Bấm vào liên kết sau để đọc Phần 1:
TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: XĂM HƯỜNG, PHẦN 1
TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ:
XĂM HƯỜNG
(Phần 2 - tiếp theo và hết)
Lê Duy Đoàn
Những qui ước trong trò chơi Xăm Hường:
Người
chơi được nhận thẻ xăm theo những gì xuất hiện trong 1 lần đổ hột vào
tô.
1.
Nhất Hường (1 mặt tứ) : lấy 1 thẻ một.
2.
Nhị Hường (2 mặt tứ) : lấy 1 thẻ 2 hoặc 2 thẻ 1 khi không còn thẻ 2.
3.
Tứ Tự (hay còn gọi là Tứ Tấn): khi có 4 mặt giống nhau trừ mặt Hường (mặt
bốn) thì lấy 1 thẻ 4. Nếu ngoài 4 mặt giống nhau đó có thêm 1 hường hay 2 hường
thì lấy thêm 1 thẻ 1 hoặc 1 thẻ 2.
4.
Tam Hường (3 mặt tứ): lấy thẻ 8. Nếu Tam Hường đi với 3 hột súc sắc còn
lại cùng 1 mặt (ví dụ 3 tứ, 3 tam) thì gọi là Phân Song Tam Hường, lấy được 1
Trạng em và 1 thẻ Tam Hường (trị giá 24 thẻ)
5.
Trạng em: có nhiều trường hợp xuất hiện được lấy Trạng Em (tức là Bảng
Nhãn, Thám Hoa)
a. Suốt: 6 hột theo thứ tự nhất - nhị - tam - tứ - ngũ - lục.
b. Phân Song: là chia hai, 3 hột mặt này, 3 hột mặt kia (ví dụ 3 tam, 3
nhị)
c. Thượng Mã, Hạ Mã: theo chữ là “Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân” trong
tích Tào Tháo đãi ngộ Quan Công trong truyện Tam Quốc Chí.
- Thượng mã là 3 đôi: 2 nhất, 2 nhị,
2 tam
- Hạ mã là 3 đôi: 2 tứ, 2 ngũ, 2 lục
d. Tứ Tự Cáp: Cáp nghĩa là ghép với
nhau. Tứ tự là 4 mặt giống nhau, hai hột còn lại mà tổng số bằng với mặt tứ tự
thì gọi là Tứ Tự Cáp.
Ví dụ: Tứ tự là 4 mặt ngũ, 2 hột còn
lại có thể là 3 và 2 hoặc là 4 và 1 thì đều gọi là tứ tự cáp.
Có 2 trường hợp đặc biệt của tứ tự
cáp:
- 4 mặt nhất và 2 mặt ngũ, lục thành ra 11 là
tứ tự cáp của mặt nhất.
- 4 mặt nhị và 2 mặt nhất hoặc là 2 mặt
lục cũng là cáp.
Bốn trường hợp trên, người chơi được
quyền lấy thẻ trạng Em. Khi hết thẻ trạng Em giữa làng thì lấy tương đương giá
trị 16 thẻ.
6. Trạng Anh (Tức là Trạng Nguyên) có
2 trường hợp:
a. Trạng Tứ hường (còn gọi là trạng Đỏ) bao gồm 4 mặt hường. 2 hột súc sắc
còn lại cộng với nhau thành ra tuổi của Trạng.
Ví dụ: 4 hường và 2 mặt còn lại là 3
và 5 thì gọi là trạng 8 tuổi.
Khi một người đã lấy được trạng 8 tuổi,
mà có người khác đổ hột súc sắc ra trạng Anh 9 tuổi trở lên thì người đó được lấy
trạng anh từ tay người kia gọi là cướp trạng.
Ngoài tuổi của trạng xác định như
trên còn có 2 trường hợp đặc biệt là Trạng cáp xiên và Trạng cáp chính.
Trạng cáp xiên là 4 tứ, 1 tam, 1 nhất.;
Trạng cáp chính là 4 tứ, 2 nhị.
Trạng cáp xiên cướp trạng có tuổi. Trạng
cáp chính cướp được cả trạng cáp xiên.
b. Trạng ngũ tử (Trạng anh Đen): bao gồm 5 mặt giống nhau trừ hường. Hột
xúc sắc còn lại là số tuổi.
Ví dụ: 5 mặt ngũ một mặt nhị thì gọi
là Trạng ngũ tử 2 tuổi. Nếu người khác cũng ra ngũ tử mà tuổi lớn hơn thì cướp
trạng.
Trạng ngũ tử có một trường hợp đặc biệt
là ngũ tử đại ấn tức là 5 hột cùng một mặt, hột còn lại là mặt tứ. Trạng ngũ tử
đại ấn cướp trạng ngũ tử có tuổi.
Có một quy định đặc biệt là loại trạng
nào chỉ được cướp trạng loại đó. Trạng đỏ không được cướp trạng ngũ tử và ngược
lại.
Trường hợp đổ ra trạng mà không cướp
được trạng thì người ấy sẽ lấy 32 thẻ giữa làng.
Nếu người có trạng mà đổ ra trạng nhiều
tuổi hơn thì chỉ được tăng tuổi trạng chớ không được phép lấy thêm thẻ giữa
làng.
7. Ngũ hường đoạt tam khôi: Tức là 5
mặt hường thì được lấy cả 3 trạng (1 trạng anh và 2 trạng em) dù trạng đã nằm
trong tay người khác. Hột súc sắc còn lại là số tuổi của ngũ hường.
8. Lục phú: Có 2 trường hợp:
a. Lục phú đen: 6 mặt giống nhau trừ hường.
Khi có lục phú thì không kể ai có bao
nhiêu thẻ, tất cả người chơi đều đồng loạt chung cho người lục phú giá trị theo
quy định (nếu 6 hoặc 7 người chơi, mỗi người phải chung 1 trạng).
b. Lục phú hường: 6 mặt tứ
Tất cả đều chung cho người có lục hường
trị giá gấp đôi quy định (nếu chơi 6 hoặc 7 người thi 1 người phải chung 2 trạng).
Trong trường hợp, người chơi đổ hột
văng ra ngoài thì xem như bất hợp lệ và phải bị phạt một thẻ hường thêm vào trạng.
Trường hợp người có trạng đổ hột những
lần đầu không có hường thì mỗi lần bị phạt 1 thẻ thêm vào trạng.
Số lượng người chơi và cách tính số
lượng thẻ của mỗi người chơi:
1. Từ 2 đến 7 người:
- Hai người: mỗi người phải đủ 32 x 3
= 96 thẻ.
- Ba người: mỗi người phải đủ 32 x 2
= 64 thẻ.
- Bốn người: mỗi người phải đủ 32 x
1,5 = 48 thẻ.
- Năm người: Có 2 cách:
+ Nếu chia đều thì bỏ bớt 2 thẻ, còn 190 thẻ, mỗi người phải đủ 38 thẻ.
+ Bán trạng: người có trạng anh được quyền bán trạng và những thẻ khác
trên tay mình, không giữ lại thẻ nào. Như vậy, mỗi người khác phải đủ 48 thẻ.
- Sáu người: mỗi người phải đủ 32 thẻ.
- Bảy người: người nào có trạng anh sẽ
bán hết thẻ trên tay mình cho người nào còn thiểu (mỗi người phải đủ 32 thẻ).
2. Bắt đầu 8 người chơi trở lên thì
cách tính có phần phức tạp hơn. Số người chơi có thể nhiều nhưng nên chơi tối
đa 12 người.
Từ 8 đến 12 người chơi, chúng ta áp dụng
lối bán trạng 2 lần.
Nhiều người nghĩ rằng, bán trạng 2 lần
là người có trạng được bán gấp đôi giá trị của thẻ trạng (32 x 2 = 64)
Thật sự, nếu chơi theo cách đó thì chỉ
có 1 người vui vì ăn nhiều mà những người khác sẽ buồn vì ai cũng thua cả.
Theo tôi đã áp dụng và cách bán trạng
2 lần này hay hơn.
Bán trạng hai lần có nghĩa là cả trạng
anh và 2 trạng em đều được bán.
Người có trạng em được xem như đủ thẻ,
số còn lại mà người có trạng em lấy được thì được quyền bán.
Sau khi người có thẻ trạng em bán
xong, thì người có trạng anh sẽ ăn hết phần còn lại
Số lượng thẻ cần có của những người
chơi không có trạng giảm dần khi số người chơi tăng lên:
8
người chơi, mỗi người không có trạng chịu 32 thẻ
9 28 thẻ
10
25
thẻ
11 22 thẻ
12 20 thẻ
Số lượng thẻ này tùy theo sự giao ước
của những người chơi. Con số trên đây chỉ là con số để tham khảo mà thôi.
Một số cải biến để trò chơi thêm hấp
dẫn:
1. Đấu thẻ rời: Khi còn lại chỉ trạng
anh, người ta tạo thêm hào hứng bằng cách đấu 1, 2 thẻ hường. Ai nhiều hường
hơn sẽ ăn hết. Lối đấu này chỉ căn cứ theo mặt hường.
2. Hạ giá trạng: Khi đã hết thẻ nhỏ
mà đổ nhiều vòng không lên trạng, để cho nhanh có thể hạ giá trạng. Thông thường
là phân song tam hường, có thể là trạng em trừ suốt (Có nghĩa là phân song, tứ
tự cáp, thượng hạ mã.)
3. Cướp Trạng Em: Khi có 8 người chơi
trở lên, người chơi chấp nhận bán trạng 2 lần thì giá trị của trạng em tăng lên
nhiều. Có thể chia ra 3 cấp để cướp trạng em.
Cấp I: Phân song tam hường
Cấp II: Phân song, tứ tự cáp, thượng
mã, hạ mã
Cấp III: Suốt
Như vậy phân song tam hường có thể cướp
trạng em cấp II và III, cấp II có thể cướp trạng em của Suốt.
Người lấy trạng em trước thì bị cướp
trước.
4. Không lấy thẻ: Người chơi có quyền
không lấy thẻ giữa làng vì không ai cấm 1 người từ chối quyền lợi mình được hưởng.
Như vậy người chơi có cơ hội cướp trạng nhiều hơn.
Bằng cách chơi mới lạ này mà bạn bè
Quốc Học 61-64 đã áp dụng trong buổi họp mặt đầu năm Đinh Hợi. Nó tạo nên niềm
vui vô kể.
Hầu như trò chơi nào cũng có những biến
thái thích hợp để tạo nên hào hứng và vui vẻ nhiều hơn. Do đó chúng ta không
nên câu nệ lề thói cũ mà thử áp dụng những cải biến trong trò chơi xăm hường để
trò chơi vui hơn, hấp dẫn hơn.
Chế tác thẻ Xăm Hường
Trong nội cung triều Nguyễn và các
gia đình quan lại trước đây, thẻ xăm hường có thể làm bằng ngà voi. Sau này, thẻ
xăm hường được làm bằng vật liệu khác dễ kiếm hơn. Vật liệu có thể là sừng bò,
sừng trâu trắng, xương, tre, gỗ để làm xăm. Có thể in, vẽ hình trạng và ghi chữ
Hán, cũng có thể ghi chữ số, miễn sao có đủ thẻ lớn nhỏ để chơi.
Bộ thẻ xăm hường của tôi được chế tác
từ đũa nhựa melamine của Trung Quốc. Chỉ cần cắt dài ngắn khác nhau ta có thẻ
nhất hường, nhị hường, tứ tự. Ghép 2 thẻ tứ tự cho dài hơn 1 tí ta có thẻ tam
hường, ghép 3 thẻ dài hơn ta có trạng em, dài hơn chút nữa ta có trạng anh.
Dùng keo dán Super Glue để gắn các thẻ đũa lại với nhau. Cách chế tác này dễ
dàng, ai cũng làm được vì đơn giản vô cùng mà âm thanh của thẻ va chạm nhau
cũng thanh tao “nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau” vui tai lắm lắm.
Xăm hường là một trò chơi mang đậm
nét văn hoá đặc sắc. Trò chơi phổ biến rất rộng rãi trong xã hội Huế và các
vùng lân cận. Trò chơi vô cùng tao nhã và thân thiết.
Cứ mỗi lần Tết đến, được nghe âm
thanh các hột súc sắc đỗ dòn trong cái tô kiểu, lòng người tự nhiên thấy rộn rã
một không khí vui tươi, đầm ấm của một gia đình người Huế đón xuân.
Mỗi gia đình người Việt dù ở Việt Nam
hay xa xứ nên kiếm mua hoặc tự làm một bộ xăm hường để gia đình được quây quần
vui vẽ trong ba ngày Tết với trò chơi tao nhã: XĂM HƯỜNG.
LÊ DUY ĐOÀN
Mồng 8/1/Đinh Hợi.
No comments:
Post a Comment