Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 19, 2017

CHỈ CÓ CÔ MAI ĐÌNH LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ MÀ THÔI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                        Mai Đình và Hàn Mặc Tử


CHỈ CÓ CÔ MAI ĐÌNH LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ MÀ THÔI

     Hàn Mặc Tử đi vào cõi vĩnh hằng đã lâu mà ký ức về  người công dân số hai của “Tứ hữu Bàn Thành” vẫn đọng lại trong lòng ba tôi đến khó tả. Thỉnh thoảng, tôi nghe ông đọc “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ bao giờ tôi hết được yêu vì…/ ai đem tôi bỏ xuống hầm sâu…” Mãi sau này tôi mới biết, đó là một trong bốn bạn của Tứ Linh.   
      Sau khi đi thăm chú Chế Lan Viên, ba tôi bảo“Hôm nay ta sẽ đến thăm cô Mai Đình, bạn của Hàn Mặc Tử nghe con”. Rồi mở tờ giấy ghi chi chít những địa chỉ là địa chỉ ra bàn, dò xem, gấp lại cho vào túi áo ngực trái, xong lấy chiếc mũ phớt màu ghi xám úp lên đầu và leo lên chiếc xe Suzuki ông xã tôi đã nổ máy đợi trước cửa. 
 Nghe tên Mai Đình, tôi ngỡ ông già đang nhắc tới một huyền thoại, ở tận chân trời góc biển nào đó. Ngờ đâu nhà cô chỉ ở cách tôi có hai phường. Cô ở P.25, tôi P.27- Q.Bình Thạnh. 
       Tính tôi kỳ lắm, mỗi khi nghe tên ai dính đến Hàn Mặc Tử, tôi lại tò mò, muốn tỏ tường về những người đàn bà của nhà thơ giàu ngôn ngữ tình yêu nhưng nghèo sức lực sống này lắm.  
        Đi thăm cô Mai Đình về, nhìn vẻ tươi rói của ba khiến tôi càng tò mò. Tôi hỏi ngay: “Cô Mai Đình thế nào ba?” Ý tôi muốn biết diện mạo, tính tình hiện nay của cô. Chả là vì, khi xem bản thảo Hồi Ký “Hàn Mặc Tử anh tôi” của ông Nguyễn Bá Tín, thì nhân vật Mai Đình như là một thanh nữ không nhan sắc, không đứng đắn, đơn phương yêu Hàn say đắm. Đáp lại sự tò mò của tôi, ông nói: “Bà Mai Đình già nhưng trông rất trí thức, rất sôi nổi và nhiệt tình”. Tôi không thích câu trả lời này, nhưng sau đó ông nói tiếp: “Gặp ba, bà mừng như “cá gặp nước, như rồng gặp mây”. Suốt buổi trò chuyện với ba, bà chỉ nhắc tới Hàn. Ba thấy tình cảm của bà đối với Hàn còn nồng nàn lắm. Bà say sưa kể về Hàn mà không màng đến người chồng đang ngồi cạnh, thao thao đọc thơ cho ba nghe làm ba ái ngại quá
        
  Em vẫn bên anh
  Lần này em đã quyết tâm
  Về đây ở một hai năm mới đành
  Để em theo dõi bệnh tình
  Bữa ăn, giấc ngủ cho anh đỡ sầu…

    Quả thật, gặp ba tôi - người cuối cùng của Bàn Thành tứ hữu, cô Mai Đình như rạng rỡ niềm vui hết cỡ. Dường như cô thỏa nỗi khát khao được trút hết bầu tâm sự để ba tôi rõ  cái tình mà cô dành cho bác Hàn. Ba tôi rất mực cảm phục tình cảm đó. 
  Nghe ba kể lại cuộc gặp với cô Mai Đình, tôi cũng vô cùng cảm phục tình cảm mà cô dành cho bác Hàn. Ối! sao có thứ tình yêu đẹp, thanh cao, thánh thiện đến khó tin là vậy, mà lại thực 100% kia đấy.  Xem bài thơ này bạn sẽ rõ thôi.

  TUYÊN BỐ          
  Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khó,
  Tôi không kiêng thứ da thịt khác người
  Vì lòng tôi, tôi chỉ biết yêu thôi
  Và thân thể có phải đâu châu ngọc?
  Tôi yêu chàng đã khắc sâu vào tim óc,  
  Tôi thờ chàng như một vị thần linh…

 Ở quê, ba tôi thường nhận được sự quan tâm của cô qua những lá thư. Cô dặn ông như em út đối với ông anh còn lại. Lần nào về Qui Nhơn, bận gì bận cô vẫn tìm cách lên thị trấn thăm ông. Cô là cầu “nối vòng tay lớn” giữa nhà thơ với đồng hương Bình Định. Trong đó có cô Hoa Phương, vợ của nhà thơ Lam Giang. Tiếc thay hai người chưa có dịp hội ngộ nên cô Hoa Phương có để lại thư cho ba tôi:
   “…Rất tiếc là anh đi vắng. Vì thế tôi không được may mắn làm quen với anh. Tôi tâm nguyện là khi về tới Qui Nhơn sẽ tìm đến thăm anh chị với tất cả tấm lòng quí mến. Thơ anh rất hay, tình anh chị rất đẹp “qua thơ của anh” cho nên tôi ước ao được gặp, thật đáng buồn! Tôi đã già, gần 70 tuổi khó lòng về Qui Nhơn được nữa để thăm anh chị-một nhà thơ vào bậc thầy. Tôi xin phép anh cho tôi được gửi đến tặng anh vài bài thơ mới tập làm. Trước đó cũng có làm chơi một vài bài nhưng chưa gọi là thơ, chưa hiểu gì về luật-mong được anh thương những cô em gái tỉnh nhà yêu thơ-mà đừng cười chê, trái lại xin anh nâng đỡ những cây bút nữ còn rất híếm hoi trong tỉnh nhà để đàn em nó nhờ.
   Kính chúc anh chóng bình phục, chị trọn vẹn hạnh phúc bên anh đến giờ chót của cuộc đời.
                                                                   Thân kính
                                                          Qui Nhơn, 29/5/1991

 Đầu tháng 6 năm 1989, một người đàn ông đến nhà tìm tôi. Ông to con, rắn chắc, có lẻ hơn tuổi ba tôi. Khuôn mặt chữ điền, đôi mắt nghiêm nghị dễ làm tôi ngại. Ông tự giới thiệu “tôi là Nguyễn Bá Tín - em Hàn Mặc Tử, tìm cháu Bích Thủy, con nhà thơ Yến Lan”. Nghe đến tên Hàn tôi tức khắc mời ông vào nhà. Ông đưa cho tôi tập giấy kẻ ô vuông, khổ A3; trên viết chằng chịt chữ nhỏ ri rí. Tập giấy hơi nhàu, có lẽ đã qua tay nhiều người. Ông bảo “Nghe ba cháu nói, cơ quan cháu hay ra Bắc, nơi tin cậy bảo đảm bản thảo Hồi ký này đến được tay ông”. Ông dặn đi dặn lại “Sở dĩ chú không gửi bưu điện vì sợ thất lạc. Chú chỉ có bản viết tay này, không có bản thứ hai”. 
      Tôi nhận và chuyển cho ba liền sau đó. Một tuần sau, ba tôi trả lời đã nhận được. Không hiểu sao, giờ nghĩ lại, tôi thấy mình quá chủ quan, bởi gửi kiểu này đôi lúc cũng bị thất lạc. May quá, một thời gian sau hồi ký “Hàn Mặc Tử anh tôi” đã xuất hiện trên các sạp báo! 
      Ngày ấy, đọc thư ông Tín gửi cho ba, tôi thấy có vấn đề là ông Tín tỏ ra ấm ức, tức giận bác Quách Tấn, như sau 

Ngày 25 tháng 6 năm 1989
Anh Yến Lan thân, kính 
 Được thư anh 2 hôm nay, mãi đi tìm địa chỉ cháu Bích Thủy chạy khắp Sài Gòn, vì anh quên ghi tên đường. Hôm nay mới tìm ra thì lại là ngày chủ nhật, nên chưa tiếp xúc được.
 Tôi rất mong được các anh đọc hồi ký này trong tinh thần huynh đệ và giúp đỡ….
  Tập hồi ký này có nhiều chuyện mà chắc anh và các bạn không bao giờ ngờ được đến như thế, nếu chỉ nghe, hay đọc không chính thấy, hoặc dụng ý riêng tư.
 Bản thảo này tôi đưa cho anh Dịch nghiền ngẫm hơn một tháng, Dịch rất chân tình và vui vẻ. Tôi cũng rất nhiều lần sửa đi sửa lại nhưng không hề tránh né hay thêm bớt gì. Vì vậy, có lẽ anh đã nhận thấy tôi rất dè dặt không muốn ai xem bản thảo trước khi được xuất bản ngoại trừ các anh…”

Trả lời bức thư của ông Tín, ba tôi viết:

  Thuở sinh thời Hàn Mặc Tử rất yêu quí anh Quách Tấn, Quách Tấn đối xử Hàn cũng như di cảo của Hàn là rất chí nghĩa, chí tình. Quyển “Hàn Mặc Tử anh tôi” khi xong bản thảo có gửi ra nhờ tôi góp ý… tôi thấy cộm lên mấy chuyện: Vấn đề Quách Tấn, vấn đề Hàn Mặc Tử bị Thúc Tề bóc lột, vấn đề Mai Đình bị nhìn nhận thành một cô gái thiếu đứng đắn... Tôi đã viết bốn lá thư phản đối gửi cho tác giả. Đặt vấn đề như vậy nhằm mục đích gì? Có lợi cho việc hiểu thêm thơ Hàn Mặc Tử hay nhân dip đó mà công kích người khác. Sau đó quyển sách in ra, vấn đề Thúc Tề và Mai Đình có được sữa chữa ít nhiều, vấn đề Quách Tấn vẫn giữ nguyên….
   Tôi có đọc những bài báo của Quách Giao (Bách khoa văn học số 6 tháng 6 năm 1991), của Trần thị Huyền Trang (Tuần báo V.N số 30 ngày 27.7.1991) viết về vấn đề này. Nói chung cần phải làm cho mọi người hiểu tấm lòng anh Quách Tấn.

TM: Có dư luận cho rằng sao Quách Tấn giữ được tờ giao bản quyền mà không giữ được bản thảo thơ? (Tờ giao bản quyền có photocoppy và in trong bài báo của Quách Giao)

YL: Trước Cách mạng, thư viện anh Quách Tấn ngoài sách báo ra còn có nhiều bản thảo, di bút của bạn bè trong Nam ngoài Bắc rất quí giá. Nhiều nhất là của Tản Đà, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… các tập thơ chưa xuất bản của tôi cũng có ở đây. Năm 1944 anh Tấn đóng cửa nhờ một người láng giềng coi hộ rồi tản cư về Bình Định, chỉ mang theo tư trang tối thiểu và những giấy tờ tùy thân cần thiết. Giấy chứng nhận giữ bản quyền thơ Hàn Mặc Tử anh mang theo được vì nó chỉ là một tờ giấy. Còn di cảo thơ thì hàng nghìn tờ làm sao mang theo hết. Thời trước tự tay anh Quách Tấn đánh máy thơ Hàn Mặc Tử thành nhiều bản, 2 bản nộp cho Bộ giáo dục ở Huế, một bản cho gia đình Hàn, một bản cho Trọng Miên mang vào Sài Gòn, một bản cho Bích Khê ở Quảng Ngãi. Sau 1954 tài liệu ở nhà anh Quách Tấn bị mất. Hỏi Bộ giáo dục ở Huế cũng không còn. Các bản khác cũng không ai giữ được.
  Tất cả mọi điều trên, anh Quách Tấn có viết trong hồi ký, đã xuất bản ở Miền Nam trước năm 1975. Chỉ cần chịu khó đọc và có thiện ý một chút, chắc không ai nỡ trách móc anh  …”

                                                                      Lâm Bích Thủy

No comments: