Có một lần, ngồi bên kè đá, nhìn dòng nước róc rách qua từng
kẻ đá trong veo, tôi thấy những dải mây
vàng trôi trong suối và màu xanh của cây lá nhuộm vào đất trời cái màu của nhớ
nhung vời vợi, tôi chợt nghe tiếng chim hót đâu dó trên cành cây đang xôn xao gió, tiếng hót như lời mời gọi của cõi vô
cùng, tiếng hót như âm vang buồn lắng từ giấc mơ đang trở mình của viên NGỌC
thần thoại trở về từ đất trời vô tận.
Tôi đứng lên đi tìm tiếng hót, mong nhìn thấy bóng chim,
hứng lấy lời ngọt ngào chảy vào hồn. Nhưng nào tôi có thấy bóng chim đâu, mà
tiếng hót sang trọng cao vời vẫn mênh mang trong tôi như lời mời gọi ra đi.Tôi
đã làm cuộc hành hương đời mình để đi tìm tiếng hót, để đi tìm tiếng hát, để đi
tìm tiếng NGỌC, để mong tìm thấy mình lấp lánh trong sắc màu của NGỌC, NGỌC của
“lẽ diệu thường”:
“có một lẽ diệu thường
bất hoại NGỌC kim cương”
Và tôi đã đi tìm NGỌC, đi tìm giấc mơ của mình, giấc mơ nối
tiếp cuộc hành trình miên viễn thiên thu, để NGỌC biến vào ta, để ta hoà trong
NGỌC:
“thở vào ta thấy NGỌC
thở ra mình thấy châu”
Và tôi đi tìm tiếng NGỌC để nghe tiếng réo gọi từ chân trời,
tiếng hát của thiên thu về một cuộc giải thoát khỏi những ràng buộc của sắc
không.
“ai chắc rằng tiếng hát
châu NGỌC ấy vô hình
trong ngân ngàn cánh hạc
giữa vòm trời lung linh”
Lời em là “mật ngữ”, tiếng hát em là “diệu ngôn”, có phải
hình hài em là “huyễn tượng”? Mà than
ôi! Tôi chỉ là một hành giả qua bao đá sỏi đời mình để một lần nghe tiếng hát
dội vào tim mình “cung bậc lá ngàn bay”,
để rồi:
“trong tư thế kiết già
tim hồng ngân lời ca
đất trời chung nốt nhạc
mưa hoa mạn đà la”
Và kẻ hành giả vô minh, một hôm nghe tiếng chim hót trên vòm
cây xanh, nghe lời châu NGỌC mà hoá giải
tự thân:
“tự thân mình châu NGỌC
tự thân người bi từ
tham sân si lăn lóc
chợt sáng ngời chân như”
Em là con chim nhỏ vô hình hát lời vô thanh giữa đất trời vô
lượng:
“tiếng hát ấy NGỌC tuyền
tiếng hát ấy uyên nguyên
nam mô mười phương Phật
ca lăng tần áo uyên”
Người ngồi nghe tiếng hát đó, nghe đến “ròng rả suốt mùa
trăng” một hôm đã ngộ ra rằng, trong
cái lai áo trần gian nghèo hèn của mình tự tiền kiếp xa xôi đã ngời ngời ánh
NGỌC, tiếng hát chỉ là tiếng rơi nhẹ của một giọt sương làm mát rượi hồn thơ để
đi về cái cõi uyên nguyên mật ngữ diệu pháp. Đọc ngót một trăm đoãn khúc của
trường thi NGỌC, tôi gấp lại, bật một que diêm, ngọn lửa bùng lên rồi tàn rụi,
khói lơ lửng bay đi, nhúm tàn tro đọng lại, rồi cũng tan hoà trong đất trời vô
hạn thôi! Nhưng hình như, tôi nghe, không phải âm vang, và hình như tôi thấy,
không phải hình hài, mà chỉ còn:
“quê nhà ngồi tĩnh tại
lóng lánh mình mimh châu”
Quê nhà,
Mùa hạ huyền
LÊ VĂN TRUNG
Trích từ tập thơ Ngọc do tác giả gởi tặng.
No comments:
Post a Comment