DỰNG ĐU TẾT
Nói đến thú chơi đu thì không ai không biết bài thơ “Đánh đu” của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “…Bốn mảnh quần hồng bay phất phới/Hai hàng chân ngọc duỗi song song…”. Thứ đu đó thường gọi là đu tiên. Ở làng tôi* thì gọi là đu chùa. Đu tiên để chỉ một thứ đu khác, chỉ dành cho trẻ nít.
Tết năm nào, làng tôi cũng có dựng đu chùa. Gọi là đu chùa chỉ vì một lý do đơn giản là đu được dựng lên trước chùa, ngoài cổng tam quan. Theo các cụ già ngày xưa tôi nghe được, tục dựng đu chùa có từ thời làng tôi là phủ Chúa, do Đức Ông (Đào Duy Từ 1572-1634) dạy dân làm ra để cổ xúy cho một trò chơi thượng võ trong dịp Tết. Khi còn bé, sáng 30 Tết, tôi thường ra chùa xem các cụ già cùng mấy trai tráng trong làng dựng đu. Sáu cây tre là ngà thật to, thân dài và có chiều thẳng nghiêng đều nhau dùng làm trụ. Hai cây tre đực dài, thân nhỏ vừa tay nắm, chắc bền dùng làm thanh gióng đu. Tất cả được xếp ngay ngắn, xoay gốc vào chùa. Các đòn tre, thớt gỗ và nhiều cây tre khác đã đầy đủ, chuẩn bị cho buổi dựng đu. Sau lễ cúng thổ thần bằng hương hoa, trà bánh, một bô lão xuống nhát rựa khởi đầu cho đám trai tráng bắt tay vào việc. Kẻ đào hố, người chẻ lạt cật tre, người chún lạt cho dẻo; người chuẩn bị gióng đu, lèo đu (trục quay), đòn đu… làm việc rập ràng đến gần trưa thì cây đu đã sừng sững áng ngữ ngang lối vào chùa. Mấy cụ đẩy thử đu vài lần trước khi ông chủ lễ bái tạ, đốt giấy cúng, treo đu lên cột.
Sáng mồng một Tết là lễ cúng khai trương. Lễ tổ chức từ rất sớm, trẻ con ít có đứa chứng kiến được. Xong lễ ấy, hai vị bô lão lên đu, đẩy vài vòng tượng trưng, sau đó mấy cụ chọn một đôi thanh niên đứng đắn lên đánh đu, mở màn cho hội đu chùa làng.
Theo lệ làng tôi, đu chùa chỉ dành cho đàn ông. Tuần tự, từng cặp hai người nhảy lên đánh đu. Số còn lại đứng xem, chờ đến lượt mình. Tay người đánh đu nắm chặt thanh gióng đu ở một vị trí thích hợp để khi đứng thẳng người hay ngồi xuống đòn đu theo nhịp nhún, không phải xê dịch tay nắm. Mặt quay vào nhau, hai người ngồi xuống, đứng nhổm lên nhịp nhàng theo đà nhún thân mình uyển chuyển để đưa đu lên cao dần. Nhịp nhún phát ra khi đu đang từ vòng xuống để lấy đà cho vòng đu đi lên phía bên kia. Nguyên tắc nhún đu là khi đu xuống, hai người đu ngồi xuống, hạ độ cao trọng lượng thân thể nhanh hơn vòng đu, kéo nhanh chiều đu xuống. Khi đu lên, hai người đu đứng lên, nâng độ cao trọng lượng thân thể nhanh hơn vòng đu, kéo đu lên cao hơn. Cứ rập ràng như thế, đu cứ lên, lên mãi. Vòng đu mỗi lúc mỗi cao hơn, người đứng dưới trông rất đẹp mắt.
Một cặp đánh đu bình thường chỉ nhún đưa đu lên chừng nửa đường, lúc đó góc của con lắc do thanh gióng đu tạo ra ở lèo đu chỉ trên dưới 45 độ (Vòng quay của đu trên dưới 90 độ). Có những cặp trai tráng lực lưỡng, gan dạ, hai chàng cứ cố nhún mãi, có khi đưa đu vòng lên gần ngang lèo đu. Bên dưới, những người xem hồi hộp, yên lặng ngước nhìn lên vừa lo sợ, vừa thích thú, thán phục. Có nhiều cặp thích quá cứ nhún mãi trên đu, không chịu xuống, nhường đu lại cho người khác. Cũng có người thích đu, nhảy lên thử nhún vài vòng. Khi đu lên cao dần, sợ quá, chỉ việc đứng thẳng người, mắt nhắm ghiền, hai cánh tay vòng lại ôm chặt gióng đu. Người bạn cùng cặp đu tha hồ cố sức mà nhún. Các cặp đu ấy thế nào cũng bị bên dưới la ó chê bai.
Tôi tập đánh đu từ những ngày vừa quá tuổi thiếu niên. Khi lớn lên, nhiều năm ăn Tết xa quê, tôi cảm thấy nhớ hương vị đu chùa đến cồn cào. Một lần Tết về quê, gặp lại người bạn học năm xưa, tôi cùng anh ấy nhảy lên thử vài vòng đu ngày Tết quê hương. Vòng đu chập chờn khi mới bước lên rồi cũng được ổn định sau vài nhịp nhún theo đà lên cao. Gió mát xé hai bên tai mỗi lúc mỗi mạnh thêm. Thú nhất là từ trên cao theo vòng xuống, đu tăng tốc nhanh kéo theo tiếng gió vù vù rất mạnh. Tôi cố sức nhún mạnh, cong rập toàn thân, tạo sức cho vòng lên phía bên kia. Hai đứa chúng tôi nhún đu qua lại mấy vòng, muốn lên cao nữa nhưng nhìn xuống bên dưới thấy sợ, đành thôi.
Đánh đu là một trò chơi thượng võ nhưng cũng không kém nguy hiểm. Khi đu lên cao, thanh gióng đu quay quanh lèo đu tạo sức ly tâm lớn, đẩy người chơi đu bắn ra xa. Đu lên càng cao, hai người đánh đu như chuyển từ tư thế đứng trên đòn đu sang tư thế nằm giữa không trung. Nắm tay giữ chặt hai thanh gióng đu, đôi bàn chân trần bám chắc đòn đu là cách cần thiết người đánh đu phải giữ bằng được, nếu không, tai nạn sẽ xảy ra ngay. Ngoài ra, tai nạn cũng có thể xảy ra khi lèo đu có sự cố như lơi lỏng các sợi lạt buộc, trục quay thiếu chính xác… Cũng có trường hợp đòn đu va chạm người bên dưới xem đu, đứng áp sát đường đi của vòng đu.
Nói thế nhưng theo lời các cụ bô lão, từ khi làng tôi có lệ đu chùa, chưa có năm nào xảy ra tai nạn vì đánh đu. Điều này tạo thêm một xác tín cho dân làng, củng cố nghi thức cúng bái thành kính khi dựng đu và tạ đu hàng năm thêm trang trọng.
Mấy chục năm chiến tranh và thời bao cấp, làng tôi không tổ chức đu chùa trong dịp Tết. Mười mấy năm gần đây, tục này đã được phục hồi nhưng không bằng xưa. Đu dựng thấp hơn. Lớp trẻ không còn hào hứng đánh đu. Thời gian hội đu chùa rút xuống còn 3 ngày (từ mồng 1 đến mồng 3 Tết). Nhưng thiết nghĩ đây cũng là cách duy trì một nét văn hóa làng quê cần khuyến khích, cổ vũ. Mấy cụ bô lão làng tôi còn có niềm tin là năm nào tổ chức được đu chùa vui vẻ, hào hứng thì năm đó dân làng an lạc, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Hội đu chùa là thú chơi lành mạnh của các nam nhi gan dạ, là một tục lệ lâu đời ờ làng tôi. Mỗi kỳ Tết đến, trai tráng ai cũng thử đánh một vài vòng đu. Hội đu kéo dài suốt tuần Tết nhưng không lúc nào vắng người. Khi cao hứng, có các bô lão còn đặt giải cho các cặp đánh đu lên cao và nhún đẹp. Hội đu càng thêm hào hứng khi “ban giám khảo” chính là những người dự giải đã hoặc chưa nhập cuộc, cùng người treo giải chấm các cặp khác đánh đu và cùng bình phẩm, tuyển chọn. Không khí ngày Tết cổ kính trang nghiêm trước cổng tam quan chùa có cặp sanh già cổ thụ hòa quyện âm thanh của thú chơi đầy sức sống, hướng thiện của hội đu chùa, làm gần gũi và kết nối chan hòa giữa chốn tâm linh vào cõi trần thế nơi vùng quê yên ả bao đời tôi từng gắn bó.
Ngày hạ nêu làng, các cụ bô lão có một lễ cúng tạ đu trang trọng. Đu được hạ xuống, trai tráng san lấp các hố, làm vệ sinh môi trường trả lại không gian trang nghiêm cho con đường trước cổng tam quan chùa làng có ngã tư hai trục đường chính ngang qua.
Đánh đu trở thành nét văn hóa làng ăn sâu vào tiềm thức người dân quê tôi từ ngày thơ bé cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Hội đu năm này kết thúc, người người chia tay ra về, hẹn hội đu sang năm gặp lại.
No comments:
Post a Comment