Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 8, 2014

Đình Hy - “DẤU CHÂN LÁ CỎ” HAY NHỮNG DẤU ẤN MẢNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TRONG THƠ KIM KHÊ

            
Bìa 1 tập thơ Dấu Chân Lá Cỏ của Kim Khê
           

“DẤU CHÂN LÁ CỎ” HAY NHỮNG DẤU ẤN
MẢNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TRONG THƠ KIM KHÊ
(Đọc tập thơ “Dấu chân lá cỏ” của Kim Khê,
Hội VHNT Ninh Thuận xuất bản năm 2012)



Tác giả Đình Hy

Cách đây khoảng trên mười lăm năm, thi thoảng ở thị xã Phan Rang, ngành Văn hóa, hoặc Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức sinh hoạt diễn thơ, đọc thơ về đêm nhân xuân về, tết đến, nhân ngày lễ kỷ niệm…, người ta luôn thấy một lão trung niên, rặt nông dân, giọng nói rặt Trị Thiên (*) miền Trung, đi một chiếc xe đạp cà tàng, mang một túi xách đến tham dự.
Hỏi mới biết ông tên là Nguyễn Hậu, gửi thơ cho Văn hóa, Văn nghệ lấy bút danh là Vân Khê, lại ở tận huyện miền núi Ninh Sơn, đạp xe 40 cây số xuống Phan Rang nghe thơ, nếu được chiếu cố thì ngâm một hai bài thơ của bạn thơ nào đó với tinh thần và giọng ngâm rất lửa. Sau đó… đạp xe về nhà ở trên núi. Hỏi thêm mới biết ông làm bưu tá ở Bưu điện xã Quảng Sơn. Chỉ thế thôi.
Đúng như tâm sự trong một bài thơ của ông:
Bao nhiêu đó – Đã là xuân
Hạnh phúc nhờ có tình thân bạn bè
…Quên mưa nắng, lối xưa về
Dư âm vọng tiếng trăm bề hoài mong.
Coi thường tuổi hạc bên song
Giọng ngâm vẫn đến giữa lòng thơ ca.
                          (Tiếng thơ xuân)
Thế mà dằng dặc thời gian, ông âm thầm đi đó đây, nhiều nhất vẫn là lên Bác Ái, thu vào tầm mắt những gì ông cho là đẹp, là hay của một miền sơn cước với những con người hồn hậu, chân chất; và rồi miệt mài làm thơ, chăm chỉ gửi đến Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận.
Trong trang thơ Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, người đọc thường gặp những câu thơ rất đỗi mộc mạc, rất đỗi thật lòng như chính bản chất của ông vậy, chẳng hạn ngày xuân lên thăm bà con Raglai trên núi, ông viết: Lên thăm đã thấy mê rồi, Cùng vui chén rượu giữa trời sang xuân.
Và bất ngờ. Và ngạc nhiên. Tháng 10 năm nay, một tập thơ của ông ra đời trong sự đón chào và chia vui của bạn bè gần xa. Mọi người chia vui bởi tập thơ của một tác giả mà ai ai cũng mến yêu, khoan nói thơ hay cỡ nào/mức nào, chỉ nghe tên tác giả Kim Khê là đã vui rồi, (mấy năm nay ông đổi bút danh từ Vân Khê thành Kim Khê).
Với 52 bài thơ, chia 2 phần, phần I: Miền sơn cước, phần II: Khúc tự tình, Kim Khê đã đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật thơ của ông một cách nhẹ nhàng, đằm thắm. Phần I nghiêng hẳn về quê hương miền sơn cước Ninh Thuận, một miền đất mà trong tác giả luôn đầy ắp tình cảm yêu thương. Đó là cảnh của huyện miền núi Bác Ái, huyện Ninh Sơn, và người thiểu số Raglai quanh năm hiền hòa. Người đọc rất ngạc nhiên khi những vần thơ viết về đồng bào Raglai của tác giả. Ở đó không có gì là chủ thể nhà thơ, khách thể được biểu đạt. Trong thơ ông, ông và người Raglai như là một:
Cho anh nhảy với… lấy hên
Xuân đang hé nụ tự nhiên mỉm cười
Nhanh lên, vào cuộc vui chơi
Giữa lòng quê mẹ, rợp trời cờ hoa.
                       (Theo sau điệu múa)
Một cuộc hẹn hò hay là sự hóa thân của tác giả vào trong lòng Bác Ái khi chúng ta đọc những câu thơ sau:
Hẹn lên xứ núi ngâm thơ
Bất ngờ mưa đổ bất ngờ lạ chưa
Nếu như Bác Ái còn mưa
Hóa thân chú bé ngày xưa trốn tìm.
                                           (Lỡ hẹn)
Ông cảm nhận đất và người ở miền núi rất tinh tế và độc đáo, khác với những khắc họa của nhiều nhà thơ khác. Cảnh mẹ con ở núi chẳng giống chút nào đồng bằng, sẽ không có “thuở nằm nôi”, ru nôi mà chỉ có hình ảnh rất đáng nhớ:
Lưng chừng giữa núi chon von
Nghìn năm gánh chịu vuông tròn tử sinh
Bám trên lưng mẹ mầm sinh
Mai sau vun xới quê mình nghe con.
                      (Hành trình về Bác Ái)
“Bám trên lưng mẹ mầm sinh”. Đúng thế, chỉ có sự quan sát tinh tế khác lạ, với một tình cảm sâu đậm, tác giả mới tả được hình ảnh mẹ đi làm rẫy, con bám trên lưng một cách tuyệt vời như vậy.
Cuộc sống trên quê hương Bác Ái đã đổi thay nhiều, dù chưa sung túc, nhưng đời đã có những niềm vui. Qua rồi thời thiếu đói giáp vụ mùa rẫy, qua rồi thời ánh đèn dầu leo lắt trong đêm, thay vào đó là ruộng nước, rẫy nương xanh ngút ngàn, là ánh điện lung linh, là bao công trình phục vụ dân sinh. Với hồ thủy lợi Sông Sắt, ông viết:
Làng buôn hào hứng xuýt xoa
Mừng vui quá
Đón hương hoa quanh hồ
Sông Sắt quyến rũ từng giờ
Nước về! Xanh biếc bốn bề rẫy nương…
                                  (Cảm tác Sông Sắt)
Ngày xưa do tập quán du canh du cư, bà con Raglai không có điều kiện đi học, đa phần mù chữ. Thời chiến tranh, một số thanh niên thoát ly kháng chiến, được cán bộ tổ chức dạy chữ, bổ túc văn hóa. Bây giờ, các xã, các làng đã có trường học, có thầy cô, có học sinh. Ai cũng biết điều đó, riêng Kim Khê biết điều này bằng một bài thơ cảm động:
Em lên xứ núi bao giờ?
Để thơ thờ thẫn, trăng chờ, suối mơ
Rằng thưa: cõng chữ mệt khờ
Xuyên rừng lội suối kịp giờ hôm sau
Giữa bao nhịp sống muôn màu
Tình yêu nghề giáo, dạt dào tim em.
                           (Cô giáo vùng cao)
Ông chỉ nói về cô giáo thôi, nhưng qua đó thấy được sự nghiệp giáo dục ở vùng núi này đang đi lên. Cô giáo “cõng chữ mệt khờ, xuyên rừng lội suối” mà.
Một trận đánh, một vị chỉ huy sau này được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, đó là trận đánh bằng bẫy đá tại xã Phước Bình do Pinăng Tắc, người Raglai chỉ huy, đã đánh bại quân địch càn quét vào chiến khu năm 1961. Từ đó đến nay có biết bao bài viết, bài thơ viết về vị anh hùng và trận đánh ngoạn mục này. Với Kim Khê, ông chỉ viết:
Một thời nổi tiếng sơn khê
Giặc thù bỏ mạng ngoài khe, xó rừng
Xứng danh bẫy đá lừng vang
Cuối năm trước mộ nén nhang tỏ bày
Nghìn sau trên mảnh đất này
Làng buôn Bác Ái đêm ngày nhớ thương.
              (Thăm mộ Pinăng Tắc cuối năm)
Biết bao lần nhắc đến Raglai, Bác Ái trong tập thơ của Kim Khê. Có lẽ ở ông, trong thơ ông, Bác Ái và tộc người Raglai, chiếm phần lớn tâm hồn ông.
Và theo tôi dưới đây là câu thơ hay trong những câu thơ hay của Kim Khê nói về Bác Ái, vùng đất có bề dày văn hóa tộc người Raglai nhiều đời truyền nối, vùng lắm chiến công, lắm oai hùng trong quá khứ chống ngoại xâm, “Nhanh lên, vào cuộc vui chơi, Giữa lòng quê mẹ, rợp trời cờ hoa”:
Yêu thương đón tết quê nhà
Ơi nghìn năm cũ hiện ra giữa rừng.
                       (Theo sau điệu múa)
Nếu phần I về quê hương miền, thì phần II: Khúc tự tình, tác giả đã đưa người đọc vào một trạng thái man mác, nhẹ nhàng về cõi người, tình đời, lẽ sống… Trước hết, tác giả thẩm thấu được luật đời của Tạo hóa, thời gian, sinh hóa – hóa sinh, triết luận đơn sơ và cảm nhận được tư tưởng lớn của Mãn Giác Thiền Sư xưa, để lạc quan, để lăn vào cuộc chơi không hề tính toán, mặc cả, không biết mệt mỏi, đó là thơ ca:
Thế rồi Mãn Giác bâng khuâng
Đêm qua thiền tự, nụ vàng ngân nga
Đừng lo! Giữa cõi ta bà
Xuân xưa lại đến, quanh nhà én bay.
                          (Nụ cười Mãn Giác)
Với Kim Khê, thơ là cuộc sống, sáng tác thơ là thượng tôn.
Nhưng thơ ông ở đâu, về đâu? Phần trên chúng ta đã đi qua miền sơn cước Bác Ái với bao dòng thơ dạt dào, thấm đẫm tình yêu của ông. Đã rõ nguồn cơn, động lực làm thơ. Còn phần này thơ ông đang ở đâu?
Mồ hôi rồi lại mồ hôi
Theo bờ ruộng, dưới vai người diêm dân
Hạnh phúc xuyên suốt đường trần
Ăn ngon miệng
Biết bao lần: Muối ơi!
                                           (Muối Cà Ná)
Thơ ông chỉ ở sự mặn mà của muối, sự nhọc nhằn của con người, không hề hình thức, không giả tạo,… Nó khác với các loại thơ siêu thực, tân hình thức, hậu hiện đại ở đó đây, thơ ông chỉ có hai chữ: thật lòng.
Cuộc đời ông cũng lắm gian truân, buồn nhiều hơn vui. Và hình như thế nên ông thường xúc cảm những nghịch cảnh ở đời:
Không quên làm đẹp một thời
Năm năm yên phận nửa đời làm thơ…
Bây giờ dứt sạch đường tơ
Núi rừng lặng lẽ xa bờ bến xưa…
Bất ngờ thăm chị chiều mưa
Mới hay cớ sự… sớm trưa một mình
Chớ trách rượu đã vô tình!.
                                             (Dư âm)
Đó là những cảm, những sẻ chia khi đọc mà chạnh lòng cho “chị” “sớm trưa một mình”, rồi chạnh lòng cho tác giả đa mang.
Qua thơ, ta thấy một Kim Khê nặng lòng với bè bạn, người thân thuộc, với cõi người, với thiên nhiên, quê hương. Ở thơ hiện ra một tâm hồn đôn hậu, chân thật như đất đai, cỏ cây, hoa trái mọi mùa… Và có lẽ thế: tập thơ của Kim Khê mang tên “Dấu chân lá cỏ”.

                                                       ĐÌNH HY

(*) Tác giả Kim Khê: tên thật là Nguyễn Hậu, sinh năm 1940 tại Quảng Trị, hiện nay ở tại thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Ninh Thuận.
Xã Quảng Sơn từ năm 1972 có tên là Quảng Thuận: Quảng Trị + Ninh Thuận, do năm 1972 đồng bào Quảng Trị vào lập nghiệp và ghép tên để nhớ Quảng Trị quê mình.

***
Hình minh họa do tác giả cung cấp






No comments: