Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 23, 2015

HOA HỒNG KHÔNG GAI - Thuý Ngân



                Tác giả Thuý Ngân



         HOA HỒNG KHÔNG GAI
         Nguyễn Thị Thuý Ngân        

       Nó lết tấm thân về tới khu nhà trọ là may phước lắm rồi. Đêm đã khuya lắc khuya lơ. Dãy nhà nơi nó trọ đã ngủ say sau một ngày lao động. Lục tìm trong giỏ xách lấy chìa khóa mở cửa mà không thấy, nó bực mình dốc ngược túi lên làm moị thứ đổ tung tóe. Tưởng rằng  trong túi xách phải có nhiều thứ lắm. Ai dè - chỉ có hộp son, hộp phấn, cây chì kẻ mắt, hộp mascara và vài đồng tiền lẻ. Người ta nhìn cuộc sống của những cô gái về đêm với bộ đồ mát mắt, với những vòng vàng, khuyên tai lủng lẳng là giàu có lắm. Sang cả lắm. Có ai biết đâu kiếm đựơc bữa ăn cũng chảy máu con mắt. Cụ thể như nó chẳng hạn. Cả một buổi tối đi tới đi lui trên đôi giày cao gót õng ẹo qua lại. Đã thế còn phải gồng mình lên uống những ly rượu ngoại lẫn nội cay nồng, đắng chát. Cả những bàn tay nhớp nhúa của mấy gã đàn ông lắm tiền nhiều của bạ chỗ nào đặt chỗ đó. Bọn họ biết là  người như nó không có quyền phản đối hay có thái độ này nọ. Họ cứ nghĩ có tiền là mua được cả tiên, chứ tấm thân bèo bọt như nó đáng sá gì. Nhiều khi nó chỉ chực phun ra tại chỗ tất cả những thứ nó cho vào miệng từ chiều cho đến hết buổi tối. Đấu óc nó chếch choáng, hai chân mỏi rã rời. Cuộc đời nó đã đến nước này cũng tại nó – trách ai bây giờ?

        Mở được cửa, nó chỉ còn đủ sức bò tới tấm nệm rẻ tiền trải sẵn dưới nền nhà rồi ngã vật ra. Hai mắt nó nặng trĩu níu nó vào giấc ngủ mê mệt.  Trong  giấc ngủ lãng đãng, nó vẫn như thấy bàn tay bỉ ổi của lão ấy đặt lên cặp đùi non tơ của nó mơn trớn. Một bàn tay lạnh của thần chết. Nó rùng mình rồi gạt tay ông ta ra. Nhưng hình như lão ấy lại không cần biết đến thái độ của nó. Lão cười hô hố rồi dí một cọc tiền vào mặt nó nói: “ Chỗ này đã đủ chưa cưng?” Nó nhìn xấp tiền ánh mắt nó có sáng lên một chút rồi lại tối sầm lại. “Tiền thì ta rất cần để sống, nhưng không lẽ ta nhận. Mà nhận, tức là chấp nhận bán thân còn gì”. Nó nói thầm với chính mình hay nó đang đấu tranh để khỏi phải biến mình con điếm không hơn không kém. Vậy ta là ai? Tại sao ta lại ở đây, ta là cô gái sạch sẽ, đài các lắm sao? Hay chỉ là một con chim lạc bầy ăn đêm. Cái cảm giác ê chề ban đầu ấy khi nó mới nhập thân vào cuộc chơi đối với nó không sao rũ bỏ được. Cho dù bây giờ thân xác nó rệu rã như tấm giẻ rách.  Nó ăn năn hối hận lắm. Nó ú ớ nói gì đó mà nước mắt lại chảy dài trong cơn mơ.

          Tiếng búa đập chan chát của lò rèn kế bên cộng với tiếng còi xe ô tô bóp inh ỏi làm nó tỉnh giấc.  Nó ngủ một mạch sang đến nửa ngày hôm sau mới tỉnh. Đầu óc nó vẫn choáng váng, nó thấy đói cồn cào. Làm vệ sinh sơ qua rồi ra ngòai mua cái gì đó ăn lót bụng. Nó ghé gánh bánh xèo bà Tư. Gánh bánh xèo của bà bán từ bao giờ nó không biết, vì từ khi dạt về đây thì đã thấy rồi. Bà Tư già có khuôn mặt khắc khổ nhưng ánh mắt bà thì thật là phúc hậu. Nó vẫn thường ra đây ăn, thỉnh thoảng cũng ngồi lại chuyện trò với bà. Nó ngồi xuống ghế nói:
- Bà Tư cho con một dĩa 4 cái nha.
- Đêm qua mi lại về khuya phải không? Nhìn mày bà thấy xanh xao lắm đó. Bà hỏi giọng quan tâm
- Dạ … - Nó trả lời định nói thêm nhưng nghĩ sao lại thôi.
- Mi nên tìm nghề khác đi đừng lậm vào nữa con à. Đàn bà khi còn một chút hương sắc thì vậy, chứ đến hồi hết rồi thì vật vạ đầu đường, hè phố khổ lắm. Bà Tư nói với nó như nói với con gái. Nó thèm được nghe tiếng mẹ nó lo lắng cho nó như vậy. Nhưng nó cười khuẩy chán chường, xong dù sao nó vẫn cám ơn bà Tư đã ân cần nhắc nhở. Nhiều lúc nó đang ăn nghe bà nói, nó như bị mắc nghẹn, dù miếng bánh nào có dai hay cứng đến độ nó không nhai được. Nó ể oải ăn rồi chaò bà Tư lững thững về phòng.

         Nó với lấy quyển sách mà nó mượn của con nhỏ cùng làm và nghe đám bạn bình phẩm là hay. Quyển sách có tựa đề: “Tình nhân không bao giờ cưới” Của tác giả Trang Hạ. Như tác giả đã nói: "Thế giới tôi đang sống có hai loại đàn bà được phân biệt một cách rõ rệt, đó là hai loại đàn bà: ngu dại và đau đớn". Trang Hạ nói trong một cuộc phỏng vấn theo nguồn kiến thức trên internet…”
          Nó đọc một lèo, sách viết cũng hay hay. Nó suy nghĩ mình thuộc đàn bà nào nhỉ?: “Ngu dốt hay đau đớn . Ngu dốt thì có thể đúng, vì nó được sinh ra trong một gia đình không đầy đủ, nghèo khó và có được ăn học tới nơi tới chốn đâu. Còn đau đớn thì cuộc đời ai mà không trải qua ít hoặc nhiều  thăng trầm đau khổ, thì mới nhận ra giá trị sau biến cố. Hay nó là người đàn bà ở cả hai dạng – “Vừa ngu dốt vừa đau đớn”?. Biết đâu cả cái cô tác giả Trang Hạ nào đó cũng trải qua hết mới có một kết luận xanh rờn như vậy. Nhưng ý kiến riêng nó không đồng tình cho lắm với lời tác giả đã viết và lời  giải bày như trên: “Tôi không hề muốn cuốn sách như một giáo trình và cũng không phải là sách dạy làm người…” Làm người ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, luôn mong muốn mình có một tình yêu đẹp.( Ước mơ lấy được  Hoàng tử cóc chẳng hạn ...) một cuộc sống như ý. Vậy thì tình yêu là gì? Khi hai người đã yêu nhau sao lại không cưới nhau đi để tình yêu thăng hoa và cùng xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa? Và cả khi đã trao cho nhau trái cấm thì người trong cuộc đều phải có trách nhiệm về hành vi của mình chứ? Tác giả nói như vậy có phải là đã nhân nhượng cho giới đàn ông. Để  đàn ông có cơ hội ngụy biện cho thái độ  thiếu trách nhiệm của mình với người đã yêu thương, với cả xã hội. Vì anh ta, hay ông ta sẽ nhân danh tình yêu sẽ nói: “ Tôi không còn yêu cô nữa thì sao lại bắt đền tôi. Cô có sức chơi thì có sức chịu chứ?”  Để rồi đã có một số trẻ em ra đời ngoài mong muốn và còn bị bỏ rơi khi người đàn bà ngu dốt và quá đau đớn ấy bị phụ tình. Riêng nó thấy đây là một hành vi đáng xấu hổ và  đáng bị lên án. 

      Nó gấp cuốn sách, lòng thấy phân vân lẫn trăn trở. Không lẽ trên đời này khi hết yêu nhau thì coi nhau như kẻ thù. Sao ta không dành cho nhau một chút tình nhân ái, một vòng tay yêu thương để thế giới bớt đi nỗi đau. Để bao mảnh đời  kém may mắn có cơ hội hòa nhập và vươn lên có ích. Nó thở dài,  nhìn đồng hồ lại tới giờ nó phải đi kiếm sống

        - Khánh Ly ra bàn số 3. Mỵ Nương bàn số 5. Cô LyLy xuống cuối phòng có khách quen đó, mau lên khách vào rồi kìa – Tiếng anh chàng quản lý hối người này, thúc người nọ. Giọng anh ta lẫn với nhạc sập xình nghe cứ như  đang gào lên vậy. Vũ trường bắt đầu nhộn nhịp, ánh đèn pha màu huyền ảo xoay nhấy nháy, tiếng trống, phách được khuếch đại qua dàn loa thùng để các góc như muốn nổ tung màng nhĩ. Ai mới vào thế giới ăn chơi lần đầu đều dội trở lại vì thứ âm thanh hỗn độn này. Nhưng đã là chốn phù du mà thiếu mấy thứ ảo ảnh thì chẳng còn gì thú vị. Hồi mới bước chân vào nó cũng có cảm giác như thế, xong nghe riết rồi thành quen. Nó bắt đầu công việc của mình như một người máy. Nó nhe răng cười đưa đẩy, tay rót rượu cố ý cho tràn ra ngoài để được tính thêm tiền rượu. Nếu ông khách nào khó tính cằn nhằn nó làm bộ lỡ tay miệng ỏn ẻn: “ Em xin lỗi nha cưng” - Thế là xong, vì dân vào đây thì toàn là hạng có tiền, một chút hư hao đâu ai thèm quan tâm. Tâm hồn nó đã chai lỳ với mọi hành vi của người khác. Nhạc nổi lên các cặp dìu nhau ra sàn nhảy. Bắt đầu bao giờ cũng mở màn bằng một Tango hay rumba nhẹ nhàng tình tứ. Nhìn từng đôi dìu nhau. Nép vào nhau sao mà thấy đáng yêu đến thế…Hừ! Đó chỉ là phút khơi mào thôi chứ rồi dần dần tăng đô đến điệu chachacha, disco sôi động. Khuya thêm tí nữa và khi rượu đã thấm, nhạc sẽ chuyển tông tiếp là điệu lambada dậm dựt, đĩ thõa hay còn nhiều điệu nhảy khác được du nhập từ nước ngoài vào ... Nam thanh, nữ tú, sồn sồn, già cả đủ dạng. Quần áo cũng khoe đủ kiểu- Thanh lịch, hào hoa, cho đến hở hang.v.v... Ôi thôi thì hào nhoáng trước mắt, đằng sau nó mới thật sự nhớp nhúa đến khó mà hiểu được.

    Ở cách đó vài bàn, nó nhận ra người quen. Đó là lão. Lão là người đâu tiên đặt bàn tay thần chết lên cơ thể nó. Cái cảm giác muốn ói trở lại. Nó quay lưng để khỏi nhìn thấy lão và cũng không muốn lão thấy nó. Sau đêm đầu tiên nó biến thành đàn bà. Nó được lão đề nghị chấp nhận làm phòng nhì cho ông ta. Trong lúc túng quẫn nó đã bị đồng tiền của lão đánh gục. Lão vẫn thường xuyên lui tới nơi trọ mà lão đã thuê cho nó làm nơi hú hí khi có thể. Nói thực, nó cũng đã được yên thân một thời gian. Thế rồi quỷ xui, ma khiến thế nào nó  đi theo dõi lão và biết được lão ta là giám đốc công ty xây lắp. Xây rồi, đào lên lấp lại cái gì đó mà nó chỉ biết loáng thoáng. Lão có một gia đình và những đứa con. Một gia đình ổn định. Thế mà lão còn đòi hỏi gì không biết nữa? Có lẽ có tiền rồi sinh tật chăng? Lý do này dễ chấp nhận với xã hội đang có nguy cơ suy đồi về đạo đức. Mà đúng là như thế chứ chẳng phải nói sai tí nào. Hôm đưa đám vợ lão nó cũng tới phúng điếu. Lão thấy nó giật mình, rồi trừng mắt rít qua hai hàm răng mà chỉ mình nó nghe được: “ Ai biểu cô tới đây?” Nó im lặng cắm mấy nén nhang cho người đàn bà danh chánh ngôn thuận rồi âm thầm quay bước và tìm một góc khuất ngồi. Lão đang bận nên cứ tưởng nó đã ra về. Nó ngồi xuống và nghe được một câu chuyện về lão chẳng mấy tốt đẹp cuả mấy chị phụ nữ bàn tán với giọng dè biểu lẫn khinh bỉ. Chuyện là: “ Vợ chồng lão lấy nhau từ khi còn khó khăn. Sau khi làm ăn có tiền sinh tật trai gái. Bề ngoài lão vẫn là ông chồng đạo mạo, đường hoàng. Còn đằng sau thì nó biết không cần nói. Điều làm nó thấy ghê tởm chính là thái độ, hành vi của lão đối xử với người đàn bà của mình. Từ khi lão biết vợ mang căn bệnh nan y.  Hồi đầu lão còn hỏi han sau thì bỏ mặc. Căn bệnh ung thư đã di căn. Vợ lão phải trị xạ và khoét mất một bên vú. Những cơn đau làm người đàn bà khiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác. Lão ta chẳng mảy may động lòng lại còn như ghê sợ, xa lánh. Mổ được một thời gian bệnh tưởng thuyên giảm nhưng vì không biết hay bệnh quá nặng nên lại di căn sang bên thứ hai. Lão chuyển người đàn bà của mình xuống một phòng khác như sợ lây nhiễm. Bóng lão cũng mất tăm, mặc cho vợ tự chống chọi với bệnh tật. Lần này vợ lão không chịu nổi vì sức khỏe quá yếu nên về với cát bụi. Một con người như thế có đáng tin không? có đáng để nó nương nhờ? Hay lão cũng chỉ cần nó khi cơn thèm khát ái tình đến mà thôi.Nó nói thầm trong bụng.  Nó vòng tay lên ôm lấy ngực như thể bộ ngực nó cũng sắp lở loét, đau nhói. Bất giác nó thấy đau  ghê gớm. Nó nhớ lại đôi tay lão, đôi bàn tay thô bỉ ấy bóp nát hai bầu vú căng tròn của nó. Bàn tay  ấy đã bấu, véo đến thâm tím mình mảy lúc lão hứng tình và cả cái miệng con ngão cắn nó đau đến nỗi nó phải nghiến răng chịu đựng. Sau mỗi lần lão về là cả người nó ê ẩm đến mấy ngày mới hết. Tât nhiên lão bù lại cho nó cũng kha khá nên nó không có lý do gì để phản đối. Mối quan hệ cộng sinh mà. Sau khi đi đám vợ lão về một nỗi thất vọng luôn hiển hiện trong tâm hồn nó. Nó đã thức nhiều đêm để quyết định rũ bỏ một con người mà nó thấy khinh bỉ. Nhưng cuộc đời nó thì có tốt đẹp gì cho cam hay là vẫn lao vào nơi chốn bỉ ổi mà nó không đủ dũng cảm rút chân làm lại từ đầu.

     Thế giới hào nhoáng giả tạo cuả nó cũng vô cùng rắc rối. Tụi nó sống được thì phải biết cúi, nhẫn nhục. Đôi khi thân phận giống như nô lệ. Ngoài ra tụi nó cũng phải  học một vài tiểu xảo để qua mắt khách hay mấy tay quản lý. Đám này đôi khi có ảnh hưởng còn hơn ông bà chủ. Nếu gặp ông khách chịu chơi, chịu chi thì phải biết ý bồi dưỡng cho đám tay chân đắc lực đó, chứ nếu mà hắn biết được, hắn thưa với ông chủ hoặc hắn điều tới chỗ khác là đói nhăn răng. Mà nhiều khi hậu quả còn tệ hơn.  Vũ trường hôm nay vẫn như mọi đêm, ồn ào, khích động. Mùi thuốc lá, mùi rượu bia, mùi mồ hôi, mùi nước hoa quyện và nhau tạo thành một thứ mùi hăng hắc khó chịu. Đám nhảy thì say sưa, vật vờ, điên loạn đủ kiểu như không còn biết gì đến hiện tại. Bất thình lình tiếng còi  tuýt lên inh ỏi, tiếng bước chân chạy rầm rầm ở cầu thang, rồi cửa phòng bị bật tung. Một tốp công an, dân phòng và bộ phận chức năng vây ráp các tụ điểm ăn chơi trong thành phố ập vào. Đám gái với khách nhảy náo loạn, xô đẩy nhau chạy qua mấy cánh cửa. Có kẻ ngã lăn quay, có kẻ bị quá bất ngờ nên đứng sơ rớ nhìn ngơ ngác. Nó biết có động trong lúc hỗn loạn đã nhanh chân tẩu thoát. Nó quăng cả giày để chạy. Nó nhảy vào thùng rác ven đường cách đó một quãng và ngồi yên trong đó  nghe ngóng cho đến khi thấy an toàn nó mới dám đi tiếp. Hú hồn nó đã thoát thân, nếu không thì ngày mai nó sẽ bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm như một số bạn nó đã bị. Nó về nơi trọ vội vàng quơ vài thứ cần thiết rồi đi ngay. Nó lánh sang nơi khác một thời gian để tránh bị truy đuổi và ở yên không dám ló mặt ra phố. Trong thời gian lánh nạn đó nó đã thấy được cuộc sống vô cùng bấp bênh. Ta phải thay đổi thôi chứ không thể để cuộc đời trôi đi vô vọng như thế này. Cuộc đời nó còn dài mà… nhưng nó biết làm gì đây? Nó giở cái sắc tay trong đó còn một số tiền dù không nhiều cũng giúp nó sống qua được vài tháng. Nó đã quyết định làm lại cuộc đời.

      Hôm nay ngày đám giỗ ông Tư, nó xách giỏ trái cây đến nhà từ sớm. Vào đến sân nó vui vẻ gọi.
- Bà Tư ơi,  con về rồi nè.
- Đến chi sớm rứa con – Tiếng bà Tư nói như mắng yêu.
- Bà Tư để đó con làm, có gì con hỏi bà Tư đừng lo. Nó nói rồi lấy cái dĩa đơm trái cây đăt lên bàn thờ ông Tư. Nó lặng yên trứớc bàn thờ một đỗi như nó đang đứng trước bàn thờ ba nó nói lời sám hối: “ Con cám ơn ông  bà Tư đã cứu cuộc đời con”.
      Nước mắt nó rưng rưng…


                                                               Nguyễn Thị Thuý Ngân        

No comments: