Tác giả Thủy Điền |
Ném Đá Giấu Tay
Trời giáp tết, xa xa dạo nầy
nhiều mưa phùn. Tiết đông đang dần dà phủ trùm lên phương bắc. Dưới
tàng cây cổ thụ trước đình có một người đàn ông tóc hoa râm đang cầm
trên tay chiếc máy vi tính bị vỡ kính, ngồi trầm ngâm như đang giận
dỗi một điều gì. Bỗng có một cụ non đầu đội khăn đóng, mặc chiếc
áo dài đen, tay chống chiếc gậy qua đường, dừng lại.
Ồ! Bác Tào. Sao bác lại ở đây,
trời rét thế bác không sợ cúm à? Sao trong nhà không ngồi mà làm
việc, bác lạ thế. À, em hiểu ra rồi, bác định tả mùa đông phải
không nào?
- Đâu có, anh.
- Thế bác ngồi đây làm gì?
- Tất cả đều là tại cậu hết. Bác
Tào trả lời, giọng mếu máo.
- Sao tại em, bác nói gì em không
hiểu?
- Cậu về đi, cậu đừng bao giờ
cho tôi thấy mặt nữa, tôi nhục lắm rồi.
- Bác nói thế thì em chịu.
- Cậu đi đi, đi nhanh lên cho khuất
mắt tôi.
Lão thầy bói sợ hắn nỗi điên
lên, ngoe ngoảy đi một nước không dám nhìn lại.
Hơn hai năm nay hắn được nhà nước
cho nghỉ hưu theo chế độ, hàng tháng lương vô đều đều, mỗi tháng gần
năm triệu bạc. Tiền có, thời gian có, ngoài việc phụ vợ bán cháo
lợn vào buổi sáng ngoài đầu ngõ, còn bao nhiêu hắn tập trung vào Câu
lạc bộ thơ của thôn. Vốn cũng biết làm thơ, hắn muốn tỏ vẻ với bà
con nhất là những phụ nữ góa chồng trong thôn thấy hắn là một nhà
trí thức tài ba. Bước đầu vào hội người ta phân cho hắn chức vụ trưởng ban lễ tân. Có nghĩa là mỗi khi
có những cuộc họp hay biểu diễn ngâm thơ, hắn có nhiệm vụ pha chè
và sắp xếp bàn ghế cho khách ngồi. Dần dần người ta thấy hắn có
sáng tác được vài bài thơ và mời hắn đọc, đọc xong dù hay dở, nhưng
ai ai cũng vỗ tay hoan nghênh hắn. Từ đó hắn khoái chí và đi đâu cũng
tự xưng mình là nhà thơ bẩm sinh.
Một hôm vào ngày hội thơ, câu
lạc bộ có mời một lão thầy bói và là một nhà thơ trẻ tuổi từ xứ
Nhãn đến. Trong buổi tiệc giao lưu, khi mọi việc của hắn được hoàn
tất, hắn mò đến lão thầy bói và làm quen. Câu chuyện qua lại, lão
thầy bói đoán được lòng hắn và nhận hắn làm đệ tử. Hứa hẹn với
hắn đủ điều, nào là giới thiệu thơ của hắn lên báo chí, nào giới
thiệu hắn gặp gỡ một số nhà thơ mà lão thầy bói từng quen biết để
hắn có dịp tiến thân.
Đúng lời hứa, lão thầy bói đã
đưa thơ hắn lên mấy tờ báo điện tử, hắn mừng quá về khoe với bà xã
và một số bạn bè khắp thôn là tên tuổi hắn bây giờ có mặt khắp Hà
Nội và cả trên thế giới nữa. Còn việc giới thiệu bạn bè thi hữu
thì lão thầy bói lờ đi, vì sự thật lão cũng chẳng quen biết ai nhiều
cả, có chăng là theo nịnh bợ một vài người có tiếng tăm, thì thử
hỏi làm sao với thiệu họ cho hắn được chứ và cuối cùng ngoài việc
được đăng một vài thơ lên báo còn bao nhiêu hắn làm vật tế thần và
bia đỡ đạn cho anh thầy bói mà thôi.
Lão thầy bói thì tài cán chẳng
bao nhiêu, nhưng có tật láo khoét, nên thường bị người ta mail đến nhà
phê bình. Mỗi khi bị phê bình quá nặng, lão chẳng biết thế nào để
đối phó, muốn mắng lại, nhưng không dám, đành "Ném đá giấu
tay" và buộc phải điện thoại đến hắn cầu cứu. Hắn thì chẳng
biết ất giáp thế nào về sự việc đúng, sai, cứ như con két, cứ mail
đến đối phương mà mắng nhiếc và đối phương cũng trả lại mấy phát
thí điều muốn bể cái đầu, nhưng hắn bất chấp, mắng là cứ mắng, miễn
sao sư phụ hài lòng và đưa thơ hắn lên báo là hắn chịu ngay.
Hắn lo mắng người khác, bỏ bê
công việc, không lo tập trung vào phụ bà xã bán cháo lợn. Công việc
nhà trước sau chỉ một mình, nhất là những ngày cận tết người ta
được nghỉ, quán bà rất đông khách mà chẳng thấy hắn đâu, bà tức
quá quát lên: Cả tuần nay ông đi mắng mướn được bao nhiêu tiền ông chỉ
cho tôi xem nào, còn riêng việc nhà ông phế mặc cho tôi cả, ông có
thấy không? Ông trả lời cho tôi ngay đi, còn không, tôi sẽ cho cái máy
mắng của ông ra sân ngay.
Bà mắng gì bà mắng, hắn chẳng
hề trả lời, trả vốn gì cả, cứ việc bấm máy tìm mọi cách hạ
nhục đối phương để lấy lòng lão thầy bói.
Sau khi buổi cháo lợn ngoài ngõ
vừa bán xong, bà về khuân cái máy vi tính của hắn dụt ra ngoài
đường, may, cái máy chỉ bị vỡ kính, nhưng vẫn còn hoạt động và bà
đuổi hắn ra khỏi nhà.
Thế thì hắn phải đành ngồi
dưới gốc cây cổ thụ ngoài đình bấm máy để mắng tiếp. Nhưng rất
tiếc dưới gốc cây cổ thụ không có Internet nên đối phương cũng đỡ bực
mình.
Thủy Điền
08-11-2020
No comments:
Post a Comment