Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 17, 2012

NHỚ LỜI PHÊ CỦA THẦY CHÂU KHẮC TÚY - Lê Duy Đoàn

(Thầy dạy Toán của tôi năm lớp Đệ nhị, Trường Quốc học niên khóa 62-63) .


Trường Quốc Học - Huế


Tôi là học sinh trường Quốc Học từ năm 1957 đến năm 1964, từ Đệ thất cho đến Đệ nhất.

Niên khóa 1962-1963, tôi học lớp Đệ nhị A 2. Lớp tôi ở đầu dãy trệt gần cổng sau bên hông trường. Trước dãy lớp, một hàng dương liểu cổ thụ và  một sân bóng rổ.

Những Thầy dạy lớp tôi năm đó là các Thầy:

 - Quốc văn: Thầy Lâm Tài
– Toán : Thầy Châu Khắc Túy
– Lý hóa: Thầy Trần Đình Bình
– Vạn vật: Thầy Nguyễn Thanh Lộc
– Pháp văn : Thầy Nguyễn Văn Thường
– Anh văn : Thầy Nguyễn Văn Chương
– Sử địa : Thầy Bùi Ngọc Liên
– Công dân giáo dục : Thầy Chu Trọng Thuyết
- Thể dục : Thầy Lương Tấn Liêm.

Thầy Lâm Tài cao, vai rộng đi xe Peugeot 203 màu lá chuối non, thường mặc bộ veston màu xám lục nhạt, nhớ Thầy một lần vui miệng  thầy  khoe bảng số xe của Thầy cọng lại thành số 9 là số may mắn, Thầy có người em gái cao , tóc đen dài đẹp và dễ thương..nhưng thương không dễ. Thầy Châu Khắc Túy thường mặc quần màu đen không  li, áo màu trắng bó sát người, khi viết bảng thì viết dấu sắc ngược từ dưới lên , dài và thẳng như mũi tên bắn lên trời. Thầy Trần Đình Bình có khuôn mặt và nét môi rất giống tài tử Pháp nổi tiếng thập niên 60 là Jean Paul  Belmondo. Thầy Nguyễn Thanh Lộc: cao dong dỏng nước da trắng xanh, tánh hiền lành, dạy môn Vạn vật rất rõ ràng dễ hiểu. Chính thích lối dạy của Thầy tôi học môn này rất giỏi, đứng thứ 2 trong lớp. Thầy Nguyễn Văn Thường: Thầy đi chiếc xe traction màu đen, thấp người, miệng móm kiểu Tây, thầy được học trò gọi với tên thân mật là Me-xừ Vincent theo tên một nhân vật trong sách giáo khoa môn Pháp văn.Thầy Nguyễn Văn Chương : Ra dáng một quý Ông phớt tỉnh Ăng lê thứ thiệt, lối nói rất hóm hỉnh dễ mến, dạy rất hay. Thầy Bùi Ngọc Liên nói giọng Quãng Trị và Thầy Chu Trọng Thuyết là giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm đó. Thầy Lương Tấn Liêm, ở Sài gòn ra dạy làm moniteur môn thể dục.  Thầy đẹp trai, cường tráng. Cơ thể thầy rắn chắc, những bắp thịt nổi cuồn cuộn. Nước da đen bóng. Lúc đó, có quảng cáo kem đánh răng Hynos có hình một người da đen khoe hàm răng trắng. Học trò gán cho Thầy Liêm biệt danh là “Hynos, chachacha”. Chỉ là tinh nghịch của tuổi học trò chứ không phải là ác ý.

Tôi nhắc lại những điểm đáng mến của các Thầy với  lòng thương mến,quý trọng và biết ơn những vị Thầy đã tận tụy dạy chúng tôi dưới mái trường Quốc Học năm ấy.

Câu chuyện tôi kể dưới đây nói về cái tài và cái tâm của  Thầy giáo dạy môn Toán lớp tôi năm đó: Thầy Châu Khắc Túy.

Thầy tốt nghiệp Thủ khoa môn Toán, trường Đại học Sư phạm Huế. Thầy dạy môn toán rất hay và dễ hiểu. Giờ học của Thầy là giờ học thú vị có lẻ vì thầy tạo được hứng thú học tập nơi học sinh và biết rõ học trò tiếp thu bài vở đến đâu, dù dạy ban A là môn thứ yếu hệ số 2 (trong khi đó môn Vạn vật và Lý hóa đều hệ số 3). Thầy cũng dạy rất tận tụy và đầy trách nhiệm theo đúng lương tâm chức nghiệp của một nhà giáo.

Tôi là một trong năm học sinh giỏi môn Toán trong lớp 55 học sinh.

Học kỳ 1, môn Toán tôi có điểm số khá cao. Thầy Túy phê vào học bạ là “khá, chăm”.

Qua học kỳ 2, khi làm bài thi Lục cá nguyệt thứ nhì, tôi hấp tấp thấy bài thi dễ nên không cẩn thận tính toán sai con số từ đầu nên làm sai cà bài thi. Điểm thấp. Thầy phê “kết quả không may”.

Tôi cám ơn Thầy vì lời phê  “có một không hai” này.  Chỉ có ông Thầy biết rõ học trò và sâu sát với lớp mới viết ra mấy chữ đầy ân tình như thế.

Tôi rất thích lời phê này vì tôi biết hàm ý của Thầy là “Trò là một học sinh khá, Thầy biết sức học của trò. Chẳng qua lần này vì lý do nào đó mà trò làm bài sai. Thầy cho là trò không gặp may mà thôi”  Cuối năm đó trong kỳ thi Tú tài Bán phần tôi làm bài cẩn thận hơn, dò đi dò lại nhiều lần. Kỳ thi đó tôi đậu bình thứ.

Tôi  tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế năm 1970, đã dạy học sinh các trường Trung học Đệ nhị cấp Đại Lộc, Quãng Nam, đổi về dạy Trường Trung học Đệ nhị cấp Quốc học Huế năm 1974. Tôi đã dạy học sinh các trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, Gia hội ở Huế sau 1975.

Cứ đến mỗi kỳ tổng kết điểm kỳ 1, kỳ 2 và cuối năm, mỗi lần ngồi vào bàn phê vào học bạ của học sinh tôi lai nhớ Thầy Châu khắc Túy, nhớ câu phê của Thầy trong học bạ của tôi, nhớ cả hình ảnh Thầy đứng trên bục giảng bài, nhớ cả giọng nói và chữ viết với dấu sắc kẻ ngược từ dưới lên như tên bắn.

Tháng 12 năm 1998,  trong một đám cưới của người em bạn dì của vợ tôi là Trần Nhơn với người con gái của Thầy Túy (cô Châu Khắc Diễm Phương) tôi  nghe câu chuyện của Thầy.

Thầy bị đạn khi  trên  đường chạy loạn trong sự kiện Tết Mậu thân (1968). Sau 68, hầu như mọi người quen biết Thầy  đều đinh ninh là Thầy bị bắn. Trong một buổi lễ kỷ niệm của trường Quốc Học có mời bà Lê Thị Cháu là hiền nội của Thầy Châu Khắc Túy. Ông Ngô Yên Thi (cựu học sinh trường Quốc học niên khóa 1961-1964) là bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa thiên nói rằng, Thầy Châu Khắc Túy hoạt động cho cách mạng và qua đời khi đi công tác. Do ông Ngô Yên Thi nói công khai như thế, Bà đến văn phòng Tình ủy xin xác nhận điều đó để con cái Thầy có thể vào học đại học.

Bây giờ gia đình Thầy Túy có tấm giấy của Nhà nước  CHXHCN Việt nam công nhận Thầy Châu khắc Túy là Liệt sĩ. (viết theo lời kể của Bà Lê Thị Cháu, hiền nội của Thầy).

Bây giờ nhớ Thầy, tôi giở những trang học bạ ra xem. Tôi ngậm ngùi nhìn lời phê và chữ ký của Thầy. Một người Thầy đáng yêu, đáng quý mà đoản mệnh.

Chữ ký của Thầy có nét cắt của chữ Y kèm theo một dấu chấm.


Sài gòn, ngày 16/11/2012
Lê Duy Đoàn

No comments: