Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 2, 2017

KÌ TÍCH - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.

Ảnh tác giả

 KÌ TÍCH
Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân.

Đôi khi quá khứ khiến con người ta khó quên được, nó giống như một chiều mưa vội, rơi đẫm ướt áo thiên thanh, cơn mưa ấy dịu ngọt mát lành nên người ta muốn đắm chìm trong nó mãi. Thuở bé là cái nôi kí ức khiến con người dường như chẳng muốn quên, vì nó thánh thiện và sáng trong quá đỗi, và cũng bởi lẽ, khi người ta dần lớn lên, dẫu có mãi muốn trong trắng, thơ ngây thì chính trong bản thân, hiện tại đã tôi luyện biến tất cả thành những sự dày dạn trong cuộc sống. Chung quy lại, khi con người ta lớn lên, được dịp va chạm với cuộc đời rồi, họ sẽ dần nhận ra, những phép màu mà thời bé hằng ao ước, mãi chỉ là những điều chỉ có trong truyện cổ tích, còn họ - cứ theo bước nhảy của thời gian mà dần lớn lên, gương mặt in hằn những vết bụi phong trần. Mà dù- dẫu rất muốn xóa mờ đi- cũng không cách chi được.
Thời bé thơ của tôi gắn với những tháng năm bên ngoại. Nhà ngoại tôi đông người, nên con cháu cũng đông, hầu như anh chị em họ của chúng tôi cứ lần lượt chênh nhau chỉ 1-2 tuổi, mà sàng sàng tuổi nhau thì thường dễ chơi. Lớn nhất bọn khi ấy là chị Phương, con dì cả, rồi tới tôi, và 2 đứa em con dì sau, chúng tôi thường đi với nhau hơn là cùng những đứa em còn lại. Khỏi phải nói tôi thần tượng chị lắm, dẫu chị chỉ lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng lúc nào chị cũng tỏ ra chững chạc, có lẽ vì chị là con trưởng của cả một họ nên lúc nào cũng phải tỏ ra chỉn chu trong những dịp lễ lạt, lâu dần thành quen, hay cũng có thể bởi đơn giản, chị là chị cả của cả một đám em họ lít nhít lúc nào cũng chờ mong được bấu víu.
Tôi còn nhớ những năm tôi lên tám, chúng tôi hay cùng nhau đi trên triền cát trắng để tới chỗ ngoại chăn bò. Khi ấy ngoại chăn bò xa nhà lắm, cả đám tay dìu, tay dắt lại hăng hái nhận việc đem cơm cho ngoại nên dẫu xa cách mấy cũng có cái vui. Triền cát ấy trắng một màu tinh khiết, mỗi lần đi ngang chúng tôi hay mang theo những lọ thủy tinh bỏ cát vào, nhìn chúng lấp lánh dưới nắng trông rất thích. Nhưng cái gì ban đầu cũng thật thích, trẻ nhỏ mà, hay hào hứng với những niềm vui mới, nhưng cũng sẽ dễ quên đi ngay khi bắt đầu thấm mệt. Ở chúng, đôi khi thiếu đi sự kiên nhẫn của những người trưởng thành. Thằng Bo ngồi phịch lẫy khóc, tôi cũng chực ấm ức, chị dừng lại nghiêm nghị nhìn 2 đứa:
-Nếu hai đứa không đi nữa thì cứ ngồi lì ở đó đi. Thà đi tiếp cho tới khi không thể, ít ra người ta còn thấy mình cố gắng! Còn hơn là mới bắt đầu, thấy nản mà ngừng!
Nghe chị có phần bực dọc ấy thế mà chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Cứ mỗi khi chúng tôi định dừng lại, thì những lần sau chị sẽ dìu chúng tôi đi chứ không nghiêm khắc như lần đầu tiên nữa. Tuổi thơ của tôi là bên chị, bên những lần tắm mát bên bờ sông được cậu tôi cõng ra dưới chân cầu mà tắm. Cậu chăn vịt dưới chân cầu, nên nhiều khi chúng tôi ra chỗ cậu lấy trứng, lại đòi cậu cõng ra giữa sông tắm và thể nào cậu cũng sẽ chiều những đứa cháu của mình. Có khi, cậu quấn quanh chúng tôi toàn đám lục bình rồi cười ngặt nghẽo, chúng tôi bực quá té nước ướt hết người cậu. Tôi còn nhớ cái hôm tôi muốn “chứng tỏ” mình, mang cả rổ trứng khệ nệ rồi làm vỡ tung tóe vì quá nặng, tôi chực khóc chẳng hiểu sao chị đứng gần đó lại khóc to hơn. Hỏi ra mới biết : “ Thấy em khóc, sợ em bị ngoại mắng quá nên khóc theo…”. Lần mà chị khóc nhiều nhất suốt cả thời thơ bé có lẽ là cái lần chị dẫn chúng tôi đi chèo thuyền nhưng rồi chẳng may con thuyền bị lật, ai cũng uống nước no cả bụng. Cả đám ai cũng biết bơi, nhưng chẳng hiểu vì gì chị lại khóc ngon lành cứ ôm từng đứa em mà xuýt xoa, mà khóc.
Thế rồi thời gian tháng năm thoi đưa, chị đi lấy chồng. Cái ngày chị đi lấy chồng tôi khóc như mưa. Chị lấy chồng theo chồng về miền xứ lạnh, tháng năm thoi đưa, thuyền quyên nổi trôi biết rồi sẽ về đâu. Bàn tay tôi muốn níu chị ở lại, nhưng môi thì ngập ngừng không ra thành tiếng. Người ta bảo yêu thương cũng tràn đầy ích kỉ lắm chứ, tôi còn nhớ khi ấy tôi còn khóc nhiều hơn cả mẹ chị làm những đứa em bỗng chốc khóc theo, làm chị tay quệt nước mắt phì cười : “ Gớm, chị lấy chồng mà mấy đứa khóc dữ thế. Bộ chị đi mừng tới thế à”. Chị lấy chồng sớm, mười tám đã lên xe hoa, âu cũng là an yên cho một kiếp người. Còn tôi, sau ngày đó, mỗi khi nhớ về chị, nước mắt tôi cũng thôi rơi, thôi rơi không phải ngừng yêu thương, ngừng nhớ nhung về chị mà tôi đã cất giữ chị trong một nơi nào đó đặc biệt trong trái tim.
Rồi bẵng đi thêm cả chục năm, tôi lấy chồng. Đám cưới tôi, chị ở xa quá nên không về. Mà qua thời gian, nhiều người nhiều thứ khác thay thế chị trong cuộc đời tôi khiến lúc ấy, đối với tôi việc có chị hay không đã không còn trở nên quan trọng. Thế nhưng vài ngày sau, chị lại ôm con về. Chị vẫn như ngày đó, ánh mắt và nụ cười rất hiền, có chăng, đó là ánh mắt của một người đàn bà trưởng thành qua nhiều nỗi đau và mất mát. Tôi tuy đã theo chồng nhưng dường như còn giữ trong mình một điều gì đó trẻ con, tôi đã rất muốn ôm lấy chị, hồi ức lại tất cả những gì đã qua, nhưng rồi khựng lại, chị dường như thuộc về nơi nào xa lắm, không còn của ngày xưa. Một thời gian sau tôi và chị cũng ít qua lại. Nghe đâu, chị bỏ chồng, dẫn con về với mẹ. Hàng xóm điều tiếng dị nghị làm lúc ấy tôi thương chị lắm. Có bận, đêm sáng trăng, tôi đánh bạo qua nói chuyện với chị.
-Chúng ta đã bên nhau bao lâu rồi em nhớ không? Đột nhiên chị hỏi. Rồi chị tiếp: Có lẽ đó là cái duyên em nhỉ?
Tôi không nói gì. Tôi có rất nhiều anh chị em, nhưng chị là người mà tôi yêu thương nhất, chỉ có chị là người tôi cất giấu thật sâu trong bờ tim, và dù chị đi đến đâu tôi cũng cứ muốn níu giữ chị mãi trong trái tim tôi, như một vết thật sâu để ngày nào tôi cũng được nhìn thấy chị.
-Sắp tới chị sẽ vào nam.
-Chị, chị đi làm gì? Ở đây đang tốt mà!
-Tốt hả em?- Chị hỏi rồi nhìn tôi cười, trong điệu cười, ai đó gieo lên tiếng đàn cay đắng, có lẽ chị mệt mỏi khi không chịu được điều tiếng của xung quanh.
Tự nhiên tôi bật ra:
-Thà đi tiếp cho tới khi không thể, ít ra người ta còn thấy mình cố gắng! Còn hơn là mới bắt đầu, thấy nản mà ngừng!
Làm chị phì cười xoa đầu tôi. “Bé con của chị nay lớn rồi đấy”. Rồi chị đứng dậy vào trong nhà, chỉ còn lại tôi với ánh trăng. Tôi muốn nói với chị, hãy cố gắng nhưng nước mắt rơi đầy miệng cay đắng. Nghĩ thế nào, tôi chạy vội vào nhà :” Chị à, luôn có kì tích xuất hiện mà chị, hạnh phúc sẽ đến với chị thôi.” Chị ôm tôi vào lòng, đó không còn là vòng ôm của những đứa trẻ như những người bạn thơ bé, đó là cái ôm ngọt đầy nước mắt của những người đàn bà. Tôi nũng nịu :” Chị ở lại bên em đi, đừng bao giờ đi xa quá. Em chưa bao giờ xin ai nhưng em xin chị đấy, đừng xa quá để em được ở bên và yêu thương chị…”. Chị cười : “ Um, biết đâu sẽ có kì tích nhỉ?”.
Những tháng ngày qua đi, nhà chúng tôi sát nhau, chồng tôi- anh cũng rất thương chị nên lúc nào chúng tôi cũng qua nhà nhau ăn cơm chung. Thế nhưng một lần khi tôi vag chị cùng giặt đồ ở mé sông, có tiếng những mụ chợ ngồi nói chuyện với nhau:
-Nghe đâu giờ nó dẫn con về riết ở nhà mẹ!
-Gớm, lấy chồng sớm thế, gấp thế chẳng lại có chuyện, vợ chồng trẻ con chịu được từng ấy năm là kì tích khiếp rồi bà ạ!
-Hoặc giả gái không nên nết nên bỏ nhà chồng cũng chả tìm.
Tôi và chị cùng im lặng. Hôm sau chị đi. Tôi không giữ chị lại, chị dắt theo đứa
Nhỏ vào nam như chị nói. Tôi không giữ chị cũng không khóc như ngày chị đi 10 năm về trước. Đôi khi, tôi nhớ chị, tôi muốn hỏi chị, chị à, chị có biết như thế nào là yêu thương không? Đôi khi, tôi lại muốn hỏi chị có còn thương tôi không? Yêu thương là gì? Là dù bao tháng năm có trôi qua, tôi vẫn ở đây chờ chị và giành cho chị tình yêu thương mãi như thuở bé. Và có nhiều đêm khi thảng thốt mơ lại giấc mơ xưa, nước mắt tôi rơi đắng chát, tôi muốn khuyên chị hãy cứ điềm nhiên mà sống đi, nhưng ánh mắt chị lúc sau cuối ấy làm lòng tôi đắng chát nó như muốn nói với tôi : “ Kì tích ư? Nó không có đâu em!”. Bởi thế, tôi câm lặng.

LHHT.


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ: Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
phongtruongtu201@gmail.com






No comments: