ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY: MÙA XUÂN
Hoàng Tấn Linh đọc thơ Võ Văn Luyến
Nhà thơ Võ Văn Luyến |
Đến với Mùa xuân của Võ Văn Luyến, ấn tượng đậm nhất gieo vào lòng người chính là cảm giác lạ. Không câu nệ, không khuôn sáo, anh đến với hương xuân bằng sự lắng đọng của tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.
Mùa xuân dắt tay qua đồng cỏ
Nắng vàng như em đủ nhớ một đời
Ta nghêu ngao bài ca du mục
Bầy chim ri rỉa cánh bên trời
Ngọn gió nào kết nên hương lạ
Ta cỗi cây đành vẫy bút thiên di
Em tơ nõn, kiếp ta đòi xanh lá
Cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì
Ngày xuân thuần khiết trong thơ là không gian sáng rỡ; rất
sáng của một tâm hồn đa cảm. Thế giới xuân như một di ảnh đa tình, đồng cỏ đầy
nắng vàng, ngọn gió đậm hương lạ, lộc biếc trên cành tơ nõn, bầy chim ri rỉa
cánh bên trời. Vẻ cao rộng vừa xa vừa gần lâng lâng một cảm giác mê hoặc được
tạo bởi một thanh âm rất trong, hoặc tưởng chỉ có tâm hồn thi sĩ lắng đọng
trước tạo vật.
Vài nét chấm phá bức tranh xuân của anh đã khiến lòng người
rộn ràng, thổn thức. Đồng cỏ rộng ươm đầy nắng, chất chứa trong cái dắt tay đầy
niềm dấu ái. Mùa xuân dắt tay, bạn nghi ngại gì về điều đó, hãy lắng hồn mình
trong khúc ca diệu vợi. Xuân là em, ta bên em đồng điệu song hành; em đưa ta về
bên xuân trải rộng. Ta đi trên đồng cỏ xuân, nơi vi diệu của tâm hồn ta là khúc
tự tình xuân ca.
Mùa xuân dắt tay qua đồng cỏ
Nắng vàng như em đủ nhớ một đời
Ta nghêu ngao bài ca du mục
Bầy chim ri rỉa cánh bên trời
Xuân ca rạo rực, rộn ràng loa toả trong tâm hồn thi nhân.
Hình ảnh nắng vàng như em là một phát hiện lạ, rất lạ khi tơ tình mùa xuân của
nhà thơ tan loãng, phân thân trong khúc điệu của xuân. Nắng xuân của niềm dấu
ái, nắng đủ nhớ một đời; nắng của sự cảm nhận, sự chiêm nghiệm độc đáo. Độ lắng
của ngôn từ được đo bằng sự rung cảm và chan hoà. Trên cao, đàn chim ri rỉa
cánh bên trời hay là sự hiện hữu của không gian cao xanh. Bầu trời trong vắt,
thanh âm đàn chim rỉa cánh không làm lay động nắng vàng mà ngược lại là sự điểm
tô, khắc hoạ thêm một thanh điệu xuân ca. Bức tranh thật đẹp, đẹp cả trong độ
lắng tâm hồn thi nhân. Cái ta của tác giả là sự mặc nhiên của cái tôi tự tại;
hai tiếng nghêu ngao không dừng lại ở việc thưởng ngoạn mà là sự tan loãng.
Ngày lên, xuân đến thật ý vị, mang một dấu ấn khó phai.
Bất chợt trong hương xuân của Võ Văn Luyến là “thanh sắc
thời tươi” (Lời thơ Xuân Diệu). Hương xuân thật lạ nhưng đằm thắm: Ngọn gió nào
kết nên hương lạ
Ta cỗi cây đành vẫy bút thiên di
Em tơ nõn, kiếp ta đòi xanh lá
Cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì
Không gian mùa xuân hiện ra gần hơn, gần đến nội tại tâm hồn
tác giả. Lần này em không dừng lại ở nắng vàng nữa mà là sự tơ nõn của lá; lá
tơ nõn để ta ngẩn ngơ một kiếp. Sức xuân trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ!. Tôi
nhớ, có lần bên bờ sông Đà lặng tờ, Nguyễn Tuân cũng đã dùng hai tiếng nõn búp
để diễn tả sức sống, màu xanh đang trỗi dậy của miền Tây Bắc. Võ Văn Luyến thì
khác, cái ta (cái tôi hiện hữu của tại ngã) hoá thân vào cỏ cây để lắng mình
trong sự tơ nõn, cảm nhận trong từng khoảnh khắc sức xuân đang trào dâng. Tận
đáy lòng của tâm hồn yêu đời của thi nhân trỗi dậy bằng ta cỗi cây, kiếp ta đòi
xanh lá. Ta lắng mình, ta đi trong kiếp cỏ cây để lắng nghe từng tiếng tơ lòng
của mùa xuân đang đến. Chỉ có cỏ cây, chỉ có em tơ nõn mới giữ được hồn ta. Ta
bỏ lại tất cả, ta vẫy bút thiên di mà không một ngôn từ nào đánh đổ, mã hoá được
kiếp ta đòi xanh lá.
Mùa xuân trong thơ Võ Văn Luyến thật lạ, thật đẹp. Đẹp đến
nao lòng, bởi đó là sự hòa hợp giữa hương đất trời xuân ca và độ lắng đến chân
xác tâm hồn nhà thơ. Câu thơ cuối hiện ra kết nối tình yêu đất trời và hương
xuân của con người. Mùa xuân đã cảm hoá được cái ta ngêu ngao an nhiên giữa
nắng của tác giả, đã soi vào gương mặt xuân xanh hương lạ mỗi người.
Xuân lòng. Lòng thi nhân đã hướng về cuộc đời. Nên chăng
xuân đất trời cũng là xuân của con người. Ta đi trong xuân, nghe trong đó kiếp
xuân thì và cả những gì nhuận sắc nhất ta dâng cho đời. Ngọn lửa tình rạo rực
hương xuân rồi sẽ cháy hết, sáng rực lẽ sống cho đời. Phải chăng, đó là thông
điệp mà Võ Văn Luyến dành cho cuộc đời, mỗi người vào độ xuân về. Hình ảnh thơ
cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì một lần nữa đánh thức ở chúng ta ý thức về
niềm sống, ý thức về chính mình, tuổi mình trước tạo vật.
Tác giả Hoàng Tấn Linh |
Tứ thơ Mùa xuân của Võ Văn Luyến thật nhẹ nhàng, dung dị mà
sâu sắc, bằng lặng nhưng lại rất mãnh liệt dữ dội; dường như đó là chuỗi kết
nối của những trải nghiệm, bởi ngoài Mùa xuân, anh còn đến với hương đất trời
bằng Mùa xuân gõ cửa, bằng Bất chợt mùa xuân, Mẹ ơi xuân đến rồi kìa. Tin rằng
những vần thơ đó là minh chứng của tâm hồn tha thiết cháy trăm năm da diết tuổi
xuân thì.
No comments:
Post a Comment