Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 18, 2018

ĐỢI BẠN Ở QUÁN CÀ PHÊ - Thơ - Lê Thiên Minh Khoa

Nhà thơ, nhà nghiên cứu VH  Vũ Xuân Hương, khi đang là TBT Tạp  chí TÀI HOA TRE (Bộ GD-ĐT) 

Lê Thiên Minh Khoa

ĐỢI BẠN Ở QUÁN CÀ PHÊ
                     Tặng Vũ Xuân Hương

Quán cà phê chiều nay tôi uống một mình 
Nhìn cuộc đời ngược xuôi tất tả
Thiếu nhau vị cà phê đắng quá
Tri âm chừ thấm giọt mưa rừng …! (1)

Chợt hiện về câu ca xưa :
Diễu diễu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương (2)
Thấm thía lời người trước: cổ chi nhân ... (3)

Uống cà phê đợi bạn cứ bồn chồn
Thương bạn lênh đênh, thương mình lẻ bóng
Cà phê uống mình thì đắng
Thi hình bán bức tịch thiên sơn .(4)
                                 Bà Rịa - quán cà phê cóc.

(1) Mượn ý từ thơ Vũ Xuân Hương trong câu thừa đề  bài thơ chữ Hán Sinh nhật thi” :
Cựu niên sinh nhật bất gia trung
Sinh nhật kim niên lâm vũ tường…
LTMK  dịch lục bát:
Sinh nhật năm ngoái trên đường
Năm nay sinh nhật mưa rừng hay thôi!

(2)Tô Đông Pha (Tiền Xích Bích phú). Có người  dịch lục bát:

Nhớ ai cánh cánh bên lòng, 
Nhớ người má phấn ngóng trông bên trời". 

(3) Chữ dùng của Vương Thực Phủ ( Bài tựa  "Tây sương ký" ). Nguyễn Công Trứ dẫn lại trong bài thơ “Chữ Nhàn”:
Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi
Tạm diễn Nôm:
Chỗ ta đang ngồi hôm nay
Người xưa đã từng ngồi trước rồi.

(4) Thơ Tô Đông Pha.


1 comment:

lêthiênminhkhoa said...

Sau khi bài thơ nầy đăng trên VNQT, có nhiều thi hữu, thân hữu, đọc giả gọi ĐT hoặc mail cho LTMK, trao đổi về các câu thơ chữ Hán trích trong bài thơ và những chú thích liên quan. Tôi hẹn sẽ trả lời qua comment bài viết. Rất vui sướng và xin cảm ơn quí vị đã quan tâm và hôm nay, xin phép được "giải trình":
1. Về chú thích 2- thơ Tô Đông Pha (Tiền Xích Bích phú). Vì sao là 2 câu thơ dịch của Phan Kế Bính lại ghi là "có người dịch"?
- Thực ra, bản dịch của Phan Kế Bính là:
Nhớ ai canh cánh bên lòng
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời.

Còn bản dịch sau nầy của Nguyễn Văn Thọ là:
Nhớ ai canh cánh khôn khây
Nhớ người má phấn đó đây cách trùng.

NVT đã đi theo con đường của PKB nhưng gần nguyên bản hơn chỉ trong một chữ “người má phấn” thay cho “người quân tử”. Sau nầy, 1 dịch giả mới (xin giấu tên, vì chưa công bố) tiếp thu bản dịch của cả 2, nên dịch lại như sau:
Nhớ ai cánh cánh bên lòng,
Nhớ người má phấn ngóng trông bên trời"
Nói thêm: Ở đây có 1 dị bản nữa l2: ... hề ngô hoài, nhưng tôi trích theo bản phổ biến nhất.
2.Ở chú thích 3: đúng như quí vị trao đổi, 2 câu thơ chữ Hán nầy trong bài thơ hát nói "Chữ nhàn" của Nguyễn Công Trứ, nhưng NCT chỉ dẫn lại câu thơ của Vương Thực Phủ đời Nguyên trong Bài tựa "Tây sương ký". Vì bài Hát nói, một điệu hát ca trù (tức hát ả đào hay hát cô đầu) đủ khổ thì có 3 khổ: đầu, giữa và xếp, mà khổ 2 câu đầu của khổ giữa là 2 câu thơ cổ (Riêng bài "Chữ nhàn" là dôi khổ nên có đến 3 khổ giữa và 2 cặp câu thơ, cặp còn lại là: Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc/ tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?) . Tôi đã xem lại sách Quốc Văn lớp đệ tứ cũ, nhưng các tác giả không chú thích cụ thể như trên.
3. Chú thích 4: Thơ Tô Đông Pha là quá đơn giản. xin bổ sung thêm : Nhà thơ LĐLC tạm diễn Nôm:
Buổi chiều trên núi cao, có nửa phần dáng thơ
Còn cụ thể trích trong bài thơ cụ thể nào, thì LTMK học lâu rồi nên không nhớ. Độc giả nào biết rõ, xin bổ sung giùm!
4. Còn sao tôi đưa nhiều câu thơ chữ Hán vào bài thơ nầy?
_ Xin thưa: Vì đây là bài thơ tặng nhà thơ Vũ Xuân Hương, trong tâm trạng nhớ thương bạn (mà VXH còn là người nghiên cứu và sáng tác thơ chữ Hán), nên dẫn thơ chữ Hán của VXH (như Chú thích 1) và thơ chữ Hán cổ để mong biểu hiện sự đồng điệu.
Vài lời cùng quí vị. Xin cảm ơn quí vị đã quan tâm và BBT VNQT đã chuyển comment nầy đến người đọc.
Tình thân
LTMK





Thơ Tô Đông Pha. Tạm diễn Nôm:
Buổi chiều trên núi cao, có nửa phần dáng thơ