Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 2, 2013

MỘT BÀI THƠ NỔI TIẾNG…BỊ KHUYẾT DANH - Bài và ảnh: Ngọc Long

Ba năm trước, tôi đến Quảng Trị, đi qua bến thả hoa Thạch Hãn, đọc được bài thơ "Lời người bên sông" khắc trên những tấm bia đá hai bờ Thạch Hãn:

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm 
Có tuổi hai mươi thành sóng nước 
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"

Bài thơ không đề tên tác giả bên dưới.  Đa phần du khách từng qua đây, thầm lướt qua bài thơ chắc đều đã biết tác giả của bài này là ai. Hoặc khi tham quan Thành cổ Quảng Trị, ắt chúng ta cũng sẽ được nghe người hướng dẫn viên giới thiệu về bài thơ và tác giả. Gõ vào thanh công cụ kiếm tìm của Google trên Internet sẽ giúp chúng ta giải đáp câu hỏi này trong vòng 0,21 giây với gần 8 triệu kết quả-bằng cách gõ "Tác giả bài Lời người bên sông" vào thanh công cụ tìm kiếm... Vậy mà, ít ai có thể ngờ được, bài thơ này lại là bài thơ... khuyết danh. Hàng triệu du khách, mỗi lần đi qua bến thả hoa hai bờ Thạch Hãn, đọc bài thơ đều trào dâng trong tim một cảm xúc bồi hồi, thương cảm. Những câu thơ này đã từng được nhà thơ Giang Nam mô tả là thơ thần vì nó làm lay động tâm trí người đọc. Vậy vì sao bài thơ không được đề tên tác giả? 


Bài thơ bên bờ Bắc sông Thạch Hãn có vết xóa tên tác giả  - Ảnh chụp năm 2010.

Những ngày đầu tháng 5 này, tôi lại có dịp trở lại bến sông Thạch Hãn. Việc làm đầu tiên của tôi là đến chỗ tấm bia đá khắc bài thơ. Ngay dưới bài thơ, nơi để tên tác giả bài thơ bây giờ là một... nhành hoa sen. Quả thật, đây là một sự sáng tạo chưa từng có. Tôi mày mò tìm trong tất cả các kho tàng văn thơ, dân ca, lịch sử... mà chẳng thể tìm thấy ở đâu dùng hình ảnh hoa văn, chim muông, cây cỏ... mô tả tên tác giả một bài thơ, văn, hay câu nói nổi tiếng của vĩ nhân... Tôi đem nỗi niềm này hỏi nhiều người tôi gặp ở Quảng Trị thì đều nhận được một cái lắc đầu và câu trả lời: "Không hiểu vì sao!". Một vài vị lãnh đạo địa phương thì trả lời rằng: "Do thơ của Lê Bá Dương đã trở thành thơ của nhân dân(?)". Tôi lại lục tìm tài liệu về khái niệm "Thơ nhân dân" để hiểu ý nghĩa là gì thì trong tất cả các tài liệu tôi chỉ thấy danh hiệu Nhà thơ Nhân dân hoặc bài thơ mang tiêu đề Nhân Dân của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chứ không có một khái niệm nào mô tả "Thơ nhân dân" cả.



Bài thơ giờ có  tên tác giả là một... bông sen - Ảnh chụp tháng 5-2013.

Tôi lại tự mình đi tìm giải thích hợp lý cho cả về lý lẫn về tình của việc bài thơ không để tên tác giả. Nếu xét về lý, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Sửa đổi năm 2009) đã nêu rõ quyền tác giả  và quyền liên quan: "Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu". Quyền này bao gồm quyền Nhân thân và quyền Tài sản được quy định rõ trong điều 18, Mục 1, Chương 2, Phần 2 của Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, việc khắc bài thơ trên bia đá bên hai bờ Thạch Hãn mà không để tên tác giả được xem là đã vi phạm theo quy định tại Mục 5, Điều 28 - Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Đó là: "Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Rõ ràng, nếu xét về lý, bài thơ không hề hợp lý chút nào khi khắc trên bia đá mà bỏ qua tên tác giả. Nếu xét về tình, bài thơ chỉ có thể được mọi người dân Quảng Trị, nói riêng, hay người dân cả nước, nói chung, yêu mến và thuộc lòng chứ cũng chẳng thể thành... thơ nhân dân được. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã nằm lòng tử thuở nằm nôi của mỗi người Việt Nam hàng bao đời nay, nhưng cũng không ai nói Truyện Kiều là Thơ nhân dân cả.

Trong suốt gần 40 năm qua kể từ sau ngày giải phóng, CCB Lê Bá Dương vẫn hằng năm lặn lội ngược xuôi Nam, Bắc để thực hiện các công việc nghĩa tình với đồng đội và đồng bào Quảng Trị. Tới chợ Đông Hà hỏi không ai không biết, mỗi năm đến những ngày lễ kỷ niệm 30-4, 1-5 (ngày giải phóng Quảng Trị), ngày Thương binh - Liệt sĩ, Lê Bá Dương đều về đây mua hết hoa, nhang, nến của các o, các chị để thắp và thả trên sông Thạch Hãn; viếng anh linh đồng đội ở các nghĩa trang Quảng Trị. Việc làm này cũng chính là nguồn gốc của hầu hết các lễ hội, các hoạt động tri ân Liệt sĩ và tri ân đồng bào Quảng Trị hằng năm hiện nay. Khi hỏi về tác giả bài thơ, bất cứ ai ở Quảng Trị cũng có thể trả lời là của Lê Bá Dương với một tình cảm rất chân thành và đặc biệt dành riêng cho ông. Tình cảm của Lê Bá Dương đối với Quảng Trị là vậy, nhưng tại sao người ta lại quên tên tác giả bài thơ của ông khi khắc trên bia đá hai bờ Thạch Hãn?

Dù muộn cũng còn hơn không, chúng ta hãy trả  đúng tên tác giả về cho bài thơ tâm linh này  để duy trì những gì cao đẹp trong văn hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Long



Trần Bình gởi đăng

No comments: