DÂNG NÉN HƯƠNG LÒNG
(Kính dâng Hương Linh
nhà thơ Đinh Vũ Ngọc)
An Phương Thi Hội và Gia Đình
thực hiện ngày 16 tháng 2 - Giáp Ngọ
(16 / 3/ 2014)
TƯỞNG NHỚ
NHÀ THƠ ĐINH VŨ NGỌC
Doãn Lê
Nhà thơ Đinh Vũ Ngọc trước 1975 là một nhà giáo mẫu mực, tận tụy với nghề mà cho đến ngày nay nhiều thế hệ học sinh vẫn luôn giữ trọn lòng tôn kính. Và cũng như bao nhiêu người khác, anh cũng đã trải qua nhiều gian khó trong cuộc sống suốt một thời gian dài, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước khi chiến tranh chấm dứt. Anh đã phải sống xa gia đình với nhiều nỗi day dứt. Nhưng từ đó anh đã nổi lên như một nhà thơ tài hoa, và trong khung trời Đường Thi anh hiển hiện như một vì sao sáng. Anh đã đến với cuộc đời, trải lòng cùng nhân thế bằng tất cả chân tình của một thi nhân:
“Tình tôi đó – những vần thơ vụng dại
Xin tặng người trong cuộc sống trăm năm”
(Vào thơ)
Tác phẩm Đường Thi Cảm Dịch từ lúc được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000 đã trở thành một sự kiện văn học độc đáo vào thời buổi mà các phong trào thơ trẻ, thơ hiện đại, hậu hiện đại, mang đủ loại danh xưng, đang lớn tiếng hô hào để làm một cuộc thay máu ngoạn mục cho thơ ca Việt Nam mà theo họ đã bị già cỗi.
Các thi tập Chiếc Áo Tơ Vàng, Nắng Vườn Xưa và Hoàng Hôn Phố (sắp xuất bản) đến với giới yêu thơ đã khẳng định chỗ đứng của anh trên thi đàn Việt Nam trong lãnh vực Đường Thi. Trong thơ anh, tuy vẫn tôn trọng những niêm luật khắt khe nhưng ta không cảm thấy một sự gò bó nào, mà vẫn thấy sự phóng khoáng trong tư tưởng, sự mới mẻ trong thi tứ, và sự trong sáng về ngôn ngữ, đã làm cho thơ Đinh Vũ Ngọc vượt hẳn lên những người cùng thời để đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Trong cùng nhận thức ấy, nhà thơ, nhà văn Quách Giao, con của nhà thơ Đường Quách Tấn, vốn rất kiệm lời ca ngợi, khi phê bình thơ Đinh Vũ Ngọc đã viết: “Dáng hào hoa trong nếp áo Đường Thi. Tôi dùng từ “dáng hào hoa” để nói lên cái mới và cái đẹp”.
Các thi phẩm theo thể Đường luật Thất ngôn bát cú hay Thất ngôn liên khúc như “Chiếc Áo Dài Việt Nam, Nỗi Lòng, Về Thăm Huế, Tặng Vợ, Ngọn Lửa Đầu Tiên” và nhiều thi phẩm khác đầy tính lãng mạn tài hoa ấy đã làm lay động biết bao nhiêu tâm hồn yêu thơ.
Ngoài sở trường thơ Đường, anh còn làm nhiều bài thơ theo thể tự do (năm chữ, tám chữ, lục bát…). Hầu hết các thi phẩm của anh đều mang đậm triết lí sống lạc quan dù ngay trong những hoàn cảnh khi anh đã cảm thấy mình dường như không còn đủ sức để vượt nổi những nghịch duyên trong cuộc sống:
“Anh bây giờ như một loài chim biển
Đôi cánh cùn không đủ sức bay lên
Nhưng vẫn quyết vượt biển đời giông bão
Sải cánh chèo lên sóng nước lênh đênh”
(Một loài chim biển)
Với niềm lạc quan đó nên ta vẫn thấy trong các tác phẩm của anh sự nhẹ nhàng như hơi thở và bàng bạc tinh thần thiền học. Phải chăng tư tưởng Bát Nhã đã đi vào tâm thức của thi nhân:
“Ai hay hạt cát ngoài hoang đảo
Mang cả ưu phiền của bể dâu”
(Nỗi lòng)
Khiến ta nhớ lại hai câu thơ bất hủ của Khánh Hỷ thiền sư đời Lý:
“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”
(Trời đất nằm trên đầu sợi lông. Mặt trăng, mặt trời nằm trong hạt cải).
Ta hãy cùng đến với bài “Nói Chuyện Với Ông Bán Vé Số” để thấy rõ hơn cái nhìn “như thị” của thi nhân về cuộc sống. Toàn bài thấm đẫm tinh thần triết lý Á Đông. Cuộc sống này là thực hay mơ, như Trang Tử chưa một lần giải xong công án: Ta là bướm, hay bướm hóa ra ta? Cái trò chơi đánh đố hư hư thực thực của đời được anh thi vị hóa qua mấy câu thơ rất thật nhưng đầy chất bi hài:
“Thôi hãy đưa đây rút một tờ
Đem đồng bạc thực để mua mơ
Biết đâu chiều xổ mơ thành thực”…
Và tính nhân văn sâu sắc đã thể hiện qua cái nhìn nhân bản, đầy tình người khi anh nhận ra cái “nhất thể” trong mọi thân phận của kiếp đời, vượt lên cái nhìn biên kiến của thường tình:
“Lội phố, ông mòn đôi dép nhựa
Nghĩ thơ, ta trắng cả chòm râu
Thôi hãy lại đây, ngồi xuống đây
Chia hai ly rượu đế, cùng say
Thơ và vé số cho vào túi
Chung hưởng phong lưu một phút này!”.
Tôi đã giật mình khi đọc đến bốn câu cuối. Hiện tại là một món quà mà tạo hóa đã ban cho con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh từ “present” vừa có nghĩa là hiện tại, vừa có nghĩa là quà tặng. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, vậy thì hiện tại mới là giây phút ta thực sự sống. Ấy là trong cái ngất ngưởng thần tiên của Đỗ Phủ: “Tạm thời tương thưởng mạc tương vi” (Khúc Giang). Những người luôn hoài niệm về quá khứ, hoặc mơ mộng về tương lai là những người không thật sự sống vì họ đã đánh mất hiện tại, nghĩa là họ đã đánh mất cái thực tại sống động mà họ đang được ban tặng. Chính phút giây này, hiện tại này mới thật sự là giây phút phong lưu cho mỗi phận người. “Chung hưởng phong lưu một phút này” là trở về với “bản lai diện mục” là sống với pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú mà thiền sư Nhất Hạnh đã mang đến như luồng sinh khí mới thổi vào nền văn hóa tây phương vốn đã bị đóng băng trong tư tưởng thần học.
Tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại là thực sự sống phong lưu. Ở đó chẳng có thơ, chẳng có vé số, không ta, không người, tất cả là “chung”, là cái nhất thể thường hằng trong mỗi sát na.
Trong nguồn sống đạo ấy, suốt 10 năm cuối đời anh đã sáng tác nhiều thi phẩm với những suy niệm tâm linh để cộng tác với Nội San Hương Sen, một tập san Phật học do Hòa Thượng Kim Tâm Thích Hạnh Niệm sáng lập và chủ biên.
Về cá tánh, anh ít nói, luôn khiêm tốn, luôn lắng nghe. Là một người thấm đẫm tinh thần Phật pháp nên anh không hề có tư tưởng bon chen, háo danh vốn đã trở thành một thứ tâm bệnh dễ lây lan ở bao nhiêu người khác luôn thòm thèm, nhí nhố giữa cái “chợ thơ” ngày nay. Anh sẵn lòng giúp đỡ thế hệ đàn em, luôn giữ đúng phẩm chất của một nhà thơ trí thức. Hữu xạ tự nhiên hương, Đinh Vũ Ngọc là thế! Nhưng chẳng phải ai cũng có “Con Mắt Xanh” để nhìn ra điều đó. Có lẽ khi tôi viết lên những suy nghĩ này, anh đã nhíu mày. Nhưng chẳng hề gì! Với anh, từ khi bước qua ngưỡng cửa “Cổ lai hy”, anh đã tìm đến và thể nhập vào Thế Giới Hoa Nghiêm, với Tư Tưởng Bát Nhã để an lạc ngắm nhìn “Hạo hạo Lăng Già Nguyệt”.
Nhớ lại trong bài thơ Phù Sinh anh đã trăn trở cho thân phận kiếp người:
“Bơ vơ ngay thuở còn ôm rốn
Trăn trở từ khi mới tượng hình
Xử thế tựa như trò ảo thuật
Vào đời như nhập cuộc trường chinh”
Anh đã đến như một trích tiên để làm cuộc rong chơi trong cõi vô thường với nhân thế, góp sức làm cho ánh sao Đường thi thêm sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam. Và bây giờ anh vẫn còn tiếp tục cuộc trường chinh vào nơi miên viễn.
Vĩnh biệt anh, người anh cả kính mến – nhà thơ Đinh Vũ Ngọc tài hoa!
Xin cầu nguyện anh được an vui miền Tịnh Độ, nơi mà những năm cuối đời anh vẫn hằng tâm nguyện được vãng sanh về!
Tuần 49 ngày -16 tháng 2 Giáp Ngọ
(16/ 03/ 2014)
Doãn Lê
No comments:
Post a Comment