LÀNG QUÊ
Nguyễn Đức Tùng
Khi anh trở về
Người vợ đã chết
Vết máu khô trên ngực
Trong bụi tre cú rúc liên hồi
Tiếng thứ nhất: anh không nghe
Tiếng lần thứ hai: anh dừng lại
Tiếng thứ ba: anh lờ mờ nhận ra
Anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà
Cúi đầu, lùi lại
Rồi nhổ sào
Rời bến.
Không! Những câu thơ chẳng phán bảo loan truyền thông điệp
gì cả. Thơ là thơ và vọng âm cứ bằng bặt im lời trong chiều muộn đêm trăng xế.
Một bậc cửa, vết máu khô, tiếng cú rúc. Chữ không trau chuốt
đẹp, hình không lóng lánh sắc màu và thanh âm chẳng hề dịu ngọt. Thơ là đời và
cuộc sống bừng hiện, dừng lại trong những khoảnh khắc đậm đặc nhất của tuyệt
vọng, nỗi chết, của chia ly tàn mục. Ngọn sào nhổ lên, thuyền rời bến và cuộc
sống cứ chảy đi trên dòng thời gian bất tuyệt. Không thể khác. Người sống phải
sống và người chết cũng đã chết rồi.
Thơ còn là người. Đã tràn lan những câu thơ nôn thốc nôn
tháo kinh nguyệt và đờm dãi khoe mông má thịt đùi chỉ để bày biện cái libido,
cũng ê hề đây đó những tụng ca sáo rỗng. Lý Bạch “cúi đầu nhớ cố hương”; còn
anh cúi đầu như một mặc niệm, một nhớ thương. Tôi nghĩ, thơ là nhan sắc và
người cần có diện mạo. Diện mạo đó, trước hết, là diện mạo của văn hóa Việt.
Thang thuốc bắc, ở đây, dù không còn tác dụng gì, vẫn là nghĩa tình chồng vợ
đậm chất Đông Phương, giàu tính Việt.
Nhưng “Làng quê” của Nguyễn Đức Tùng ám ảnh ám thị tôi,
không phải vì câu chuyện sinh lão bệnh tử mà vì thanh âm của tiếng đêm cú rúc.
Rờn rợn, khàn đục, the thắt. Và không phải vô tình, nó lặp lại đến ba lần. “Quá
tam ba bận”. Vâng! Có là người hoài nghi chủ nghĩa cũng phải tự khẳng định:
cuộc sống không chỉ có ríu rít xuân ca. Nó trăm ngàn the thía mùi vị đấy! Đối
mặt với nó và sống!
“Làng quê” vỏn vẹn 11 câu thơ nhưng từng con chữ nén lại,
giấu một tiếng thở dài, chưng cất một nỗi đau và đặc biệt, trong chừng mực, đã
hóa giải tâm thế vực ngờ của người đương đại.
Lê Vũ
(Sài Gòn)
No comments:
Post a Comment