Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 10, 2013

NHỚ NHÀ THƠ TẠ NGHI LỄ - Đinh Thanh Hải

Tạ Nguyên con trai của nhà thơ Tạ Nghi Lễ chia sẻ:

 " Thế là gần 5 năm ngày ba mất, thời gian cũng trôi đi quá nhanh, tưởng như mới ngày hôm qua mà thôi. Ba đi rồi để lại nỗi mất mát quá lớn đối với gia đình, Khi ba vừa trút hơi thở cuối cùng, con chở mẹ về để lo đám tang của ba được chu toàn. Con đã từng nghĩ rất nhiều trên đường về nhà, đường tuy gần nhưng sao thấy dài quá. Rồi suy nghĩ về cuộc sống, tương lai, lo cho mẹ, rất nhiều thứ xoay trong đầu của con, rồi những việc làm của ba còn dang dỡ. Con cũng đã cố gắng hết sức của mình để làm những gì ba còn chưa hoàn thành. Đến thời điểm này con đã thanh thản khi đã làm đúng những nguyện vọng lúc sinh thời của ba. Con nhớ lúc còn nhỏ, ba đã từng ru cho con ngủ bằng những điệu hò Miền Trung mộc mạc để đưa con vào giấc ngủ " hò ơi ... mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi vọng phu ..." Rồi những lúc con ho, ba lại thương sợ con bị hen suyễn, ba đã xoa dầu nóng hiệu Đất Đỏ, để cho con không còn ho nữa. Rồi Cu Văn mất đi, Ba mẹ và con hết sức đau buồn, ba nén đau thương đó, rồi mẹ lại bệnh nặng. Khoảng thời gian đó thật là khó cho cả nhà mình. Sau những bôn ba lưu lạc Phương Nam, ba đã hoàn thành ước nguyện của mình, được vào Hội nhà văn Việt Nam, được nhiều người biết đến. Rồi những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, ba vẫn cho qua và chỉ mỉm cười. Ba là người hạnh phúc nhất khi ba nằm xuống, có mặt đầy đủ gia đình, bạn bè thân hữu. Cái hạnh phúc đó không phải ai cũng có. Con yêu và nhớ ba rất nhiều ...."

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ cùng con trai

Qua đây cho Đinh Thanh Hải xin gửi lời chia sẻ đến với Tạ Nguyên đã mất đi người ba yêu quý của mình, đường đời này không còn có ba bên cạnh nữa, một nỗi mất mát lớn của một đời người.

Đồng thời quê hương Quảng Trị cũng mất đi một người con ưu tú, một người con luôn hướng lòng mình về với quê hương nguồn cội.

Qua những bài thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, ta như thêm yêu thêm nhớ một miền quê " Nắng hạn cháy lưng, mưa dầm lụt lội  ", một miền quê không những bị thiên tai hàng năm trút lên đầu người dân những cơn bão, cơn lụt. mà quê hương Quảng Trị còn bị chiến tranh tàn phá, người chết nằm xuống nhiều hơn người còn sống.

Qua những lời thơ, nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã cho mọi người thấy những nét về quê hương tuy nghèo khổ nhưng vẫn đượm tình làng nghĩa xóm, Quảng Trị như được gần hơn với mọi người khắp các vùng miền Việt Nam cũng như hải ngoại.

" Không có nơi mô như ở quê mình ,
Nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ . "

Những người con Quảng Trị xa xứ mỗi khi ngồi bên nhau đều ngân lên những bài hát được phổ thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ .

Tôi đã được nghe rất nhiều bài hát về quê hương Quảng Trị được phổ từ thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, tôi yêu và quý lắm, trong bài thơ NHỚ VỀ QUẢNG TRỊ  đã được nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng phổ nhạc, có một câu mà tôi rất thích: "Nợ áo cơm dặm đường xa ngái, Lòng hẹn lòng tôi nhé về quê. " Cái từ xa ngái sao mà hay quá vậy. 

Sau này, vô Sài Gòn tôi được quen anh Phan Duy Đức cùng những người bạn thân của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, tôi được các anh kể những câu chuyện về cuộc đời của nhà thơ TNL, nhưng tôi rất tiếc mình chưa được gặp mặt nhà thơ dù chỉ một lần. 

Hôm nay, tôi đọc được những lời tâm sự của người con trai của nhà thơ TNL, những dòng chữ thật xúc động, tôi đã xin Tạ Nguyên copy những dòng tâm sự của người con nhớ về ba để chia sẻ cùng với mọi người.

Những người Quảng Trị quê tôi đã luôn yêu quý nhà thơ Tạ Nghi Lễ, thời gian có trôi qua đi, nước có chảy đá có mòn, tên ông vẫn sống mãi trong lòng người con quê Quảng Trị.

"Tôi sẽ về tìm lại ấu thơ
Con sông nhỏ một thời tắm mát
Chiều thị xã hương sầu đông thơm ngát
Tiếng ve khô cong ngọn gió Nam Lào"

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ tên thật là Tạ Lễ, sinh ngày 8-10-1951, tại làng Lâm Xuân, xã Gio Mai , huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, những bút danh: Tạ TấnHoàng NguyênMai LýÁi Nghi, năm 1970 tốt nghiệp trung học, 1970-1972 theo học khoa Luật và Văn Khoa tại Huế, 1973 -1975 học trường quốc qia hành chính Sài Gòn, sau 1975 TNL cùng gia đình sống tại Trảng Bom - Đồng Nai, năm 1997 TNL chuyển lên Sài Gòn sinh sống, cùng năm đó TNL đã trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

Nghề nghiệp: nhà giáo dạy học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên kịch, diễn viên điện ảnh, ngâm thơ trên truyền hình, ông tham gia hơn 30 bộ phim, trong đó có những phim: Người đẹp Tây đô + Hải Nguyệt ...

Tác phẩm đã xuất bản: Yêu một người làm thơ + Nàng hải sư và tôi + Những mảnh đời khác nhau + Những khoảng trời trong sáng + Đi qua lời nguyền + Ngày về .

Giữa khuya ngày 24-07-2008 nhà thơ Tạ Nghi Lễ bị tai biến, gia đình đưa TNL đi cấp cứu vào Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định, nhưng nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã qua đời vào lúc 15h50 ngày 25-07-2008 (nhằm 23 tháng 06 năm Mậu Tý). Hưởng dương 58 tuổi.

Đạo diễn Lê Cung Bắc người con làng Xuân Thành, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, trong một bài báo mới đăng ngày 27-7 nhắc về Tạ Nghi Lễ rằng: " Tạ Nghi Lễ là một người rất tình cảm. Đối với gia đình, Lễ rất chỉnh chu. Đối với bằng hữu, Lễ rất nhiệt tình. Tôi thương Lễ, một người em đồng hương thân thiết. Tôi quý Lễ, một con người tài hoa. Tạ Nghi Lễ hoạt động và thành công trên nhiều lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đó là một khả năng hiếm có. Có lần nghe Lễ ngâm thơ về quê hương Quảng Trị, tôi đã không cầm được nước mắt vì nỗi hoài hương ".

Sài Gòn 06/06/2013
Đinh Thanh Hải

No comments: