Lê Hứa Huyền Trân
Ba mẹ đi làm xa nên từ khi còn bé tôi đã về ở với ông bà. Ở quê tôi có biết bao thú vui mà dân thành thị khó kiếm được. Những thú vui ấy theo tôi bay nhảy suốt quãng ấu thơ của mình từ nhảy dây, đánh đáo, bắt cào cào về rang giòn tan tới thả diều trên những triền đê, những cánh đồng. Tôi đặc biệt thích thả diều, thuở ấy khi mới vào lớp một, tôi vẫn hay chạy theo tụi thằng Mèo xem chúng nó chạy như bay trên những cánh đồng lấy lực để cho diều bay lên. Nhưng ngày ấy tôi không được chúng nó cho chơi vì chúng nó bảo: "Con gái, yếu, chạy chừng nào diều mới bay lên được.” Những lúc ấy tôi ức lắm, về thể nào cũng nài ông làm những chiếc diều cho riêng mình. Trẻ con hay vòi vĩnh, ông cũng rất chiều tôi, thế là ngồi vót tre để làm nan diều rồi lấy giấy mỏng dán lên, con diều ông làm cho tôi chỉ đơn giản như một hình tứ giác rồi có mấy cái đuôi bay bay. Trẻ con ở quê cũng chỉ toàn diều tự làm chứ đâu có tiền mua diều đủ màu sắc như phố thị, mà chúng cùn không cần cái sự hào nhoáng đó, vui là được. Thế nên tôi thích cánh diều ông làm ra cho tôi lắm. Tôi ôm đi chơi suốt, cứ chạy bay bay trên đê cho diều bay lên nhưng bay không được. Vì tôi không biết nắm bắt đầu gió, thế rồi có lẽ vì thấy “sự kiên trì” của tôi mà nhóm thằng Mèo cho tôi gia nhập, lại chỉ cho tôi rất tận tình. Chẳng bao lâu sau tôi có thể ngồi im trên cánh đồng, nhìn cánh diều bay bay bởi sợi dây trên tay mình. Tôi lại đặc biệt thích ngắm diều bay, ở chúng như có một sự tự do nào đó mà tôi không giải thích nổi. Và thời ấu thơ với những cánh diều của tôi chỉ toàn những mộng đẹp và sự tự do mà tôi cảm nhận được.
Lên cấp hai tôi chuyển về thành phố. Lúc tôi đi tụi thằng Mèo khóc dữ lắm, ông bà cũng buồn, tôi cũng sắp sửa khóc nhưng vội quay đi, thằng Mèo chìa ra cho tôi một cánh diều có nhiều họa tiết do nó tự vẽ và không nói gì. Tôi ôm cánh diều vào lòng, lên xe về cùng ba mẹ tới nơi phố thị. Ở phố thị nhà cửa san sát tôi không còn có cơ hội để thả cánh diều ấy nữa. Rồi tôi xếp nó cất vào tủ, qua năm tháng tôi cũng quên bẵng đi sự tồn tại của nó. Thời gian qua đi tôi bước vào cấp ba, con đường nơi tôi đi học phải băng qua một mảnh đất lớn, nó thường được bỏ trống chỉ khi tổ chức các lễ hội gì lớn thì người ta mới dựng lên ở đó bao nhiêu là rạp. Đó dường như là mảnh đất rộng hiếm hoi của thành phố, nơi nhà cửa san sát nhau, và xung quanh là những vỉa hè bao bọc, trên những viền hè ấy, bao nhiêu là chỗ bán diều. Những con diều xanh đỏ đủ màu, tạo hình đủ kiểu, nào chim, nào cá, nào siêu nhân, không đơn giản như những cánh diều ở quê của tôi tẹo nào. Và kí ức về những cánh diều chợt trở về trong tôi. Có những bận đi học về sớm tôi lại say sưa ngồi ngắm chúng, những con diều đủ màu chao lượn làm tôi nhớ lại cả một thời quá khứ tôi tưởng chừng như đã quên. Cũng đã lâu rồi tôi chưa về ngoại, chính xác là tôi chỉ về thăm người đúng một lần một năm sau ngày lên phố sống, vì quê ở xa quá mà gia đình tôi không đủ điều kiện để về, thế rồi ngày cứ qua ngày…
Tôi tình cờ quen được một thằng nhóc bán diều. Giữa biển trời người lớn đang chào mời đủ kiểu trông nó lọt thỏm, thậm chí cái xe đạp gắn đầy diều còn như bao hết cả con người nó. Tôi ngồi ghế đá gần chỗ nó bán chơi, rồi lân la làm quen hỏi chuyện. Nó tên là Tô, chỉ mới học cấp hai thôi. Nhưng nghỉ học rồi. Nhà nó chật vật lắm nên nó xin nghỉ để đi kiếm ăn, thấy tôi hơi rưng rưng thương cảm tự nhiên nó cười xòa: "Chị thấy không, em đang làm một nghề rất vĩ đại đấy!” “Hửm? Vĩ đại? Vĩ đại chỗ nào nào?” "Chị không thấy à? Em bán diều, cánh diều thường gắn liền với tự do, ai cũng nói cánh diều tự do hết, chị có thấy đầy trong văn chương như thế không? Em là người bán tự do đấy nhé!”. Tôi cười xòa trước lý lẽ vô tư của thằng nhỏ. Ừ thì người bán tự do.
Tôi thích tính thằng nhóc nên hễ có dịp đi ngang là lại cho nó cái bánh và ngồi xem những người thả diều cùng nó. Tôi bảo nó phải chào mời nhiều vào thì người ta mới mua cho nhưng nó bẽn lẽn: "Em nhát” làm tôi phì cười. Tôi thấy thương thằng nhóc với manh áo lâu ngày bám bụi đường mà chưa giặt vì: "Em không có áo mới, có mỗi cái này thôi”, tôi cười: "Bán tự do mà nghèo thế à?”. Nó tặc lưỡi: "Tại em cao thượng em lấy rẻ.” Thế là cả hai đứa cùng cười. Nụ cười của thằng nhỏ có cái gì đó thật đượm buồn dù con mắt vẫn luôn ánh lên những ánh nhìn thật lạc quan. Nó luôn cho tôi thấy nó có thể nhìn thấy những gì làm nó gục ngã nhưng nó cũng biết cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã như vậy.
Bẵng đi ít lâu tôi mới thấy lại nó, hỏi nó đi đâu thì nó bảo dạo này bán ế quá, mấy chú cạnh tranh gay gắt, nó nhỏ không nói lại thế là đi làm thêm mấy chỗ khác, thi thoảng lại bán diều cho đỡ nhớ nghề. Nó yêu cánh diều như tôi vậy, rồi nó tặc lưỡi: "Chị à, em tưởng diều nào cũng tự do mà không chú ý rằng lúc nào nó cũng bị sợi dây buộc lại.” Nhìn thằng nhỏ cấp hai thả hồn đăm chiêu, tôi hơi bất ngờ rồi cúi xuống, ừ nhỉ sợi dây, là cuộc đời đấy ư? Rồi nó vỗ vai tôi cái bộp: "Nhưng em nhớ chị lắm đấy, chị hay cho em bánh, giờ em cho lại chi cái này này.” Nó chìa ra cho tôi cái diều hình con chim phượng, rồi đạp xe quay đi giờ tan tầm, nhưng không quên với lại: "Lần sau gặp lại chị nhớ mang bánh tằm cho em nha, chị làm ngon lắm.” Tôi nhìn cánh diều trong tay ngẩn ngơ.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp nó dù mỗi ngày tôi đều mang bánh tằm đi học. Tôi cứ ngồi chờ hàng giờ trên chiếc ghế đá cạnh chỗ nó hay bán. Chẳng bao lâu sau cũng có người bán diều khác đứng ở đó, thế là tôi đạp xe đảo vòng quanh mảnh đất ấy nhưng không có. Sau, tôi hỏi thăm thì được nghe người ta kể nó bị mấy cô chú xung quanh đánh thừa sống thiếu chết rồi đuổi đi vì cạnh tranh khách. Có mấy lần nó lén quay lại làm cái chi ấy nhưng cũng bị người ta dọa nạt, từ đó không ai thấy nó nữa. Tôi thiết tha cho cuộc đời nó, cố nghĩ có lẽ giờ nó đã tìm được công việc mới hay tiếp tục bán diều, bán tự do, công việc cao thượng mà nó vẫn hay tự hào ở mảnh đất nào đó rồi nhỉ?
Hè này, tôi về quê, những kỉ niệm đẹp cất giấu sẽ được tôi gin giữ, tôi sẽ về kể cho tụi thằng Mèo nghe chuyện về người bán tự do, chắc tụi nó sẽ thích lắm, không biết tụi nó có nhớ tôi không nhỉ?
Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định
No comments:
Post a Comment