Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 17, 2012

CHUYỆN NGƯỜI CHA VIỆT KIỀU VỀ QUÊ TÌM CON SAU GẦN 60 NĂM LY HƯƠNG - Nguyễn Hồng Trân


                           
Đó là chuyện ông Lê Công Tôn- quê ở làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
           Ông Tôn xa quê trong một hoàn cảnh bắt buộc đi lính thợ cho Pháp tham chiến đánh bọn Phát xít Đức trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai (1939-1945). Lúc ông rời khỏi quê hương là lúc bà vợ ông đang mang thai mấy tháng đứa con đầu. Thế rồi do hoàn cảnh ốm đau bệnh tật, bà vợ đầu đã qua đời trong thời chống Pháp. Do hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh tại Việt Nam lúc bấy giờ nên ông Tôn cũng không về được quê hương Việt Nam mà ở lại làm việc để sinh sống tại Pháp rồi nhập quốc tịch Pháp.


Năm 1939, cô Trần thị Hoè sinh được đứa con trai đầu lòng, cô vui lắm vì đã làm thoả lòng mong ước của người chồng lúc cô đang có thai. Ngày tháng qua, con trai lớn dần trông rất dễ thương. Nhưng tiếc thay cha nó đi sang Pháp không hề biết mặt con. Mỗi lần nựng nịu đùa vui với con, cô lại càng nhớ cha nó và nghĩ thầm: “Ước gì lúc này có anh bên cạnh em và con thì vui thích biết chừng nào? Anh nhìn thấy con vùng vẫy, múa máy chân tay rồi miệng cười xinh xinh trong chiếc nôi bằng tre mà anh đã đi đặt người ta làm cho chắc chắn trước lúc anh đi xa mấy nghìn trùng…”.
Có những lúc trái gió trở trời, thằng bé bị ốm cứ khóc hoài, cô Hoè dỗ dành mãi nó vẫn khóc, cô Hoè bế ẵm con lên vỗ vỗ nhè nhẹ vào thân con và ru hời ru hỡi cho con ngủ yên rồi đặt con xuống giường nằm bên cạnh con và suy nghĩ triền miên trong ngôi nhà tranh ở làng quê.
Năm tháng cứ kéo dài, nỗi buồn cô đơn của người vợ xa chồng khi con còn thơ dại cứ dai dẳng kéo theo cô. Nhiều lúc tủi thân, cô than thở một mình như tâm sự với ánh trăng khuya bằng những vần thơ giản dị:

“Xa nhau đã mấy mùa rồi,
Mẹ con mong đợi mấy lời tin anh.
Đợi hoài chẳng thấy tiếng tăm,
Em càng buồn tủi, nhìn trăng thêm sầu,
Anh đi sang Pháp bao lâu?
Mẹ con thương nhớ lo âu tháng ngày.
Bao giờ hết hạn lính Tây,
Mong anh còn sống sum vầy mẹ con.
Nhìn con lòng dạ héo hon,
Đến khi con lớn biết còn cha không?...”


Những vần thơ này cô Hoè cứ dùng để hò ru con nhiều lần làm cho bà con xóm giềng cũng thuộc lòng lời ru ấy. Thế mà vẫn chưa thấy chồng về và cũng không có tin tức gì cả. Cô thất vọng, cố nén chịu cảnh cô đơn ưu phiền nhiều năm. Trong bà con xóm làng ai cũng thương yêu cô, động viên cô và giúp đỡ cô hết lòng, nhưng không thể nào lấp hết lỗ trống tình cảm vợ chồng yêu thương trong trái tim người cô phụ…
Trong thời chiến tranh, khó khăn gian khổ làm cô bệnh nặng rồi qua đời lúc cô còn trẻ (mới 27 tuổi). 
Thế rồi tin cô Hoè từ trần đã đến tai chồng (là ông Lê Công Tôn) do mấy người bạn đồng hương là ông Phan Thanh Địch và Lê Luyện tin cho biết. Ông Tôn được tin ấy đau đớn vô cùng và muốn xin về nước ngay để tìm đứa con trai của ông mà ông chưa biết mặt. Nhưng lúc ấy ông bị ốm nặng đang nằm viện không thể về Việt Nam được. Sau đó thì chiến tranh xẩy ra do giặc Pháp đánh chiếm nước ta. Ông Tôn không có điều kiện về quê hương và đành ở lại Pháp xin việc làm để sinh sống. Sau đó thì ông lấy vợ người Pháp là bà LuCienne. Bà là một nhân viên văn phòng. Bà rất đảm đang hiền hậu đã biết chăm sóc chồng con suốt đời. Bà này đã sinh được cho ông Tôn 6 con (4 trai và hai gái. Đó là: Jean Pierra, Guy, Monique, Bermard, Alain, Anna Marie) và Lấy họ Lê của ông Tôn.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, ông Tôn rất muốn về quê hương để tìm thăm người con trai đầu của ông đã gần 60 năm trời ông chưa được thấy mặt. Đồng thời tìm đến viếng thăm ngôi mộ của người vợ đã mất từ lâu mà ông chưa biết chỗ. Nhưng ông còn chưa biết rõ địa chỉ gia đình con ông cụ thể ở đâu nên ông phải chờ đợi có thêm tin tức rõ ràng hơn.
Vào năm 1977, nhân dịp có một Việt kiều quen thân là Lê Bá Y về thăm quê Quảng Trị, ông Tôn có nhờ tìm kiếm tin tức về người con trai đầu của ông. Người ấy đã đi tìm  nơi này nơi khác để dò hỏi tin con cho ông Tôn, nhưng chẳng ai biết anh Lê Công Tước con ông với cô Hoè nay ở đâu cả. Người ta chỉ nói cho ông biết tin rằng, sau khi người mẹ mất thì anh Tước được người bác ruột nuôi. Đến năm 1954, anh Tước được người chú ruột là Lê Công Thưởng đem theo đi tập kết ra miền Bắc và cho học trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Về sau anh Tước học Đại học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường làm việc ở đâu cũng không ai được rõ. Mặc dù chưa tìm ra được địa chỉ của người con, nhưng nghe tin con mình được người em chăm lo cho việc học hành của con được thành đạt như vậy ông cũng rất mừng. Rất nhiều lần ông gửi thư và thiếp chúc mừng năm mới cho bà con nội ngoại gần xa ở quê hương và để hỏi thêm tin tức của con trai mình còn sống ở đâu, nhưng cũng chẳng ai biết cụ thể địa chỉ cả. Ông vô cùng buồn bã, khổ tâm về chuyện này. Tuy vậy, ông Tôn vẫn không thất vọng mà cảm thấy trong lòng mình có một niềm phấn khởi vui chung với bà con xóm làng sau ngày hoà bình thống nhất đất nước. Ông biết nhiều người, nhiều gia đình còn tổn thất, mất mát đau thương trong mấy chục năm lửa đạn chiến tranh vừa qua, nên ông cũng dịu đi nỗi buồn riêng của mình.
Bà con ở Quảng Trị nói với người bạn Việt kiều của ông Tôn: “Nếu hết hạn phép thì chú cứ về Pháp đi, để địa chỉ của ông Tôn lại, bà con chúng tôi sẽ tìm giúp.  Nếu có tin cụ thể thì chúng tôi sẽ đưa địa chỉ cho con trai ông Tôn liên hệ”.
Nghe vậy người bạn Việt kiều của ông Tôn cũng yên tâm và chuẩn bị lên đường về Pháp. Trước khi rời quê hương sang Pháp, ông ghé vào một quán nhỏ bên đường quốc lộ 1A uống ly cà phê và ngắm lại quê nhà một lần nữa để tạm biệt. Ông cố ý để lại một danh thiếp của ông Tôn nhờ bà chủ quán cứ đặt danh thiếp ấy trên mặt bàn cho người vào ra, qua lại nhìn xem để họa may có ai biết thì nhờ ghi lại địa chỉ và cho con ông Tôn biết để liên lạc với người cha. Nhưng tháng ngày cứ trôi qua mà vẫn bặt vô âm tín về người con trai của ông Tôn. Mặc dù chị chủ quán cũng rất quan tâm hỏi han rất nhiều người qua lại để tìm tin tức anh Lê Công Tước, nhưng vẫn chưa có thông tin gì cả.
Mấy tháng sau, ông Tôn lại gửi một bức thư về cho bà con nội ngoại ở quê đề nghị tìm giúp. Trong thư có một cái thiếp chúc mừng năm mới bà con và có ghi thêm mấy dòng chữ: “Nhờ bà con ai biết con trai tôi là Lê Công Tước nay ở đâu thì tin giùm cho cậu ấy biết địa chỉ của tôi mà liên lạc gấp. Tôi xin đa tạ bà con”.
Bức thư đó cứ nằm trên bàn nhà bác Hào sát đường QL 1A thuộc làng Thượng Xá. Nhiều người qua lại ghé thăm đều nhìn xem thư đó cả. Thế rồi một hôm, có một chị công tác phụ nữ ghé vào nhà bác Hào và xem tấm thiếp bưu ảnh đó thì mới biết được tin về người cha của anh Tước và cô liền nói với bác Hào: “Anh Tước đang ở thành phố Huế, nhưng không biết anh ấy làm gì ở đâu. Trong làng ta có nhiều người làm việc ở Huế, bà con cứ nhờ họ tìm kiếm cho thì chắc là được”.
Sau một thời gian không lâu, anh Lê Công Tước thật bất ngờ biết được tin mình vẫn còn người cha mà xưa nay anh chưa hề gặp mặt. Lúc đầu mới nghe tin, anh Tước vẫn không tin đó là sự thật. Sau đó bác Hào vào tận Huế đến nhà anh đưa bưu thiếp có địa chỉ của cha anh Tước. Lúc đó anh mới tin. Bà con trong làng đều thương anh, cứ coi anh là đứa con mồ côi cha mẹ từ lâu. Nay được biết chắc chắn tin cha anh vẫn còn sống và rất tích cực tìm con, bà con xóm làng cũng vui mừng. Còn anh Tước vui sướng và xúc động trào tuôn nước mắt. Vợ con anh cũng mừng vui theo…
Đêm hôm đó, anh Tước thức thâu đêm để viết thư dài cho cha. Trong thư có đoạn: “Chao ôi! biết được tin cha còn sống và tích cực chăm chú tìm con, con quá sung sướng, mừng vui không cầm được nước mắt. Cha ơi ! con không ngờ bây giờ con vẫn còn cha. Con rất mong hai cha con mình được gặp mặt nhau càng sớm càng tốt. Cha thu xếp mọi việc để mau về với con cha nhé. Bà con nội ngoại rất thương cha và cũng muốn gặp lại cha. Bây giờ đất nước đã bình yên, cha còn sống trở về thăm quê cũng rất thuận lợi. Cha đừng ngại gì chuyện cha đi lính thợ cho Pháp thời xưa cho nặng lòng do dự. Bởi vì lúc đó hoàn cảnh bắt buộc đấy thôi. Con chỉ tiếc thay giờ đây mẹ không còn nữa để đón mừng cha cho thoả lòng mong đợi. Con yêu thương mẹ lắm cha ạ. Mỗi lần hình dung mẹ là con cứ khóc hoài …”.
Ông Lê Công Tôn nhận được thư con rất cảm động. Ông viết nhiều thư gửi về cho con trai và có kế hoặch thu xếp để về Việt Nam gấp.
Vào mùa xuân năm 1997. Biết được tin cha đã bay về Hà Nội, nhưng anh Tước không giám ra trực tiếp đón cha mà nhờ mấy người bà con ruột thịt đến đón. Bởi vì anh Tước biết cha già có bệnh cao huyết áp sợ khi gặp con quá xúc động sẽ rất nguy khốn. Sau đó ông Tôn bay vào thành phố Huế. Khi xuống sân bay Phú Bài, anh Tước nhận ra cha ngay (vì đã có ảnh cha mà anh ngày ngày thường ngắm và cầu mong được gặp lại cha). Hai cha con ôm chầm nhau khóc, hai người con gái lai Pháp của ông cũng khóc theo cha rồi ôm hôn người anh trai cùng cha khác mẹ. Anh Lê Công Tước đưa cha và hai em về nhà mình để hàn huyên tâm sự. Sau đó, anh Tước đưa cha và các em về quê thăm bà con rồi lên đồi cát thắp hương lên mộ ông bà nội và mộ người mẹ đầu.

Khói hương thơm bay lên nghi ngút, mấy cha con và những người thân ruột thịt đứng lặng yên rưng rưng nước mắt tưởng niệm bên ngôi mộ. Lúc này chắc vong linh của cô Hoè tại âm phần cũng sẽ bùi ngùi xúc động trước cảnh viếng mộ của chồng con và bà con ruột thịt.
Thời gian về thăm quê, ông Tôn đã đến tạ ơn các ân nhân, gia đình đã có công chăm sóc cha mẹ và con ông trong những năm tháng ông ly biệt quê nhà. Đồng thời ông cũng đến viếng thăm nhà thờ họ Lê và ngôi đình làng Thượng Xá để thắp hương khấn cầu cho bà con dòng tộc, dân làng được bình an, thịnh vượng.
Mấy ngày lưu lại tại làng quê, ông thường lên cầu sông Nhồng ngắm lại cảnh dòng sông trong xanh êm đềm chảy hiền hoà và thỉnh thoảng có những cụm cây bèo lục bình hoa tim tím lững lờ trôi như ngày xưa. Hai bên bờ sông những hàng tre, cây sung, cây mưng(lộc vừng) vẫn rung rinh cành lá trong gió chiều lộng mát. Các bến sông, tiếng cười vui chuyện trò của các chị, các bà ra giặt giũ cứ râm ran; các cháu thiếu niên bơi lội tắm đùa rộn vang như thuở nào…
Những cảnh tượng ấy gợi lên bao nhiêu kỷ niệm xa xưa cuộc đời trai trẻ của ông tại miền quê xứ sở thân yêu này đã dồn dập quay về ngập tràn trong cơ thể… Ông Tôn cứ bịn rịn, lưu luyến ngắm nhìn mãi chốn này mà không muốn đi đâu xa nữa. Nhưng ông Tôn chợt nhớ tới việc đến thăm một người bạn học trường huyện ngày xưa nay đã nghỉ hưu về sống ở làng quê với gia đình vợ con. Đó là ông Phan Giá- nguyên là Viện trưởng Viện Kiểm sát Liên khu IV, nguyên Hiệu phó trường Tư Pháp Hà Nội nay đã hồi hương hưu trí.
Ông Giá đưa ông Tôn đi thăm bà con và bạn bè trong làng thượng Xá. Sau đó hai ông có dịp hỏi han chuyện trò về quê hương, đất nước và con người Việt Nam đã qua mấy chục năm đau thương mất mát vì khói lửa của chiến tranh kéo dài. Trước khi chia tay với ông Tôn, ông Giá vui vẻ nói với ông Tôn rằng: “Anh về Việt Nam lần này là mãn nguyện rồi đó, được gặp nhiều bà con xóm làng và gặp lại con trai đầu đã quá lâu mong đợi. Cậu Tước con anh đã chịu khó phấn đấu học tập, rèn luyện khá lắm. Nó sống rất tình cảm và có nghị lực vươn lên trong cuộc đời của một thanh niên Việt Nam. Nó là một cán bộ ngành giáo dục có năng lực, đạo đức và uy tín nên đã được chính thức vào đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1969”.
Nghe như vậy, ông Tôn cũng rất vui sướng và tự hào về đứa con trai Việt của mình và liền nói với ông Giá rằng: “Nó được như thế cũng nhờ sự thương yêu đùm bọc của bà con xóm làng, được quan tâm giúp đỡ của xã hội và Nhà nước Việt Nam”.
Sau một thời gian về thăm quê, ông Tôn vào Huế ở với gia đình con trai để cha con ngày đêm tâm sự cho thoả lòng mong ước bấy lâu. Về sau ông tôn có kế hoạch giúp đỡ cho gia đình anh Tước sửa sang, nâng cấp nhà cửa tử tế để có nơi thờ tự ông bà và cha mẹ. Được như thế ông Tôn cũng cảm thấy an lòng để trở lại Pháp, nơi đất khách quê người nhưng cũng có một tổ ấm gia đình vì số mệnh.
Trong những năm sau, ông Tôn cũng đã vài lần về Việt Nam thăm quê hương, bà con nội ngoại và ở với gia đình anh Tước để gắn bó tình cảm cha con và mong bù đắp lại được phần nào những thiếu thốn tình cảm cha mẹ trong hơn nửa thế kỷ như kẻ mồ côi phụ mẫu.
Những năm gần đây vì tuổi già sức yếu ông Lê Công Tôn không thể đi về Việt Nam như trước nữa. Ông luôn gửi thư về động viên gia đình anh Tước và bà con ruột thịt ở quê hương Việt Nam và cầu mong cho mọi người sống an lành, hạnh phúc. Những người con lai Pháp của ông Tôn với bà vợ sau cũng gửi thư về thăm gia đình anh Tước. Đặc biệt là có cô con gái út Anna Marie nhiều lần biên thư về cho anh trai cả để chia sẻ tâm tình. Cô đề nghị anh Tước viết rõ thêm về tình hình bà con ruột thịt ở quê hương và cô đã nói rằng: “Anh chị em chúng tôi không bao giờ quên một đại gia đình chúng ta tại quê hương Việt nam rất giàu tình cảm và lòng nhân hậu…”
Bà con ruột thịt nội ngoại ở xóm làng cũng rất mừng cho ông Tôn cuối đời đã tìm về thăm được bà con nội ngoại, quê hương xứ sở, viếng thăm mộ người vợ xấu số đã sớm về cõi tiên mà chưa thấy lại mặt chồng. Đồng thời ông quá nỗi vui mừng tìm thấy được người con trai Việt duy nhất của ông sau gần 60 năm ly biệt quê nhà.

NGUYỄN HỒNG TRÂN

No comments: