ĐỌC “LẶNG THẦM”
ĐƯỜNG THI CỦA CẨM TÚ PHAN VĂN THẮNG
Châu Thạch
Trong bài thơ “Dòng Thơ Bác Học” nói về Đường thi, nhà thơ
Phan văn Thắng bút danh Cẩm Tú, chủ tịch chi hội thơ Đường Luật thành phố Đà Nẵng
đã viết:
Những tưởng thơ xưa đã lỗi thời
Nào ngờ phát triển mãi sinh sôi
Cha ông thuở trước gieo vần đẹp
Con cháu ngày nay dệt ý tươi
Viết như thế và để chứng mình như thế ông có bài thơ “lặng
Thầm” khẳn định được điều ông nói không sai:
Lặng thầm
Thẩn thờ mong đợi tiếng oanh vàng
Ríu rít dâng đời điệu hát vang
Mỗi sớm bình minh khoe giọng hót
Bao chiều nắng xế cất lời sang
Làm người thi sĩ lòng xao xuyến
Để khách văn chương dạ ngổn ngang
Lưu luyến mộng mơ đầy khát vọng
lặng thầm sương xuống núi mênh mang.
Cẩm
Tú Phan văn Thắng
Đọc bài thơ ta thấy ngay “Lặng Thầm” không phải là nỗi u uẩn,
là niềm tâm tư dấu kín trong lòng mà chính nó là sự thăng hoa của trí tuệ trong
tâm hồn người làm thơ và từ đó hình thành vẽ đẹp tô thắm cho đời.
Ta hãy nghe hai câu vào đề của tác giả:
Thẩn thờ mong đợi tiếng oanh vàng
Ríu rít dâng đời điệu hát vang
Tất nhiên “tiếng oanh vàng” ở đây không phải là tiếng chim hót
trên cành hay trong chiếc lồng son nào đó. “Tiếng oanh vàng” ở đây là tiếng thơ
dậy lên trong tâm hồn thi sĩ. Nó dậy lên một cách “lặng thầm” và khi nó ‘ríu rít”
là nó đã trở thành những câu thơ ngọt ngào, thanh bai để cống hiến cho đời, để
“dâng đời điệu hát vang”.
Nhà thơ Cẩm Tú Phan văn Thắng thật là độc đáo khi dùng chữ
“thẩn thờ” và chữ ‘ríu rít” trong hai câu thơ nầy. Chữ “thẩn thờ” diễn tả sự
suy tư miệt mài của người làm thơ khi sáng tác. Chữ “ríu rít” nói lên niềm vui
khi ý đã thành lời, cũng nói lên phẩm chất của thi nhân không ồn ào náo nhiệt mà
khiêm tốn đưa thơ vào đời như tiếng hót ríu rít của loài chim.
Qua hai câu Trạng tác giả đã đưa thời gian trong đời tràn ngập
tiếng oanh vàng, khẳn định được tiếng thơ mang đầy niềm vui cho tha nhân, cho đất
trời hay nói chung, cho xã hội con người:
Mỗi sớm bình minh khoe giọng hót
Bao chiều nắng xế cất lời vang
Tác giả đặt tiếng chim hót vào cả vế đối để qua thơ ta nghe được
hoà âm rộn rã, thể hiện được tiếng lòng của thi nhân đồng vọng được giữa cuộc đời.
Rồi thì qua hai câu luận là vế thơ mà Đường luật quy định ở đây
phải luận giải, phải bàn rộng chủ đề bài thơ, phải mở rộng tầm suy tư thì tác
giả đã áp dụng thật là nghiêm chỉnh khi diễn tả tác dụng truyền cảm của thơ từ
người sáng tác đến người yêu mến văn chương khi thưởng thức nó:
Làm người thi sĩ lòng xao xuyến
Để khách văn chương dạ ngổn ngang
Nhà thơ Hàn Mạc Tử đã nói: “ người thơ là khách lạ đi giữa
nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng”. Vậy thì thi sĩ
là là người “xao xuyến” trước nguồn trong trẻo đó, được Cẩm Tú Phan Văn Thắng nói
trong câu thơ “làm người thi sĩ lòng xao xuyến”. Và sự “xao xuyến” đó phải thành
thơ, phải làm cho rung động người yêu văn chương khi đọc nó. Đó là câu “Để khách
văn chương dạ ngổn ngang”. Ngổn ngang ở đây không phải là lộn xộn mà ngổn ngang
ở đây là những “cảm xúc” đánh động hồn người trước “cao cả, vô biên và vô lượng”
của đất trời được thi nhân thể hiện trong thơ.
Trong hai câu luận, tác giả lồng cái ta nhỏ bé (làm người
thi sĩ) trong cái thế nhân rộng lớn (để khách văn chương) và lồng cái tâm trạng
thăng hoa của người sáng tác (lòng xao xuyến) trong tâm trạng bồi hồi của người
thưởng thức thơ ( dạ ngổn ngang) đối xứng cùng nhau. Vế đối như thế tôi nghĩ không
có gì tuyệt hảo hơn.
Và vế kết của bài thơ tác giả đã hình tượng thi nhân chẳng
khác chi cây đàn có tâm hồn. Cây đàn đó phát ra cung đàn muôn điệu:
Lưu luyến mộng mơ đầy khát vọng
Lặng thầm sương xuống núi mênh mang
Người thi sĩ được diễn
tả trong câu thơ “Lưu luyến mộng mơ đầy khát vọng” giống như cây đàn có tâm hồn.
Tâm hồn của cây đàn hay tâm hồn của thi sĩ phát tiết thành thơ vọng trong hồn
người, vọng trong trời đất như “lặng thầm sương xuống núi mênh mang”
Tác giả bài thơ quan niệm nhà thơ là con người tích cực, “lưu
luyến mộng mơ” để nuôi “khát vọng”. “Khát vọng” đó khi trở thành hiện thực thì
dâng hiến cho đời một cách “ lặng thầm”. Thi nhân như con ong làm mật cho đời,
như con tằm nhả tơ, như con bướm làm hoa thêm đẹp, như chim én báo hiệu mùa xuân,
và tất cả đều làm trong “lặng thầm”, trong hy sinh cao cả, nguyện chỉ như màng
sương mỏng tô bồi vẽ đẹp cho sông núi mênh mang.
Lặng thầm là một bài Đường
thi nói hết được biến chuyển trong tâm hồn thi sĩ, khát vọng thanh cao của người
làm thơ bằng những dòng chữ quốc ngữ nhẹ nhàng, với những vế đối thanh thoát mà
sâu nhiệm. Bài thơ cô đọng nhiều ý nhưng tiếng thơ từ tâm hồn lan toả ra bầu trời
trong bình minh, trong chiều nắng xế, trùm lên trên sông núi mênh mang, chứng
minh được từng câu thơ của Đường thi nếu của một tác giả tài hoa thì nó như từng
tiếng chuông ngân thanh bai êm dịu vang vọng đến cuối trời ./.
Châu Thạch
Email: truongvantran@hotmail.com
No comments:
Post a Comment