Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 28, 2013

TÂY-NINH TRONG BÀI THƠ “XUÂN VÀ NỖI NHỚ” CỦA LÊ VĂN THẬT - Châu Thạch


Nhà thơ Lê Văn Thật


XUÂN VÀ NỖI NHỚ

Ở phương em chắc giờ còn lạnh lắm
Rừng núi chập chùng, em lại mong manh
Chiếc áo gió làm sao mà đủ ấm
Xuân theo về bên nồi bánh chưng xanh

Anh say đất trời em, say lời kế
Cao su bạt ngàn xanh cả nắng gay
Yêu con suối cứ ngàn năm thủ thỉ
Mơ núi đồi vàng rực cánh rừng mai

Ở phương anh nôn nao bao nỗi nhớ
Tây Ninh xuân về hương sắc đẹp sao!
Những con đường đèn hoa giăng rực rỡ
Những dãy lầu khoe dáng với trời cao

Giá lúc này mình bên nhau em nhỉ !
Dạo phố đêm ẻo lả những xe tình
Công viên ảo huyền, cầu Quan khe khẻ
Thị xã sắc màu ta cũng thấy lung linh

Lên núi lạy Bà cầu duyên em nhé
Trên cáp treo ta giỡn với mây chiều
Kia Lòng Hồ mênh mang làn sương phủ
Đây cánh đồng xanh cả mắt em yêu

Ta chếnh choáng với tím màu Vàm Cỏ
Gánh đôi bờ xanh cả đất Tây Ninh
Chiều lững lơ những con thuyền lãng tử
Bác nông phu nhìn cánh lúa cười tình

Dân mình yêu quê hương và tiếng hát
Nên hóa đất trời thành những bài ca
Cho xuân đến, cứ rộn ràng đất nước
Cứ rộn ràng anh, nỗi nhớ em xa…

                                             Lê Văn Thật


Lời bình:      Châu Thạch

Ở vế đầu của bài thơ tác giả tỏ ra bồn chồn, lo lắng bởi phương em núi rừng đang lạnh mà em thì chiếc áo mong manh. Ở đó mùa xuân chỉ được thể hiện quanh nồi bánh chưng ấm áp.

           Ở phương em chắc giờ còn lạnh lắm
           Rừng núi chập chùng, em lại mong manh
           Chiếc áo gió làm sao mà đủ ấm
           Xuân theo về bên nồi bánh chưng xanh

Đọc vế thơ ta thấy tác giả cô đọng, biến nồi bánh chưng thành trung tâm điểm của mùa xuân nơi một miền rừng núi. Tác giả dùng chữ “nồi bánh chưng xanh” nghĩa là đem cả đại ngàn vào nơi đó. Chỉ bằng những nét ước lệ tác giả bày tỏ được tình cảm, phác họa được phong cảnh, diễn tả được sinh hoạt ở một miền rừng núi vào buổi đầu xuân.

Qua vế hai của bài thơ, tác giả nhân mạnh tình yêu của mình đối với vùng đất xa lạ chỉ được nghe qua lời kể:

           Anh say đất trời em, say lời kế
           Cao su bạt ngàn xanh cả nắng gay
           Yêu con suối cứ ngàn năm thủ thỉ
           Mơ núi đồi vàng rực cánh rừng mai

Vế thứ hai cũng bằng những nét ước lệ đó tác giả tôn vinh được nét hung vĩ của quê hương xa lạ với mình. Qua cái đầu đề “Xuân và nỗi nhớ” và qua hai vế thơ đầu ta cứ tưởng tượng bài thơ của tác giả sẽ đầy ray rức, sầu thảm, nhớ thương. Nhưng không, người đọc sẽ thấy tác giả mở toang một cánh cửa mùa xuân vui tươi và nồng ấm. Cái thủ pháp ấy khiến cho người thưởng thức có cảm tưởng như mình ngồi trong phòng lạnh, nhìn ra bầu trời ngoài kia lung linh đầy ánh sáng. Xin mời hăy đọc qua vế thứ ba:

          Ở phương anh nôn nao bao nỗi nhớ
          Tây Ninh xuân về hương sắc đẹp sao!
          Những con đường đèn hoa giăng rực rỡ
          Những dãy lầu khoe dáng với trời cao

“Phương em” là ở đâu, là địa danh nào tác giả không nói, nhưng “phương anh” là Tây Ninh tác giả nói rõ ràng. Như thế có thể hiểu rằng phương em nếu không là hư cấu thì tác giả cũng chỉ lấy làm tiền đề để chủ ý giới thiệu một Tây Ninh, một bức tranh sắc màu rực rỡ nổi bật trên cái nền mà tác giả lấy từ màu xanh núi rừng hùng vĩ của phương em. Trong vế thơ nầy tác giả giới thiệu sơ qua những nét chung trong vẽ đẹp của mùa xuân Tây Ninh, để rồi khôn khéo hơn, tác giả đă đem một sự ao ước bên nhau để tiếp nối giới thiệu một Tây Ninh với rất nhiều chi tiết có cảnh, có tình, có mộng, có mơ đan xen vào nhau làm cho cây bút viết thơ trở thành cây cọ vẽ , khiến nổi bật những phong cảnh hửu tình, tươi đẹp, nên thơ là quê hương mà tác giả vô cùng yêu mến:

             Giá lúc này mình bên nhau em nhỉ !
             Dạo phố đêm ẻo lả những xe tình
             Công viên ảo huyền, cầu Quan khe khẻ
             Thị xã sắc màu ta cũng thấy lung linh

             Lên núi lạy Bà cầu duyên em nhé
             Trên cáp treo ta giỡn với mây chiều
             Kia Lòng Hồ mênh mang làn sương phủ
              Đây cánh đồng xanh cả mắt em yêu

              Ta chếnh choáng với tím màu Vàm Cỏ
              Gánh đôi bờ xanh cả đất Tây Ninh
              Chiều lững lơ những con thuyền lãng tử
              Bác nông phu nhìn cánh lúa cười tình

Sở dĩ người viết bài nầy chép nguyên ba vế thơ không xen lời bình luận vì nó là một mạch thơ liên tục như mặt gương phản chiếu lấp lánh muôn màu muôn vẻ của cảnh vật thiên nhiên, của tình người thắm thiết mang đầy thứ âm thanh êm ái của quê hương, tiếng rung động của tình người.

Người đọc ba vế thơ nầy, không chỉ thấy cụ thể một miền đất Tây Ninh với những phố phường, với những sông núi mà qua đó liên tưởng đến quê hương thân yêu của chính mình cũng có một linh hồn Việt Nam như Tây Ninh vậy. Tình yêu Tây Ninh trong dòng máu của tác giả được truyền cảm qua dòng thơ, cho nên lời kể trong thơ có âm hưởng như một lời tâm tình, một lời thổ lộ yêu thương, một lá thư tràn ngập tình yêu của một con người chất chứa trong lòng biết bao tình cảm keo sơn, gắn bó và dễ dàng để bật ra tiếng lòng rung động lan tỏa đến tâm hồn người khác.

 Vế cuối của bài thơ tác giả hòa điệu sự rộn ràng đón xuân của quê hương Tây Ninh trong cái nỗi nhớ của riêng ḿnh:
             
               Dân mình yêu quê hương và tiếng hát
               Nên hóa đất trời thành những bài ca
               Cho xuân đến, cứ rộn ràng đất nước
               Cứ rộn ràng anh, nỗi nhớ em xa…

Nỗi nhơ trong ḷng tác giả không làm cho buồn, không làm cho đau mà điểm xuyết cho niềm vui của mùa xuân Tây Ninh đậm đà thêm nữa. Mùa xuân trong bài thơ không trở thành vô nghĩa v́ì thiếu em như trăm ngàn bài thơ khác mà mùa xuân ở đây làm dư vị thêm cho nỗi nhớ, làm dư vị thêm cho ước mơ, làm tôn cao cái giá lạnh ở phương em và cái tươi sáng ở phương anh, nuôi hy vọng  tràn ngập niềm vui ngày đoàn tụ.

Trong bốn câu thơ ở vế cuối, tác giả còn đem “nỗi nhớ em xa” lồng trong “đất trời thành những bài ca”, trong “quê hương và tiếng hát”, trong cái “rộn ràng đất nước” khiến cho cái tình yêu nhỏ bé, cái nỗi nhớ riêng tư được bọc trong tình yêu quê hương cao thượng tự nhiên và hài hòa.

  Bài thơ “Xuân và nỗi Nhớ” của  Lê văn Thật nếu được đem vào làm giảng văn trong học đường thì theo tôi nó là một bài thơ mẫu. Bái thơ diễn tả mùa xuân tràn đầy sức sống trên quê hương. Bài thơ diễn tả nỗi nhớ làm thanh cao tâm hồn và đặc biệt hơn hết, đem tâm tình riêng của mình đặt vào hồn quê hương, đất nước mà lời thơ không gượng ép bởi nó phát xuất tận đáy ḷòng của thi nhân, không vướng víu điều ǵì ngoài tâm hồn thơ chân thành rung động ./.

                                                                     Châu Thạch   




No comments: