Chế Lan Viên |
Trong số những nhà thơ nổi tiếng hàng đầu
của nền thơ hiện đại Việt Nam, Chế Lan Viên là một hiện tượng đặc biệt, một tài
thơ xuất chúng đồng hành dài lâu với thời gian và công chúng yêu văn học. Ông
nổi tiếng rất sớm, từ độ hoa niên và nỗ lực hết mình trong cuộc chạy đường
trường cách tân thơ cho đến những năm tháng cuối đời mình với một nội lực văn
chương đáng kính. Sau khi ông đã qua đời, "Di cảo thơ" của Chế Lan
Viên vẫn khiến mọi người kinh ngạc và khâm phục. Ông đã mở rông biên độ cảm xúc, phóng hoạt trong tư duy thơ và dân chủ hóa trong hình thức thể hiện.
Trong
di cảo thơ, bạn đọc cảm nhận một Chế Lan Viên mới mẻ hơn trong tư duy và cảm luận
về dân tộc. Vẫn một Chế Lan Viên nghĩ nhiều, luôn triết luận và trăn trở. Bài
thơ này gợi ta nhớ đến một thi phẩm lừng danh của ông trước đó "Tổ quốc
bao giờ đẹp thế này chăng". Nhưng nếu trong bài thơ của những ngày vệ quốc
khói lửa cảm hứng chủ đạo là sử thi anh hùng ca với giọng thơ hào sảng thì
trong di cảo dân tộc hiện ra trong một suy tư lắng lại, chiêm nghiệm từ góc
nhìn đời thường và dân dã hơn:
Dân tộc bốn ngàn năm bị cái dạ dày làm
khổ
Buôn đầu chợ , bán cuối chợ
Khổ
trên sông và khổ bên sông
Lụt sông Thương, sông Mã, sông Hồng ...
Bo bo hạt gạo bằng trời của mình
Tấm mẵn của mình
Vơ
bèo vạt tép mà tồn tại
Do đó phải nhờ Bụt, nhờ Trờ, nhờ Chúa,
nhờ Nàng Tiên cứu rỗi.
Khi sống ăn cơm
Chết nhờ húp cháo lá đa mà tồn tại
Cảm
hứng dân tộc ở đây được khởi đầu từ miếng ăn, cái đói, một chuyện thiết thân và
giản dị nhưng rất đỗi lớn lao mà nhiều khi vì nạn xâm lăng, giặc giã hoặc vì
những mục tiêu cao xa nào đó mà chúng ta buộc phải quên đi hoặc buộc phải bỏ
qua cho dù bao người không muốn thế. Sau chuyện ăn là văn hóa dân tộc. Giữ được
hồn vía cha ông là giữ được chính mình. Giữ nước trong khi thế nước chênh vênh
thật là điều nan giải nhưng không thể không làm:
Dân tộc quá nhiều kẻ thù
Nên
phải làm lành
Dân tộc Thiền tông
Hết
giặc rồi, đổ căm thù xuống bể, xuống sông
Cũng với tư duy chính luận, nhà thơ nói
lại những điều có thể mình đã nói bằng cách nghĩ lại những điều mình đã nghĩ:
Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!
Đả
đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Kiên
quyết! Kiên quyết! Kiên quyết!
Thành công! Thành công! Thành công!
Tại sao lại phải ba lần ?
Chúng ta bỗng dưng thành vẹt!
Nếu
một lần thì sao?
Nếu
hai lần, tôi muốn dừng suy nghĩ
Hoặc có thể tôi không hô lần nào
Mà tôi ủng hộ đến hồng cầu sau chót của
tôi
Thế nhưng hoan hô thì phải là nắm tay và hô đến ba lần
Đả
đảo cũng như thế nốt
Ai
bày ra trước ?
Luật
nào ?
Thế nhưng hễ hoan hô thì ba lần ta phải hoan
hô
Người người làm như vậy
Cứ mỗi ngày như thế
Mà ý các câu thơ mòn dần
Mà ta không thấy lộc cây ra tán lá
Mà
ta với hồn thơ thành xa lạ
Dần dần ...
(Ba lần)
Ông nêu lên một niêm luật của đời sống
xã hội bất thành văn, từ đó mong được độc lập trong tư duy và hành động cho mỗi
cá thể con người. Đó chính là quá trình tự ý thức của mỗi cá nhân, nhất là đối
với những ai được mệnh danh là trí thức. Đó cũng chính là quá trình đi lên của
xã hội, dân chủ hóa trong tư duy và đương nhiên cả dân chủ hóa trong thơ. Điều
này được thể hiện rõ nét trong di cảo thơ Chế Lan Viên.
Nhìn nhận lại những điều mình hoặc cộng
đồng đã nghĩ, mở rộng đề tài và hình thức thể hiện, thoải mái trong liên tưởng
và cách dùng từ, chơi chữ và đưa nhiều danh từ khoa học, khẩu ngữ, đưa đối
thoại, tranh biện vào thơ, cố gắng phản chiếu tính phức tạp và vô cùng của vạn vật qua lăng kính nhà thơ bằng lối tư
duy và cách viết độc đáo, đó chính là nét mới của di cảo thơ. Bài thơ
"Ngày của Chúa" cũng là một sáng tác tiêu biểu của di cảo thơ:
Người ta bảo Chúa sáng tạo vạn vật trong
sáu ngày
Và Chủ nhật thì Chúa nghỉ
Bậy
nào! Chủ nhật là ngày chúng ta bận rộn nhất
Thế thì hình ảnh của chúng ta là Chúa đấy,
Người có rảnh rang đâu
Ngày
ấy Chúa phủ định những gì làm được trong trong sáu ngày qua
Cách
phủ định tốt nhất là đẻ ra Thời gian
Thời
gian sẽ giết chết tất cả những gì Người sinh trưởng
Cũng có thuyết ngày ấy Người tiếp tục sáng
tạo
Đã là Chúa có bao giờ được nghỉ
Những ngày ấy Người tạo ra các điều vô ích
Tạo ra bóng người, mùi hương, tiếng vang,
kỷ niệm...
Tạo ra
ảo ảnh, phù vân, ngựa vằn, đốm trên mình nai, vằn trên lưng hổ ...
Chúa tạo ra ngày, ra đêm
... Là
tạo ra ngày ấy đấy
Qủy
tha ma bắt hết đi
Vì chính
những cái ấy làm cho ta khổ.
Thơ trong di cảo đầy ắp những tư tưởng,
chân lý và không thiếu những nghịch lý, tất nhiên theo lối thơ của Chế Lan Viên.
Chẳng hạn như chân lý đời sống thống nhất với chân lý nghệ thuật nhưng tuy một
mà hai, chưa kể đến những điều mới mẻ, xa lạ, thậm chí bất khả tri, bất khả
giải trước hiểu biết vô cùng hữu hạn của con người. "Sao Kim" và
nhiều bài thơ khác đã bàn đến điều này. Dĩ
nhiên hạt nhân vẫn chuyện thế thái nhân tình.
Di
cảo thơ Chế Lan Viên còn nhiều điều phải tim hiểu, luận bàn vì sự hiện đại, mới
mẻ, độc đáo và thú vị. Hy vọng sẽ được tiếp tục điều này vào một dịp khác.
PHẠM XUÂN DŨNG
No comments:
Post a Comment