Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 8, 2013

Phan Kỷ Sửu - HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG - MỘT CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN ÂM NHẠC CÁCH MẠNG MIỀN NAM ĐỒ SỘ, CÔNG PHU


“Tôi thực sự choáng ngợp trước bộ biên niên sử đồ sộ HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG…” Đó không chỉ là cảm nhận riêng của nhạc sĩ Doãn Nho trong Lời giới thiệu tập sách mà là của đông đảo độc giả quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc Việt Nam. Đây là một công trình  sưu khảo và biên soạn mới nhất của các tác giả Lư Nhất Vũ, Lê Giang và Lê Anh Trung do nhà xuất bản Trẻ (TP.HCM) xuất bản. Trong đó, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang là những gương mặt quen thuộc có quá trình hoạt động nghệ thuật lâu năm trong kháng chiến chống Mỹ với vốn thực tế và tư liệu rất phong phú.


Trên bìa sách, hình ảnh lá cờ sao vàng rực sáng trên nền cờ nửa đỏ nửa xanh thân thuộc tung bay như vọng về trong tâm thức độc giả cả một quá khứ hào hùng của mảnh đất miền Nam một thời  là nơi đầu sóng, ngọn gió.

Tựa đề “Hành khúc giải phóng” là mượn tựa ca khúc "Hành khúc giải phóng” của Hoàng Hiệp và Lưu Hữu Phước dưới bút danh Lưu Nguyễn - Long Hưng. Cuốn sách dày trên 1400 trang khổ 19x26cm tập hợp 581 tác phẩm thanh nhạc và hợp xướng của 56 nhà thơ và tác giả lời ca phản ảnh những bước thăng trầm của lịch sử trong suốt 20 năm (1955-1975), một giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đội ngũ những người sáng tác hồi đó thật hùng hậu, từ những gương mặt quen thuộc từ hậu phương lớn miền Bắc, những tác giả được chi viện cho chiến trường miền Nam đến những tác giả tại chỗ, trưởng thành từ phòng trào Đồng Khởi của đất miền Nam thành đồng bất khuất. Có tác giả hiện nay đã mãi mãi đi xa.

Từ ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình được lập lại trên đất nước, tổng tuyển cử thống nhất đất nước.Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến tạm thời. Đó là thời điểm mà các tác phẩm âm nhạc khởi điểm cho sự hình thành của nền âm nhạc Giải phóng liên tục xuất hiện. Sau đó, đế quốc Mỹ phản bội Hiệp định Genève, xây dựng chính quyền tay sai ở miền Nam, thực hiện âm mưu thôn tính miền Nam và sử dung mảnh đất nầy làm bàn đạp tiến công miền Bắc, áp đặt chế độ thực dân mới của chúng ở  Đông Dương. Nhân dân ta lại ra trận. Ngày 20/12/1960 tại Tân Lập (Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt nam ra đời, mở đầu cho một giai đoạn đặc biệt của âm nhạc Cách mạng Việt Nam, là thời điểm hình thành chính thức gương mặt Âm nhạc Giải phóng. Âm nhạc Giải phóng trong suốt chặng đượng 20 năm đánh giặc đã bám sát và phục vụ tích cực cho các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng binh vận  tức là “ba mũi giáp công”. Nói chung là phục cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của cả dân tộc.

Kế thừa truyền thống của Âm nhạc Cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, âm nhạc Giải phóng đã đóng góp thật tích cực và to lớn cùng cả nước làm nên đại thắng  mùa xuân  30/4/1975. Đó là những tiếng hát của một thời và mãi mãi. Những bài ca không quên đã đi vào lịch sử của cả một dân tộc.

Sách chia làm hai phần lớn. Trước khi đi vào nội dung nòng cốt,  nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã có một khảo cứu có tính chất khái quát, khẳng định vai trò lịch sử vẻ vang của Âm nhạc giải phóng miền Nam.

Phần đầu là phần sưu tầm 581 ca khúc với tựa đề  chung MỘT LỜI NGUYỀN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM. Các ca khúc được phân chia thành 14 đề mục khác nhau. Mỗi đề mục phản ánh một góc cạnh, một không gian, một  giai đoạn, một thời điểm lịch sử của cuộc kháng chiến thần thánh của quân dân miền Nam anh hùng như  “Bài ca Hy vọng”, “Bài ca Trường Sơn”, “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào” ,”Bão nổi lên rồi”,  “Ngợi ca anh hùng, dũng sĩ miền Nam”, “Hát cho dân tôi nghe”, “Đất nước trọn niềm vui”... Trong từng đề mục là nguyên văn có cả ký âm các ca khúc. Có những bài rất quen thuộc và cũng có những bài ít người biết, đã được tập hợp và sắp xép lại thành hệ thống. Qua 581 ca khúc đã thể hiện tình cảm và niền tin mãnh liệt của nhân dân miền Nam đối với Đảng và Bác Hồ kính  yêu, những ước mơ, khát khao cháy bỏng của toàn dân về  chiến thắng cuối cùng, thống nhất tổ quốc như Bài ca hy vọng (Văn Ký), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Tình Bác sáng đời ta (Lưu Hữu Phước), Miền Nam Nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Người sống mãi trong lòng miền Nam (Nguyễn Đồng Nai)…

Ngày mồng Một Tết Tân Sửu (15-2-1961), các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam, anh “Giải phóng quân" là “hậu duệ” của anh "lính Cụ Hồ", một hình ảnh tuyệt với đã được các nhạc sĩ khai thác một cách mạnh mẽ, hào hùng và sinh động như  “Bài hát Giải phóng quân” (Long Hưng), Ta là chiến sĩ giải phóng quân (Văn Lưu-Triều Dâng), Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân Đại thắng (Hoàng Văn), Gởi anh Giải phóng quân miền Nam (Phan Thanh Nam), Giải phóng miền Nam (Huỳnh Minh Siêng), Hành khúc  giải phóng (Lưu Nguyễn-Long Hưng), Xuân chiến khu (Xuân Hồng), Tiến lên chiến sĩ đồng bào (Huy Thục phổ nhạc theo thơ Bác Hồ), Hành quân  đêm (Xuân Hồng-Trí Thanh)… Trong đó ca khúc “Giải phóng miền Nam” là bài ca chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, là hiệu lệnh thúc giục quân dân miền nam xông lên  đánh Mỹ, lả sứ giả của nhân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đối với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó là những ca khúc viết về con đường Trường sơn huyền thoại,về những chiến thắng vẻ vang trong hành trình đánh giặc.Trong tiếng súng của Ấp Bắc, Bình Giả, Bến Cát, Tây Nguyên còn có  những chiến công trên chiến trường Tây Ninh oanh liệt (Hát mừng Tây Ninh chiến thắng-Trí Thanh, Tây Ninh chiến thắng-Lê Lương). Rồi những ca khúc mang âm điệu hùng tráng của đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh-Xuân Hồng, Đất nước trọn niền vui-Hoàng Hà..)

“Có một dòng  luân lưu âm nhạc chảy vào dòng sông lớn của âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần tăng thêm sức mạnh cho âm nhạc giải phóng…” (Lư Nhất Vũ). Đó là những bài ca  đấu tranh  trực diện với quân thù, hừng hực sức sống của phong trào sinh viên,học sinh tại các thành phố miền Nam, Phong trào “HÁT CHO ĐỒNG BÀO TÔI NGHE”, phát triển mạnh từ thời gian trước và sau Tết Mậu Thân 1968. Tên tuổi của các ‘nhạc sĩ sinh viên” ở Sài Gòn như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh,Trần Long Ẩn, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng, Nguyển Xuân Tân,Trần Xuân Tiến, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Phú Yên… với những ca khúc “Dậy mà đi: “Hát cho đồng bào tôi nghe” ,“ Người mẹ Bàn Cờ”,  “Hát trong làn khói đạn”, “Tự nguyện”, “Tiếng hát dậy từ lòng đất” “Không ai ngăn nổi lời ca”…vang dội trên phố phường dậy lửa ngày nào nhắc nhở mãi trong lòng tuổi trẻ hậu sinh khí phách hào hùng của thế hệ cha anh…

Phần thứ hai “ĐƯỜNG CÀNG XA CÀNG NHỚ” tập hợp những hồi ức, ghi chép của các nhạc sĩ sáng tác và những người hoạt động trong ngành âm nhạc giải phóng. Là một kho tàng lịch sử sống động khẳng định vai trò lịch sử và sức sống vô tận của âm nhạc giải phóng.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ  cũng đã khẳng định: “Mặc dù được coi đây là một tập hợp, một quy tụ lớn nhất từ trước đến nay những bài ca giải phóng, song vẫn còn biết bao nhiêu ca khúc chưa thể góp mặt lần nầy. Có những bài hát bị thất lạc không còn văn bản, chỉ được nhắc đến trong những hồi ức của tác giả…”, thế nhưng tác phẩm “HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG” đã khẳng định được sự thành tựu của nền âm nhạc giải phóng miền Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Là hành trang của nhiều thế hệ trên con đường xây dựng đất nước hôm nay và mai sau.

                                                   PHAN KỶ SỬU

     

No comments: