HƯƠNG VỊ TẾT XƯA
Nguyễn Thuỷ
Những ngày cuối cùng bận rộn của tháng chạp cũng dần qua để nhường chỗ cho năm mới.
Cả nhà hôm nay quây quần bên nhau gói bánh tết. Giờ là thời đại mới, rất nhiều nhà họ không còn gói bánh nữa mà chỉ mua vài cặp bánh để thờ tết. Riêng gia đình tôi vẫn giữ gìn theo nếp truyền thống là mỗi năm cứ đều gói và nấu bánh. Có những năm mấy nhà hàng xóm còn đem nếp đến mấy chị em gói chung rồi nấu bánh, hát hò vui lắm. Trong lúc người lớn gói bánh, mấy đứa nhỏ cũng quanh quẩn đòi tập gói và chờ để được để mẹ gói cho những cái bánh nho nhỏ xinh xắn.
Cứ nhìn bọn trẻ lăng xăng chạy đi chạy lại, bỗng ký ức trong tôi chợt ùa về. Cái thuở đó nhà nghèo lắm, mà cũng không riêng gì nhà tôi, cái nghèo chung của xã hội. Thường ngày bố mẹ phải vất vả ngược xuôi tất bật lắm để kiếm củ khoai, củ sắn độn thêm vào để ăn qua bận, thức ăn thì chỉ họa hoằn lắm mới được mẹ mua cho một bữa mắm lá cam hay cá hổi, nói đến thịt và cá ngon thì hiếm lắm. Chính vì vậy anh chị em chúng tôi rất mong tết đến bởi chỉ tết đến, dù khó khăn đến đâu, đi vay mượn hay đổi chác, thì bố mẹ cũng cố gắng để có vài cân thịt, trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau là con cái và gia đình được thưởng thức, thêm nữa còn được bố mẹ mua cho quần áo mới.
Nhà tôi đông người, bố rất nghiêm khắc với con cái. Tuy nhiên, những ngày sắp tết trở sang năm mới thì con cái phạm lỗi bố không bao giờ trách phạt mà chỉ nói rằng: Nếu không phải năm hết tết đến thì bố sẽ phạt nặng.
Vào những ngày cuối năm, bố mẹ luôn bận rộn bởi lo gieo cấy cho kịp vụ, mà cái thời đó còn nuôi trâu hợp tác nên việc cày bừa cũng chia phiên, vì vậy khi được đến lượt mình thì dù rét mướt đến đâu bố cũng dậy sớm giục trâu ra đồng làm đất cho kịp mùa vụ. Còn mẹ thì sau khi ra đồng lo phát góc đắp bờ cùng bố. Khi về, dù đã chiều muộn, vẫn tranh thủ ra vườn nhổ su hào vào để chuẩn bị hàng bán chợ tết sáng mai.
Mẹ chọn những củ su hào to tròn nhổ lên cắt bỏ gốc rễ, cắt bỏ lá già chỉ chừa lại hai ba lá non cắt lửng rồi rửa sạch, sao cho nhìn sáng bắt mắt, sau đó sắp xếp cẩn thận vào một góc sân cho ráo nước. Những chiếc lá su hào già thì mẹ đem phơi héo và cho vào muối lên dùng làm thức ăn dự trử cho cả nhà. Phiên chợ cuối năm mẹ thường hay cho chúng tôi đi cùng. Những khi như thế chúng tôi hào hứng lắm. Mặc dù chợ rất xa nhà, phải dậy đi từ mờ đất, nhưng mấy đứa vẫn tích cực dậy sớm cùng mẹ xếp su hào vào gánh, xong xuôi mẹ gánh chạy trước, mấy chị em lon ton chạy theo sau, khi đến nơi thì chợ cũng đã đông kín người, đúng là chợ ngày tết, cái gì cũng có, đặc biệt là hàng hoa quả bánh kẹo rực rỡ đủ sắc màu.
Chợ ngày càng đông, tiếng người bán kẻ mua, ồn ào hết cả một
khảng không gian lớn. Các hàng đồ chơi trẻ nhỏ, quần áo, thịt cá la liệt, các
hàng ăn, hàng bánh đua nhau tỏa mùi thơm phức.
Non trưa, mẹ đã bán hết hàng và mẹ con cùng dạo chợ, mẹ mua một số thứ cần thiết cho ngày tết, còn quần áo cũng có năm thì bố mẹ có tiền mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mặc tết, nhưng đa phần là bố mẹ chỉ mua cho anh chị lớn, còn em nhỏ có thể mặc đồ của anh chị sửa lại.
Nhưng năm nào cũng vậy, mẹ thường cho mỗi đứa mấy đồng để chúng tôi được mua một vài thứ theo ý thích. Tất nhiên là chỉ những thứ tiền in ít thôi và có một việc không bao giờ thiếu đó là mua bánh về biếu các ông bà cao niên trong dòng họ và láng giềng, không phải là cao sơn mỹ vị mà chỉ mỗi người chục bánh tẻ hay cái bánh gói gọi là vậy để tỏ với lòng hiếu thảo với các bậc bề trên mà thôi. Sau buổi chợ mặc dù mệt lả nhưng vẫn thấy vui.
Thả quang gánh mẹ lại tất tả ra đồng, chị được giao nhiệm vụ rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh, còn lại mấy đứa thì quét dọn nhà cửa sân cổng cho sạch sẽ. Tất cả mọi thứ phải được tươm tất để đón một năm mới trọn vẹn, với hy vọng mọi điều sẽ được tốt đẹp hơn.
Ngày đó thịt lợn cũng không có tiền mua mà chủ yếu là vay thịt đổi thóc, cứ đổi một yến hơi thịt là 70 kg thóc đến mùa mí trả. Thường thì nhà tôi hay vay đổi tầm 5kg, tương đương 3,5 kg thịt. Đáng lẽ số thịt này là để đơm tết nhưng do lâu ngày không được ăn thịt nên chúng tôi thèm nhỏ dãi cứ xuýt xoa. Vậy là bố mẹ đành lường đủ thịt làm mâm còn thì bớt ra một ít nấu cho chúng tôi ăn một bữa trước gọi là.
Vãn công việc ngoài đồng , bố về lau dọn sửa soạn ban thờ, mẹ vò nếp, chuẩn bị hành thịt gói bánh, cả nhà quây quần cùng làm, mẹ gói bố buộc lạt còn chị em tôi đứa thì tập gói, đứa ngồi xem đứa chạy lăng xăng vậy cái này cái nọ. Bánh gói xong mẹ xếp vào cái nồi lớn nhóm lửa để nấu, ngọn lửa tỏa ra ấm áp cả ngôi nhà, khi bếp than rực đỏ, chị em tôi lại đem khoai lang lùi vào đó ít củ mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được cái hương vị của nó vừa thơm thơm ngòn ngọt và bùi bùi.
Bánh chin, mẹ vớt ra mâm ép nước sửa sang cẩn thận rồi xếp ra đĩa cặp bánh để lên ban thờ cũng là lúc giao thừa vừa đến, tiếng pháo bắt đầu râm ran xa gần. Hồi đó chưa cấm pháo nên mỗi nhà đều mua vài dây pháo nổ với mong muốn đuổi xua đi cái kém may mắn đón vận đỏ về khi năm mới đến. Đặc biệt nhà nào mà có rể mới thì pháo nổ nhiều phải biết. Giao thừa đã qua lâu rồi, mà nghĩ đến việc ngày mai được mặc áo đẹp, chị em tôi không thể nào ngủ nổi, cứ thao thức mong cho trời nhanh sáng.
Rồi ngày mới, năm mới cũng sang. Hôm nay không phải như mọi ngày, ngủ dậy không phải quét dọn, không phải làm các việc vặt trong nhà như mọi khi vì đã làm trước từ hôm qua và cũng không phải đi học, chỉ việc thay quần áo mới rồi chơi, tết đúng là thích thật vậy mà người lớn cứ không thích tết lạ nhỉ.
Mẹ đã sắp xếp các phần quà để làm lễ chúc tết cho ông bà nội ngoại và các bậc cao niên hai bên sẵn sàng. Nhưng mẹ dặn mình đi muộn tí để cho mọi nhà có người xông đất trước đã và rồi cũng đến giờ chúng tôi được tung tăng ra khỏi nhà đi chúc tết, phải nói là niềm vui không kể xiết khi đến ông bà và các cô các bác chúc tết được nhận lì xì khi thì cái kẹo khi thì đồng tiền rồi về mấy đứa lại đem ra khoe với nhau….
Mọi chuyện về ngày tết thuở còn thơ của chúng tôi cũng như
vừa mới đây thôi vậy mà thoắt cái bây giờ đã mấy mươi năm rồi, mỗi mùa tết đến
cũng vẫn rất bận rộn vừa việc mùa vụ vừa việc tết núc. Mặc dù thời đại bây giờ
đã khác xưa nhiều rồi, cày bừa thì đã có máy lo, lương thực thực phẩm không còn
túng thiếu như ngày xưa nữa, thịt cá hằng ngày cũng được ăn thưởng xuyên … .
Nhưng mà sao tôi vẫn có cảm giác nhớ hương vị tết của ngày xưa nhiều đến thế,
để mỗi khi nghĩ lại thấy vui vui nhưng cũng có một nỗi buồn man mác như đang
mất mát hay thiếu đi một thứ gì đó.
30/12/2022
Nguyễn Thủy
Nguyễn Thị Thuỷ
Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ an.
No comments:
Post a Comment