Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 18, 2016

Truyện ngắn NGƯỜI CÕNG CUỘC ĐỜI - Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



Lê Hứa Huyền Trân

NGƯỜI CÕNG CUỘC ĐỜI

Truyện ngắn

            Chắc ít có nhà nào Tết sang lại như nhà tôi, khi xuân về cũng là lúc mỗi người đắm chìm trong những guồng quay công việc riêng, khi kế sinh nhai lên ngôi cũng là lúc những nỗi nhớ người thân trong những ngày lẽ tất nhiên phải hội tụ càng trở nên bồi hồi da diết. Tết này em tôi lại lên phố, ba lại dong ruồi theo những chuyến hàng xa, nước mắt của mẹ rơi suốt trong những ngày ba dài mình đi bám biển. Còn tôi, chỉ biết quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, đi ra đi vào, thương em, nhớ ba, lại cảm thấy rưng rưng và lòng dấy lên cả cơn sóng trào xúc động khi nhìn chậu mai trước nhà bắt đầu chớm nở, ươm những nụ mầm đầu tiên, chỉ chực Tết đến là vươn cánh xòe. Tết này ba lại ra biển, cứ luôn chắc mẩm này sẽ là lần cuối. Má khóc hết nước mắt vì ba, vì lắng lo, vì tuổi tác ba ngày một cao, nhưng cứ lăn lộn ngoài gió nắng để đồi bữa ăn cho cả gia đình. Nhìn người đàn ông đang lững thững đi về phía biển, làn da sạm đen vì nắng gió, bàn tay chai qua những lần kéo lưới nhưng bờ vai vẫn rộng như ngày nào, như đang gánh vác cả cuộc đời trên vai, mắt tôi rướm lệ.
           
Từ bé ba đã luôn là thần tượng của cuộc đời tôi. Hình ảnh một người đàn ông vươn tay ôm cả bầu trời thực sự là hình ảnh kì vĩ nhất mà tôi từng thấy. Lúc ấy khu xóm nhỏ mà tôi ở là làng chài ven biển, ngày nào tôi cũng được ba cõng trên vai ngắm biển. Tất cả cứ như một bức tranh khi tôi hãy còn bé thơ, bàn chân còn in thành những dấu tròn xoe trên cát, lẫm chẫm đi tìm ba. Nhìn từ sau lưng, bóng người đàn ông chạy dài trên cát, bờ lưng rắn chắc để trần và cả người hãy còn tanh nồng mùi biển. Bóng hoàng hôn bao phủ tất cả nhưng chẳng thể bao phủ nổi ba tôi, ngay khi vừa thấy tôi, đôi mắt ông sáng rực cả lên, bế thốc tôi lên đặt trên vai:

- Lại đây với ba nào bé con. Nhìn đi con, đó là nơi nuôi sống chúng ta.

Và ba chẳng nói gì, tôi cũng im lặng, hình hài nhỏ bé yên vị trên những bắp thịt cuồn cuộn. Tôi giãy giua khi ngồi trên lưng ba vì người đàn ông của tôi to lớn quá, bỗng chốc bị đội lên cao, tôi sợ.

- Ba, ba cõng con không thấy nặng hả ba?

- Sao mà nặng được, ba cõng cuộc đời của ba trên vai mà.

Tết bao giờ cũng là lúc người ta thấm thía nhất hoàn cảnh gia đình mình. Mỗi khi Tết về, căn nhà nhỏ lại lao xao đủ thứ. Đám trẻ nít chúng tôi bày ra đủ trò, đủ loại ước mơ, những mong mỏi có thêm cánh áo mới hay dặn mẹ phải mua mứt này mứt kia mà mình thèm. Lúc ấy, tôi thấy ba bắt đầu đi làm nhiều hơn, mịt mờ cả ngày lẫn đêm, mẹ đẩy xe cháo bán cả tối ngày, dẫu những cơn mưa xuân rơi ướt đẫm vai cũng chẳng khi nào thấy ba mẹ ngơi nghỉ. Những đêm xuân, lúc người ta đắm chìm trong giấc ngủ cũng là lúc ba mẹ chong đèn bán tính chi tiêu. Nhiều đêm trong giấc mơ, tôi quay người trở giấc vẫn thấy ba đang chau đôi trán, mẹ đang tính phải mua gì, kiệm gì, bóng ba to lớn bao trùm cả mẹ. Kể từ lúc ấy tôi bắt đầu hiểu cuộc sống khốn khó của mình dẫu ba mẹ luôn lo cho tôi đủ đầy. Nhà người ta có Tết, nhà tôi cũng có Tết. Dẫu cái tết nhà người ta là mâm cao cỗ đầy cũng chẳng thể làm tôi vui được bằng những bát cơm nóng, dăm miếng thịt nhiều hơn mọi khi và những quả trứng cút con con thay cho món thịt kho tàu mà ba mẹ vất vả kiếm được mưu sinh.
           
Tết của khi tôi bước vào cấp hai là cái Tết của khốn khó. Vì Tết sang cũng là lúc bước vào kì mới, việc đến trường trở thành những nỗi lo. Khi học cao dần lên thì tiền học cũng bắt đầu tăng lên, lúc này bệnh của mẹ trở nặng, ba trở thành người lao động chính trong nhà. Sáng sáng ba thay mẹ chở tôi đi học rồi cũng đi làm, lúc thấy ba ở công trường, lúc thấy ba ra biển, lúc thấy ba đan lưới cho mấy cô trong chợ, đủ kế sinh nhai. Có bận đi học về, nhìn thây ba ngồi hút thuốc ngoài hiên, mắt đang dõi ra ngoài khơi xa, tôi lững thững lại ngồi cạnh:

- Ba, ba đã hứa không hút thuốc nữa mà.

- A, ba xin lỗi. Dạo này nhiều chuyện ba nghĩ nhiều – rồi ba dụi thuốc ngay – Không có nữa đâu con.

Tôi ôm lấy ba, ba hỏi tôi:

- Có muốn ba cõng đi dạo biển nữa không?

- Bây giờ con cao lớn hơn rồi, ba có còn cõng nổi không?

Ba cười thật to, tiếng cười át cả tiếng sóng biển xô ngoài kia, bế thốc tôi đặt lên vai:

-Ba cõng cuộc đời của ba thì sao có thể nói nổi hay không nổi hả con.

Lúc người ta bắt đầu đốt những đợt pháo đầu tiên mừng Tết về, cả nhà tôi vẫn còn ngóng ba về, lúc ba về trên tay còn cầm nguyên đòn bánh tét nóng hổi và hai cái bánh chưng và một ít thịt. Tôi chạy ào ra ôm lấy ba nức nở. Ba cười tinh tế:

- Con bé này, thích thịt thế cơ đấy.

Nhưng khóe mắt ba rơi nước mắt cay cay, giọt nước mắt mà cả nhà tôi đều hiểu chứa đựng những gì.

Tôi và em tôi cùng vào đại học, những tưởng đó sẽ là niềm vui thì lại trở thành nỗi lo của ba. Cả khu xóm nhỏ chỉ có hai đứa chúng tôi đậu đại học nên với ba là cả niềm tự hào. Nhưng học đại học xa nhà, mọi khoản tiền đều thành nếp nhăn trên trán ba. Thời gian không chừa cho ai cả, vầng trán người đàn ông bám biển ngày nào bắt đầu có những nếp nhăn, còn chân bắt đầu bị tuổi già hành ngày đêm nhức nhối. Em tôi đưa ra quyết định bước ngoặt của cuộc đời : không học đại học. Mẹ khóc hết nước mắt, ba châm thuốc hút cả đêm nhưng ý em tôi vẫn quyết không thay đổi. Nó quyết định lên phố kiếm tiền, ngày nó đi mẹ dặn dò đủ thứ, còn ba chỉ ngồi một góc nhà không ngoái nhìn. Người ta có thể nghĩ ông giận nó nhưng tôi hiểu ông giận bản thân mình. Nỗi đau không lo cho được cho con cái là nỗi đau vô cùng của người cha. Nó quay đi, ba mới gọi tôi lại:

- Tiễn nó đi đi con. Dặn em nó cẩn thận,

Rồi lại quay đi. Nó đi làm được mấy năm, tiền gửi về đỡ đần cũng đều đặn, chưa bao giờ quên hiếu nghĩa, được thế ba cũng ấm lòng, chấp nhận suy nghĩ con người có thể tiến thân bằng nhiều cách. Tôi cũng tốt nghiệp đại học rồi đi làm nhưng vẫn gắn bó với làng chài nhỏ phụng dưỡng mẹ cha. Ba mẹ đều già hẳn đi, để những cơn đau nhức làm buổi đêm thức trắng. Em tôi lên phố, cuộc sống không tránh khỏi những chông gai, những mùa Tết nó vắng nhà trở thành quen thuộc quá đỗi, chỉ có ba tôi, hôm hai chín nào cũng ngồi ngoài hiên ngóng ra ngõ, cả mẹ và tôi đều biết ông trông em về. Thời gian qua đi chỉ có ông gầy guộc dần theo năm thấng.
           
Em tôi theo guồng quay cuộc sống cứ bận rộn trong công việc của nó rồi vấp ngẫ lại tìm về nhà. Lúc đó khi nhìn thấy ba nó rất sợ, không dám bước vào nhà, ông không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn nó, rồi hắng giọng:

-Vào chuẩn bị tết với má đi con.

Nó bật khóc chạy ào vào ôm lấy ba. Lúc này tôi không còn hỏi ba có còn cõng nổi tôi, cõng nổi em như ngày xưa hay không nữa, vì trong mắt tôi khi ấy, người đàn ông đã dùng cả cuộc đời mình để gánh vác cuộc đời chúng tôi dẫu không còn khỏe mạnh cường tráng như xưa nhưng vẫn là chỗ dựa vững chắc cho chúng tôi tựa vào. 


Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định
phongtruongtu201@gmail.com


No comments: