Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, December 12, 2017

VĂN HỌC DÂN GIAN QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG DƯỚI MẮT NHÀ THƠ - Châu Thạch



VĂN HỌC DÂN GIAN  
QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG 
DƯỚI MẮT NHÀ THƠ 

(Bàn về bộ sách văn học của 
nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ) 

 *Châu Thạch


Tần Hoài Dạ Vũ, một nhà thơ được yêu mến tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Bút danh Tần Hoài Dạ Vũ của ông quen thuộc trên nhiều tờ báo và nhiều tập san văn học có uy tín thời bấy giờ. Sau năm 1975 ngoài việc sáng tác, ông còn dày công sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn về văn học dân gian Quảng Nam Đà nẵng. Nhà thơ đã xuất bản nhiều đầu sách về văn học, trong đó các sách “Văn Học Dân Gian Quảng Nam – Đà nẵng tập I Tập II Tập III và tập IV với tên thật của ông là Nguyễn Văn Bổn. Những tập sách nầy đã được các bậc thức giả đánh giá cao. Vừa qua ông đã in và sẽ xuất bản 4 tập sách nầy thành một bộ sách sau khi chỉnh sửa , viết thêm. Ông cho biết đây là một “bộ sách của một đời người” vì ông đã mất trên 30 năm với nhiều công sức để hoàn thành nó.

Theo dõi văn học sử ta biết rằng văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng là một nền văn học mới ra đời độ chừng 600 năm nay, từ đời nhà Hồ khi lảnh thổ Chăm-Pa lọt vào tay Đại Việt. Tuy thế nền văn học nào phát sinh nơi đất mới định cư cũng có nguồn gốc từ đất mẹ xa xôi. Khi các lưu dân từ miền Bắc di cư vào lập nghiệp ở đất nầy họ đều mang theo cái vốn văn hóa nơi bản gốc tổ tiên họ ở, rồi thì hòa quyện với đời sống mới, với văn hóa bản địa, theo năm tháng hình thành lên một nền văn hóa mới mang nhuần nhuyễn bản sắc hai quê hương. Biên khảo về một nền văn hóa dân gian hơn 600 năm đó, không dài mấy đối với lịch sử đất nước đã có 4000 năm văn hiến. Tuy thế trong 6 thế kỷ trôi qua có biết bao nhiêu biến động làm cho “Thương hải biến vi tang điền”, làm mai một, làm lu mờ làm biến đổi cái di sản văn hóa đó mà đa số con cháu thừa tự lại từ bia miệng. Vì vậy muốn dựng lại gần giống y như nguyên gốc thì nhà biên khảo trước hết phải có trình độ và một cái nhìn khách quan, sâu sắc.  Thời gian gần đây, nhiều công trình biên khảo về văn học sử, về ngôn ngữ trong nước bị chỉ trích quá nhiều về sự sai lệch, về sự cẩu thả, về sự cố ý hướng tư tưởng xã hội đi theo mục đích vụ lợi làm cho niềm tin vào loại sách nầy trở nên suy giảm. Được biết bộ sách “Văn học nhân gian Quảng Nam- Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Bổn tức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã viết trong chiều dài thời gian trên 30 năm, với tình yêu quê hương đất Quảng ông đã lặn lội đi tìm, dè dặt, so sánh đánh giá để viết lại câu ca dao cho chính xác, dựng lại câu chuyện dân gian đúng nguyên bản là điều ta có thể tin cậy vào bộ sách của ông. Ngoài ra cọng với kiến thức văn học sử, công tâm của một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn ta có thêm tin tưởng vào cái nhìn của một nhà thơ sẽ thấy sâu sắc hơn những điều hay tiềm ẩn trong nền văn hóa dân gian Quảng Nam- Đà nẵng và sự diễn đạt truyền tải đến ta với lời văn hay hơn, cho ta hiểu được thấu đáo hơn. Người viết bài nầy tuy chưa được đọc trọn bộ sách nầy nhưng những ngày qua cũng đã tìm hiểu sách và tác giả nó qua truyền thông trên diễn đàn văn học, nhờ đó biết được đây là một bộ sách đáng tin cây vì sự dè dặt kỷ lưởng và tình yêu bất vụ lợi của tác giả với nền văn hóa dân gian nơi chôn nhau cắt rốn của mình.  
Chỉ cần đơn cử một câu ca dao “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” mà các nhà nghiên cứu lắp ghép thêm từ những câu ca dao vùng miền khác thành rất nhiều dị bản quái gở,  đã được tác giả “Văn học nhân gian Quảng Nam- Đà Nẵng” cất công nghiên cứu và chứng minh chỉ có 14 dị bản hợp lý, từ đó ta cũng thấy được phần nào tính chính xác của sách.
Chỉ cần đơn cử câu ca dao “Bửa nay đợi bún Chợ Chùa, đợi mắm Nam Ô, đợi cua làng Gành” mà không có “Văn học nhân gian Quảng Nam –Đà Nẵng” giải thích rõ ràng là bún Chợ Chùa thuộc xã Duy An, Huyện Duy Xuyên. Quảng Nam thì có lẽ bao nhiêu thế hệ học sinh đời nầy và đời sau sẽ được học là bún Chợ Chùa ở phường Hải Châu, Quận hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Những cách “làm khoa học” cẩu thả ấy, theo nhà thơ Tần Hoàn Dạ Vũ, “chẳng những đắc tội với tiền nhân mà còn có lỗi với thế hệ trẻ hiện nay và mai sau”.
Thế rồi biết bao câu chuyện về Thủ Thiệm, nhân vật gây tiếng cười dân gian độc đáo của Quảng Nam- Đà Nẵng đã được bịa đặt thêm, pha trộn, chỉnh sửa, truyền tụng gán ghép cho Thủ Thiệm và được chép vào sách một cách bừa bải làm mất đi tính văn hóa trong những hành động của nhân vật có thật nầy. Bằng sự tận tụy nhiên cứu, sưu tầm trong 25 năm để chốt lại 114 câu chuyện gây cười độc đáo của Thủ Thiệm, nhờ đó Thủ Thiệm được tôn vinh xứng đáng với nhân cách Thủ Thiệm, với tiếng cười độc đáo Thủ Thiệm.
Lần nầy tác giả bỏ ra hơn 160 triệu đồng để in 500 bộ sách, mỗi bộ 4 tập với tổng số 2078 trang in, mỗi bộ được đựng trong một hộp carton trang trí bên ngoài đẹp. Vậy thì trong tình hình chơi sách hiện nay, nếu không bởi tấm lòng khao khát với ước muốn tặng cho đời những tư liệu của nền văn hóa dân gian trên quê hương mình thì nhà thơ có lẽ không bỏ tiền ra in, vì nhà thơ không giàu mà sự thu lại vốn chắc chắn là phải bù lổ rất nhiều.
Người viết nghĩ rằng với những bộ sách như thế nầy, nếu đặt vào đâu thì nó ích lợi đó. Nếu đặt vào thư viện của học đường, thì sinh viên, học sinh sẽ biết rằng quê hương không chỉ là “chùm khê ngọt cho ta trèo hái mỗi ngày”mà quê hương là cây cam ngọt ngàn năm cho cả tâm hồn và hương sắc của con người ta. Nếu đặt nó vào bàn tay người xa xứ thì người xa xứ sẽ thấy dòng sông, ruộng đồng và những ngôi nhà thờ tổ tiên có tự ngàn xưa cùng với thân quyến của mình một thời trong dĩ vảng.  Nếu đặt vào bàn tay bất cứ một người Việt Nam nào thì sách sẽ cho ta những giờ phút lắng đọng bởi những câu ca dao, đồng dao ngọt ngào và dí dỏm, những tiếng cười rộ lên thoải mái với những câu chuyện dân gian vô cùng ngộ nghỉnh.
Hy vọng sách của nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu văn học Tần Hoài Dạ Vũ Nguyễn Văn Bổn sẽ đi vào học đường và đến mỗi nhà trong cũng như ngòai nước. Được như thế sẽ khuyến khích những cây bút rất hiếm như ông hiện nay, có đủ điều kiện viết dồi dào, hầu cho truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương còn giữ mãi đến con cháu ngàn đời sau./.
                                Châu Thạch




No comments: