Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 15, 2014

THƠ LỤC BÁT - phiếm luận Chu Vương Miện

Hình từ trang phidongha.blogspot.com


Có nhiều vấn đề về thơ mà rất nhiều năm vẫn còn đó, không trôi qua một cách dễ dàng, tuổi càng ngày càng chồng chất nên đã gần 40 năm nay, bây giờ mới đủ chín để viết bài phiếm luận này.

   Thơ Tàu nói chung và thơ Đường đều có luật có lệ [và thường có cả ngoại lệ].Từ thơ bốn chữ [tứ tự], thơ năm chữ [ngũ ngôn], thơ sáu chữ [lục ngôn], thơ bẩy chữ [thất ngôn] (thơ Tàu không có thơ tám chữ [bát tự] nhưng lại có trong thơ Tây), đến thơ bốn câu [tứ tuyệt] tám câu [bát cú], nhiều câu hơn là trường thiên, nếu thơ  trừơng thiên mà chỉ có một vần thường được gọi là bài hành.

   Vào thập niên sáu mươi [60], thi sĩ Vũ Hoàng Chương chế ra một loại thơ [nhìn qua cũng là thơ của Tàu thôi], đặc biệt chỉ ròng bốn câu, mỗi câu bẩy chữ, ông đề xuất loại thơ này là Nhị Thập Bát Tú.

Tuy nhan đề bài phiếm luận này là Thơ Lục Bát, nhưng ở phạm vi bài này, chúng tôi không dám lạm bàn chi nhiều về thơ mà lại bàn riêng về một vấn đề khác. Thơ Đường hay thơ Tàu thì loại tam ngôn, tứ ngôn, lục ngôn, thất ngôn thì đúng rồi. Còn thể thơ sáu tám [6-8] của nước ta tại sao không kêu là thơ sáu tám mà lại kêu là thơ luc bát? Chúng ta là người Việt Nam trăm phần trăm, tuy có bị nhà Đường đô hộ, nhưng đa số chúng ta không nói được tiếng Tàu và rất ít người thời bấy giờ làm được thơ Tàu. Vậy mà tiền nhân của chúng ta không kêu thơ của chúng ta là thơ 6-8 [mà lại là lục bát]. 
   
Xin tạm gác vấn đề thơ Lục Bát qua một bên, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần cuối bài.

Năm 1958, ở miền Nam Việt Nam xuất hiện một thi sĩ tên là Hà Liên Tử [mà theo nhà phê bình Lâm Vị Thủy lúc đó ở tờ Tạp chí Phổ Thông là một “văn nghệ sĩ thanh niên hiện đại”. Ống cho xuất bản thi phẩm Tiếng Bên Trời. Tôi không bình lụân cuốn thơ này [không khen và cũng không dám chê] chỉ ghi lại phong cách làm thơ và cách dùng chữ của thi sĩ mà thôi:

Thơ như vầy:

bỗng dưng
em khóc tôi cười
Chuyện mười năm cũ với người
hôm nay
                    [Bóng Chiều Xuân]

Men đời chuốc cạn đắng cay
Ưu  tư liệm chết hồn trai giang hồ
Những là hoa bướm ngày xưa
Người em thơ mộng
ngày xưa...
hết rồi
Bỗng dưng
em khóc 
tôi cười
chia tay
Chẳng biết ai người khổ đau
     [Trích từ cuốn Thi Nhân Hiện Đại tập 2, Phạm Thanh, tr. 607-608]

Riêng bài thơ dưới đây, thì chúng tôi chỉ chép lại theo trí nhớ:

mười năm xưa
mười năm sau
một hình bóng cũ
xóa mầu thời gian
cầm như 
đã lỗi nhịp đàn
cố nhân ơi
bấy ngỡ ngàng cố nhân

Mấy câu thơ của thi sĩ Hà Liên Tử cũng chả khác gì những câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh.

Nửa chừng xuân
thoắt
gẫy cành thiên hương

[Bản Kiều thi chép liền một câu “Nửa chùng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”].

Thơ chỉ có thế thôi mà sinh to chuyện. Từ những tờ báo lá cải xoàng xoàng đến tờ báo thời danh Sáng tạo, báo nào cũng đua nhau nện cho thi sĩ Hà Liên Tử vài trận đòn bề hội đồng tơi bời hoa lá, ngườì thì nại lý do bây giờ là trao lưu thơ tự do từ một chữ đến mấy chục chữ, nào thơ xuôi [poeme en prose],  nào phá thể, nào là thi si Nguyễn Vỹ thời tiền chiến làm thơ con ngan con vịt [con thiên nga có hai chân thì có sao đâu].  Khi không mang thơ lục Bát chặt khúc ra, không giống con giáp nào cả, đập là phải thôi [mà đập rất là thiệt tình], sau này thì tôi mới nghiệm ra rằng: thiên hạ người ta quá đáng nếu không nói là quá lời khi bình luận về thơ.

Một thể chế [Mưa dân chủ gió cộng hòa] dưới thời tổng thống Ngô đình Diệm và gia đình trị anh minh như thế, tướng lãnh và các vị bộ trưởng tên tuổi sáng chói lừng lẫy như thế, nào Ông Vũ Văn Mẫu [mẫu mực của quan Văn quan Võ], nào ông Trần trung Dung, nào ông Đinh Trình Chính, nào tướng Lê Văn Nghiêm, Dương Văn Minh, Trần Văn Trung, Trần Thiện Khiêm …  một chế độ chính danh như thế, lừng lẫy như thế, ổn định và trật tự như thế  thì  người trên phải ra trên, người dưới phải ra dưới [thơ phải ra thơ, thẩn phải ra thẩn], thơ tự do phải là thơ tự do, thơ mới phải là thơ mới, và thơ lục bát đương nhiên phải là thơ lục bát chứ làm lộn xộn thi ca thì cũng có nghĩa là làm mất trật tự xã hội, làm mất thể thống của một chế độ.

Thế là một chút thí nghiệm [và bước đầu sự nghiệp của thi sĩ Hà Liên Tử] đến đó thi tạm ngừng lại, và ngay từ lúc đó cái lọai thơ lục bát cắt vụn ra tạm thời phải [bị] nối liền vào như cũ.

Tưởng thế là mồ yên mả đẹp [chuyện thơ lục bát tạm ngừng ở nơi đây], nhưng không vẫn chưa yên. Vào năm 1960, tạp chí Bách Khoa thời đại ra một số dầy gấp đôi, số này đặc biệt kỷ niệm 200 năm thi hào Nguyễn Du [đáng để ý nhất hai bài, một bài là của tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê [là Kiều Chơi Cây Đàn Gì?] và bài Đĩa Trà Mai Hạc của Nguyễn Du [xin lỗi lâu quá quên mất tên tác gỉả].  Điều đáng đưa vào bài này [là bài tôi đang viết] bài Đĩa Trà Mai Hạc đại để nói quan Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Du đi sứ qua nhà Thanh mấy lần, mà lần nào cũng đến tận lò gốm để đặt một lúc mấy bộ ly trà và chén đĩa, trên đồ gốm đồ sứ có vẽ cây hoa mai và có mấy con chim  hạc. Nhưng phần lý luận về trà Tàu [ly tách chỉ là phụ] mà ý chính của bài viết là dậy cho những ngươi làm thơ, lúc bây giờ biết cách làm thơ, nhất là thơ lục bát. Đại khái là tranh Tàu thì nhiều và rất nhiều, có nhiều bức của những họa gia nổi danh [thời danh] và cũng có bức của những họa gia chưa nổi danh, tuy nhiên bức tranh nào mà có nhiều thi gia [thi bá] nổi tiếng như cồn đề thơ lên bức tranh thì giá trị búc tranh càng lên cao và giá trị thương mại lại còn theo đó mà cao hơn nữa, những thi gia đề thơ trước, đa số tranh còn khoảng trống, nên dễ đề thơ, các thi gia đề thơ về sau, thì vướng phải mỏm núi, ngọn cây, thành ra có câu dài câu ngắn, vi dụ:

nghêu ngao
vui 
thú yên

mai là bạn
cũ hạc
là người 
quen.

Hai câu lục bát này là của cụ NguyễnDu:

Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ hạc là người quen.

Nếu đề thơ sau những ngườì khác thì không còn chỗ quang đãng, đành phải thụt ra thụt vào, nâng lên kéo xuống, đếm chữ chia câu, mới biết thơ thuộc loại thơ gì. Hai câu thơ lục bát của Nguyễn Du đựcc viết trên chén [đĩa trà Mai Hạc] là bị chặt khúc ra [vì vướng vào cành trúc].

Đến năm 1975, bây giờ là năm 2001, tức là đã 26 năm trôi qua, chuyện về thơ lục bát tôi mới dần dần vỡ lẽ. Bài viết này tôi trích dẫn phần sau của bài toàn là thơ của thi sĩ Trần Vấn Lệ làm điển hình để minh họa.

Tôi rất sợ trích dẫn thơ luc bát của các thi sĩ khác dễ gây ngộ nhận đáng tiếc, sinh ra xích mích không tốt, tôi cũng đã phôn và xin phép thi sĩ Trần Vấn Lệ thì được ông cho phép và không có một trở ngại gì cả, trích dẫn sao cũng được.

Đây là một số bài thơ [trích đoạn] lục bát của thi sĩ Trần Vấn Lệ trông thật ngộ và lạ mắt:

gửi em
một đóa hoa hồng
chiều xuân sang hạ
em bồng đi chơi
bồng hoa
có tưởng bồng người
bồng theo với nhé
một thời tương tư
                     [Trích thi tập Gửi Em Một Đóa Hoa Hồng, trang 9].

sáng nay trời lạnh quá chừng
lạnh như thể chưa từng lạnh hơn
lạnh và buồn
lạnh cô đơn
lạnh không gió quyện
lạnh sương không mù
                   [Một Chữ Lạnh]

hai tay em
lướt phiếm đàn
hai tay em
đuổi trăng vàng đi đâu?
phải chi nước đứng
chân cầu
hai tay em giữ
hoài câu thơ tình
                   [Bàn Tay Kỷ iệm]

sáng sương mù sáng mù sương
los angeles ôi buồn quá em
sáng rồi mà tưởng còn đêm, hết nghe 
tiếng dế bên thềm gọi khuya
mùa đông đã đến không dè. mới thu
phơ phất, mới hè đó thôi!
         [Một Sáng Sương Mù ở Los Angeles]

lâu rồi
về lại đường hill
đẹp ơi trời vẫn còn
chiều mưa bay
em cầm áo
khoác hờ vai
làm tôi cứ ngỡ
mình ngoài thế gian
con sông los
chẩy mơ màng
đồi hollywood
cỏ vàng như thu
mới là tôi nói
là lâu
hay trăm năm
thế kỷ sầu đã qua
em cầm áo khoác
kiêu sa
tôi không là cỏ
mà hoa mặt trời
trăm phương nghìn huong
một đời
về đây với los
tìm người nagỳ xưa
          [Về Đây Với Los]

Đại thể thơ của thi sĩ Trần Vấn Lệ là như vậy, muốn ngắn cứ ngắn, muốn dài cứ dài, tuy nhiên câu sáu chữ và câu tám chữ tổng cộng là mười bốn chữ. Cắt [chặt khúc ra] cũng ở trong 14 chữ mà thôi, chứ cắt lung tung [thêm thừa thì không còn là thơ lục bát nữa] mà là thơ không lục bát.

Nhân tâm tùy mạng mỡ, bá nhân bá tánh ... Cái hình thức không quan trọng, cần là cần cái lõi. Không riêng gì ở ngoài nước, mà thơ trong nội địa sau 1975 cũng được chặt khúc ra, có khúc ngắn khúc dài và so le.

Theo thiển nghĩ của người viết bài phiếm luận này, hai từ lục bát là chữ Việt Mường, sau là chữ Việt Nôm, hoàn toàn không phải từ Hán Nôm, và hoàn toàn cãng không phải chữ Hán mà thuần chữ Việt.

Lục bát ở đây được hiểu là như thế nầy: Lục có nghĩa là lục lọi [tìm kiếm] Bát là cái bát để ăn cơm, ăn bún bò, ăn phở...,  chúng tôi liền có ý nghĩ tới triết gia Phạm Công Thiện khi phê phán một câu thơ của thi hào Tản Đà: "Cái hạc bay lên vút tận trời", ông phán: Cái tinh thần đã bay mất, chỉ còn trơ lại cái xác phàm mà thôi. Cái bát, từ năm 1958 [thời Hà Liên Tử] thời điểm là thi phẩm Tiếng Bên Trời, ra đời tại Sài Gòn, đã bắt đầu bể, sau bốn mươi năm cái bát bể thêm tan tành, đủ thứ đủ kiểu. Sau năm 1975 ăn khoai, sắn, bắp, ngô, củ từ, củ mài [đâu cần bát] và bây giờ thì phài cần cái bát. Rồi bao nhiêu cái bát được hình thành, nhưng cái bát mới ra sao? hinh dạng như thế nào? hỡi các thi sĩ đang sống và đang chờ chết kể cả trong và ngoài nước.

Chu Vương Miện

No comments: