Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 24, 2013

Võ Văn Luyến - CẢM THỨC THƠ NGUYỄN TÀI MY

Nguyễn Tài My



Thơ Việt từ truyền thống ra hiện đại là một chặng đường dài với nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ cầm bút. Trên hành trình mở đường cho thơ phát triển, buổi đầu, không ít nhà thơ tiên phong gặp những lực cản trước sự trì níu theo quán tính của kiểu tư duy cũ vốn dễ bào mòn cá tính sáng tạo và suy giảm năng lượng tỏa phát của con chữ. Dù duyên thơ đến muộn, nhưng Nguyễn Tài My đã tạo cho lối diễn đạt có tính biểu cảm một giá trị mới đáng để tìm hiểu.

Một trong những cách giải bày tâm thức, tâm trạng ngõ hầu tìm tới sự giao cảm có lẽ không gì hay hơn bằng thơ. Người làm thơ là thiên sứ mang thông điệp yêu thương và khát vọng thường hằng đồng hành qua bao miền mưa nắng cuộc đời, là hành giả cô đơn miên trường chứng ngộ u minh vây bủa thân phận con người. Đọc “Kiến thi”(*) của thi sĩ Nguyễn Tài My, dễ dàng nhận ra con mắt thơ tỏa phát ánh sáng từ lửa tâm thao thức ấy.

Là nhà sáng tạo, dường như những gì thể hiện trong “Kiến thi”, ta còn thấy tác giả không rập theo khuôn mẫu định sẵn mà mạnh dạn kiến tạo và cấu trúc lại thi ca theo cách của riêng mình. Nói đúng hơn là anh ý thức trả lại cho thơ tiếng nói “tự nhiên nhi nhiên” của trái tim, không “bắt chước” (chữ dùng của Aristote) thụ động.


Nguyễn Tài My là một nhân cách, một trí tuệ nhuần thấm triết lý hành thiện, dù ước mơ nhằm tới quả không dễ dàng gì nhưng thật đáng trân trọng. Anh muốn biến giấc mơ “xây nhà trăm gian” cho dân nghèo của Đỗ Phủ thành hiện thực, muốn xóa đi những căn nhà “ổ chuột”, những con đường lóc xóc “ổ gà”, những cây “cầu khỉ quạnh hiu” và cao hơn, muốn “cứu người sống an cư lạc nghiệp”. Tình yêu mang ước mơ hành thiện ấy có căn nguyên sâu thẳm:

Cõi lòng mẹ bao dung tri kỷ
Bao nhiêu lời kêu cứu mẹ đều cưu mang.
Anh thấu tỏ công ơn sinh thành:
Con làm được gì nhờ trí cha đức mẹ.

Điều đó lý giải vì sao con người tài hoa của núi Nhạn sông Đà hiếu nghĩa thường trực lại gắn với lý tưởng sống tích cực:

Con để tang mẹ nửa bộ râu
Con để tang cha cả cái đầu yêu dân.

(Điếu văn cho người)

Ở tuổi “cổ lai hy”, nhà giáo – nhà kiến trúc – nhà thơ Nguyễn Tài My như cánh chim bằng không mệt mỏi trong lao động và sáng tạo. Anh đến những nơi cần đến và những ký – sự – tâm – hồn siêu thăng từ ngẫm ngợi triết học được hóa giải bằng con chữ lấp lánh sự trải nghiệm, siêu nghiệm về một thế giới thấm đẫm màu sắc nhân sinh. Những lúc đó, dường như nhà kiến trúc nhường chỗ cho nhà thơ lên tiếng nói.

Thăm “Đền Abu Simbel”, anh nhận ra đằng sau sự hoành tráng của kiến trúc là tiếng rì rầm “ai – oán – khúc – trường – ca – đá”. Biết vậy, nhưng sự sinh nở cái đẹp nào lại không qua đoạn trường quặn thắt. Đấy là những kỳ quan diễm tuyệt mọc lên từ khát vọng sáng tạo đau đớn và mãnh liệt.

Một Kim Tự tháp vĩ đại và huyền bí, một Pari tráng lệ, một Sydney gợi tình, một Pisa tháp ngà nghiêng bóng xuống thời gian… tụ kết mật đọng tâm hồn thi sĩ. Và những chân trời ru vỗ giấc mơ kia dựng dậy trong anh nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Tuy Hòa, nhớ Sài Gòn da diết. Có lúc anh như đi trong mơ:

Quê hương đã có nơi xa xăm nào đó
Trôi về đây thành quê hương thần thoại

(Lí niệm quê hương)

Nhưng rồi con người từng tự thú “cả đời… ghép từng mảnh vỡ tâm hồn” lại ngộ ra rằng không thể “lưu vong lòng vòng trong tâm tưởng” mãi được mà phải trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, với “không gian tình người… mênh mông”. Bởi quê hương trong lòng mình mới thật sự là cõi đi về.

Trong “Kiến thi”, có lẽ nhà thơ dồn nhiều tâm huyết, nhiều thao thức nhất về kiến triết và đạo đức.

Chúng ta đã biết, thế kỷ 21 là thế kỷ của kiến trúc xanh. Nhưng xây dựng mô hình kiến trúc xanh bền vững, phù hợp với từng vùng miền khác nhau; địa chất, thổ nhưỡng, đới khí hậu… và hoàn cảnh, tâm lý đối tượng tiếp nhận khác nhau đòi hỏi phải có kiến triết tiên phong dẫn đường.

Nói như tác giả, “Kiến triết chiếu trên kiến – trúc – ở”, bởi “lương thực người (là) không khí”. Xã hội hiện đại tụ sinh đô thị càng cần đến kiến triết biết bao. Thực tế cho thấy, “quyết tâm quyền lực” và giải cứu “đơn phương” vấn đề kiến triết chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn đánh mất sức mạnh quyền lực trí tuệ ấy. Tóm lại là kiến triết muốn thông đạt phải có kiến đức vững vàng.

Lại nữa, mỗi khi nghiêng về kiến triết (nghĩa rộng), dù nói đến bất cứ điều gì, tác giả đều đúc ra những kết luận thú vị. Phải là người ngụp lặn trong sóng gió cuộc đời, người thơ mới ngộ ra con đường cứu cánh:

Cứu “ngã” phong ba bằng vô ngã.

Bởi cái ngã hình tướng, hay nói cách khác, cái tôi (le moi) của mình làm tổn thương mình.
Cho nên:

Đánh mất cội nguồn bởi trám đầy hình tướng
Tịnh thiền khử hình tướng loãng dần.

Hình tướng bộc lộ rõ nhất trong công việc, nhất là “việc dễ thành, dễ thành kiêu ngạo”. Kiêu ngạo (chứ không phải kiêu hãnh) đồng lõa với cái xấu, vì “yêu cái xấu làm sao biết đẹp”.

Có khi, anh nói ra những điều tưởng chừng phi lý trong hiện thực nhưng có lý trong tình cảm. Tình vỡ là cái mất nhưng cái mất lại phục sinh nuôi dưỡng bản chất người:

Tình vỡ nuôi người sống xa nhau.

Anh tự nghiệm: Hào nhoáng “ta” xa vời. Thế nên, đời người phải biết “sống vừa tầm khả năng/đừng lập nghiệp ngoài tầm tay với”, đừng “chờ bị phỏng mới biết nóng”. Nhưng đồng thời cũng “đừng bạc nhược yếu hèn/ thà làm chim bay trong giông gió”…

Đọc “Kiến thi”, cơ hồ trang nào ta cũng bắt gặp sự minh triết được lẩy ra từ một tâm hồn nhân hậu sáng trong, thấu suốt lẽ đời. Sống trong thời đại trí năng, có được ánh sáng minh triết ấy thật không có gì ấm áp hơn. Tôi tin rằng, thi sĩ Nguyễn Tài My là người hạnh phúc bởi có không ít sự đồng cảm chân thành, bởi anh chân thành trước mỗi ký tự được viết ra từ lòng mình.

                                VÕ VĂN LUYẾN

(*): Thơ Nguyễn Tài My, NXB Lao động, tháng 7/ 2010

No comments: