"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...
Cỏ lau mọc lên
thật nhanh, nhưng không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của con người. Tôi thấy buốt
lòng như một cơn đau dạ dày trong ý nghĩ (1). Những dòng suối của chương mở đầu
cho Bản di chúc của cỏ lau, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết bằng những câu
như vậy. Đó cũng là tiền đề mở cho câu chuyện về những người yêu nước của thành
phố Huế, những người đầu tiên đi mở rừng và dọn địa bàn cho cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước, mà di sản của họ để lại cho đời sau chỉ là một bản di chúc
viết bằng máu vùi dưới cỏ lau...
Tôi không phải là người có thói quen phân chia văn học theo các khái niệm, các phạm trù có sẵn, hoặc theo hệ thống đề tài, hệ thống thể loại... nhưng dưới bước chân kiên trì và chăm chỉ của thời gian, tất cả rồi trở thành chuyện cũ. Những sự tích anh hùng trong hai cuộc kháng chiến của chúng ta rồi cũng sẽ trở thành cổ tích mà thôi. Mới hơn 25 năm trôi qua mà nghe chừng như đã xa xôi lắm, chuyện gian khổ ở rừng, lòng chung thuỷ, đức hy sinh, tình đồng chí... tưởng chừng như truyền thuyết, đối với thế hệ sinh sau đẻ muộn chưa sống qua một ngày chiến tranh đã đành, lại còn với cả một số người rũ áo bước ra từ khói lửa của chiến tranh. Gần 100 trang sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một lời tự nhắc nhở với chính mình, với mọi người về âm vang chưa xa xôi ấy.
William Burto cho rằng: "Cổ tích là một thể loại văn học, người ta nghĩ đến sự huyền truyền, đồn đại đến cái không phải là thực tại hoặc là một thực tại diệu kỳ" (2). Chuyện cổ tích chiến tranh của Hoàng Phủ Ngọc Tường đúng là một thực tại diệu kỳ về cuộc sống và chiến đấu của những con người có độ dư về phẩm chất làm người, ném cả thời trai trẻ của mình vào gian khó đói rét, bệnh tật, chống lại cuộc săn lùng của kẻ thù, của thú dữ ở trại Cây Thị, tại vùng núi có tên là Khe Trái. Những ngày đói cơm nhạt muối. Những ngày chui bờ ngủ bụi. Những cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, với thú rừng... Nghĩa là những sự kiện, những sự việc, những chi tiết khá điển hình phổ biến trong cuộc chiến tranh mà người đọc đã từng trải qua hoặc từng nghe, từng đọc trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh lâu nay. Nhưng được Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại bằng giọng điệu riêng, mà chỉ ở anh mới có. Đó là lối tư duy văn học mang đậm dấu ấn cách cảm nhận và cảm nghĩ chủ quan của tác giả, mà Hoàng Ngọc Hiến đã từng cho rằng đó là tư duy của một tiểu loại văn học ét-xe (3) và "Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác giả viết ét-xe". Là một người viết bút ký tài hoa,"trong văn học hiện đại Việt Nam, sau Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn thứ hai nổi bật lên với thể ký, ký của anh có cái là truyện, có cái là tuỳ bút, có cái mới chỉ là ghi chép"(4), hay cũng có thể nói là đặc trưng nổi bật của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bao giờ cũng soi rọi thực tại dưới hơi thở của những cảm nhận chủ quan của mình. Do đó, ngay cả trong sáng tác có một cốt truyện hẳn hoi như Bản di chúc của cỏ lau, cũng được anh trần thuật bằng ngôn ngữ của người viết ký. Đó là ưu điểm, đồng thời cũng là nhược điểm trong thi pháp biểu hiện của anh, nên chuyện của anh không phải bao giờ cũng thành công, cũng thu hút người đọc, có nhiều "tạng" khác nhau trong thị hiếu thẩm mỹ. Câu chuyện của Bản di chúc của cỏ lau bắt đầu từ "một ngày không được bình yên, theo anh Bình quay lại vùng Khe Trái để tìm mộ anh Hoàng", người viết đã lần ngược lại cuộc chiến đấu của những người yêu nước, dưới bóng cờ của cách mạng. Nhưng với sức liên tưởng mạnh mẽ của người viết bút ký, truyện không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến đấu hy sinh gian khổ đến ngày thắng lợi hoàn toàn, mà còn bao nhiêu truyện khác: chuyện chiến đấu với kẻ thù, với thú rừng, với nỗi cô đơn, chuyện về tờ di chúc như lời thề im lặng của dòng máu cuối cùng Tổ quốc muôn năm, về sự hy sinh đang có nguy cơ "trở thành sự lãng phí vô nghĩa của lịch sử", chuyện người may mắn thoát chết trở về sau chiến tranh mang theo với mình chiến tích của một cuộc chiến đấu kinh hồn, để rồi cố thu nhỏ mình lại thành một dấu chấm không ai buồn để ý trên chuyến xe cuộc đời mà chỗ ngồi đã dành cho những người khác". Bên cạnh đó, còn có sự tích của người Pakô, về thiên nhiên, các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc miền Tây, chuyện về các loài vật, các thú dữ ở rừng... Cũng như con người, trong thế giới loài vật, có loài vô hại, nhưng cũng có loài là kẻ thù nguy hiểm đối với con người. Điều quan trọng hơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ tự mình tạo nên sự liên tưởng cho mình, mà luôn tạo nên những tầng sâu ngữ nghĩa, buộc người đọc muốn hiểu vấn đề một cách thấu đáo, phải cùng tác giả chui xuống những tầng hầm sâu khuất, tìm đến những mạch ngầm của chiều sâu liên tưởng mới, như một phép ẩn dụ nghệ thuật. Chẳng hạn, anh đưa chi tiết chiếc đèn dầu chôn theo hài cốt mấy chục năm dầu vẫn còn thắp sáng, để nói "chính ngọn lửa bé bỏng kia, tôi nghĩ đã thắp sáng cuộc chiến đấu của anh Hoàng hai mươi năm trước, trong những đêm rừng tối thẳm", anh đưa chi tiết ngồi xe nhờ bị bà chủ, vợ một quan chức hành xác "người bạn đồng hành tội nghiệp của tôi muốn thu nhỏ người lại thành một cái chấm để khỏi làm phiền bà ta" để nói đến cái giả định xót xa về cuộc chiến tranh qua, những người đã hy sinh xương máu có còn chỗ nào trên chuyến xe cuộc đời, trong lòng mọi người hay chỉ là một dấu chấm hết của một trang đời, dẫu rằng họ vẫn may mắn tồn tại!
Nếu nói mỗi người
đều có một tâm hồn được kiến tạo bằng một chất liệu riêng, một cách thức riêng,
một tâm thức sáng tạo riêng, thì dẫu cho những điều mà Hoàng Phủ Ngọc Tường viết
ra có đôi điều dự báo, là tín hiệu của tương lai, nhưng thế giới tâm hồn anh vẫn
thuộc về quá khứ, bị ám ảnh bởi một quá khứ dữ dội mà anh có can dự vào và may
mắn là người được trở về sau chiến tranh với mặc cảm luôn thấy mình có lỗi với
những người đã khuất. Một cảm giác không yên, luôn lo sợ về sự quên lãng, sự bội
bạc của chính mình. Điều này trở đi trở lại vò xé tâm hồn anh, khi thì điềm
tĩnh "tôi ngồi nhớ lại tất cả trong nỗi trầm tư dài... thấy buốt lòng như
lên cơn đau dạ dày trong ý nghĩ". khi thì da diết đến riết róng: "Bây
giờ tôi đang có tất cả những gì mà các anh ấy không bao giờ có nữa, cả cuộc sống
cụ thể, đất nước và cả hành tinh, để làm một người. Và trĩu nặng hơn tất cả,
chính là khát vọng thiêng liêng mà chính các anh ấy đã để lại cho những người sống
còn. Tôi hiểu, nếu một ngày nào tôi không còn cảm thấy nữa cái sức nặng để lại ấy
của những người vắng mặt, thì chính là tôi đã sống khác đi, như một kẻ đáng
nguyền rủa"(5), hoặc có khi cái vốn là sức mạnh chủ quan của người viết ký
lại được hóa thân thành con chim bói cá ngồi trầm tư về cuộc đời, đặt ra bao
nhiêu điều vấn tâm về phận người như tiếng vọng lại từ trong sâu thẳm của tâm
linh. Gần đây, đọc tập thơ mới in của anh, tập Người hái phù dung, tôi lại bắt
gặp cái cảm giác buồn bã quay về Thành cổ Quảng Trị quê anh, về phía cuối con đường
cỏ lau, trong bài Về chơi với cỏ:
Thưa rằng người
đã quên tôi
Tôi về chơi với
ngọn đồi cỏ may
Một đường hoang
một dấu giày
Một người ngồi một
thoáng ngày bóng nghiêng.
Có người coi anh
là một trong những tri thức miền đi theo cách mạng với một chủ nghĩa yêu nước
rõ rệt, một trí thức có một tri thức sâu rộng đã kịp chuyển tải vào trang viết.
Riêng tôi, vẫn
coi anh như một người đến cư ngụ trong đời không chỉ với tư cách là một nghệ sĩ
để ngợi ca cái đẹp mà còn là một hành giả đi tìm cái chân, cái thiện; một con
người không yên, luôn đòi hỏi ở mình với nỗi buồn khó nguôi ngoai về quá khứ,
đang ngồi dõi tầm mắt về phía cuối đường chân trời, nhặt từng chiếc lá thu vàng
và kể lại chuyện chiến tranh giữa hai bờ hư thực của thời gian vô định và cả
không gian sương khói, trong nỗi xót xa, mòn mỏi của thân phận con người.
P.P.P
Nguồn:
tapchisonghuong.com
No comments:
Post a Comment