Lá xưa triệu năm hóa thạch
Lá thơm trang sách học trò
Lá vàng thu rơi xào xạc
Lá mầm nhú bút non tơ
Lá thông hình kim mũi nhọn
Lá bàng xòe rộng bàn tay
Lá xương rồng dày và cứng
Lá quế vừa ngọt, vừa cay
Lá khoai đỡ lòng khi đói
Lá cọ che ấm lưng đồi
Lá muồng ngủ khi chờ tối
Lá thơm anh trải em ngồi
Dù muôn vẻ, lá đều là lá
Vẫn đã một lần mang sắc xanh tươi
Dẫu đến độ xám đen màu đá
Nhớ mãi một lần sắc thắm, Người ơi!
Mai Thanh
Bài thơ "Sắc lá" thuộc dòng thơ triết lý xã
hội-nhân văn, gồm 4 khổ với 16 câu. Ở 3 khổ với 12 câu trên, nói về tính chất,
đặc điểm của nhiều loại lá - ngầm ý là con người với cuộc sống muôn vẻ, từng có
một thời kỳ rực rỡ như màu xanh của lá! Khổ cuối cùng với 4 câu nói về cuối đời
của lá: Lá vốn là màu xanh, nay chuyển thành màu xám đen của đá, vẫn nhớ mãi
một thời lá thắm xanh - ngầm ý về niềm tự hào của con người, khi đã ngả về phía
bên kia của cuộc đời, vẫn không quên thời kỳ rực rỡ, đậm đà ý nghĩa truyền
thống của mình! Bài thơ với 4 câu thơ cuối cùng còn đưa ra một thông điệp rằng,
ở thời kỳ thanh xuân hãy sống cuộc đời rực rỡ xanh như màu xanh của lá, để đến
cuối đời, nhìn lại đoạn đời đã đi qua mà tự hào, mà kiêu hãnh! Mở rộng một
chút: Bài thơ gợi nhớ câu nói nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết xô-viết
"Thép đã tôi thế đấy: "Con người chỉ sống có một lần, phải sống sao
cho ra sống, để khi nhắm mắt, xuôi tay không ân hận với những ngày đã sống phí,
sống thừa...".
No comments:
Post a Comment