Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 11, 2014

KHÔNG PHẢI CON CỦA MÌNH - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình



Không phải con của mình
Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

Sáng nay tại thị trấn có tiếng ăn chơi nầy đang tổ chức cuộc thi tiếng líu của chim chào mào. Cuộc chơi được tổ chức trong một khuôn viên mát mẻ và thanh lịch của một quán cà phê vườn. Nhiều dãy bàn đã được sắp xếp và những li cà phê đang đợi sẵn. Từ bảy giờ người chơi đã lục tục mang lồng chim tới. Những chiếc lồng được bao kín. Người ta chỉ mở lớp vải bọc lồng chim khi cuộc chơi bắt đầu. Tôi cũng ngồi đợi từ lúc bảy giờ. Ngồi nhấm nháp tách cà phê chờ cuộc thi khai mạc. Tôi không phải là người có chim chào mào dự thi. Và tôi đến xem vì tò mò hơn là đến thưởng thức tiếng líu. Bảy giờ ba mươi, người tham dự vẫn tiếp tục mang lồng chim tới. Trên giàn treo đã có gần ba chục lồng. Có lồng người ta đã bắt đầu mở lớp vải bọc. Tất nhiên đây toàn là chim chào mào. Chứ không phải đủ loại: Chim có lông đen, chim có lông trắng, chim to, chim nhỏ. Và người chơi chim cũng không phải đem chim của mình ra ngoài đồng mà thử  như trong cuộc thi chim mà danh hài nọ kể. Cũng như tôi những chú chim đến sớm nầy đang nóng lòng chờ đợi cuộc thi nên thỉnh thoảng đã nghe vài con líu lo. Thật tình tôi rất thích tiếng chào mào líu lo, nhưng tôi lại không biết ban giám khảo đánh giá tiếng chim theo những tiêu chuẩn nào để xếp loại. Đó là lí do khiến tôi tò mò, hôm nay tìm đến đây xem thử.

Tranh thủ lúc cuộc thi chưa khai mạc tôi hỏi một người có mang chim dự thi về tiêu chuẩn xếp loại. Anh ta cho biết: Tính thời gian chào mào líu. Tất nhiên không chinh xác lắm, nhưng con nào líu ngắn thì bị loại. Ngoài ra trong mỗi lần líu, nó thay đổi bao nhiêu cung bậc. Rồi dáng đứng của chim khi líu có linh hoạt không. Những con đứng thẳng khi líu là mất điểm. Phải vừa líu vừa nhảy nhót thế mới hay.

Quả thật nếu không phải nhà nghề thì những tiêu chuẩn như vậy thật khó mà đánh giá cho chính xác.

Cuộc thi mở mản. Trên các dây treo lồng tôi đếm tất cả có trên ba chục thí sinh . Khi những chiếc bao đã được tháo ra, tôi nghe tiếng ríu rít, líu lo âm vang cả khuôn viên quán cà phê. Người qua đường cũng đứng lại nhìn xem. Thế nhưng tôi không phân biệt được tiếng của con chim nào. Tôi đi theo mấy anh giám khảo. Họ lắng nghe rồi ghi chép bằng những  ký hiệu chuyên môn. Đi theo ban giám khảo được mấy con tôi thấy mình không thể biết thêm được điều gì. Tôi trở lại bên li cà phê mặc cho các quan giám khảo tiếp tục. Công việc còn lại của tôi là ngồi đợi công bố kết quả của cuộc thi.

 Một mình, tôi ngẫm về loại chim nầy.



Chim chào mào được nhiều người nói đến. Vì nhiều lẽ. Thứ nhất là tiếng líu của nó. Một âm thanh thánh thót rộn ràng và sôi nổi. Không có loài chim nào mà tiếng hót của nó hội đủ các yếu tố như vậy. Dù rằng tiếng hót của mỗi loài chim đều có cái hay riêng của nó. Ngoài tiếng hót, thì hình dáng của chim chào mào cũng có nét đẹp độc đáo. Hình thon nhỏ, đuôi khá dài. Đặc biệt trên đầu của nó có hai cái chỏm nhô cao trông thật ngộ nghĩnh. Cái chỏm nầy thật là ăn ý với tiếng líu liếng thoắng của nó. Lúc cất tiếng líu thì cái đầu với chiếc mũ khá khôi hài với hai đám lông mầu trắng viền đỏ  hai bên mang tai giống như quai mũ của mấy anh hề, không ngớt ngả nghiêng  làm điệu bộ. Đố ai khi nhìn  bộ  điệu và nghe tiếng líu của chim chào mào mà không thấy phấn kích trong lòng. Chắc các bạn cũng thấy tôi không ca tụng quá lời về những chú chim chào mào. Thế nhưng chưa đủ. Hồi nhỏ tôi đã khám phá ra một điều, không biết ở những loài chim khác có tình huống nầy không. Tôi thì bảo tình huống đó là một điều kỳ diệu của loại chim nầy. Nhưng thằng Nam bạn tôi hồi đó nó cùng tôi chứng kiến cảnh nầy thì nó phá lên cười và bảo rằng đấy là loại chim  ngốc nhất trong các loài chim!

Sau nầy khi đã  sống gần  nửa đời người rồi, đời người tính theo quan niệm bách niên giai lão, thì tôi mới thấy cả hai nhận định đó không những chỉ đúng về loài chim chào mào mà ngay cả về việc làm của con người ta, đôi khi cũng đúng. Bởi trong các sự kiện kỳ diệu thường có mặt của sự ngốc nghếch! Ở đời có nhiều điều, nếu đứng ở góc độ nầy thì thấy thật là kỳ diệu nhưng đứng ở góc độ khác mà phê phán thì thấy là ngớ ngẩn, ngốc nghếch!

Sự việc mà tôi khám phá ra ở loài chim chào mào nó như thế nầy:

Hồi ấy tôi mới học lớp sáu. Tôi rất thích nuôi chim.  Trong nhà tôi có đến sáu bảy lồng chim. Chim cu, chim chào mào, chim cưởng, chim Chàng, có cả một con sáo. Suốt những ngày nghỉ hè tôi và Nam một thằng bạn học cùng lớp cạnh nhà tôi, cứ đi lang thang hết vườn cây nầy đến cánh rừng nọ để săn tìm ổ chim bắt chim non về nuôi. Một hôm hai đứa tôi bắt được hai con chào mào con đang nằm trong ổ. Chưa có lông cánh. Thấy chim còn quá nhỏ, Nam cho tôi luôn cả cặp. Tôi về nhà lấy cỏ khô làm ổ và treo lồng chim trước hiên dưới bụi bông giấy hoa lá sum suê. Tôi đang chơi gì đó thì nghe ngoài hiên tiếng chào mào hót líu lo. Tôi chạy ra và chứng kiến một cảnh tượng hết sức lí thú. Một con chào mào trống hoặc mái gì đó đang thò đầu vào lồng mớm mồi cho hai chú chim con. Một con khác đậu trên một cành cây gần đó hót rộn rã cả khuôn viên nhà. Chim chào mào mớm xong mồi liền cất cánh. Và con trên cành cây cũng thôi hót cất cánh bay theo. Tôi thầm nghĩ cặp chim nầy là bố mẹ của hai con chim con mà tôi đang nhốt trong lồng. Vậy là sau khi về tổ không thấy con, chúng đã bay đi tìm. Cuộc tìm kiếm con của chúng chắc cũng vất vả. Bởi chúng tôi bắt đôi chim con ở một khu vườn cây ăn trái  cách nhà phải đến năm sáu cây số đường chim bay. Tôi ngồi đợi và nghĩ rằng thế nào chúng cũng trở lại. Và đúng như tôi dự đoán khoảng gần một tiếng sau hai con chim chào mào bay trở lại. Cũng như lần trước, một con đậu trên cành cây, một con miệng ngậm một trái chín đỏ hỏn bay đến đậu trên lồng. Nó lại thò đầu vào cho con ăn. Rồi lại bay đi. Tôi chạy sang gọi Nam cùng qua xem, biết đâu nó còn trở lại! Đợi lâu quá không thấy tăm hơi, Nam định bỏ về. Nhưng xa xa hai con chào mào đang bay tới. Nam và tôi núp sát vào cánh cửa, rất gần nơi móc  chiếc lồng. Miếng mồi nó kẹp ở miệng bây giờ là một con châu chấu. Xong nó lại rủ nhau bay đi.

Nam như nghĩ ra được điều gì, gọi tôi:

-Nầy Danh, ta lấy cái bẩy lồng  ra nhử bắt con mẹ đi.

-Đúng rồi!

Tôi và Nam chuyển hai con chào mào con vào chiếc bẩy lồng. Đó là cái lồng có bộ phận đánh sập. Khi con chim đứng lên cái cần là chiếc cần bật ra khỏi chốt cài, làm tấm lưới ập xuống.

Cài xong bẩy chúng tôi lại ngồi chờ. Chẳng biết lần nầy chúng có  trở lại không. Trưa mùa hè nắng gắt, những đợt gió Lào thổi, khóm lá bay bay và làm đung đưa chiếc lồng. Chúng tôi nhìn lên bầu trời trong nỗi thắc thỏm chờ đợi. Hình ảnh nầy và tâm trạng tôi lúc đó đã hằn sâu trong tâm trí trở thành một kỷ niệm mà lúc lớn lên mỗi khi mùa hè đến, ngọn gió Lào bắt đầu thổi là tôi lại nhớ những ngày thơ đầy ắp kỷ niệm. Kìa chúng đã tới. Trên bầu trời hai con chào mào xuất hiện. Tôi nín thở theo dõi, sợ thấy chiếc lồng lạ nó  không dám đến đậu. Một con lại đậu trên cành cây nhản. Con kia sà xuống bay quanh quanh lồng. Nó chưa dám đậu xuống thành lồng. Và tất nhiên chúng tôi đã chọn một vị trí mà chim muốn đậu lên lồng thì phải đứng trên cần bẩy. Bay mấy vòng như vậy cuối cùng nó cũng đáp xuống và đứng ngay trên cần bẩy. Nó chìa mỏ vào lồng. Tôi than thầm:

-Trời! Thằng Nam mày cài chặt quá bẩy không sập!

Âm mưu của chúng tôi thất bại. Hai con chào mào cho con ăn rồi lại bay đi.

Cài bẩy lại. Chúng tôi lại treo lên và ngồi chờ. Nam cười đắc thắng:

-Kìa chúng đã đến.

Một con đâm thẳng từ cao xuống. Đậu ngay trên chiếc cần không do dự. Chiếc cần bật. Lưới chụp xuống.

-Dính rồi! Dính rồi! Nam reo lên. Nam thò tay vào bẩy bắt con chào mào ra. Ôi nó đẹp quá. Mắt nó trong veo. Chíếc mũ nhọn hoắt. Cái quai mũ trắng tinh khôi có tua đỏ viền quanh rực rỡ. Tôi bật cười thích thú với ý nghĩ: Mầy diện quá đấy chào mào ạ. Con chim mổ cái mỏ nhọn vào tay Nam chống cự quyết liệt.

Chúng tôi không có thời gian để ngắm vẻ đẹp của con chim. Nam vội nhốt nó vào một chiếc lồng khác. Sửa bẩy để sập con thứ hai. Không biết con nầy có dám trở lại nữa không. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng. Bẩy cài xong hai chúng tôi lại ngồi chờ.

-Kìa Nam. Tôi chỉ tay lên hướng mà hai con chào mào lúc nãy vẫn bay tới lui.

-Không phải. Nam nói và giải thích: Chúng có một cặp lận.

Đúng vậy. Chúng tôi chỉ chờ con còn lại của cặp lúc nãy thôi. Vì chỉ có nó mới nhận ra con nó.

Nhưng kìa, lạ chưa! Một cặp đang bay trên cao bỗng một con sà xuống đậu trên cành nhản, con kia bay thẳng xuống chiếc lồng. Cũng động tác như con trước,  nó bay quanh lồng vài vòng rồi đậu lên cần bẩy. Lưới sập.

-Dính nữa rồi.

Rồi một cặp. Một cặp nửa. Một con đậu trên cành, con kia sà xuống mớm mồi cho hai chú chào mào con, mà nhất định không phải con của nó. Cứ thế mà tiếp tục dính bẩy.

Ngày hôm đó đến chạng vạng thì hai đứa tôi bẩy dược bốn năm con chim chào mào!

Nhìn bầy chào mào nhảy nhót rong lồng tôi nói với Nam:

-Hay nhỉ.  Chim chào mào nó mến trẻ con ghê. Con của ai nó cũng thương như con nó.

Nam cười:

-Nó ngốc thì có. Chẳng phân biệt được con mình với con người ta.

Cũng có lí. Hồi đó thì tôi nhất trí với lập luận của Nam. Nhưng giờ thì tôi nhận ra lập luận đó không có cơ sở. Cũng có thể chào mào không phân biệt được con của mình với con của người ta  nhưng chí ít  trong hành động của nó như tôi vừa kể, nó cũng có một nhận thức rằng những con chim chào mào con cần được nuôi nấng che chở.

Những loài chim khác thì không có. Tôi từng bắt những chú chim cu non, những chú chim chàng mới nở, những cưởng con… nhưng cha mẹ của nó có bao giờ bén mảng đến đâu. Tất nhiên khi thấy tôi trèo lên tổ bắt chim con thì  cha mẹ nó cũng bay quanh vài vòng. Nhưng sau đó thì tuyệt nhiên không bao giờ lai vãng  đến chiếc lồng tôi nhốt chim con, cho dù tổ của chúng chỉ cách nhà tôi chưa tới vài trăm mét, lúc bay qua về chúng thế nào chúng cũng thấy chiếc lồng nầy và con của nó.

Trong lúc cuộc chấm thi tiếng líu của chào mào chưa kết thúc, tôi tiếp tục nhâm nhi cà phê và nghĩ vơ vẩn về loại chim nầy, chợt có bóng dáng một phụ nữ thắng gấp xe trước cửa quán cà phê. Vợ tôi! Cô ấy đến tìm tôi có việc gì gấp gáp vậy nhỉ. Tôi vội thanh toán tiền cà phê.Và đứng dậy.

-Anh về nhà gấp đi.

-Có chuyện gì vậy?

-Thằng cu Kha nhà mình bị cô Tánh vả cho một cái sưng cả má.

-Trời đất! Có chuyện gì vậy?

-Thì anh cứ về nhà đi . Em với cô ta mới chữi lộn một trận rồi đấy.

Tôi chẳng hỏi thêm, vội chở vợ về nhà xem chuyện gì đã xẩy ra.

Thì ra việc là thế nầy. Gia đình tôi và gia đình cô giáo Tánh ở sát nhau trong khu tập thể trường X. Con trai đầu của  Tánh và con trai đầu của tôi là cu Kha cùng  học lớp ba. Chúng thường nô đùa với nhau ở sân trường khu tập thể troang những ngày nghỉ học. Hôm đó hai đứa trẻ xích mích gì đấy rồi sinh ra gây gổ dẫn đến đánh lộn. Thằng cu Kha nhà tôi xô thằng cu Bi nhà Tánh té sấp. Trán chạm phải một phiến đá nhọn. Dập trán chảy máu. Chị Tánh chạy ra thấy con mình máu me tràn mặt và nghe con nói bị cu Kha xô. Vậy là Tánh xót con, không kìm hãm được cơn tức mới tát cho cu Kha một tát sưng đỏ cả má. Mẹ Kha trong nhà chạy ra thấy Tánh tát con mình, thế là thét lên, xung vào định tát lại vào mặt Tánh. May trong khu tập thể có nhiều người can ngăn…

Vợ tôi chưa hết cơn hậm hực:

-Phải bắt con mẹ Tánh đưa thằng đưa  cu Kha đi khám thử xem. 

Tôi nói với vợ:

-Thôi mà em. Chị ấy vì sốt ruột khi thấy con chảy máu nên đã có hành động như vây. Một cái tát tai vào má thì chẳng ảnh hưởng gì đâu.

-Nhưng phải dạy cho con mẹ một bài học.

Tôi cười:

-Bài học em dạy cho chị ấy có tên là gì vậy?

-Anh nầy buồn cười thật. Người ta đánh con mình mà anh tỉnh bơ. Bài học em dạy cho con mẹ ấy là: Người lớn không được có hành động thô bạo với trẻ con.

 Chuyện trẻ con chơi với nhau chứ đâu phải mình đánh thằng cu Bi chảy máu đầu mà chị ta làm vậy. Mình biết xót ruột con mình thì người ta không biết xót ruột con người ta sao. Đồ hèn.

Tôi an ủi vợ:

-Qua cơn nóng nảy chị ấy sẽ qua xin lỗi em thôi.

Đúng như vậy, chiều ấy Tánh đã sang nhà tôi xin lỗi.

Tôi chợt nghĩ đến câu nói của Nam hồi nhỏ:

-Con chào mào là loài chim ngốc. Nó thương yêu tất cả những chú chào mào con vì nó không phân biệt được con nào là con của nó.

Thế đấy, cũng vì biết phân biệt con mình với con người khác nên Tánh mới có hành động đáng trách như vậy.


Phải chăng con người ta trở nên ích kỷ vì quá khôn ngoan!

                                                              Nguyễn Bá Trình

*****
Nguồn: nguyenbatrinh.com

No comments: