Một ban mai bình yên, từ Huế vui mừng nhận
tập sách “Bên triền sông Ô Lâu”, tản văn của nhà báo Hồ Sĩ Bình, NXB Hội Nhà
Văn (10.2012).
“Cảo thơm lần giở” từng trang… mới hay đây
là 39 bài viết được chia làm 2 phần: Tạp bút – Tản văn (30 bài) và Những trang
rời (9 bài), đã được đăng trên các báo Tuổi Trẻ cuối tuần, Tuổi Trẻ Chủ nhật, Cửa
Việt, Thanh Niên, Thanh Niên Chủ nhật, Tuyển tập nhà văn Việt Nam thế kỷ XX-NXB
Hội Nhà Văn, VNtimes, baodulich.net.vn, Doanh nhân cuối tuần, Đà Nẵng cuối
tuần, Tạp chí Nhà Đẹp, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Tạp chí Văn hóa Phật
Giáo… Sở dĩ tôi kê đầy đủ tên các báo trên là muốn nói lên rằng với bút lực
sung mãn, giàu sức sống Hồ Sĩ Bình đã tạo cho mình một chỗ đứng đầy uy tín đáng
trân trọng trên làng báo chí trong cả nước.
|
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận và nhà báo Hồ Sĩ Bình. Ảnh NKP |
Sinh trưởng từ Võ Thuận, một ngôi làng ở
Triệu Phong, Quảng Trị, Hồ Sĩ Bình đã được tưới tắm biết bao nhiêu tình tự quê
nhà dấu yêu một thuở; thấm đượm hồn phù sa chơn chất nhân văn dân dã từ mạch
nguồn sông Hãn non Mai để từ ấy thành chất liệu sống linh hoạt, phong quang cho
những trang đời anh thể hiện rất vi tế, giàu cảm xúc. Từng mảng hồi quang lung
linh đa sắc từ thiên nhiên, cây cỏ, lá hoa, từng buồn vui phận người đất Quảng
đều được Hồ Sĩ Bình chắt chiu, trân trọng trong từng trang viết, các tản văn
sau đây đã phản ảnh trung thực hồn văn của Hồ Sĩ Bình: “Phố cây bàng”, “Hoang
hoải chạt chìu”, “Lão mai của nội”, “Bên triền sông Ô Lâu”, “Sông hoa thành cổ”,
“Những người sống với thủy thần”, “Nơi miền đất cù lao”… Và cũng chính từ chốn
cũ thân quen mộc mạc ruộng đồng ấy mà khi trở về Hồ Sĩ Bình đã cảm nhận được
nguồn thương cảm, sâu sắc, lắng đọng trong đời
rồi tiếc nuối: “cuộc sống đô thị
quen cân đong đo đếm nên khi cận kề với nỗi lòng dân dã chân thật đến kỳ lạ mới
ngộ ra rằng: ta đã đánh mất nhiều thứ tình cảm quý giá trong đời.”
“Quê quán ơi!
Bao lần trở lại
Trở lại bao lần
Cũng chỉ để mà đi”
(Hồ Sĩ Bình)
“Để mà đi…” Nhưng những cuộc đi của Hồ Sĩ
Bình không phải là hành trình vô định. Vốn sống thực tế qua các lần lang bạt kỳ
hồ đến nhiều miền, nhiều xứ từ đô thị phù hoa đến nông thôn hẻo lánh trên quê
Việt trong tư thế một nhà báo, Hồ Sĩ Bình đã lần lượt gởi đến bạn đọc muôn
phương những tản văn lôi cuốn, sinh động với đầy đủ vị, sắc, thanh, hương… Mỗi
địa danh Hồ Sĩ Bình nhắc đến trong tập sách “Bên triền sông Ô Lâu”đều gợi lên
trong người đọc một cảm giác chung nhất là rất sống động, đầy tình, giàu hình ảnh
cùng những nhận định tinh ý có triết lý về người, về đời, có phản biện trước
các vấn đề xã hôi đang quan tâm, chú ý; giúp người đọc hiểu, cảm và mong một
lần tìm đến từng địa danh kia để cùng chan hòa mạch sống, để cùng được trải
nghiệm, thưởng thức, đồng cảm với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được
định hình từ quá khứ cũng như đang được gieo hạt, ươm mầm từ hiện tại này. Các
tản văn “Ký ức xe ngựa”, “Đảo chuông Bà Nà”, “Bụi phấn Đắc Nông”, “Đau với sông
Hoài”, “ Ngọn đèn năm cũ”, “Tiếng gọi đò Ca Cút”, “Tâm cảm với rượu cần”,
“Đường xưa áo lụa”, “Nỗi nhớ hoa hồng”, “Hẹn mùa hoa gạo đỏ”, “Dinh trấn Ái Tử
và Trấn Đàng Trong, “Nếp làng xưa ở hạ nguồn Hương Giang”, “Miếng ngon ở hè phố
Hội An”… với bút pháp tài hoa của Hồ Sĩ Bình đã thành những bức tranh đẹp, chân
thực có sự tương phản sáng, tối của cảnh; có trong, đục, buồn, vui, cảm hoài,
khát vọng của người ở nơi chốn anh qua.
|
Nhà báo Hồ Sĩ Bình và Võ Quê |
Do có mối quan hệ chân thành, mật thiết
trải lòng với bạn bè thân hữu thuộc giới văn nghệ sĩ trong quá trình sống, đi
và viết, Hồ Sĩ Bình đã làm cho người đọc thấy sự trang trọng, trìu ái, đồng
điệu, thâm tình của anh khi viết về các tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Hoàng
Phủ Ngọc Tường và nỗi đam mê phiêu lãng”, Nguyễn Ngọc Hưng: “Vịn câu thơ đứng
dậy”, Đinh Tấn Phước: “Thơ nhặt vội trên đường”, Hoàng Đặng: “Họa sĩ Hoàng Đặng
– Đời vẽ tôi , tên mục đồng”, Phan Ngọc
Minh: “Huế và Minh”, Đông Trình: “Những
bài thơ viết dưới giàn hoa giấy”… Sáu nhân vật tài danh trên đã được anh tái
hiện một cách trung thực, thành tâm giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về nhân
thân, tính cách, tài hoa của từng nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Tôi tâm đắc với Hồ
Sĩ Bình khi đọc những dòng anh viết về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng quê Quảng Trị
với tôi, từng có lần tâm sự rằng: “Đất Quảng Trị mình lạ lắm, Hồi mình làm Cửa
Việt, người Huế thường về ven thành cổ để mua chanh trong khi Huế không thiếu
chanh vì chanh ở mình chua lắm. Tiêu Khe Sanh thì cay và thơm nổi tiếng, ớt thì
thuộc loại cay nhất nước ở Triệu Phong, Cam Lộ, còn thơm không đâu ngọt bằng
Tân Lâm. Mình là người đã lớn lên, bản chất đã mang nặng tận cùng cái cay đắng,
ngọt bùi của quê hương, đã sống thì phải sống đến cùng”. Và cũng nói theo ngôn
ngữ của anh. Nỗi buồn là mái nhà nơi mà thi sĩ cư ngụ, có lẽ đằng sau mọi cái
làm nên con người anh còn phải kể đến là nỗi buồn vạn cổ”.
Một ban mai bình yên, từ Huế đọc tập sách
“Bên triền sông Ô Lâu”, tản văn của nhà báo Hồ Sĩ Bình. Đọc xong, tôi thầm hẹn:
“Ô Lâu, mai mốt tôi về! Thời niên thiếu, mình đã từng là học trò đất Quảng…”
VÕ QUÊ
Huế,
Noel 2012
voque_hue@yahoo.com.vn
No comments:
Post a Comment