Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 10, 2013

Thơ văn thầy cô giáo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - GIỌT LẶNG: Cao Thị Thanh - MÙA NẤM: Nguyễn Thị Mẫn - TẤM LÒNG TRÒ CŨ: Thái Thị Yên Chi

Trích từ tập san 
Hoa Đầu Mùa số 15
của Phòng Giáo dục - Đào Tạo
huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị









CAO THỊ THANH
(GV Trường Tiểu học Thị trấn Hải Lăng)

GIỌT LẶNG

            Trong cuộc sống có những điều bé nhỏ và thầm lặng vẫn luôn tồn tại quanh ta. Những điều mà ta quen gọi một cách đầy mến thương là "giọt lặng".

            Giọt gợi sự nhỏ bé và tròn trĩnh - cái nhỏ bé giữa dòng đời theo một chuẩn mực ước lượng của vật chất. Lặng là âm thầm, lặng lẽ. Giọt lặng là sự nhỏ bé và thầm lặng nhưng chưa bao giờ biến mất, vẫn từng ngày rơi trên những ước mơ để một ngày "giọt" hóa thành biển cả, và "lặng" bỗng hóa tươi vui. Và tôi biết nghề giáo cũng là... giọt lặng. Như dòng sông muôn đời vẫn chảy, đem phù sa nhẫn nại vun đắp đôi bờ. Thầy cô vẫn từng ngày chắt chiu những "giọt lặng" thấm sâu vào từng cuộc đời, từng ước mơ. Phép cộng trừ con số, phép cộng niềm tin, phép nhân thân ái, phép trừ ích kỉ và chia sẻ yêu thương... Ánh mắt lo lắng của cô khi nhìn học trò mải chơi, trang giấy trắng chưa in một dòng chữ. Ánh mắt nhắc nhở của thầy khi cô học trò mãi nhìn theo những cơn gió xa xôi. Niềm vui ánh lên trong sự hi vọng của thầy cô khi điểm 10 nở rộ. Tất cả... tất cả là giọt lặng trong niềm tin yêu và nhiệt huyết, để rồi có ngày những giọt lặng ấy hóa thành con sóng đủ sức đưa cả một thế hệ vững vàng, cứng cáp sải cánh cuộc đời, góp sức xây đắp tương lai tươi đẹp. Và những giọt lặng ấy tiếp tục được tạo ra từ thế hệ này đến thế hệ khác từ những người ngày ngày miệt mài, lặng thầm đứng trên bục giảng.

            Giọt lặng... không hề nhỏ bé. Nó như chất dinh dưỡng cho cây, ít, từ từ nhưng rất cần thiết, bởi thiếu nó cây sẽ chẳng thể sống, và vụ mùa sẽ trắng tay. Và giọt lặng... cũng chính là chất dinh dưỡng cho đời.
                                                                                                            C.T.T

                                               


NGUYỄN THỊ MẪN
(GV Trường THCS Hải Sơn)

MÙA NẤM…

           Khi những cơn gió mang cái se lạnh của mùa thu chợt đến... khi mùa hè hờn dỗi ném lại vài tiếng sấm mỏng tang trên bầu trời... Ở một nơi xa kia, trên đồi cây với những tràm, những chủi, những sim... âm thầm mọc lên những nụ nấm bé xíu màu tim tím, nâu nâu... Rồi chỉ đợi khi những hạt mưa trong lành đến tưới tắm, những cô cậu nấm thi nhau lớn bổng lên, chắc nịch.

            Khi người già nhìn nhau gật gù "ngày nắng đêm mưa như ri tha hồ mà nấm mọc" là mỗi sáng, khi bình minh còn chưa lên, lũ trẻ con đã thi nhau lên đồi hái nấm. Dưới những gốc cây, nấm chị nấm em chen chân nhau chờ những bàn tay khéo léo, mừng rỡ nhấc bổng lên cho vào giỏ, vào bao, vào rá...

            "Đại tiệc nấm" bắt đầu với cả làng, cả xóm. Những nồi nấm to được luộc đi cho đỡ đắng rồi đem xào lên, nấu cháo đậu xanh hoặc nấu canh với rau khoai. Ngồi bên nồi cơm thơm và tô canh nấm tràm bốc khói, ai cũng phải nuốt nước miếng cái ực cho đỡ thèm trước khi vào “tiệc”...

            Rồi... gắp lên một miếng nấm tràm cho vào miệng... cha ui là cái mùi... cha ui là vị béo... tựa như miếng thịt mỡ đang bồng bềnh trong miệng... Bỏ qua những thứ sơn hào hải vị đi nhé!

Những ai xa quê khi mùa nấm chắc chạnh lòng nhớ lắm... nhớ tuổi thơ cùng chị, cùng mẹ lên đồi hái nấm, nhớ hương vị mà mỗi cơn mưa về lại nhói vào tim như nhắc nhở... Mùa nấm đến rồi!
                                                                                    N.T.M




THÁI THỊ YẾN CHI
(P.Hiệu trưởng THCS Thị trấn Hải Lăng)


TẤM LÒNG TRÒ CŨ

Ngày 20/11 năm nay trời đỗ mưa. Càng về chiều trời càng lạnh, có lẽ vì thế nên càng về chiều càng thưa dần những đoàn học sinh nô nức mang hoa tặng cô giáo. Em và mẹ đến thăm tôi lúc trời đã khá muộn.

- Ồ, Cao Tiến! Đã lâu mới gặp, em bây giờ đã là học sinh lớp 11 rồi phải không, nhanh thật!

Tôi vui lắm nên hỏi em rối rít. Em vẫn thế, cười hiền, ít nói. Em có vẻ đang ngại ngùng, bẽn lẽn… Tôi hơi tò mò, mẹ em hiểu ý nên giải thích: “Cháu ngại vào nhà cô vì áo quần đang bẩn”.

Rồi mẹ em cho biết, chiều nay hai mẹ con vừa mới đi thăm mộ của thầy Tuấn về (Thầy giáo dạy bồi dưỡng bộ môn Hóa cho Tiến 2 năm trước, đã qua đời), đường lên mộ khá xa, đường bẩn và cỏ may dính đầy quần, cháu bảo quay về nhà thay đồ rồi đi, nhưng quay vào thì xa quá… áo quần bẩn nên ngại với cô đó...

Tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong lòng. Tôi muốn ôm chầm em, xoa đầu và bảo: “Học trò của cô ngoan lắm!”. Em bỏ lại chốn thị thành những cơ hội vui chơi cùng bạn, tranh thủ thăm vội thầy cô giáo mới để kịp quay về quê thắp cho thầy giáo cũ nén nhang ấm mộ thầy trong ngày hội.

 Cao Tiến là một học sinh đã tốt nghiệp THCS, thi đỗ và vào học trường THPT Quốc học Huế đã gần 2 năm nay. Cậu học sinh thông minh, chăm chỉ với nhiều hoài bão lớn. Dù em đã vào Huế, học xa nhà, song những thành tích, những mơ ước của mình em vẫn thường chia sẻ với tôi. Tôi rất quý em vì sự thông minh, nhanh nhẹn. Em từng là niềm hy vọng lớn nhất của tôi - hy vọng em là một thủ khoa cấp tỉnh môn Hóa học hai năm về trước. Năm vừa rồi em đã đạt giải cao trong kỳ thi HSG cấp thành phố Huế. Tôi kỳ vọng em sẽ đạt giải cấp Quốc gia trong năm học tới và đạt được nhiều mục tiêu lớn trên con đường học vấn tương lai của mình.

Và hôm nay… tôi lại thêm thấu hiểu về em, một cậu học trò giàu tình cảm và nghĩa tình. Nhìn em, nhìn quần áo bết bùn và găm đầy hoa cỏ may, tôi càng thấy học trò cũ của mình sao mà đáng yêu đến thế. Vâng, cô rất tự hào về em, về tất cả...

Gặp lại đồng nghiệp sau ngày 20/11, nhiều thầy cô đã kể về học trò cũ của mình, còn tôi, tôi đã kể về em. Em biết không? nghe xong câu chuyện, nhiều thầy cô đều đã có một cảm xúc rưng rưng đến nghẹn lòng. Cám ơn các em, những học trò đầy tình nghĩa. Chính nhờ các em mà thầy cô như được tiếp thêm niềm tin vào nghề dạy học - nghề không chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức mà còn có cả những tấm lòng…


T.T.Y.C

No comments: