Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 6, 2012

Châu Thạch đọc NẮNG ƠI CÓ VỀ?! - thơ Vĩnh Thuyên



                                              
NẮNG ƠI CÓ VỀ ?!
Thơ VĨNH THUYÊN 

Nắng đừng đưa anh sang bên ấy
Vì bên này trời sắp đổ mưa
Gió có theo buồn xin ở lại
Một mình em khổ lắm ! trăm chiều...

Chiếc cầu vòng bắc ngang xóm nhỏ
Một lần đi không hẹn lần về
Chiếc cầu tre lắc lư ai nở
Để mưa chiều nhớ nắng chiều xưa

Sớm mai dậy nắng về không nhỉ ?
Buồn đu đưa như nước lớn ròng
Vui cũng sống đắng cay vẫn sống
Tóc nhạt màu mấy lượt sang đông.
                                                        


Lời Bình : Châu Thạch

“Nắng ơi có về” đánh dấu hỏi rồi đánh dấu than :Ta biết ngay đó là tâm trạng của người đang khắc khoải chờ mong.

“Nắng đừng đưa anh sang bên ấy”:  Một lời cầu xin chắc chắn không thành, vì đã thành thì sẽ không có bài thơ.

“Vì bên nầy trời sắp đổ mưa”: Nghịch cảnh rất gần nhau. Nắng và mưa, bên ấy, bên nầy. Theo bài thơ thì chỉ cách một cây cầu bắc qua xóm nhỏ.

“Gió có theo buồn xin ở lại” : Một lời thỉnh nguyện xin buồn. Bởi vì còn biết buồn là còn chút niềm tin. Nếu hết buồn thì con tim dẫy chết.

“Một mình em khổ lắm! trăm chiều…”: Một tiếng kêu than đau thương chứa tất cả hình ảnh của cô đơn, của khó nhọc trong đời.
 Đọc lại bốn câu thơ trên, và nếu ta không dậy lên một nỗi buồn, một nỗi đau, một nỗi bất bình thì quả thật lòng ta rất cứng, nhưng cứng không phải vì vô tình mà cứng là vì bốn câu thơ làm cho nỗi đau cô đọng lại trong hồn. Quả thật, vì nắng mưa ở đây không phải là  mưa nắng bình thường, mà nó chính là ánh sáng của đời người, của hạnh phúc, của tình yêu.

Qua vế hai của bài thơ.

 “Chiếc cầu vòng bắc ngang xóm nhỏ”: Một hình ảnh quá thân thương và đẹp không thể phai nhòa trong dòng ký ức đời người.

“Một lần đi không hẹn lần về”: Hình ảnh thân thương và đẹp của cây cầu biến nhanh tức khắc thành hình ảnh u ám, nhớ thương và đau khổ.

“Chiếc cầu tre lắc lư ai nở”: Nỗi trách móc xao động trong lòng giống như cây cầu lắc lư mỗi khi gánh chịu sự tác động của đời.

“Để mưa chiều nhớ nắng chiều xưa”: Mưa là nỗi buồn, nắng là niềm vui. Đây là những ẩn dụ về những biến chuyển tâm hồn, mà cũng bày tỏ hết được nghịch cảnh trong đời người con gái.

  Đọc bốn câu thơ trên đây ta thấy sự đau thương quyện trong hình ảnh thân yêu, ướp vào đó màu sắc ảm đạm của muôn vàn trách móc, nhớ thường và dằn vặt.

Qua vế thứ ba của bài thơ.

“Sớm mai dậy nắng về không nhỉ?”: Một trông chờ, một ao ước nhưng cũng là một lời cầu xin tội nghiệp.

“Buồn đu đưa như nước lớn ròng”: Trông đợi, mong chờ và truyệt vọng. Buồn không còn ở trong lòng. Buồn đã trở nên bát ngát như “Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp”, như “Sông dài trời rộng bến cô liêu”. (Thơ Huy Cận).

“Vui cũng sống đắng cay cũng sống
 Tóc nhạt màu mấy lượt sang đông”

Một câu nói bình thường nhưng đặt vào đây thành một trái núi khổng lồ trên đôi vai bé bỏng.

 Thơ Vĩnh Thuyên mỗi câu đều hàm xúc một ý nghĩa và mỗi ý nghĩa làm cho một biến chuyển xảy ra trong tâm hồn người đọc.

  Trong bài nầy mỗi khổ thơ bốn câu là một bài tứ tuyệt  trọn vẹn ý nghĩa, mang lại cho ta cảm xúc đau nhè nhẹ, buồn êm ái, sầu mênh mông và thương yêu trách móc hòa quyện trong nhau khó mà phân biệt.

   Toàn bộ bài thơ “Nắng ơi có về?!” như một tiếng hát vọng bên sông bay vào lòng người, bay lên bầu trời buồn và bay xa đến vùng bên kia có nắng nhưng nắng cũng đìu hiu.

                                                                 Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com

2 comments:

Anonymous said...

Anh Châu Thạch đã cảm bài thơ thật sâu sắc. Thật khâm phục sức cảm thụ văn học của nhà thơ CT.
Xin cảm ơn lời bình thấu đáo tận tường và cảm ơn tg bài thơ cho tôi nghe một cung bậc trầm sâu lắng.

Unknown said...

Cảm ơ tác giả Vính Thuyên .cảm ơn Châu Thach tiên sinh
Kính