TÀU XƯA NĂM CŨ
Đinh Hoa Lư
Tôi hay dùng lại tiếng tàu 'HỎA',
tiếng ngày xưa người mình hay dùng để chỉ tàu lửa. Đó là những chiếc tàu chợ
phun khói phùn phụt và hú từng hồi còi dài.
Hơn nửa thế kỷ qua rồi, giờ đây có thể các bạn đang ngồi trong những toa xe hạng sang xuyên
Việt, có đầu máy chạy bằng diesel tối
tân với tốc độ nhanh chưa từng có.
Hình ảnh chiếc tàu hoả năm xưa
không lạ đối với lớp người lớn tuổi, nhưng thế hệ bây giờ có muốn đi cũng không
có?
Ôi một thời tàu chạy lắc lư những cột
khói đằng đầu tàu phun lên tiếng còi tàu huýt liên hồi khi gần đến ga nào đó...
Tàu đi qua những vùng hoang dại
thôn dã ruộng nương mỗi lúc rời sân ga và xa thành phố.
Tàu đi tàu về người nhớ kẻ
thương...một thời rung động trái tim người nhạc sĩ cống hiến cho chúng ta nhiều
bản nhạc.
Tàu hoả với người nghệ sĩ là chuyện
chia phôi cùng đợi chờ chuyện ngày xưa những tình cảm mặn mà lãng mạn nghe rung
động làm sao?
Người viết khơi lại hình ảnh chiếc tàu hỏa xa xưa, có nghĩa là khoảng thời
gian cuối từ 1960 trở về trước khi con đường sắt cận sơn tỉnh Quảng trị còn đi
qua những vùng hẻo lánh - hoang vu. Lúc này đường xe hỏa trong Nam vẫn còn
xuyên suốt từ Sài Gòn ra đến Đông hà. Thế hệ sinh sau 1970 có thể nhìn thấy những
đầu máy xe lửa cổ xưa, đen sì chạy bằng than đá và củi trong sách vở. Riêng thế
hệ tôi còn đươc "hân hạnh" đi trên những chuyến tàu "cỗ lổ xỉ"
này trước khi chúng bị bỏ phế trên những khoảng vắng tại những nhà ga lớn.
Ngày đó, nhà ga xe lửa Quảng Trị
cách cầu Thạch hãn không xa. Bởi thế ngày xưa dân mình hay gọi cầu này là Cầu
Ga. Tàu từ Đông Hà vô, dừng Ga Quảng Trị. Ngược lại muốn ra Đông Hà, bạn có thể
tới Ga Quảng Trị đáp chuyến tàu ra. Chiếc cầu dành cho cả tàu hỏa và xe hơi,
nên mỗi khi có tàu qua xe và người đi bộ đành phải chờ. Thời này tôi hay đi tàu
hỏa dù chỉ một đoạn ngắn từ Quảng trị vào Mỹ chánh hay từ Quảng trị ra Đông
hà.Nhà mẹ đích tôi kế chợ Mỹ chánh, mỗi lần tôi từ Quảng trị vào thăm xong tôi
đi lên ga xép Mỹ chánh đón cho được chuyến tàu chợ cuối ngày để ra Quảng trị.
Tôi mường tượng hình ảnh cũ. Thời
con nít, cái gì cũng 'vĩ đại. Đi được với người thân trên tàu, đối với tôi đó
là những chuyến 'viễn hành'. Tôi còn nhớ, ga Mỹ chánh trên khoảng dốc cao. Tôi ngồi đợi
tàu trong lòng thấp thỏm ngóng mong. Tiếng còi tàu hú từ xa, tàu từ Huế ra. Những
hồi còi tàu nghe lúc đầu còn nhỏ, sau
càng lớn dần. Từ xa một cái chấm đen tròn, cột khói đen ngòm bốc lên. Cái đầu
tàu đằng trước, khói bốc"phì phò"càng lúc càng rõ.Tiếng rầm rập trên
con đường sắt. Tôi làm sao quên cảm giác hồi hộp khi cái khối sắt từ từ chậm lại,
dừng hẳn trước sân ga Mỹ Chánh nhỏ bé, đìu hiu.
Tàu chợ tạm dừng ít phút, lấy thêm
khách hay cho một vài người xuống. Cột khói từ trên cái đầu tròn dài đen nhẵn của
đầu máy còn "gầm gừ" như 'doạ nạt' thằng bé như tôi. Trong trí tưởng
tượng của tôi lúc đó, những bánh xe sắt khổng lồ của đầu tàu cùng lửa, khói, hợp
lại trông chẳng khác gì một con 'quái vật' dễ sợ và đen ngòm. Bao ấn dấu ghi đậm
trong trí óc trẻ thơ?
Người lái tàu áo quần đầy dầu mỡ, xốc
xếch, nhảy xuống khỏi đầu phòng lái.
Hình như ông chỉ đứng lái tàu chứ không ngồi như bác tài xế xe hơi. Ông
vội vàng dùng cây sắt dài, hì hục nạy đống lửa và than đang cháy hừng hực, chuẩn
bị cho đầu tàu tiếp tục hành trình về nhà ga khác.
Lại hồi còi khác lanh lảnh rúc lên, đằng trước
nhà ga người phu trạm phất lá cờ đỏ báo hiệu cho con tàu lăn bánh. Tiếng "
sình sịch , sình sịch" đầu chậm sau nhanh, con tàu từ từ rời ga Mỹ chánh,
người phu trạm đứng ngó theo; bóng ông cùng cái nhà ga khuất dần .
Đã là tàu chợ thì nó phải chạy chậm
thôi lại còn lắc lư nữa nhưng cảm giác của tôi lúc này thấy nó chạy nhanh lạ
lùng . Tôi say sưa ngắm những triền cát những vùng rú càn , những triền đồi
hoang sơ không một bóng người . Phía trái là núi trường sơn trùng trùng điệp điệp.
Cảm giác phiêu lưu mạo hiểm của một đứa nhỏ đi xa theo toa tàu lắc đều. Thỉnh
thoảng từ đầu máy một hồi còi kéo lên phá tan không gian tĩnh lặng . Gần đến ga
lớn Quảng trị con tàu kéo còi liên tục cùng với niềm vui của tôi, đứa bé đi
chơi xa về lại thành phố thân yêu.
Lớn thêm một ít , tôi có dịp vào Huế
về thăm quê nội tôi tức là Truồi và tôi cũng có dịp đi tàu hỏa nữa. Rồi tôi còn
được theo người lớn cùng lấy vé tàu tại ga Truồi mà vào đến Đà Nẵng. Nói sao hết
nỗi vui mừng của tôi với cái thú "phiêu lưu " xa xôi như lúc này. Làm
sao quên được hình ảnh sóng nước rì rào khi con tàu chạy men theo bên đầm Cầu
Hai, Đá Bạc, giã từ cái đầm Lăng cô, tiến sâu vào chân núi Hải vân.
Nếu chúng ta hiện nay có những
phương tiện dồi dào - hiện đại thì mới thấu được nỗi ' gian nan" của chiếc
tàu chợ đen đúa năm nào ! Chiếc đầu máy chạy bằng than kia phải ì ạch kéo cả
đoàn tàu qua núi Hải vân nơi có những độ dốc khiến nó phải "phì phò "
phun khói dày đặc tưởng chừng muốn "ngất lịm " đến nơi .
Cảm giác rờn rợn của tôi tăng lên
khi con tàu phải chui qua mấy cái hầm dài xuyên qua Hải vân sơn . Những toa xe
không có điện , tối thui như cảnh âm ti địa ngục . Cứ qua một hầm những kẻ thích
đùa lại cứ la hét lên như dọa nạt những ai yếu bóng vía . Khói tàu trong hầm
chui vào hết trong các toa xe , mùi hắc ín mùi khói than khét lẹt sặc sụa đầy
phổi mọi người . Đầu tàu trước khi vào hay ra khỏi một hầm lại hú lên 1 hồi báo
hiệu . Cứ mãi vậy cho đến cái hầm thứ thứ 6 - cái hầm dài nhất thì mới qua ranh
giới Đà Nẵng. Toa xe sáng lần lên cho đến khi tất cả đều lọt vào khoảng trời quảng
khoát bên ngoài. Ai nầy đều hít thở sảng khoái , nhìn lại nhau thì ôi thôi mặt
ai cũng có một lớp mỏng đầy muội khói .
Một thuở thanh bình người dân tự thoải mãn với nhưng gì hiện có trong
tay . Người ta đi con tàu chợ, nhưng khúc củi to tướng đốt lẫn với than - những
cột khói hình nấm phùn phụt bay lên trời cao tiếng còi tàu hú vang dài lê thê
nhưng lại đem niềm vui cho khách đi xa đang mòn mỏi ngóng trông.
Làm sao tôi quên được những lúc đợi
con tàu về ga cũ. Tôi đã áp tai vào đường tàu cố lắng nghe chấn động con tàu
lan truyền từ những dặm xa. Có tiếng còi tàu xa xa âm thanh mơ hồ -phảng phất.
Niềm vui của tôi tăng dần khi nhìn thấy làn khói đen từ phía chân trời cùng lúc
tiếng còi tàu to dần liên hồi như tiếng reo vui của người con đi xa nay về lại
cố hương. Đoàn tàu thân quen đã về bến cũ để đón thêm người đi, lưu luyến chia
tay cho ai ở lại. Từng cụm khói tàu bốc cao phùn phụt lên trời, nó vẫn tiếp tục
chuyến viễn hành, vẫn tiếp tục chia phôi, sẽ để lại phía sau một sân ga bé nhỏ
cùng số phận đợi chờ.
Con tàu năm cũ sẽ đưa chúng ta về với
thời hoang dại. Những chuyến tàu hoàng hôn ra đi về bóng tối của thời gian; nơi
đó đã chôn kín bao kỷ niệm vơi đầy, một thời tuổi nhỏ.
Rồi thời gian trôi mau, phôi pha bóng dáng con tàu năm cũ. Bao nhân ảnh
cuộc đời cũng lần hồi nhạt nhòa theo quá khứ . Từng hồi còi tàu lịm tắt - từng
sân ga xa dần và khuất hẳn theo ngả rẽ cuộc đời; tất cả sẽ theo nhau trôi về
vùng kỷ niệm ./.
Đinh Hoa Lư 20/7/2011
No comments:
Post a Comment