Nhà thơ BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG. Ảnh từ Tạp chí Sông Hương |
Là tôi muốn nói đến Phạm Nguyên Tường, thầy
thuốc và nhà thơ xứ Huế. Anh hiện là tiến sĩ y khoa (từng du học tại châu Âu), phó
trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.Với một người nhát kim tiêm như
tôi thì ngần ấy của nghề y cũng đủ đáng kính và đáng sợ lắm rồi. Huống chi,
Tường còn là chủ tịch hội nhà văn Thừa thiên - Huế thì chức trách bề thế đến
dường nào.
Theo như tôi biết thì nước ta mới chỉ có nhà
thơ Vũ Quần Phương và nhà văn Phan Thị Vàng Anh là có bằng bác sĩ.Vừa là thầy
thuốc vừa là nhà văn thì ôi thôi thì từ phần xác cho tới phần hồn của con người
ta họ đều biết tất. Họ đích thực là con cháu ruột rà được chân truyền y bát của
một Thượng Đế mà ngài vừa có bằng y khoa lại vừa vang danh thi sĩ.
Nhưng Phạm Nguyên Tường còn là một người
hiền, một người thơ.Và hơn nữa anh còn là một lương y đúng nghĩa.
Tôi còn nhớ thời sinh viên Huế, có lần
Tường rụt rè đưa tôi bài thơ đầu tay "Thưở
xa em" nhờ tôi góp ý. Lúc ấy Tường còn học Sư phạm Huế. Có lẽ anh nghĩ tôi
học văn và cũng tấp tễnh làm thơ nên đưa tôi biên tập.Tôi đọc xong, chẳng đổi
thay một dấu phẩy, chỉ đảo vị trí một khổ thơ để bài thơ "có đáy". Và
bài thơ đó được đăng và có diện mạo như bây giờ. Sau đó, vào thập niên 90 của
thế kỷ trước, thơ Tường nổi đình nổi đám ở Huế. Sinh viên bọn tôi nhiều người
thuộc thơ Tường, không thuộc cả bài thì cũng một vài khổ thơ.Và rồi Tường học y
một cách chuyên tâm và trở thành một bác sĩ thực thụ và vẫn say mê làm thơ rồi
đàng hoàng được gọi tên thi sĩ.
Thơ Tường dường như chẳng ảnh hưởng một ai, kể
cả các thi hào, thi bá. Anh viết thơ tự nhiên, hồn nhiên, nhi nhiên. Nhiều câu
thơ, đoạn thơ được viết ra như thể tâm linh cầm tay phóng bút. Anh như là thi
sĩ từ trong huyết quản:
Có một dòng sông chảy hoài trong tâm thức
Thưở nào ta yêu em
Sự hoang vu của buổi chiều kiệt sức
Hiện ra như một kết cục đê hèn.
Bao nhiêu đêm ký ức về đập cửa
Lôi ta đi nạm cỏ ngậm ngang mồm
Thành phố của những mê lộ
Tiếng chổi dài quét vội những nụ hôn...
Bao nhiêu mặt trời không giữ được giùm ta
chút lửa
Đêm ơi cùng cạn chén trăng rằm
Có một dòng sông tâm thức
Xác
ta bồng bềnh như thể trăm năm...
(Thưở xa em)
Tường là người có lương tâm.Tôi nghe bạn bè
kể lại rằng: khi thấy nhiều người quen, bạn bè bị K nhập viện, Tường đã than: chắc
phải đổi nghề! Do áp lực nghề nghiệp vậy thôi, rồi anh vẫn theo đuổi con đường
mình đã chọn.Tâm huyết với nghề y, anh đã tìm cách giãi bày bằng tập ghi chép
được nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành với tên gọi khá ấn tượng "Chết như thế
nào".Trong đó nhiều trang viết về tình trạng bệnh nhân ung thư. Kết thúc
bài viết "Lời nguyện cầu", đau xót và sẻ chia trước số phận của người
bệnh ung thư, bác sĩ Phạm Nguyên Tường đã viết:"...Mà sao chán thật đúng
vào ngày Thầy thuốc Việt nam tôi lại đi kể lan man toàn chuyện chết chóc thế
này. Biết làm sao được. Cuộc đời hành nghề của tôi đã gắn với những giọt nước
mắt của biết bao phận đời,phận người. Như những giọt nước mắt bằng sứ trong tác
phẩm sắp đặt Jason Lim ngày nào, đổ từ giếng trời xuống mỗi một lần lại găm
buốt tâm can.
Tôi thuộc về nơi ấy."
Tự nhiên tôi nhớ đến bác sĩ NAOE trong tiểu
thuyết "Đèn không hắt bóng" của Nhật đọc từ thời sinh viên Huế.
Một bác sĩ còn biết đồng cảm với số phận
người bệnh nan y. Một thi sĩ còn biết trăn trở trước cuộc hồng trần biết bao
thao thức. Nên tôi vẫn còn hy vọng trong cuộc đời còn cần nhiều lắm thuốc
thang.
Phạm Xuân Dũng
Đài PT- TH Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng
Trị
Đt: 0985.972.975
No comments:
Post a Comment