TÌNH QUÊ QUA MEN RƯỢU SAY CỦA
NGƯỜI ĐỒNG BẰNG
Nguyễn
An Bình
Xếp tập thơ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên lại,
điều đầu tiên tôi nhận ra được bàng bạc trong thơ anh là mối tình quê lãng đãng
tha thiết nhưng sâu đậm trong từng men rượu say trên những bước đường lãng du của
người đồng bằng. Nét chân chất, mộc mạc phóng túng, hào sảng của con người Nam
bộ không lẫn vào đâu được của người nông dân thời mở cõi về phương Nam, Nhiều khi ta tưởng chỉ thoáng qua đâu đó nhưng thật ra nó luôn đau đáu trong lòng nhất là trong những lúc cao hứng cầm chén rượu
uống cạn trong một không gian đậm tình bằng hữu thì mối tình quê ấy mới có dịp
tuôn trào,bộc lộ rõ nét mà những lúc tỉnh chưa chắc gì anh chịu nói ra.
Nguyễn Trung Nguyên từng là một người lính, rồi
làm báo trước khi chuyển sang công tác văn nghệ, anh có điều kiện đi đây đi dó
nhiều. Ta có thể bắt gặp bước lãng du của anh ở nhiều miền đất nước và tình quê
đó càng thú vị biết bao khi được khề khà ly rượu với những người bạn mới quen
trên xứ lạ, từ miệt Cà Mau thương con
gái xứ cuối đất cùng trời, bước chân lại Chiều ghé quán ca cổ ở Kinh Cùng thả hồn
theo khúc Nam ai, về qua Ngã bảy nghe bài “Tình anh bán chiếu”. Uống rượu ở
Phong Điền nghe bạn kể việc nhà nông xóa đói giảm nghèo, Chiều cuối năm qua cầu
Mỹ Thuận mới thấy xe cưới hình như nhiều hơn mọi ngày, rồi lại gặp mưa ở Sài
Gòn mà muốn gởi lòng theo gió về sông Hậu niềm thương nhớ của mình. Thoắt cái
thấy bóng dáng chàng lãng tử ngồi nghe ca Huế trên sông Hương, lại ngược lên phố
núi Pleiku để hát câu vọng cổ thả một lời thơ “Chỗ nào có em là hướng ấy quay về”,
rồi ngậm ngùi tưởng niệm trước hang tám cô ở Quảng Bình. bàng hoàng bâng khuâng
lẫn chút tự hào khi gặp đồng hương ở nghĩa trang Trường Sơn ngút ngàn lộng gió.
Chúng ta thử theo bước chân ấy
tìm chút tình quê, chút men say trong từng nhịp thở, chút láng mạn nhớ thương,
chút tâm tình lắng đọng, chút khinh bạc cuộc đời trước thế thái nhân tình, trước
bể dâu đời người để thấy thấp thoáng bóng dáng của mình đâu đó trong thơ anh.
Trong tập thơ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG”.
tôi thích nhất là những bài thơ của anh nói về tình bạn. Với anh đã là bạn thì
không có mâm trên chiếu dưới, quan lính cũng như nhau cốt là sự chân tình, là
sự đồng điệu, là nét phóng túng, hào sảng của người Nam bộ mà ta rất thường
gặp:
Về Phong Điền rượu cụng liên miên
Quan lính có-phó thường dân cũng có
Chiếu nhậu đơn sơ, nào cùng sà xuống
Lớn bé, trẻ già rôm rả chuyện đời.
Để rồi trong bầu không
khí thân tình đó đó, những giải thích xem ra hơi ngô nghê nhưng trong chiếu
rượu hình như ai cũng cho là đúng:
Phong và Điền. Ủa! Nghĩa là gì?
Thôi nói đại: “Phong và gió và Điền là ruộng”
Ra ruộng hứng gió say cỡ
nào cũng tỉnh
Hoa mắt luôn trước đồng lúa bạt ngàn.
(Uống rượu ở Phong Điền)
Đối với bạn bè, đồng đội những người một thời
là bằng hữu, có nhiều kỷ niệm vui buồn không còn nữa, Tình quê của anh là niềm
thương nhớ, sự thủy chung. Trong men say của ly rượu thiếu vắng tiềng cười rôm
rả của bạn bè ngày nào ta mới thấy hết nỗi niềm của anh:
Ta biết hồn ngươi không về kịp
Cùng ta uống cạn hết ly nầy
Rượu cay như thể là nước mắt
Chắt biết bao giờ cho hết đây!
(Một năm ngày mất Võ Minh Đường)
Sự chạnh lòng trong một buổi chiều viếng mộ bạn:
Nhớ hôm nào chén rượu câu thơ
Dăm thằng bạn nghèo kề manh chiếu bạc
Mầy chết đi men nồng bỗng nhạt
Ánh trăng vàng cũng tắt ven sông.
(Chiều viềng mộ bạn)
Hay:
Tao trở lại đây màu trắng trên đầu
Men rượu trắng mỗi năm mẹ khóc
Những đứa con gái trắng trinh như ngọc
Thiếu phụ buồn! Trắng song cửa chiều hôm.
(Điểm danh đồng đội)
Tình cờ khi
viếng nghĩa trang Trường Sơn, anh bắt gặp mộ chí của một người lính quê ở An
Bình Cần Thơ, anh bàng hoàng xen lẫn tự hào, anh có những câu thơ rất thật của
người đồng bằng:
Cả tôi với anh – dân Nam bộ thật thà
Mình hãy nói hết với nhau những gì muốn nói
Rồi ngửa cổ cưa hai ly rượu đế
Để bụng lâu ngày ấm ức không nên.
(Gặp đồng hương trên nghĩa trang
Trường Sơn)
Người ta nói người đồng bằng thường hay
uống rượu. Thật ra không phải thế, vì từ lâu trong máu thịt người đồng bằng rượu
là một thứ lễ nghĩa, tôi đã từng đền nhiều địa phương muốn giao tiếp gì cũng phải
cụng ly trước đã hẳn tính. Rượu còn là cái cớ bộc lộ tâm sự, nỗi niềm của mình
mà không phải tính toán trước sau:
Anh em bạn rể buồn muốn nhậu
Rủ ta cùng vác lưới ra đồng
Kiếm dăm con tép về trộn gỏi
Rỉ rả chia nhau chút rượu
nồng.
(Kéo lưới trên đồng)
Đôi lúc thơ anh còn thể hiện sự lạc quan dù có một chút tếu trong
hoàn cảnh không lấy gì hứng thú cũng ít ra đem lại niềm động viên yêu đời ngay
trong phòng mổ:
Phòng mổ vô trùng ấm áp tuyệt vời
Đèn điện sáng choang đâu thua gì khách sạn
Màu áo xanh dịu dàng lãng mạn
Giá có chút men là nhất trên đời.
(Thơ viết từ phòng mổ)
Tình quê thể hiện trong anh còn là sự đồng
cảm với mối tình của anh bán chiếu trên dòng sông Ngã Bảy qua tiếng hát ngọt
ngào của danh ca Út Trà Ôn nổi tiếng một thời ai cũng biết. Ngậm ngùi cho số
phận hẩm hiu của anh nông dân bán chiếu hay ngậm ngùi cho mối tình thời trai trẻ của
mình đã mất trong một buổi chiều ngồi chéo ngoẩy bên ly rượu đế:
Chiều châu thổ khề khà ly rượu đế
Chéo ngoẩy đùi nghe tiếng hát Út Trà Ôn
Giọng kể lể “Tình anh bán chiếu”
Nồi đắng cay của kiếp giang hồ.
(Nghe Út trà Ôn ca “Tình anh bán
chiếu”)
Tất nhiên, tình quê trong thơ Nguyễn Trung Nguyên không thể thiếu với người thân trong gia đình
mình vì đó là cái nôi sinh ra ta, là máu thịt, là nơi trở về của chúng ta khi
có sự vấp ngã trên đường đời. Đó là hình ảnh người cha rặt nòi nông dân nhưng lại luôn tự hào vì biết dạy con điều
nhân nghĩa:
Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai!
Bây ráng học để làm người nhân nghĩa”
Vậy mà Lục Vân Tiên - không hiểu sao ông chẳng quên một chữ
Cái nghĩa “bất bằng…” bám vào ông như rễ đước, rễ còng. (Vùng sâu
quê tôi)
Hình ảnh người mẹ tần
tảo trong mùa nước lũ làm ta chạnh lòng(Nhớ mẹ quê xưa), rộng và cao hơn là
hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam anh hùng mà ở địa phương nào anh đi qua đều có
thể thấy được:
Mỗi bữa cơm mẹ bới ra sáu chén
Một cho chồng và bốn đứa con mỗi đứa một phần
Những đứa con mà người mẹ gọi là chồng
mãi mãi chẳng còn được ở gần
để lau cho mẹ giọt nước mắt rơi…
(Bữa cơm của mẹ)
Tình quê còn thể hiện tấm lòng của người anh
trai tiễn em gái lấy chồng xa(Đưa em gái về nhà chồng), muốn giải bày cùng anh
những điều chưa thể nói đành mượn ly rượu cho vơi cạn nỗi lòng (Về nhà xưa uống
rượu, Tiễn anh hai):
Tay nâng chung rượu nhạt
Nghe đắng cả tim mình
Anh biết đâu thơ phú
Chợ đời giờ rẻ khinh.
(Về nhà xưa uống rượu)
Đó còn là tình nghĩa vợ chồng, lời cha muốn
nói với con mà đôi lần không ít anh tự trăn trở với mình khi thấy còn quá nhiều
thiếu sót với họ. Phải chăng đó là nhừng lúc thơ anh thật nhất sau một tiệc
rượu vừa vơi? (Thơ viết cho bà xã ngày sinh nhật, Tự sự, Điều muốn nói với
con)…
Cũng có một người con gái
Người đời gọi là vợ ta
Theo nhau khi còn áo rách
Bao năm chưa kín đôi tà.
(Bài hành tuổi bốn mươi)
Đọc bài thơ “Uống rượu trước biển”
của anh giữa bốn bề mênh mông sóng biển, sự hiu quạnh đến ghê người làm ta có cảm
giác nỗi buồn vạn cổ không có gì có thể khỏa lấp được, đôi lúc tôi chợt thấy có cảm tưởng như đang đọc
thơ của Thâm Tâm:
Người đi? Ừ
nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...
(Tống biệt hành)
Hay trong nỗi buồn xa xứ của Nguyễn Bính:
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc,
Ly tán vì cơn gió bụi này.
Ngươi đi buồn lắm mà không khóc,
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.
Ly tán vì cơn gió bụi này.
Ngươi đi buồn lắm mà không khóc,
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.
(Phương Nam hành)
Ban đầu tôi nghĩ tập thơ có lẽ viết
trong một khoảng thời gian khá dài ít nhất cũng là 10 năm vì trong tập thơ có
hai bài thơ đánh dấu thời gian ra đời của nó: Bài hành tuổi bốn mươi(trang 13)
và Bài hành tuổi năm mươi(trang 122) nhưng đọc trên facebook của anh mới biết đó
là những bài thơ anh viết rải rác mấy mươi năm sau 1975, có lẽ anh đã chọn lọc
những bài thơ ưng ý của mình vào tập thơ. Trong số 63 bài thơ đã gần phân nửa
là những bài mang men say của một chàng lãng tử và trong những bài thơ còn lại
ai có thể khẳng định rằng anh không làm thơ trong niềm vui hay nỗi cô độc của một
tiệc rượu đã tàn?
Mặc dù anh khiêm tốn như
anh tự đáng giá trong Bài hành tuổi năm mươi:
Thơ vài bài đọc được
Văn mấy chương cũng suông
Đói bụng lục cơm nguội
Cao hứng… xự xang xề.
Nhưng anh lại là con
người đa tài, đa năng. Anh làm thơ, viết truyện, soạn nhạc, viết vọng cổ ở lãnh
vực nào anh đều có những đóng góp và thành tich đáng kể. Tôi nghĩ “CHÚT LÃNG
MẠN ĐỒNG BẰNG” đã góp thêm vào vườn hoa của miền châu thổ đồng bằng một bông
hoa đầy màu sắc và còn tỏa hương dài lâu.
Bên bờ sông Hậu, cuối tháng 9/2015
Nguyễn An Bình
.............................................................................
*Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12 năm 2014
No comments:
Post a Comment