Trò chơi ngày Tết xứ Huế: XĂM HƯỜNG
Sáng mồng 7 tháng giêng năm Đinh Hợi, tôi đang chiên mấy
miếng bánh tét thì nghe vợ tôi gọi với xuống từ lầu một:” Anh Đoàn ơi ! Họ nói
về Xăm Hường trong chương trình VTV1 của truyền hình VN kìa”. Tôi vội bật TV,
vừa kịp lúc phóng viên đang phỏng vấn một người dân sống ở phố cổ Hội An, đứng
bên cạnh một nhóm người đang chơ Xăm Hường ngồi trên một chiếc chiếu trải giữa
nền của một ngôi nhà rường sang trọng. Người Vieetjgoocs Hoa này bảo rằng trò
chơi Xăm Hường là một trò chơi của người Hoa, được du nhập vào Việt Nam do
người Minh Hương (Việt gốc Hoa) từ rất lâu khi tổ tiên họ chạy sang nước ta và
được vua chúa Triều Nguyễn cho lập thành làng gọi là Minh Hương.
Tôi nhận thấy những câu hỏi của phóng viên lẫn câu trả lời
của người được phỏng vấn đều mang tính võ đoán và thiếu căn cứ. Một phát biểu
như vậy trên phương tiện truyền thông dễ gây ra ngộ nhận về xuất xứ của trò
chơi Xăm Hường
Bài viết này nhằm xác định trò chơi Xăm Hường được bày ra để làm trò tiêu khiển trong nội cung
Triều Nguyễn. Sau đó, những người trong Nguyễn Phước Tộc và các quan lại mang trò chơi này ra ngoài cung và trò chơi trở
nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn Huế và Thừa Thiên.
Người dân các xứ Quảng (Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi)
cũng có vài gia đình chơi trò Xăm Hường. Những gia đình này có thể là người gốc
Huế hoặc trong dòng tộc có người làm quan trong triều đình Huế và từng có thời
gian làm việc ở đây, họ có dịp chơi nên thích trò này.
Vào trong Nam hay ngoài Bắc, trò chơi này hoàn toàn lạ lẫm.
Như vậy, trò chơi Xăm Hường ví như vết dầu loang, từ cung
đình Huế lan ra khắp Huế và Thừa Thiên rồi tỏa ra các vùng xứ Quảng, rồi thôi.
Những vùng xa như Bình Định, Phú Yên trở vào đến Cà Mau, từ Quảng Bình trở ra
Bắc hầu như chẳng ai biết trò chơi này.
Trở lại bài phỏng vấn về Xăm Hường trên VTV1, bảo rằng Xăm
Hường có nguồn gốc từ Trung Quốc là không có căn cứ vì nếu người Minh Hương đem
trò chơi này du nhập vào Việt Nam thì không cứ gì có người Minh Hương ở Hội An
chơi trò này mà người Minh Hương ở Chợ Lớn là một cộng đồng người Hoa rất rộng
lớn lại không biết? Dòng họ Mạc Thiên Tích lập nghiệp ở Hà Tiên ắt cũng phải
đem trò chơi thú vị này du nhập chứ sao lại không nhỉ?
Để chứng minh thêm trò chơi Xăm Hường phát sinh từ nội cung
triều Nguyễn, tôi dẫn ra đây vài chứng cứ:
1. Nếu phát sinh từ các triều vua trước ở Thăng Long, thì
với mức thẩm thấu của trò chơi này, ít nhất là người ở Đông Đô Hà Nội phải có
người biết. Dân Bắc chẳng ai biết xăm hường.
2. Trò chơi được gọi một cách thuần Việt là“XĂM HƯỜNG”. Tên
gọi này chỉ ra việc từ chữ Hồng nói trại ra thành chữ Hường. Chắc chắn là những
người ở Hội An không thể nói tên gọi của trò chơi này theo một cách gọi của
người Tàu (ví dụ như Hồng Thiêm, chẳng hạn ) mà chỉ có thể gọi một cách thuần
Việt và Huế đặc là Xăm Hường.
3. Trò chơi Xăm Hường chắc là được bày ra sau đời vua Minh
Mạng.
Để thiết lập một nền quân chủ kỷ cương, năm 1832, vua Minh Mạng sai
ông Đinh Hồng Phiên (có nơi ghi là Đinh
Nguyễn Phiên) soạn Đế hệ thi và 10 bài Phiên
hệ thi, mỗi bài có 4 câu 5 chữ để phân
biệt dòng chính và dòng thứ trong Nguyễn Phước Tộc. Đế hệ thi có 4 câu:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Bài Đế hệ thi được khắc trong một cuốn sách bằng vàng, cất
trong hòm vàng đẻ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bài Phiên hệ
thi cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc.
Chữ Hồng (màu đỏ) nói trại ra thành Hường, kị húy Hồng Nhậm, tên vua Minh Mạng. Đây là lối nói
tránh những từ huý kị rất phổ biến ở Huế, ví dụ như cửa Đông Hoa nói trại thành
Đông Ba vì chữ Hoa là kị húy Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh
Mạng.
4. Trong dịp Festival Huế 2006, chương trình lễ hội có Đêm
Hoàng Cung, Ban tổ chức đưa vào nhiều loại hình văn hóa Huế, trong đó có trò
chơi Đổ Xăm Hường. Dịp này, ông Giám đốc Bảo tồn Bảo tàng Cố đô Huế phát biểu
rằng ông đã đi đến rất nhiều bảo tàng dân tộc học của Trung Quốc nhưng không
nơi nào có dấu vết của trò chơi Xăm Hường.
Nhân đây tôi xin trình bày thêm những điều liên quan đến trò
chơi Xăm Hường, một trò chơi phù hợp với niềm hân hoan của con người trong ngày
Tết, phù hợp với việc tạo một không khí ấm cúng, đầy tình thương yêu gắn bó các
thành viên trong gia đình,bằng hữu từ già tới trẻ, ai chơi cũng được, cũng vui,
thậm chí người không biết luật vẫn ngồi vào chơi được như thường.
Người ta thường chơi Xăm Hường trong mấy ngày tết, có kéo
dài lắm thì cũng đến hết mùng thì thôi. Đây là một trò chơi tao nhã vì không ai
dùng Xăm Hường để sát phạt. Hầu như không có tiếng cãi cọ, cay cú trong lúc
chơi, chỉ có tiếng cười vui rộn rã hòa với tiếng leng keng vui tai của nạm hột
súc sắc xoay tròn trong tô kiểu cùng tiếng lách cách của những thẻ hường va
chạm nhau.
Số lượng người tham dự trò chơi này có thể lên đến 12 người
hay nhiều hơn nữa nếu chúng ta biết cách chơi. Do đó, Xăm Hường rất phù hợp với
không khí gia đình chung vui trong ngày Tết.
Chẳng ai chơi Xăm Hường mà tính chuyện gian lận vì không ai
có thể điều khiển được một lúc 6 hột súc sắc. Tính minh bạch của trò chơi rất
cao, 6 hột bày ra rõ ràng trước bao nhiêu cặp mắt nên người không biết tí gì về
Xăm Hường cũng có thể ngồi vào chơi thoải mái, chỉ cần thả hột vào tô thì có
người đọc và lượm thẻ giúp. Chỉ qua vài ba ván là biết được luật chơi liền.
Nhiều người tin rằng chơi Xăm Hường như một cách bói quẻ tốt
xấu đầu năm. Trong cuộc chơi, ai lấy được Trạng anh (Trạng Nguyên), Trạng em
(Bảng Nhãn, Thám Hoa) nhiều lần thì chắc cả năm danh tài đắc lợi, công việc
hanh thông, thăng tiến. Trước ăn sau thua thì đầu năm tốt, nữa năm về sau xấu
và nếu trước thua sau ăn thì ngược lại tiền hung hậu cát.
Nếu bị cướp trạng thì coi chừng những điều xui rủi, công
việc gãy đỗ giữa chừng.
Hên nhất là ngũ hường đoạt tam khôi, cướp một lúc 3 ông
trạng chắc là trong năm có cơ hội hoạnh phát tài lộc. Khó nhất là lục phú, tức
là 6 hột súc sắc cùng hiện ra một mặt giống nhau. Vì là cực kỳ khó nên người ta
tin rằng điều quá tốt hiển hiện thì có sự việc quá xấu tiềm ẩn.
Những điều cần biết về trò chơi Xăm Hường:
1. Vì sao Xăm Hường dùng mặt tứ (4) làm chuẩn của trò chơi?
Xăm Hường là một trò chơi mang tinh thần khuyến học. Đổ Xăm
Hường là gieo 6 con súc sắc để dành những chiếc thẻ khắc ghi các học vị trong
hệ thống khoa cử ngày xưa. Trong trò
chơi Xăm Hường cũng có các cấp đỗ đạt như vậy mà phần thưởng cho người chơi là
những thẻ xăm hường, trong đó cao nhất là Trạng Nguyên.
Có lẽ nhiều người thắc mắc vì sao người bày ra trò chơi này
lại lấy mặt tứ (4) làm chuẩn, trong khi mặt nhất (1) cũng có màu đỏ.
Vì là chốn quan trường nên cung quan là chủ đạo của trò
chơi. Người ta đã lấy hào tứ của quẻ Dịch làm chủ đạo.
Trong quẻ Dịch có 6 hào, từ sơ hào đến hào thượng. Sáu mặt
của hột súc sắc (nhất - nhì - tam - tứ - ngũ - lục) tương ứng với 6 hào. Mỗi quẻ 6 hào tương ứng với 6 ngôi phân biệt
trong xã hội quân chủ. Hào Đầu là ngôi thứ dân, hào Hai là ngôi tư mục, hào Ba
là ngôi đại phu, hào 6 là ngôi trời, hào 5 là ngôi vua (cửu ngũ) và hào 4 là
ngôi quan lớn (đại thần) nên người bày ra trò chơi này lấy mặt tứ làm chủ đạo
cho trò chơi. Mặt tứ có màu đỏ được gọi là Hường vừa vuông vắn, vừa đẹp lại vừa
có ý nghĩa như thế.
Người ta dựa trên thuật toán xác suất và căn cứ vào tần suất
xuất hiện của các mặt súc sắc để định ra luật lệ trò chơi. Càng khó xuất hiện
(tức là xác suất thấp, tần suất xuất hiện ít) thì mức thưởng càng cao. Từ đó
hình thành ra các loại thẻ xăm hường.
Bộ thẻ Xăm Hường được lập theo thứ tự quẻ Dịch: Thái Cực
(1), Lưỡng Nghi (2), Tứ Tượng (4), Bát Quái (8) từ đó tăng dần lên theo cấp số
nhân mà công bội là 2. Nếu tính đơn vị là 1 thẻ nhất hường (giá trị là 1) thì
tổng giá trị của cả bộ Xăm Hường là 192 đơn vị, chia ra làm 6 loại thẻ, mỗi
loại thẻ trị giá 32 đơn vị gọi là 1 Trạng.
I. Tên gọi và giá trị của các loại thẻ Xăm Hường:
TT
|
Tên gọi
|
Giá trị
|
Số lượng (thẻ)
|
1
|
Thẻ Trạng Nguyên (dân gian gọi là Trạng anh)
|
32
|
1
|
2
|
Thẻ Bảng Nhản, Thám Hoa (Trạng em)
|
16
|
2
|
3
|
Thẻ Tam Hường
|
8
|
4
|
4
|
Thẻ Tứ Tự (hay Tứ Tấn)
|
4
|
8
|
5
|
Thẻ Nhị Hường
|
2
|
16
|
6
|
Thẻ Nhất Hường
|
1
|
32
|
Tổng mỗi loại thẻ có giá trị 32 đơn vị gọi là 1 trạng x 6 =
192 đơn vị, người ta gọi là 6 Trạng.
Nhất hường tương đương với cấp đỗ đạt là Tú Tài, nhị hường
tương đương Cử Nhân. Thẻ Tam Hường còn gọi là thẻ Tam Hường Hội nguyên.
Như vậy chỉ với 1 bộ 6 hột súc sắc và một bộ thẻ như trên
với 1 cái tô kiểu tiếng kêu thanh tao là ta đã sẵn sàng cho một cuộc chơi vui
thú.
(Còn tiếp.)
LÊ DUY ĐOÀN
(Còn tiếp.)
LÊ DUY ĐOÀN
Trích từ tập sách:
ĐI TÌM NHÀNH HOA THẠCH THẢO,
Tác gỉả LÊ DUY ĐOÀN,
NXB Thanh Niên,
2014.
(Tác giả gởi tặng)
(Kì sau: Những qui ước trong trò chơi Xăm Hường)
No comments:
Post a Comment