc công còn làm nhiệm vụ chế tạo khí giới và đúc súng thần công. Năm 1838, Minh Mạng thứ 19, Nhà Vua sai Vũ khố dựa theo tàu Tây dương đóng thành tàu chạy bằng hơi nước Đại Nam.

 

     Trước khi bắt tay vào công việc, triều đình Huế tặng thưởng cho Sở Đốc công Vũ khố 100 quan tiền, tạo niềm hưng phấn tinh thần cho đội ngũ thợ thuyền...

     Một năm sau, vào mùa xuân 1839, bộ công dâng trình Vua Minh Mạng cho chạy thử chiếc tàu chạy máy hơi nước mới đóng được trên dòng sông Hương.

     Vua chuẩn y. Khâm thiên giám chọn ngày lành tháng tốt cho lễ hạ thủy, được tổ chức long trng5. Tháng tư năm ấy, Vua Minh Mạng ngự ra xem với lòng đầy tin tưởng vào cuộc thử nghiệm sẽ thành công. nào ngờ, nồi hơi bị vỡ, tàu không tài nào chạy được ! Vua nổi giận lôi đình, cách chức quan bộ Công, tống ngục Ban Đốc công và chuyên viên chờ đình thần xem xét mà luận tội !

 

     Cuộc thử nghiệm thất bại. Nhưng chỉ vào tháng sau, Tân Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng với những cộng sự của mình tại Sở Đốc công vũ khố _ ngày đêm nghiên cứu tìm tòi, mới sửa chữa được hỏng hóc kỹ thuật. Bộ Binh cùng Bộ Công đốc suất Sở Vũ khố đốc công cho thử nghiệm vận hành chiếc tàu chạy bằng hơi nước ở dòng sông An Cựu. Kết quả đã thành công như ý muốn. Đánh dấu một sự kiện lịch sử trong việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và ngành đóng tàu của Việt Nam.

     Sự kiện lịch sử ấy được ghi lại như sau : "Ngài (Vua Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy bằng hơi nước - Khi trước Sở Vũ khố chế tạo tàu ấy, đem chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy được người Đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân, vì cớ tâu không thiệt đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy móc vận động lanh, thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng cho Chánh Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng người phụ tá Vũ Huy Trinh mỗi người một nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng "Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể hao phí gì". (Quốc triều chính biên).

 

     Nhà vua quan niệm rằng, thưởng hay phạt đều có căn cơ, phải dựa vào lẽ, kỹ cương, phép nước được đặt lên hàng đầu, khiến ai cũng phải tôn trọng. Phương châm quyết định việc thưởng phạt là "có công thì thưởng, có tội thì răn". Cách đây trên 150 năm, ví muốn cho đất nước tiến bộ, Vua Minh Mạng thưởng phạt công minh, không quản ngại tốn kém ngân sách quốc gia để thực thi những công cuộc duy tân xứ sở, mà việc sáng chế máy móc, thuốc súng, khai mõ và đóng tàu thuyền chạy bằng hơi nước là những bằng cớ tiêu biểu.

 

     Vào thời bấy giờ, Chánh Giám đốc Sở Vũ khố đốc công là Hoàng Văn Lịch, người làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, Phủ Thừa Thiên. Một làng văn hiến, nổi tiếng về nghề rèn và cơ khí. Ông đã cùng với thuộc viên và thợ thuyền trong binh xưởng chế tạo thành công tàu chạy bằng máy hơi nước đâu tiên của nước ta. Là người trực tiếp đứng mũi chịu sào , Giám đốc Hoàng Văn Lịch được nhà Vua thọ phong tước Lương _ Sơn _ Hầu và nhiều bỗng lộc khác nữa. Thành công này do Hoàng Văn Lịch đã khéo tập hợp và lựa chọn những người thực sự có tay nghề cơ khí cao, có tinh thần yêu chuộng khoa học kỹ thuật tiến bộ. Phần lớn những cộng sự của ông và thợ thuyền ở Công binh xưởng đều là người làng Hiền Lương và những tay thợ cơ khí giỏi trong nước được điều động về làm việc ở Sở Vũ khố đốc công tại Kinh đô (Nay là Khu vực Phường Thuận Hòa thành phố Huế). Sức đóng góp của những nghệ nhân và thợ thuyền của dân gốc làng Hiền Lương là đáng ghi công trong những thành tựu về chế tạo vũ khí, chế thuốc súng và đóng tàu thuyền của Việt Nam thế kỷ thứ mười chín.

 

     Trước thành tựu đạt được về khoa học kỹ thuật bước đầu, khiến nhà Vua vui mừng lao theo việc đóng thêm một chiếc tàu lớn, phí tổn lên tới 11.000 quan tiền vào tháng 10 năm Kỷ Hợi 1839. Với đà  tiến ấy, vào mùa mùa hạ năm Canh Tý - 1840, triều đình Huế lại quyết định đóng thêm chiếc tàu hạng trung kiểu mới. Vua Minh Mạng ủy quyền cho Sở Vũ khố đốc công; dựa vào chiếc tàu chạy bằng hơi nước hạng lớn mới mua về để định lại mực thước, thiết kế bản vẽ kỹ thuật mà chế tạo tàu mới.

     Chánh Giám đốc Sở Vũ khố đốc công Hoàng Văn Lịch, cùng thuộc viên, binh tượng, thợ thuyền lại có điều kiện phát triển tài năng. Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN cho biết những đặc điểm cụ thể của chiếc tàu hàng trung kiểu mới như sau : "Thân tàu dài 5 trượng, 4 thước, ngang 9 thước, sâu 4 thước 3 tấc 6 phân. Nồi chứa nước dài 6 thước 5 tấc, ngang 5 tấc, cao 4 thước 1 tấc, trục bánh xe guồng hai bên làm dài thêm 2 thước. Tay guồng 12 cái vẫn làm bằng sắt duy ván tay lái làm bằng gỗ lim dài 3 thước 3 tấc, mặt 9 tấc, hai trục bánh xe guồng làm thêm mỗi bên một cái tổ trục bằng đồng, tùy tiện mà làm, ván thân tàu bằng gỗ tử, gỗ đỗ cũng được, ván chỉ dày 8 phân... "

     Kể từ lúc khởi sự đóng tàu chạy bằng máy hơi nước cho đến tháng 4 năm Canh Tý 1840, Minh Mạng thứ 21 dưới sự chỉ huy của Giám đốc Hoàng Văn Lịch, Sở Vũ khố đốc công đã đóng được 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước :

     - Khởi công 1838 (Minh Mạng 19) đóng tàu nhỏ và hoàn thiện vào đầu mùa hạ năm 1839.

     - Mùa Hạ năm Canh Tý 1840 đóng thêm tàu hạng trung kiểu mới.

     Đây là thành tựu rực rỡ của ngành công nghiệp đóng tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên của Việt Nam. nên vào tháng 7 cùng năm (1840), Vua Minh Mạng đích thân đặt tên cho 3 chiếc tàu : Tàu lớn gọi là Yên Phi, tàu hạng trung gọi là Vân Phi, tàu nhỏ gọi là Vụ Phi. tên tàu nào cũng đẹp và đều có ý nghĩa. Danh hiệu của tàu đều được khắc chữ vàng ở đằng sau bánh lái. Thành tựu vinh quang của nước Đại Nam vào giữa thế kỷ 19 trong đó có sự cống hiến lớn lao của một công trình sư, Hoàng Văn Lịch, và những bàn tay khéo léo của binh tượng, thợ thuyền của Sở Đốc công vũ khố.

 

     Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN, ghi lại nhiều chi tiết về nguồn gốc và cách chế tạo của binh xưởng như sau :

     "Tàu Yên Phi khi mới mua ở Tây Dương về, máy móc nhiều chỗ han rỉ, nồi sắt cũng rò nước, chạy thử chưa được nhanh nhẹ, đã sai đốc công, sức thợ tháo ra xem xét, mài dũa từng cái, sửa chữa chỉnh đốn, lại ráp vào như cũ cho cùng với thuyền hiệu Bình Hải ra biển chạy  thử từ cửa Thuận An đến đồn Đà Nẵng, đi về hai lần tàu chạy máy hơi nước được chạy nhanh hơn (thuyền Bình Hải vẫn có tiếng là lanh lẹ), Vua ban thưởng Chánh giám đốc Hoàng Văn Lịch và cộng sự Vũ Huy Trinh, đều gia một cấp, áo quần đều mỗi người hai cái. Còn các thợ thì thưởng 300 quan tiền".

     Tiếc thay, chính sử của triều Nguyễn không ghi lại rõ về sức tải cùng vận tốc đạt được, với những ổ súng đại bác đặt trên đó và có thể chở được bao nhiêu thủy thủ, cùng binh lính trên chiếc tàu Yên Phi?

     Tuy vậy, những cuộc thử nghiệm chế tạo tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên đã thành công vẻ vang, vượt ra ngoài dự tính cả về năng lực, lẫn thời gian. Trên đường sông cũng như đường biển, tàu máy rẽ sóng lao đi. Châu bản triều Minh Mạng 19 đã khẳng định "Tàu chạy rất mau, không kể gió, nước ngược xuôi, không cần người chèo".

     Thành công lớn ấy chính là do quyết tâm cách tân và ý chí tự cường của Vua Minh Mạng. Một cống hiến vượt bậc của Tổng công trình sư Hoàng Văn Lịch _ người thực thi một trong những chương trình duy tân, đã dám gắn liền cả sinh mạng của chính mình cùng cộng sự, binh tượng, thợ thuyền dân làng Hiền Lương vào sự phát triển ngành cơ giới trong việc vận tải bằng đường thủy.

 

     Than ôi ! Khi Vua Minh Mạng qua đời , các vị vua kế vị đã không làm nỗi một chương trình nào cách tân để phát huy thành quả huy hoàng kế thừa những gì mà ông để lại, nhằm đưa đất nước vươn lên !!!

     Mấy chục năm sau, vào đầu thế kỷ 20 - một vị quan triều Nguyễn đã miêu tả, còn ca tụng cảnh tàu biển thần kỳ vượt sóng nước, qua bài thơ nôm "Ngồi tàu thủy qua biển".

     " Đầu rồng lướt sóng phun bông bạc,

       Chân vịt quay chèo trổ cánh sen ... "

 

     Thật là tuyệt, dưới triều Minh Mạng - chỉ trong vòng ba năm (1838 - 1840) dồn đẩy nhiều cải cách duy tân tiến bộ. Sở đốc công vũ khố dưới sự chỉ huy của "Lương - Sơn - Hầu  Hoàng Văn Lịch" đã dựa vào khuôn mẫu tàu chạy bằng hơi nước mới mua được của Tây Dương, phỏng theo rồi chế tạo đóng mới thành công ba chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước "Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi". Tất cả ghi dấu ấn cái mốc Lịch sử về giao thông vận tải và sự phát triển không ngừng của nền chế tạo máy của nước Việt Nam.

 

Huế 1991

Nguồn:

Trang web của Làng Hiền Lương

 - https://sites.google.com/site/langhienluong/hien-luong-chi-luoc/phan-phu-luc

No comments: