Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 29, 2017

KHÔNG THỂ ĐỔI THAY - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                               Nhà thơ Yến Lan


KHÔNG THỂ ĐỔI THAY

Nguyên nhân lấy đi sức lực của ba tôi là bệnh U-nang tiền liệt tuyến, trĩ, đái rắc, mất ngủ.. Nói tóm lại, dù nhiều chứng bệnh, nhưng ông khổ tâm nhất là bệnh run tay. Run đến nổi không cầm được thứ gì. Có lần bưng chén thuốc chưa kịp uống, tay run làm rơi vỡ tan, tức quá ông khóc ti tỉ như đứa trẻ. Cả nhà nghe ông than:
-Trời ơi! sao giờ tôi bất lực thế này!  
 Sao không bực? cũng chính đôi tay này, mấy chục năm  trước đã gò ra thìa, chén từ chiếc rương nhom để con ăn khỏi vỡ; từng đóng bàn ghế cho con học, từng làm bếp dầu để vợ con đỡ vất vả. Vậy mà giờ, có mỗi chén thuốc bé tẹo cũng bưng không nổi! 
   
  Năm 1990, ba tôi vào chửa bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Trãi –TP. HCM. Khi về, sức khỏe ông không cải thiện thêm mà còn tệ hơn. Tôi và Tú Thủy bàn đến việc chuyển ông bà hoặc ra Bắc ở với Lâm Huy Nhuận, hoặc vào Sài Gòn với tôi. Lần này thấy các con quá kiên quyết, ông ngồi nghe con phân tích. Song, ông không sao chịu được việc bọn trẻ sẽ tách mình ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Ẩn trong sự im lặng đó là sóng gió, là sự giằng co giữa đi hay ở. Ông cố giữ lập trường; chúng tôi cố kéo phần thắng về phía mình, chẳng bên nào chịu bên nào. 
   Thấy tình hình căng thẳng, ông thuận tình nói “Ba vào Sài Gòn ở với Thủy”. Tin này đến tai các bạn thơ. Nhà thơ Võ Văn Trực gửi thư động viên, khích lệ ông... 
  Sợ cha đổi ý, tôi vội vàng sang căn hộ, tầng 4 lô 1 Cư xá Thanh Đa. Hai vợ chồng tôi ở tầng trệt, lô 4. Nếu vào, ông bà thích ở dưới thì chúng tôi lên trên. Mọi việc coi như ổn. Tôi lo  một mạch từ A đến Z, liên hệ thuê xe cơ quan chuyển đồ đạc. Mấy hôm sau, xe lạnh Cty Animex trên đường từ Hà  Nội vào Sài Gòn, ghé đón ông bà. Đồ đạt đưa lên gần hết, đùng một cái, ông cụ giở chứng: “Các cháu bỏ xuống, bỏ xuống hết, bác không đi nữa!..” Hai cậu tài xế điện vào hỏi, tôi đành xin lỗi “Thôi, cụ không chịu đi mà ép, sau này có gì cụ đổ thừa” Tôi bực, trách “ba chỉ nghĩ đến quê hương mà không nghĩ đến cái khổ của con cái. Ba bảo thủ quá chừng.” 

  Vậy là ông lại thắng thế, ông già cổ hủ say quê như người nghiện rượu Bàu Đá”. Ông lý giải rằng “Ba đã quen mọi thứ ở đây, đã già rồi còn sống được bao năm nữa mà đổi với thay”  Rồi, chứng minh cho các con thấy, quê hương là tất cả đối với ông. Là nơi đã lưu giữ tuổi thơ; nơi sẽ sưởi ấm ông những ngày còn lại.

NHẮN SƯƠNG
Gầy mai héo liễu, rũ trà mi
Như thế, đời ta có khác gì
Xin với làn sương đêm tỏa xuống
Lạnh rồi thêm lạnh nữa làm chi
                           
Cuộc sống ở quê có thay đổi, nhưng những con đường đất bên kia sông Côn vẫn thoáng hiện bóng người mẹ trẻ thân yêu của ông: 

CHIỀU
Ai nhại dùm ta tiếng võng đưa
Của bao người mẹ tự bao giờ 
Những chiều năm xửa, năm xưa ấy
Trong lúc ngoài trời lén đổ mưa
                                   
Những gì thể hiện qua bài thơ Tạ ơn cho thấy tình của nhà  thơ là tình của đứa con chắt chiu trọn đời cho đất mẹ:

TẠ ƠN
(Gửi đất quê An Nhơn )

Còn đây nguyên vẹn yêu tin
Xin dâng tạ góc trời riêng quê nhà
…………………………………….
Rượu tình ai nhấp mình say
Nợ ân tình, mặc ai vay chẳng đòi
Tháng ngày còn hãy ít oi
Sống nguyền giữ sạch tiếng đời ký sinh
Với bao gió nghĩa, trăng tình
Chưa phai phẩm ngọc xin dành lớp sau

Người ta bảo: Trời không lấy hết của ai; cũng không cho ai mãi. Vâng, đúng như thế! Chọn quê để sống những ngày cuối đời, ba tôi nghiệm ra cái ông được nhiều hơn mất: - Một hòn gạch rêu phong, một gốc cây, tiếng chim hót, tiếng gà gáy sớm hay chuông nhà thờ vọng lại hằng đêm. Tất cả là cơ sở để ông gắn bó và sáng tác. Khi bị bệnh, không đi xa được, ông càng muốn làm nhiều hơn. Càng đau ông càng nghĩ, cả khi thiêm thiếp, cũng là lúc ông chìm trong suy tư.  Ông thật sự là người có tinh thần trách nhiệm cao đối với quê hương và công việc; cho dù hoàn cảnh nào ông cũng hướng về đất mẹ. Ông nhìn ra bản chất và mối quan hệ giữa mọi vật và con người là một thực thể xã hội, với muôn vàng quan hệ chồng chéo:
NỢ             
Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát 
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng

TRONG XÓM NHỎ         
Xóm nhỏ nhà xưa mấy khóm tre
Đường cong phưng phức nụ hoa chè
Cốm rang trong bếp giòn như pháo
Em đến xua gà chị chẳng nghe
Và nặng lòng với làng xóm:  
Mỗi bận vào đông mở cửa nhìn
Vẫn hơi gió bấc tạt vào hiên
Nửa toan tránh rét nhà quay hướng
Nửa ngại cô đơn bạn láng giềng
                 Tránh rét (10/1991)

Là người sống thủy chung, không vì mới mà quên cũ

Nghe tin gió bấc chuyển vào đông
Tìm hướng nhà xưa rợp cúc hồng
Đâu nỡ trách quê tình giục giã
Chỉ lo con trẻ bỏ bồn không. 
(Nhớ hoa hồng nhà 37 Hàng Quạt Hà Nội)

Khi ông chối từ ra Hà Nội hay vào Sài Gòn sống, chị em tôi giận dỗi lên án: “Ba bảo thủ quá, lúc nào cũng chỉ quê, quê, làm khổ các con!” Song le, những gì trải nghiệm từ thực tế; ngẫm lại, chúng tôi nhận ra, sự lựa chọn của ông không thể khác được, nói một cách chân tình là ứng vào trường hợp của ông. Ông phân bua:
“Đừng trách ba, các con không hiểu hết mọi nhẽ ở đời đâu.”. 
 Vâng, chúng tôi hiểu sao được, cái gọi là “Bọn Nhân văn giai phẩm” lúc đó chưa biết ai sai ai đúng, án phản động vẫn âm thầm bám vào họ. Với một người như ba tôi lại chính quê hương mà ông đã suốt đời tâm huyết cũng vin vào cớ việc ông đã dám đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghĩ cuối cùng, để xét duyệt các quyền lợi cho ông. Bạn xem bài viết của nhà thơ Thanh Thảo thì rõ: 
   - “Tôi nhớ, có một lần Đại hội Văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình, khi ấy Yến Lan được bầu là Chủ tịch (danh dự), trong bữa tiệc liên hoan khá xôm tụ so với hồi ấy, tôi thấy Yến Lan ngồi với vẻ bơ vơ. Ông lạc lõng với không khí tiệc tùng như thế này, thậm chí không còn biết ăn nói làm sao cho “vừa” với “không khí quan chức” ở đó. Tôi nhớ, khi Yến Lan “chót nhỡ lời” nói câu gì đó mà ông nghĩ chỉ là vui vui thôi, thì Ngài Chủ tịch tỉnh-cũng đồng hương với ông-đã tỏ ra không hài lòng, và đã nói một câu mà theo tôi là quá đà với một nhà thơ cao tuổi và đáng kính trọng như Yến Lan. Tôi rất buồn vì chi tiết đó, và tôi nghĩ, Yến Lan còn buồn hơn, dù ông vốn quá hiền lành. Phải vào tôi, thì tôi đã “nổ” liền.

  May là “Không ai nắm tay được cả ngày”, mấy năm trở lại đây, vấn đề NVGP đã được lớp trẻ nhìn lại, phân biệt vàng thau rõ ràng. Có nhà nghiên cứu đã viết bài phân tích đúng sai vấn đề này, độc giả đã nhìn ra cái sai của một số cán bộ lãnh đạo giới, hồi đó đã làm thui chột tài năng một số văn nghệ sĩ, làm cho nền văn học của ta lạc hậu hàng chục năm so với thế giới... 
  Trường hợp của ba tôi, thư ký Báo VNCA an ủi: “Xét về nỗi khổ từ việc này, ba chị chỉ là con tép, mấy năm ấy, cụ vẫn được đăng bài trên báo; trong cuốn Thi nhân Việt Nam cụ có những ba bài, Chế Lan Viên - thần đồng văn học cũng chỉ được hai mà thôi.” 
  Nghe thế, tôi muốn biết thế nào là con tép, thế nào là con tôm, và khi xem tư liệu của Nhà nghiên cứu văn học hiện đại Lại Nguyên Ân, thì thấy đúng là nhiều nhà văn, nhạc sĩ tầm cỡ hơn ba tôi phải chịu tù đày, khôn khổ cả về tinh thần lẫn vật chất, rất tội nghiệp đến hàng chục năm trời. Ví dụ trường hợp của ông Nguyễn Hữu Đang - trong Kháng chiến chống Pháp, đã tích cực tuyên truyền cho kháng chiến. Là người được Bác chọn làm Trưởng ban Tổ chức dựng lễ đài để tuyên bố Độc lập vào ngày 2 .9.1945 - Là Thứ trưởng Bộ Thanh niên và nhiều chức vụ quan trọng khác...,- Là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1947). Trưởng ban Thanh tra Bình dân học vụ. - Biên tập viên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn VN. Ông là một trong những người đầu tiên dũng cảm phê phán sai lầm về “Cải cách ruộng đất”
Tháng 4/1958, ông bị bắt cùng với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tham gia-phong trào Nhân văn-Giai phẩm. bị coi là kẻ "phản Đảng", "đầu cơ cách mạng". Ngày 21 tháng 1 năm 1960, bị kết án 15 năm tù và bị đưa lên giam giữ tại Hà Giang vì tội "phá hoại chính trị", "làm gián điệp"                     
- Đến năm 1973 ông được ra tù, bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình. Suốt thời gian ở tù, bị cách biệt khiến ông lạc lõng với thế giới bên ngoài, không hay biết có cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau Đại hội Đảng VI năm 1986, ông được minh oan, phục hồi danh dự, được coi là "lão thành cách mạng". Năm 1990, được hưởng lương hưu; năm 1993, được cấp căn hộ tại khu nhà B tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông mất vào đầu năm 2007. Vì không có vợ, con; thi hài hỏa táng và an táng tại quê Thái Bình. (Nguồn trên goole)  

Thì ra là thế! Thú thật, thời gian đó, tôi ít quan tâm đến chuyện người lớn, không biết ông già nhà tôi cũng có tên trong danh sách NVGP. Thậm chí, vô tình xem bài báo nào nói là Yến Lan tham gia nhóm NVGP, tôi ra sức tìm tác giả, yêu cầu gạch bỏ những chữ đó đi. Bởi tôi sợ nói ba tôi là “phản động”, chẳng phải tôi đã chứng kiến cảnh những người ở cùng căn hộ với cụ Phan Khôi, bảo cụ là người cầm đầu nhóm phản động đã xa lánh cụ rất tội nghiệp đó sao? Tôi không muốn lập lại với người cha của tôi. 
      Hồi đó, người ta lên án dữ dội những người bị liệt vào nhóm NVGP, như Phan Khôi, Lê Đạt, Trần Dần, Thụy An, Văn Cao v.v... Đó là thời kỳ mà người có chút địa vị đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để làm mưa làm gió, thui chột tài năng của nhiều nhà văn, nhà thơ muốn chống lại sự lạc hậu của văn học nước nhà. 

 Trong những năm cực kỳ khốn khó đó, ba tôi vẫn giữ được cái tâm của người cầm bút, không oán hận, chán chường mà vẫn cháy bỏng nhiệt tình cống hiến. Thơ ông càng về già càng thể hiện của một ngòi bút dẻo dai có tìm năng, vị tha, đậm tính nhân văn.. 
   Theo lẽ đời “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đã về quê, song ông luôn nhớ nghĩa tình của đồng bào Miền Bắc. Nhiều lần ông nhắc để chị em tôi không quên: 
 “Có tập kết ra Bắc mới thấy hết được tấm lòng nhân dân Miền Bắc đối với đồng bào Miền Nam; giữa lúc khó khăn nhất, họ đã nhịn ăn, nhịn mặc, nhường cơm, sẻ áo cho chúng ta ăn no mặc ấm mà không hề so đo tính toán” 

 Hơn 60 năm lao động nghiêm túc, ông được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất và cho đi du lịch sang Đức; cùng đi có nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm v.v… Nhìn thân hình tiều tụy, ốm yếu của cha, tôi sợ ông đi làm vướng bận Đoàn, nhỡ xảy ra rủi ro ở đất khách, quê người, má con tôi ngăn ông đừng đi. Song, ông quyết tâm lắm, bảo cơ hội trăm năm có một, vinh hạnh cả một đời chờ đợi! Tôi nghe theo bạn, mua cho ông một lô xilip, quần bò, để ông qua bên đó bán để có tiền khi về mua quà cho con cháu.
 Sau chuyến đi, tuổi già sức yếu, sức khỏe ông xấu đi. Ông khổ tâm vì tay run; mọi sinh hoạt, viết lách đành đầu hàng. May ông có má tôi tự nguyện làm thư ký không lương, ghi lại những bất chợt ông nghĩ ra.    
  Cuộc sống của ba má tôi và bốn mẹ con cô út khốn khó, nhờ vào đồng lương hưu eo hẹp của hai người cộng lại chỉ có 300.000đ/ tháng và mấy đồng lẻ nhặt được từ việc làm dấm bán. Dù khó khăn, thiếu thốn, ba tôi vẫn giữ được mình, ông không quên dặn vợ: 

DẶN VỢ   
Bà bảy mươi rồi, tôi bảy ba 
Trời còn tặng thọ để xa hoa 
Bấy lâu ky cốp giờ chung giữ 
Giữ chút lương tri để dưỡng già

Với tôi, ngoài tình cha, ông còn là người thầy, người bạn lớn đáng kính, là niềm tự hào của tôi. Mọi lẽ đời ông dạy, tôi ghi vào tâm trí. Đáng tiếc là tôi không truyền đạt được tới con tôi, nó không còn phù hợp với thế hệ hôm nay hay sao ấy!? 
 Tôi càng trân trọng sự dạy giỗ của Người thì tôi càng thất vọng với lũ trẻ con tôi. Tôi muốn truyền lại những gì học được ở cha mẹ tôi, nhưng mới mở miệng “con không nên…” thì bọn trẻ nhà tôi chặn họng bằng phản xạ có điều kiện “má đừng lảm nhảm hoài thứ cổ lổ sỉ đó, vô ích, không ai nghe đâu”. Thật đáng tiếc!!! 
  Mọi hành động của con người đều có cội nguồn. Trẻ được nuôi dưỡng ở môi trường tốt, lớn lên sẽ là người tốt. 
Xưa kia, ba tôi dù rất bận, song ông để tâm đến việc dạy con sống tốt, phân minh yêu ghét rõ ràng, có làm gì cũng phải nghĩ đến hậu qủa. Ông rất tế nhị, ốm yếu nhưng không muốn  phiền vợ con. Bước chân ông ngắn dần, đi lại khó khăn, ông nhấp từng bước, cứng đờ như người máy, ông rất mực thước trong nếp sống: 

GỌN GHẼ 
Vết thương thời trẻ đã liền da
Tập tễnh chân đưa đến tuổi già
May được thói lề bày biện gọn
Khỏi phiền chiếc gậy dẫn vào ra

                                                        Lâm Bích Thủy

No comments: