Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 20, 2012

NHỚ VỀ NGƯỜI THẦY XƯA - Nguyễn Văn Trị

Tác giả NGUYỄN VĂN TRỊ và phu nhân



Đó là thầy Trần Ngọc Cư, giáo sư dạy tiếng Anh của lớp 10 & 11C trong hai năm cuối cùng chúng tôi học tại trường trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị.


Thầy TRẦN NGỌC CƯ
Đã mấy mươi năm từ giã mái trường xưa, cuộc đời lắm biến động đổi thay, ký ức về thời cắp sách đến trường hao mòn theo thời gian, nhưng tôi vẫn nhớ rõ về Thầy trong cách nhớ rất “riêng tư” của mình.

Thầy từ Huế ra Quảng Trị đem theo cung cách dạy sinh ngữ rất sống động và nhân sinh quan rất mới lạ đến với chúng tôi, những đứa học sinh Ban C, thường ra vẻ tự hào khi mang vào lớp những cuốn sách Triết hoặc tiểu thuyết của những nhà văn có tên tuổi.

Thầy Trần Ngọc Cư  khi ra dạy trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị tuổi rất còn trẻ, nhưng tư duy chính trị thì rất “già”. Thầy là tuýp người không khuất phục trước cái bất công, độc tài. Tính Thầy bộc trực, không biết lấy lòng ai nên khi nói chuyện có thể làm cho người nghe phật lòng, nụ cười nhếch mép như pha lẫn chút khinh bạc thói rỡm đời  hay diễu cợt một thứ gì đó. Thầy thích nghe đài BBC, VOA, và có thể cả đài “Tiếng nói Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” nên thường chỉ thêm cho chúng tôi những thuật ngữ kinh tế, chính trị báo chí tiếng Anh thời đó hay sử dụng. Nhờ vậy vốn liếng tiếng Anh thời trung học vẫn theo tôi và một số bạn cho đến tận bây giờ. Tôi vẫn còn nhớ như in các từ tiếng Anh như: Phái Bộ Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên (The Four-Party Joint Military Commission), Lập Trường Bốn Không của Nguyễn Văn Thiệu (The Four-No Stand), Luật Người Cày Có Ruộng (The Land to the Titlers Law) . . . và còn những tiếng lóng các chính trị gia người Mỹ thường gọi dân tộc chậm tiến họ coi khinh là The two-leg animals (động vật 2 chân) . . .

Thầy là người đã dạy cho tôi cách học tiếng Anh bài bản nhất: Làm quen và viết theo các mẫu câu, học không chỉ một từ đơn mà tìm hiểu thêm các từ liên quan (family words), trích các câu danh ngôn, lời phát biểu hay của các nhân vật nổi tiếng như Nehru, Lincoln, Luther King . . . đã giúp vốn liếng từ vựng của tôi ngày càng thêm phong phú.

Cái dáng đi nghiêng nghiêng, cái nhún vai khinh mạn thế sự, tiếng Anh chuẩn mực, kho từ vựng chính trị cuả Thầy luôn được cập nhật, ngôn ngữ Thầy dùng với học trò :  “tôi và các em”, luôn là những đặc điểm khi  nhớ về Thầy. Cũng như tôi,  các bạn cùng lớp cũng có những cảm nhận giống tôi khi nói về Thầy.

Xin góp một câu chuyện liên quan đến Thầy đã xảy ra rất lâu mà tôi không bao giờ quên: 

Năm học lớp 11C, một buổi sáng mùa đông trời mưa và rét, một việc không bình thường xảy ra với tôi trước giờ Việt văn của Thầy Phạm Sửu (Thầy Sửu mất năm 1972): thầy giám thị vào lớp kiểm tra đồng phục và huy hiệu. Mùa Đông ở quê mình rất lạnh,  học sinh đi học đều mặc áo len hoặc áo khoác bên ngoài, còn áo trắng đồng phục thì mặc bên trong. Hôm ấy có một anh bạn cùng lớp không mặc áo trắng và bên ngoài lại choàng một chiếc áo khoác nhà binh cũ. Anh bị thầy giám thị phát hiện và đuổi ra khỏi lớp. Tôi vốn được biết anh này là lính xây dựng nông thôn giải ngũ về, gia đình nghèo, từ quê lên tỉnh học. Tôi thấy nhẫn tâm về cách kỷ luật này nên buộc miệng nói: “Lối giáo dục phi giáo dục” khi thầy giám thị đi qua chỗ tôi. Nghe được câu này, thầy ấy quay lại hỏi: “Đứa nào vừa nói?”, và sau đó thì tôi bị một cái thước mộc quất vào người . . . Hậu quả là trong giờ Việt văn tôi nhận giấy cấm túc đuổi học mấy hôm . . . Giờ tiếp theo là của Thầy Cư. Khi nghe các bạn kể về chuyện xảy ra, Thầy đã phát biểu một câu mà đến giờ tôi không thể nào quên. “Giờ của thầy cô nào thì tôi không biết, nhưng giờ của tôi, bảo em ấy cứ vào học”.

Tưởng đâu sẽ được học với Thầy hết năm 11,  nhưng thế sự đã xoay vần và thầy trò chúng tôi mỗi người lưu lạc một phương trời.

Sau 32 năm (1972-2004) thầy trò có cơ duyên hội ngộ. Buổi tương phùng sao bồi hồi và cảm động quá. Món quà của cuộc sống dành cho tất cả chúng ta đấy các bạn ạ! Học trò của Thầy ngày xưa có người đã có cháu nội, ngoại, thậm chí có bạn trông còn già hơn Thầy. Nhưng có sá gì chút dấu ấn của thời gian khi ngộ ra rằng “thời gian kia là vị khách đi qua muôn đời” (Quang âm giả bách đại chi quá khách). Cái quan trọng nhất là tình cảm của thầy trò chúng ta, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, vẫn luôn mãi ấm như là ngày xưa.

Trong mắt em Thầy là một người có tài năng (sau 1973 Thầy được học bổng Fullbright qua Mỹ học và định cư luôn), thời trẻ nuôi  hoài bão và l‎‎ý tưởng về một tương lai sáng lạn cho đất nước Việt Nam. Về già Thầy sống đời lặng lẽ bình dị, thỉnh thoảng làm thơ, dịch sách báo như là thú vui tao nhã.

 Em nghĩ đến Thầy với sự quý mến và lòng biết ơn vì Thầy đã truyền cho em hứng thú học tiếng Anh. Nhờ học với thầy nên em biết cách tự học khi không đến trường và thời VN mở cửa đã sử dụng ngoại ngữ này để tìm cho mình một vị trí trong xã hội. Học trò của Thầy không làm vương làm tướng gì, nhưng tất cả đều làm Người Chân Chính.

Mong Thầy mãi an nhiên tự tại và sức khỏe dồi dào.


NGUYỄN VĂN TRỊ
nvtri1955@yahoo.com

2 comments:

dinhthihiep said...
This comment has been removed by the author.
dinhthihiep said...

Bài viết của anh Trị rất cảm động. Tôi thích nhất là câu kết luận: Học trò của thầy bây giờ là những người chân chính.